Nguyễn Văn Thạnh
Tác giả gửi tới Dân Luận
Thứ
Sáu, 17/01/2014
Thế giới động vật là chương trình yêu thích của tôi. Tôi
nhớ có xem một chương trình nói về luyện thú.
Một con sư tử đực hùng dũng bị sập bẫy. Chiếc bẫy là một
cái chuồng làm bằng những thanh sắt, bên trong có để thịt tươi. Mùi thịt hấp
dẫn chú sư tử vào ăn và thế là “dính chấu”. Là một chúa sơn lâm nhưng cũng bất
lực khi rơi vào bẫy. Tiếng gầm vang trời của nó cũng không làm được gì. Một
nhóm người khiêng nó về. Ban đầu họ bỏ đói cho nó kiệt sức, bớt hung hăn. Sau
đó, người ta tiến hành luyện nó. Chỉ dùng hai công cụ là thức ăn (cho ăn hoặc
bỏ đói) và đòn roi, sau một thời gian gã sư tử hùng dũng, chúa sơn lâm ngày nào
giờ phải ngoan ngoãn nghe theo chiếc roi vun vút của người huấn luyện.
Trải qua những
tháng ngày vừa qua, tôi thấy rằng, số phận người VN chúng ta có
phần giống số phận con sư tử trên. Con thú sập bẫy bởi miếng mồi, con người
cũng vậy.
Bi kịch của dân Việt Nam hiện nay, có thể xem như bắt đầu
từ những ngày mùa thu của năm 1945:
từ một nước nô lệ, dân tình đói kém, có đến 2 triệu người chết vì đói. Cả dân
tộc kiệt sức. Những tiếng gọi độc lập, tự do, người cày có ruộng như là làn
nước mát tưới lên tâm hồn của một dân tộc đang kiệt sức, đang rệu rã này. Dưới
mắt tôi, những giá trị cao đẹp đó rất đáng để tranh đấu nhưng trong hoàn cảnh
ngày đó, nó như một “miếng mồi” đưa dân tộc Việt Nam sập một chiếc bẫy
có tên Chủ Nghĩa Cộng Sản. Cho đến giờ, ai cũng thấy đây là một chủ nghĩa toàn
trị đầy tai họa nhưng rất khó để thoát ra. Nó như một chiếc bẫy khổng lồ, vô
hình được giăng ra, nhốt 90 triệu con người vào thực trạng đói nghèo, dẫm đạp lên
nhau, lừa dối nhau để sống.
Như con sư tử dũng mãnh giữa thảo nguyên, dân tộc Việt
Nam cũng có lịch sử ngàn năm anh dũng chống xâm lăng, ở bên một nước lớn, luôn
mộng bành trướng nhưng người Việt vẫn giữ được giang sơn, bờ cõi. Khí phách dân
tộc này không phải thường.
Như con sử tử cũng cần miếng ăn, người Việt năm 1945 cũng
mơ tưởng đến những sinh kế. Trong không khí thiểu não của nạn đói, ba tiếng
“người cày có ruộng” vang lên trong họ không khác gì tiếng vọng của mâm cao cỗ
đầy. (Tôi đồng ý là, động lực cho cuộc cách mạng 1945 có giá trị của lý tưởng
độc lập, tự do thúc đẩy, nhưng tôi thấy động lực to lớn của cuộc cách mạng là ở
lớp bần nông. Trong bao nhiêu tư tưởng cách mạng chỉ có chủ nghĩa cộng sản là
được ủng hộ. Vì sao vậy? Ngay cả sách lịch sử cũng có nói, cuộc CCRĐ làm cho
người nông dân phấn khởi mà góp sức người, sức của cho chiến thắng quyết định
Điện Biên Phủ).
Chính mơ ước về những mảnh đất được chính quyền cho không
(tất nhiên, để cho không thì phải nổi dậy giết địa chủ) mà dân nghèo miền Bắc
sập bẫy toàn trị. Với lý luận sở hữu toàn dân, người nông dân chỉ là kẻ làm tô
cho ông chủ mới là nhà nước. Chính quyền có thể thu hồi ruộng đất bất kỳ ai mà
họ cho rằng chống lại họ.
Niềm vui ngắn chẳng tày gan như chú sư tử ăn xong miếng
thịt sống, người dân VN (nhất là miền Bắc) mới thấy được hoàn cảnh của mình.
Tôi không phủ nhận tinh thần yêu nước của hàng triệu thanh niên miền Bắc vượt Trường Sơn chống Mỹ, rồi chịu thảm cảnh sinh Bắc tử Nam nhưng tôi thấy lấp ló sau lý tưởng cao đẹp đó là sự tàn độc của một hệ thống toàn trị. Người dân bị chọc mù mắt, bị bịt tai và man rợ hơn là nắm lấy dạ dày. Hẳn ai cũng biết thảm cảnh một thanh niên nếu từ chối tham gia đi lính? Không chỉ bản thân tù tội mà là cả nhà chết đói: ruộng đất bị thu hồi, không cấp giấy đi lại, mang thân làm mướn cũng không ai mướn,…
Trí thức, gia sản lớn, công lớn như luật sư Nguyễn Mạnh
Tường mà cũng còn thê thảm huống chi dân nghèo.
