Thứ bảy 25 Tháng Giêng 2014
Cách đây mười sáu thế kỷ,
Kwanggaeto Đại đế ngự trị trên một vương quốc trải dài từ phía Nam Seoul cho
đến đất Mãn Châu của Trung Quốc hiện nay. Nhưng ngày nay vương quốc này, viên
ngọc quý của triều đại Koguryo, là chủ đề của một cuộc tranh cãi lịch sử lặng
lẽ nhưng gay gắt với Trung Quốc.
Từ đầu này tới đầu kia bán đảo
Triều Tiên bị chia cắt, vị vua từng thắng nhiều cuộc chiến và được ca tụng như
một anh hùng dân tộc. Những mưu toan của Trung Hoa nhằm sáp nhập vương quốc
Koguryo vào lịch sử nước mình đã gây phẫn nộ cho các nước láng giềng.
Một trong những cố đô của vương
quốc cổ xưa Koguryo nay là Tập An (Jian), một thành phố Trung Hoa nằm bên dòng
sông Áp Lục (Yalu), con sông biên giới chia cách Trung Quốc với Bắc Triều Tiên
hiện do Kim Jong Un lãnh đạo. Nơi đây ẩn chứa nhiều kho tàng lịch sử và những
di tích văn hóa vô cùng giá trị, trong đó có một lăng tẩm của hoàng gia được
Unesco công nhận là di sản thế giới, trang trí bằng những bích họa mô tả những
màn đấu vật truyền thống và cảnh săn cọp.
Điển hình gây tranh cãi nhiều
nhất là một tấm bia cao sáu mét, với tên vua Kwanggaeto khắc vào đá hoa cương,
bằng thứ chữ Hán được sử dụng trong thời kỳ đó tại Đông Bắc Á.
Trước tấm bia, một khách du
lịch Hàn Quốc, Hwang Seon Goo khẳng định với phóng viên AFP : « Koguryo là một
phần của lịch sử Triều Tiên, chứ không phải của Trung Quốc. Nhưng chúng tôi
nghĩ rằng Trung Quốc cứ ngoan cố viết lại các sự kiện theo kiểu của họ ».
Lúc đó Zhang Ming, một người tự
xưng là du khách Trung Quốc chạy đến, nhất định muốn biết người khách Hàn Quốc
vừa nói những gì. Để đáp lại, anh ta giơ tay chỉ về phía những chữ khắc trên
tấm bia và hỏi : « Làm thế nào bia này là của Triều Tiên được khi chữ viết trên
đó là chữ Hán ? »
Quan điểm của Trung Quốc được
nêu rõ trong một bảo tàng của Tập An dành cho triều đại này : « Koguryo đang
trong tình trạng chiến tranh với Trung Hoa vào thời đó, và các quốc gia, bộ tộc
láng giềng. Tất nhiên, cuối cùng họ đã chấp nhận sự cai trị của Trung Hoa, và
lịch sử tiếp đó chủ yếu là lịch sử các nước chư hầu Trung Quốc ».
Chủ đề có vẻ nhạy cảm cho đến
nỗi phóng viên của AFP đang tham quan bảo tàng đã bị giữ lại và câu lưu một
thời gian ngắn tại đồn công an. Sau đó nhận được lệnh phải rời thành phố, có xe
công an áp tải.
Vấn đề « bản sắc dân tộc »
Đối với những người Triều Tiên
phương Bắc cũng như phương Nam, không có gì phải nghi ngờ cả : Koguryo là một
phần lịch sử của họ.Triều đại này và lịch sử vương quốc cùng tên là nguồn cảm
hứng cho văn chương bình dân. Rất nhiều tiểu thuyết và phim truyền hình nhiều
tập dành cho chủ đề này. Chẳng hạn bộ phim « Thanh gươm và cánh hoa » ra đời
trong năm nay, trong đó những tình tiết yêu đương đan xuyên với những xung đột
chính trị vào cuối triều đại.
Vương quốc Koguryo tồn tại từ
năm 37 trước Công nguyên cho đến năm 668 - năm bị bại trận trước liên minh giữa
nhà Đường (Tang) với Silla, vương quốc thù địch của bán đảo Triều Tiên. Nhưng
lãnh thổ của vương quốc này được biết dưới tên Goguryeo tại Hàn Quốc và Cao Cấu
Ly (Gaogouli) tại Trung Quốc, ngày nay được chia làm bốn Nhà nước khác nhau :
hai nước Triều Tiên, Trung Quốc và Nga.
Tranh cãi lên đến đỉnh điểm
cách đây 10 năm, khi Trung Quốc tung ra Dự án Đông Bắc, xét lại lịch sử biên
giới của nước này trong khu vực.
Phản ứng của Hàn Quốc rất dữ
dội, coi sáng kiến này là một mưu toan xuyên tạc lịch sử Triều Tiên, thậm chí
là khúc dạo đầu cho việc nuốt chửng Bắc Triều Tiên trong trường hợp chế độ Bình
Nhưỡng sụp đổ. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc dành hẳn một chương cho đề tài này trên
trang web của mình, cũng như đối với cuộc tranh chấp với Nhật Bản về đảo Dokdo
- bị Tokyo đòi hỏi chủ quyền và gọi là Takeshima.
Trên trang mạng này có thể đọc
thấy rằng Seoul « coi những vấn đề liên quan đến lịch sử Goguryeo là thuộc phạm
trù bản sắc dân tộc, và vì thế được nâng lên thành một trong những ưu tiên hàng
đầu ».
Năm 2006, cựu Tổng thống Hàn
Quốc Roh Moo Hyun đã nêu vấn đề này với Thủ tướng Trung Quốc thời đó là ông Ôn
Gia Bảo và sau đó Seoul tiếp tục theo dõi chặt chẽ « những trường hợp xuyên tạc
lịch sử mới ».
Adam Cathcart, giáo sư môn lịch
sử Trung Quốc của trường đại học Anh ở Leeds nhận xét : « Khi bạn nhìn đến lịch
sử giữa Trung Quốc với Bắc Triều Tiên hay với Hàn Quốc, bạn sẽ nhận ra đó là
một trở ngại, một đề tài dễ kích động, mà tất cả các bên đều cảnh giác ».
Quốc vương Kwanggaeto trị vì từ
năm 391 đến năm 413, được biết tại Trung Quốc dưới cái tên Hảo Thái Vương
(Haotaiwang). Được viết là Gwanggaeto tại Hàn Quốc, đây là cái tên được đặt cho
một lớp chiến hạm. Còn tại Bắc Triều Tiên, với chế độ dựa trên chủ thuyết «
tiên quân », giá trị chiến tranh của Koguryo là « một mẫu mực lịch sử » - ông
Cathcart, chuyên gia về quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Đối với ông, không có gì nghi
ngờ là lãnh tụ trẻ tuổi Kim Jong Un của Bắc Triều Tiên, người vừa xử tử ông chú
dượng Jang Song Thaek, cũng mơ đứng chụp ảnh bên cạnh tấm bia ở Tập An, phục vụ
cho nhu cầu tuyên truyền.
No comments:
Post a Comment