Sunday, 26 January 2014

NUÔI CÁC THÁI TỬ ĐỎ ĐỂ DỄ ĐẦU TƯ VÀO TRUNG QUỐC (Tú Anh - RFI)




Tú Anh   -  RFI
Thứ bảy 25 Tháng Giêng 2014

Tài liệu mật Chinaleaks về tiền tham nhũng của thế hệ « con ông cháu cha » tại Trung Quốc tiếp tục được báo Le Monde tiết lộ. Trong khi đó, thông tin và bình luận về phong trào tranh đấu chống độc tài tại Ukraina cũng như lò lửa Syria chiếm toàn bộ trang nhất của báo chí Pháp hôm nay, 25/01/02014.

Giới lãnh đạo Trung Quốc từ ngày Đặng Tiểu Bình mở cửa đến nay đã áp dụng một cách triệt để phương châm tham nhũng « hy sinh đời bố, củng cố đời con ». Nhờ khai thác tâm lý hám lợi này của con cháu Mao Trạch Đông, một số ngân hàng Mỹ và Thụy Sĩ ăn nên làm ra tại Hoa lục. Hai bên móc ngoặc với nhau như thế nào ?

Nhật báo Le Monde giải thích : Nhiều ngân hàng lớn của Mỹ và Thụy sĩ đang bị bỏng tay vì hối lộ cho các hoàng tử đỏ. Các cơ quan điều tra của Mỹ đã nhập cuộc. Cảnh sát Thụy sĩ cũng chuẩn bị sau khi vụ tai tiếng « China Leaks » được công bố trên nhiều nhật báo lớn của Hồng Kông, Đài Loan, Pháp, Anh. Từ gia đình cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo đến chủ tịch Tập Cận Bình đều nhận tiền đút lót hàng trăm triệu đô la qua nhiều hình thức. Đó là chiếc chìa khóa bắt buộc nếu muốn làm ăn lớn với Trung Quốc.

Trong bài « Bí ẩn thành công của ngân hàng Thụy Sĩ tại Trung Quốc » nhật báo độc lập Le Monde đặt câu hỏi : Có phương thức nào thu hút được ân sủng của giới lãnh đạo Trung Quốc hiệu quả hơn cách giúp cho con cái của họ được giàu lên ? Đó là « cánh cửa phải đi qua nếu muốn xâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Trong số các ngân hàng Tây phương, hai ngân hàng Thụy sĩ là Crédit Suisse chi nhánh Hồng Kông, ngân hàng UBS và JP Morgan của Mỹ đều là cao thủ.

Khoảng 2,5 triệu hồ sơ từ hai công ty chuyên làm dịch vụ chuyển ngân sang các thiên đàng thuế khóa, được ghi vào đĩa cứng và được một kẻ ẩn danh cung cấp cho nhóm phóng viên điều tra ICIJ là bằng chứng không thể chối cãi được. Do vậy, Crédit Suise buộc phải thú nhận từ 15 năm nay, ngân hàng Thụy Sĩ này đã thiết lập quan hệ mật thiết với gia đình cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo, từ lúc ông còn đang ở giai đọan chuẩn bị làm Thủ tướng.

Hai đứa con của ông là Ôn Vân Tùng và Ôn Như Xuân đã lợi dụng uy quyền của cha như thế nào, rồi tẩu tán tài sản bất chính ra sao. Vì ở Trung Quốc, thành lập công ty ở hải ngoại là chuyện bất chính, chuyển ngân 50 ngàn đôla thôi cũng phải có giấy phép đặc biệt.

Cách thường sử dụng nhất là giả mạo giá hàng nhập khẩu và xuất khẩu. Chỉ trong năm 2010, theo thú nhận của chính phủ Trung Quốc, hơn 6,1 tỷ đô la đã rời Hoa lục chạy sang các thiên đàng thuế ở đảo Virgin của Anh, đảo Caimans, Luxembourg, Thụy Sĩ. Trong số 22 ngàn người Hoa trong danh sách có chương mục tại các thiên đường thuế có con trai và con gái của cựu Thủ tướng Ôn Gia Bão. Chính Ngân hàng Crédit Suisse từ năm 2006 đã mở công ty bình phong cho Ôn Vân Tùng.

Con cháu các quan chức cao cấp Trung Quốc, cũng như Ôn Vân Tùng, được gọi là các hoàng tử đỏ, đóng vai trò then chốt trong mạng lưới tham ô đang làm lũng đoạn đảng cộng sản Trung Quốc. Các ngân hàng lớn trên thế giới tuyển dụng các hoàng tử này để có thể an toàn làm ăn trong chế độ Hoa lục. Ôn Vân Tùng từng được ngân hàng JP Morgan trả thù lao 75.000 đôla mỗi tháng trong vòng hai năm với tư cách « tư vấn ».

Từ năm 1999 đến năm 2001, cô con gái Ôn Gia Bảo tên Ôn Như Xuân, dưới biệt danh Lily Chang, được Crédit Suise thu dụng. Do vậy, không phải là chuyện ngẫu nhiên mà ngân hàng Thụy Sĩ này đứng đầu thị trường tài chính Trung Quốc, quản lý một khối tiền khổng lồ 24 tỷ đôla tính đến ngày 18/06/2013. Tài sản của gia đình họ Ôn cũng rất dồi dào khoảng 2,7 tỷ đôla.

Tuy nhiên theo Le Monde , lối làm ăn « móc ngoặc đôi bên cùng có lợi » cũng có phần rủi ro. Năm 2013, ngân hàng JP Morgan bị phỏng tay vì cơ quan kiểm tra thị trường chứng khoán Mỹ vào cuộc và nghi ngờ có tham ô. Từ khi tai tiếng China Leaks nổ ra, thoạt đầu giới ngân hàng Thụy Sĩ tránh né, nhưng khi các phóng viên điều tra đưa bằng cớ thì họ phải tuyên bố miễn bình luận nhưng cảnh sát Thụy Sĩ cho biết sẽ nhập cuộc.

Le Monde còn kể ra tên tuổi của nhiều gia đình lãnh đạo khác như con gái của Uông Dương, nguyên bí thư Quảng Châu, người có tiếng cải cách, được ngân hàng Đức Deutsche Bank tuyển dụng. Con gái của Hàn Chính, lúc cha làm thị trưởng Thượng Hải, con rễ của Ngô Bang Quốc, nhân vật số hai của đảng Cộng sản đều là nhân viên của các ngân hàng quốc tế nổi tiếng.

Ngân hàng là nơi thu hút đông đảo con ông cháu cha ở Trung Quốc nhưng không phải là lãnh vực độc quyền. Jeffrey Li, con gái của Lý Nhụy Hoàn, ủy viên bộ chính trị từng điều khiển công ty dược phẩm Novartis trong năm năm từ 2004 đến 2009. Các tập đoàn nhà nước muốn được niêm yết trên sàn giao dịch cũng phải nhờ các thái tử, hoàng tử đỏ.



No comments:

Post a Comment

View My Stats