Lê Phan
Friday, January 10, 2014 8:27:21 PM
Chỉ chưa đầy một tháng sau khi đột ngột tuyên bố một vùng nhận diện phòng không trên hầu hết biển Hoa Ðông, bắt đầu từ 1 tháng 1 năm 2014, Bắc Kinh, qua một số các “biện pháp” được Hội Ðồng Nhân Dân tỉnh Hải Nam thông qua, đã ra lệnh cho tất cả các ngư thuyền ngoại quốc phải xin giấy phép trước khi đánh cá hay khảo sát trong khu vực mà họ gọi là hải phận của họ ở Biển Ðông.
Khác với khu vực phòng không mà tên tiếng Anh thường
gọi tắt là ADIZ, được chính thức thông báo bởi chính quyền Bắc Kinh, luật lệ
mới này là do chính quyền tỉnh Hải Nam đưa ra hôm cuối tháng 11. Nhưng nếu một
số các nhà bình luận Tây phương muốn coi đó là một cách để Bắc Kinh có thể chối
nếu phản ứng chống lại quá mạnh thì ngay lập tức hôm 9 tháng 1, Phát ngôn nhân
Hoa Xuân Oánh của bộ ngoại giao đã xác nhận “quyền” của Trung Quốc để bảo vệ
nguồn tài nguyên hải dương “trong vùng lãnh hải của mình.”
Theo các điều lệ mới này thì tất cả những tàu thuyền
đánh cá ngoại quốc đi qua khu vực quản trị của tỉnh Hải Nam trong vùng biển mà
Bắc Kinh gọi là biển Hoa Nam, phải có sự chấp thuận của nhà chức trách Trung
Quốc. Báo chí nhà nước nói các “biện pháp” mới này là để thực hiện chính sách
nhằm áp đặt luật ngư nghiệp của họ. Luật này nói là bất cứ tàu bè nào vi phạm
các luật lệ này sẽ bị đuổi ra khỏi khu vực, số ngư sản bắt bị tịch thu, các
dụng cụ đánh cá cũng bị tịch thu luôn, và có thể bị phạt vạ đến 82,600 đô la,
thuyền của họ cũng có thể bị tịch thu và ngư dân có thể bị đem ra xử theo luật
của Trung Quốc.
Nói cách khác, Bắc Kinh đang đòi ngư thuyền và ngư
dân ngoại quốc phải tuân thủ luật lệ mà trước kia họ áp dụng cho lãnh hải của
họ tức là một khu vực chỉ bao gồm có 12 hải lý tính từ điểm gốc trên bờ. Khu
vực mà đảo Hải Nam nhận là “lãnh hải” của họ bao gồm một vùng mà phóng viên
Christopher Bodeen của Thông tấn xã AP dự đoán khoảng 1.35 triệu dặm vuông, tức
là chiếm khoảng hai phần ba Biển Ðông, nhưng nhỏ hơn là đường chín đoạn hay
đường lưỡi bò. Như nhà bình luận James R. Holmes của The Diplomat đã chỉ ra,
đây là một diện tích khổng lồ, gấp năm lần tiểu bang Texas.
Ngay lập tức đã có phản ứng. Quốc gia đầu tiên chính
thức bác bỏ luật lệ mới này của Trung Quốc không ai khác chính là đảo quốc Ðài
Loan mà Bắc Kinh vốn vẫn coi là đất phản loạn cần phải lấy lại ngay cả nếu cần
phải dùng vũ lực. Phát ngôn nhân bộ ngoại giao Ðài Loan Anna Kao tuyên bố là
Ðài Loan không công nhận luật lệ mới của Bắc kinh trong biển Ðông. Phát ngôn
nhân còn khẳng định thêm là bốn quần đảo của Biển Hoa Nam là một phần của “lãnh
thổ” của Trung Hoa Dân Quốc dựa trên lịch sử, địa lý và công pháp quốc tế. Bản
tin của Thông tấn xã Kyodo còn thêm là bà Kao yêu cầu các quốc gia có tranh
chấp chủ quyền tuân thủ tinh thần của công pháp quốc tế và đừng có những hành
động phá hoại hòa bình và ổn định trong vùng.
Phản ứng thứ nhì là từ Philippines. Trong khi Bộ
Ngoại Giao nói là còn chờ tòa đại sứ ở Bắc Kinh hỏi lại cho rõ Trung Quốc muốn
gì, Bộ Quốc Phòng Philippines khẳng định là sẽ bảo vệ quyền lợi của ngư dân của
mình trong khu vực 200 hải lý thuộc độc quyền khai thác kinh tế của mình. Vùng
này sẽ đụng vào khu vực mà Trung Quốc nói là của họ.
Cho đến khi chúng tôi viết bài này thì phản ứng duy
nhất từ Việt Nam là từ Hội Nghề Cá khi ông Võ Văn Trác, phó chủ tịch hộ, khẳng
định với đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA là ngư dân của họ sẽ vẫn tiếp tục đi đánh cá
xa bờ trong vùng mà ông ta nói là thuộc chủ quyền Việt Nam.