Tôi thấy đồng bào miền Bắc những năm đó, không khác gì
chú sư tử trên khi bị chiếc roi da vun vút trên đầu với chiếc bụng xẹp lép vì
đói. Dũng khí như chúa sơn lâm cũng phải tiêu tan.
Trải qua thời gian “luyện”, chúa sơn lâm ngày nào trở nên
rất ngoan ngoãn: bảo đứng là đứng, bảo đi là đi, bảo nằm là nằm,… không một
chút phản kháng.
Người VN hiện nay, tình trạng cũng như vậy: khắp nơi nơi
đều sợ; doanh nhân sợ, trí thức sợ, công chức sợ, sinh viên sợ, chủ nhà cho
thuê trọ sợ,… Nỗi sợ lớn đến nỗi mà một người mang danh bác sĩ cứu người mà
đành lòng đuổi người ta ra khỏi nhà giữa đêm khuya đầy nguy
hiểm. Cái nhân nghĩa, cái dũng khí của một dân tộc đâu rồi?
Họ sợ là phải. Sự tàn bạo, nham hiểm của hệ thống cầm
quyền hiện nay, còn hơn sự tàn bạo của người luyện thú mà tôi thấy. Họ truy
kích đến cùng, họ làm kiệt quệ những ai lên tiếng, họ làm cho thân bị tù tội,
gia sản bị tiêu tan, họ làm cho người thân liên lụy, mệt mỏi.
Đánh bằng con đường pháp lý bẩn thỉu không được (còn gì
bẩn thiểu hơn dùng hai bao cao su đã qua sử dụng) thì họ quay sang đánh vào
sinh kế, đánh vào dạ dày: dùng trò bẩn là hù họa, làm cho công ăn việc làm bị
mất, thuê nhà ở không được, ai liên lụy thì mất việc.
Không phải vì tôi bị chính quyền làm khó mà sinh thù hằn rồi viết bậy. Tôi viết trên góc nhìn khách quan, suy ngẫm từ trải nghiệm. Các bạn có thể xem bài này để thấy tính chất bao trùm, tạo ra cái ác của hệ thống.
Xin thưa với các bạn, tôi nói trên tinh thần duy lý,
không nói quá, không mang hận thù để xổ lên đây. Tôi viết ra điều này để mọi
người nghiền ngẫm vấn đề đất nước đang mắc phải để rồi
chung tay giải quyết, hầu mang lại tự do, thịnh vượng cho tất cả mọi người,
mang lại niềm kiêu hãnh vốn có của một sắc dân có lịch sử 1.000 năm anh hùng
chứ không phải một sắc dân bệ rạc sợ hãi, thờ ơ,
đói nghèo như hiện nay. Tôi mong muốn nhiều người VN thấy được thực trạng mà
mình mắc phải để rồi chung tay giải quyết. Tôi thấy, vấn đề hiện nay người Việt
mắc phải rất to lớn và chỉ có thể tháo gỡ khi tất cả (rất nhiều) người nhận ra
vấn đề, cùng chung sức.
Tôi xin nói thêm: tình cảnh dân tộc hiện nay là rất bi
đát, rất khó khăn để tháo gỡ. Tôi mong người người thuộc tầng lớp trên, những
người đang hưởng lợi từ “chiếc bẫy” này hãy quan tâm đến hiện tình dân tộc mắc
phải mà chung tay. Con cháu chắc chắn sẽ không có tương lai khi mà chiếc bẫy bị
phá đi bởi bão lực, gươm đao thay vì trí tuệ, tình thương và trách nhiệm.
Nguyễn Văn Thạnh
Bài tiếp: Sống trong lòng khủng
bố.
-----------------------------------
LUYỆN THÚ 16-1-2014
Bài 6. Để lại gì cho con? 25-12-2013
Bài 5. Câu chuyện tôi chuyển nhà (3)
18-12-2013
Bài 5. Câu chuyện tôi chuyển nhà (2)
18-12-2013
Bài 5. Câu chuyện tôi chuyển nhà (1)
18-12-2013
Bài 4. Chúng tôi đi trình
báo 16-12-2013
Bài 3. Trao trọn niềm tin,
có nên không? 15-12-2013
Bài 2. Thông báo quí bạn
hữu. 14-12-2013
Bài 1. Họ đã đổi trắng thay
đen như thế nào? 13=-12-2013
NHỮNG BÀI VIẾT của NGUYỄN VĂN THẠNH
No comments:
Post a Comment