Tuesday, 14 January 2014

QUAN HỆ MỸ - TRUNG GẶP THÊM SÓNG GIÓ VÌ VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG (RFI)




Thanh Phương  -  RFI
Thứ hai 13 Tháng Giêng 2014

Những quy định mới của chính quyền tỉnh Hải Nam về đánh cá trên Biển Đông không chỉ đã bị các nước trong khu vực Châu Á, Philippines, Việt Nam, Nhật Bản phản đối, mà những quy định này còn gây thêm sóng gió trong quan hệ giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc.

Ngày 10/01, Philippines đã yêu cầu phía Trung Quốc làm rõ ngay lập tức những quy định mới về đánh cá mà chính quyền tỉnh Hải Nam thông qua từ tháng 11 năm ngoái và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014. Đối với Manila, các quy định đó là một sự « vi phạm thô bạo » công pháp quốc tế, làm gia tăng căng thẳng, làm phức tạp thêm tình hình trên Biển Đông, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực. 

Về phần Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị hôm thứ Sáu tuần trước cũng đã phản đối quy định mới của Trung Quốc về đánh cá trên Biển Đông, xem các quy định này là « bất hợp pháp và vô giá trị, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) ». 

Về phần Nhật Bản, tuy không có quan hệ trực tiếp đến tranh chấp chủ quyền Biển Đông, hôm qua cũng đã lên tiếng phản đối những quy định mới của Trung Quốc về đánh cá trên Biển Đông xem đó không phải là « điều được quốc tế chấp nhận ». 

Nhưng đáng chú ý nhất là phản ứng cứng rắn khá bất thường của Hoa Kỳ. Ngày thứ Năm tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki đã lên án những quy định mới của Trung Quốc về đánh cá trên Biển Đông, xem đó là một hành động « mang tính khiêu khích và nguy hiểm tiềm tàng ». Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng phía Trung Quốc vẫn không đưa ra một lời giải thích hoặc một cơ sở pháp lý quốc tế nào cho những khẳng định chủ quyền của họ trên phần lớn vùng Biển Đông. Bà Psaki nhắc lại lập trường của Washington là « tất cả các bên có liên quan cần tránh mọi hành động đơn phương gây thêm căng thẳng, gây phương hại đến khả năng giải quyết các bất đồng qua con đường ngoại giao hoặc một cách hòa bình ». 

Nhưng phản ứng của Bắc Kinh cũng mạnh mẽ không kém. Hôm thứ sáu tuần truớc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh tuyên bố Trung Quốc « bất bình và phản đối » lời chỉ trích của Mỹ, mà bà xem là « có dụng ý xấu ».  

Trước cuộc đấu khẩu giữa phát ngôn viên Bộ Ngoại giao hai nước, quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh đã phần nào căng thẳng thêm do việc Trung Quốc ngày 23/11 năm ngoái loan báo thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên vùng biển Hoa Đông. Một tuần sau đó, chính quyền Obama ra lệnh cho hai chiếc oanh tạc cơ B-52 (không có trang bị vũ khí) bay vào vùng phòng không đó mà không thèm báo trước cho Bắc Kinh. 

Thậm chí hai bên đã suýt đụng độ nhau trên biển : Ngày 05/12 năm ngoái, chiếc tuần dương hạm USS Cowpens đã phải bẻ lái tránh một chiến hạm tháp tùng hàng không mẫu hạm Liêu Ninh đang cản đường trên Biển Đông. Có thể xem đó là một sự kiện mang tính biểu tượng : Trung Quốc thách thức Hoa Kỳ tại khu vực mà trong một thời gian dài vẫn nằm dưới ảnh hưởng của Mỹ. 

Khi đưa ra những quy định về đánh cá nói trên, Bắc Kinh càng đụng chạm đến « quyền lợi cốt lõi » của Mỹ ở Biển Đông, khu vực mà Washington vẫn chủ trương là phải bảo đảm tự do lưu thông hàng hải và vẫn kêu gọi Trung Quốc cùng với các nước ASEAN thiết lập một bộ quy tắc ứng xử đề ngăn ngừa xung đột.




No comments:

Post a Comment

View My Stats