Ở Washington, Bộ Ngoại Giao tuyên bố là những luật
lệ mới này của Trung Quốc là “khiêu khích và có tiềm năng nguy hiểm.”
Ai cũng hiểu âm mưu của Bắc Kinh đằng sau chính sách
mà một nhà bình luận của tờ The Diplomat gọi là “chính sách cây gậy nhỏ,” sử
dụng hành động trị an của “cảnh sát” để vượt qua được các biện pháp quân sự của
các quốc gia Ðông Nam Á. Họ đã nghĩ là tại sao không chứng minh chủ quyền và
kiểm soát vùng biển tranh chấp này với những con tàu tương đối không phải là
chiến hạm, loại tầu mà họ gọi là hải giám trong khi hải quân của giải phóng
quân ngồi chực ở xa chờ cơ hội can thiệp. Lý luận theo kiểu này có nghĩa là Bắc
Kinh cứ húc thêm mà không ai đẩy là họ đã tạo thêm được hiện trạng mới.
Việc lập ADIZ trên biển Hoa Ðông theo sự tính toán
của Bắc Kinh như vậy đã thành công vì nay, ngoại trừ Nhật Bản, tất cả phi cơ
dân sự của các quốc gia khác, kể cả Hoa Kỳ, đã “công nhận” chủ quyền của họ khi
đi qua bầu trời này vì đã phải thông báo trước cho họ. Vậy thì nay tại sao
không áp dụng cho vùng biển.
Khổ một nỗi Biển Ðông là một vùng rộng lớn để “tuần
tra.” Liệu Bắc Kinh có đủ “cánh sát biển” để kiểm soat một khu vực khổng lồ như
vậy hay không. Thành ra cố gắng áp đặt cái gọi là luật này sẽ tùy tiện, và
không đồng đều. Sự việc đó sẽ được các ngư dân của Việt Nam, Philippines và Ðài
Loan ngay lập tức để ý và lợi dụng. Họ sẽ không tuân thủ “lệnh” của Bắc Kinh.
Một là vì họ biết là Bắc Kinh không làm sao thực sự cai quản được vùng biển
mênh mông đó. Hơn thế, nói như ông phó chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, ngư dân
chỉ có mỗi một nghề đánh cá, không đánh cá thì lấy gì sống?
Trong hoàn cảnh đó tuy chính phủ có thể nể nang
không dám chính thức lên tiếng nhưng ngư dân cũng cứ tiếp tục hành nghề. Ðiều
này có nghĩa là không một chính phủ Ðông Nam Á nào, mà hơn thế, không một quốc
gia nào muốn có ổn định hàng hải có thể chấp nhận, điều mà Bắc Kinh đòi hỏi.
Câu hỏi đặt ra là nếu Trung Quốc ra lệnh mà không ai tuân thủ thì sao?
Trong khi đó một số hành động khác của Trung Quốc
cho thấy là họ đang ngày càng có những phiêu lưu mạo hiểm. Cũng trong tháng
rồi, Hoa Kỳ đã phản ứng giận dữ khi một tàu há mồm của hải quân Trung Quốc đi
đến ngay trước mũi của tuần dương hạm USS Cowpens rồi ngừng lại chỉ cách chiến
hạm Hoa Kỳ có 100m. Bộ Trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel của Hoa Kỳ đã gọi hành
động cố gắng cản đường chiến hạm Hoa Kỳ là “vô trách nhiệm” và nói là vụ này dễ
dàng có thể mở màn cho một sự đối đầu quân sự lớn hơn.
Có thể Bắc Kinh nghĩ là chính sách như vậy là khôn
ngoan vì đây là một bước nữa trong việc khẳng định “chủ quyền” trên một vùng
biển mà thực sự họ không thể nào đòi chủ quyền được. Không một cường quốc nào,
ngay cả Anh Quốc thời còn “cai trị làn sóng đại dương” cũng không thể nào áp
đặt luật lệ trong nội hải trên đại dương. Và cũng không một quốc gia nào có thể
chấp thuận mất đi quyền lợi trên vùng biển nhà của mình.
Hành động lấn chiếm này của Bắc Kinh đang càng ngày
càng đi quá xa khiến cho việc tạo ra một phản ứng võ lực từ các quốc gia lân
bang rất dễ xảy ra. Mà nếu chuyện này xảy ra càng sớm thì Bắc Kinh càng bất lợi
bởi giờ đây lực lượng của họ chưa đủ sức để đối chọi với Hoa Kỳ chứ đừng nói
đến Hoa Kỳ và các đồng minh của mình.
Năm nay là năm kỷ niệm 100 năm Ðệ Nhất Thế Chiến.
Người Âu Châu còn nhớ tham vọng của một ông vua và một quốc gia độc tài đã lần
đầu tiên đưa nhân loại vào một cuộc thế chiến. Phải chăng các lãnh tụ Trung
Quốc muốn đi theo vết xe đổ của Hoàng đế Wilheim II của Phổ?
No comments:
Post a Comment