Những gì tôi nghe thấy là kế hoạch dùng phi cơ oanh
tạc tái chiếm Hoàng Sa không được thực hiện bởi lực bất tòng tâm chứ không phải
do Mỹ áp lực với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Nếu Mỹ áp lực được Tổng thống
Thiệu thì chắc đã không có trận hải chiến đẫm máu xảy ra mà trong đó phía VNCH
mất tới mấy chiến hạm và 74 liệt sĩ đã nằm lại ở đó và phía Trung cộng cũng bị
tổn thất nặng dù họ chiếm được đảo. Quan trọng hơn hết cuộc chiến này là một
minh chứng cho các thế hệ con cháu chúng ta mai sau chính Trung cộng là kẻ xâm
lược dùng vũ lực để cướp đảo của Việt Nam...
*
Vào Blog Huỳnh Ngọc Chênh đọc bài tựa đề: “Hải
chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - kỳ 6: Không quân Việt Nam Cộng Hòa lên kế
hoạch giành lại Hoàng Sa” của hai tác giả Đổ Hùng -Tấn Tú, viết
theo lời kể của Đại tá Anh Hùng Lực lượng vũ trang nhân dân phi công Nguyễn
Thành Trung.
Trong bài này, theo ông Nguyễn Thành Trung (lúc đó
là trung úy phi công lái F5 trong không quân VNCH) thì sau khi Trung Cộng chiếm
Hoàng Sa (19/1/1974) thì không quân VNCH lên kế hoạch dùng phi cơ F5 ra Hoàng
Sa đánh tàu chiến của Trung Cộng để giành lại Hoàng Sa. Trong đó có những chi
tiết như sau:
* Về khả năng của phi cơ F5 ông Trung cho biết: “Cất
cánh từ Đà Nẵng ra Hoàng Sa, tụi tôi thừa sức đánh với họ trong 20 phút, thừa
dầu bay về Đà Nẵng.” (nguyên văn).
* Về lý do tại sao kế hoạch này không thực hiện, ông
Trung cho biết: “Một kế hoạch phản công được chuẩn bị công phu với khả năng
chiến thắng là 100%, nhưng rốt cuộc đã không thể diễn ra do Mỹ cảnh báo tổng
thống Thiệu không được hành động. Lúc bấy giờ Mỹ đã làm lành với Trung Quốc và
chấp nhận làm ngơ để Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa.” (nguyên văn).
* Bài báo kết luận (không biết ý này của ông Trung
hay là của hai tác giả Đổ Hùng-Tấn Tú): “Nếu ngày đó chiến dịch diễn ra đúng
kế hoạch thì bây giờ các thế hệ con cháu đỡ biết bao nhiêu. Bây giờ Trung Quốc
đã chiếm đóng bất hợp pháp ở Hoàng Sa rồi, các di sản, cái gánh nặng để lại cho
các thế hệ con cháu Việt Nam thật quá nặng nề.” (nguyên văn).
Cũng sự kiện này nhưng bản thân tôi lúc đó (1974)
lại nghe khác. Khi biết được có kế hoạch dùng phi cơ phối hợp với hải quân đánh
chiếm lại Hoàng Sa bị dừng lại tôi có hỏi lý do tại sao với một sĩ quan đại úy
không quân trong Trung Tâm Hành quân Hỗn hợp với chúng tôi thì anh ấy dẫn tôi
đến một bản đồ Việt Nam. Trên bản đố này có đánh dấu tất cả các phi trường từ
Bắc vào Nam. Tại mỗi phi trường có vẽ những vòng tròn đồng tâm lớn nhỏ. Mỗi
vòng tròn như vậy để chỉ ra tầm hoạt động của một loại phi cơ.
Dừng lại ở phi trường Đà Nẵng, Ông đại úy không quân
chỉ vào vòng tròn lớn nhất và giải thích: Phi cơ tối tân nhất của ta hiện
nay chỉ hoạt động ra tới đây. Hoàng Sa ở ngoài tầm hoạt động. Điều đó có nghĩa
là nếu máy bay chúng ta xuất phát từ đây (Đà Nẵng) ra đến Hoàng Sa, ỉa xuống
vài trái bom xong quay về ngay thì cũng không về kịp tới đất liền mà sẽ rớt
xuống biển vì hết nhiên liệu. Phi công có thể nhảy dù sống sót còn máy bay coi
như mất! Vậy là anh hiểu rồi chứ? Ông đại úy hỏi lại tôi và nói thêm là ông ấy
nghe nói người ta tính dùng tàu hải quân chở trực thăng ra Hoàng Sa hợp đồng
tác chiến với hải quân.
Vậy theo những gì tôi nghe thấy ở trên là kế hoạch
dùng phi cơ oanh tạc tái chiếm Hoàng Sa không được thực hiện bởi lực bất tòng
tâm chứ không phải do Mỹ áp lực với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Nếu Mỹ áp lực
được Tổng thống Thiệu thì chắc đã không có trận hải chiến đẫm máu xảy ra mà
trong đó phía VNCH mất tới mấy chiến hạm và 74 liệt sĩ đã nằm lại ở đó và phía
Trung cộng cũng bị tổn thất nặng dù họ chiếm được đảo. Quan trọng hơn hết cuộc
chiến này là một minh chứng cho các thế hệ con cháu chúng ta mai sau chính
Trung cộng là kẻ xâm lược dùng vũ lực để cướp đảo của Việt Nam.
Trên đây là những gì tôi nghe thấy, xin kể lại không
biết đúng sai và cũng xin miễn tranh luận!
-----------------------------------
TÀI LIỆU về phía VIỆT NAM CỘNG HÒA
No comments:
Post a Comment