Sunday, 26 January 2014

KHI THÁI LAN CÓ LOẠN (Hùng Tâm - Người Việt)




Hùng Tâm/Người Việt
Wednesday, January 22, 2014 4:26:59 PM

Trong năm nay, tình hình Thái Lan sẽ có đổi thay với ảnh hưởng lan rộng qua Ðông Nam Á. Vì sao lại như vậy và hậu quả sẽ là gì? “Hồ Sơ Người Việt” tìm hiểu chuyện này trước khi mọi người đều chuẩn bị ăn Tết.

Những vết nứt khó hàn gắn

Sau nhiều tháng biến động liên tục, với những cuộc biểu tình làm thủ đô Bangkok bị tê liệt, từ mươi hôm nay, một số tướng lãnh Thái Lan báo động hay hăm dọa là quân đội có thể tiến hành đảo chánh để vãn hồi trật tự. Từ năm 1932 đến nay, quân đội Thái đã có 19 cuộc đảo chánh và tin tức thời sự cho thấy là một vụ đảo chánh thứ 20 có thể xảy ra nay mai.

Thật ra, biến động Thái Lan đã có từ Tháng Chín năm 2006. Năm đó, sau nhiều tháng hỗn loạn, chính quyền của Thủ Tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ khi thủ tướng Thái đang dự phiên họp Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc ở New York. Tiến hành đảo chánh là tư lệnh quân đội, Thiếu Tướng Sonthi Boonyaratglin, với sự biểu đồng tình của nhiều nhân vật thân cận trong Hoàng Gia Thái Lan. Sau đảo chánh, các tướng lãnh lập ra một ủy ban soạn thảo Hiến Pháp mới, cấm không cho phê bình bản dự thảo trước khi trưng cầu dân ý.

Ðược đa số chấp nhận, Hiến Pháp 2007 dẫn tới bầu cử nhưng hai chính quyền nối tiếp của phe đối lập cũng đều bị đổ về tội tham nhũng hoặc đàn áp.

Ông Thaksin bị lật năm 2006 sau khi đảng Thai Rak Thai (Thái Yêu Thái) của ông thắng cử vào Tháng Tư và sau đó, đảng này dưới tên mới là Pheu Thai tiếp tục thắng cử năm 2011 và Thủ tướng đương nhiệm Yingluck Shinawatra là em gái của ông Thaksin. Bị chống đối, Yingluck tạm xử lý quyền thủ tướng và đề nghị tổ chức bầu cử vào mùng 2 Tháng Hai này, nhưng biểu tình vẫn tiếp tục nên đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Lý do biểu tình chống đối là vì phe đối lập, khoác màu vàng, do đảng Dân Chủ Thái lãnh đạo cũng sẽ thất cử nếu có bầu cử.

Là sĩ quan cảnh sát bước qua doanh trường và thành công lớn trong ngành điện thoại viễn liên, tỷ phú Thaksin Shinawatra là một hiện tượng chính trị lạ thường. Sau vụ khủng hoảng kinh tế Ðông Á, khởi nguồn từ Thái Lan vào đầu Tháng Bảy năm 1997, Thaksin tham gia chính trị với chủ trương có tính cách đại chúng populist, hay mị dân tùy quan điểm, nhằm tranh thủ nông dân, người nghèo và giới tiểu thương. Ông đề cao tinh thần ái quốc của dân Thái, phản đối các biện pháp kinh tế khắc khổ của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF và các nước Tây phương, giảm nợ và gia tăng trợ cấp về y tế giáo dục cho dân nghèo. Ðược hậu thuẫn của dân nghèo cùng cử tri tại miền Bắc và Ðông Bắc, Thaksin có uy tín rất cao. Uy tín đó đe dọa quyền lực của các thành phần ưu tú truyền thống tại thủ đô Bangkok lẫn quân đội và nhất là Hoàng Gia Thái.

Vì vậy, những biến động liên tục tại Thái Lan cho thấy một vết nứt rất lớn giữa hai thế lực.

Dân nghèo, giới tiểu thương và hệ thống kinh doanh mới nổi của họ, cùng cử tri miền Bắc đều ủng hộ Thanksin hay Yingluck trong mọi cuộc bầu cử, và họ chiếm đa số cử tri. Giới trí thức, quý tộc hay các đại gia tại thủ đô, cùng quân đội và Tối Cao Pháp Viện (Viện Bảo Hiến) và cử tri tại bán đảo ở miền Nam thì hậu thuẫn đảng Dân Chủ. Sau mỗi lần thất cử thì tổ chức biểu tình để gây loạn.

Vết nứt khó hàn gắn giữa hai thế lực này cần được tìm hiểu sâu xa hơn trong địa dư và lịch sử.

Ðịa dư lịch sử Thái Lan

Lãnh thổ Thái Lan nằm giữa hai bán đảo là bán đảo Ðông Dương và bán đảo Mã Lai, và giữa hai biển lớn là Ấn Ðộ Dương và Thái Bình Dương (biển Ðông Hải như ta gọi) và là kết quả thống nhất của hai vương quốc. Tại miền Bắc, gồm có núi rừng và cao nguyên, xưa kia có Vương quốc Lan Nạp với trung tâm sinh hoạt là Chiang Mai. Ða số cư dân là dân Thái (da trắng), nhiều người gốc Hoa xuất phát từ các tỉnh Vân Nam hay Quảng Ðông, tín ngưỡng chủ yếu là Phật giáo Nguyên thủy. Tại miền Nam quanh lưu vực sông Chao Phraya xuống tới bán đảo Mã Lai thì có vương quốc Xiêm La với trung tâm sinh hoạt là Ayutthaya. Ða số người dân tại miền Nam của khu vực này là gốc Mã Lai (da nâu hơn), nhiều người theo Hồi giáo.

Ðấy là về đại thể.

Trong thực tế, Thái Lan có năm khu vực địa dư trên một lãnh thổ không liền lạc. Khu vực trung tâm thì có thủ đô Bangkok, xưa kia ta gọi là Vọng Các, nay tập trung đến 10% dân số. Theo chiều kim đồng hồ thì có miền Bắc giáp giới với Miền Ðiện và Lào, miền Ðông Bắc giáp giới với Lào, miền Ðông giáp giới với Cam Bốt, và sau cùng là miền Nam trên một deo đất của bán đảo Mã Lai, giáp với với xứ Mã Lai Á (Malaysia). Thống nhất được năm khu vực này là một bái toán sinh tử của Thái.

Về lịch sử, Vương quốc Xiêm La xuất hiện từ thế kỷ 14, bành trướng dần rồi thôn tính Vương quốc Lan Nạp đã có từ trước nhưng chỉ thật sự kiểm soát được Chiang Mai từ năm 1874.

Lãnh đạo Vương quốc Thái Lan thời hiện đại là dòng Rama (Quốc vương Bhumibol Adulyadej hiện nay là vua Rama thứ chín), do vua Chất Tri (Chakri) sáng lập năm 1782.

Là chiến tướng gốc Hoa đang hành quân tại Cao Miên chống quân của Nguyễn Ánh (trong thời nội chiến với Tây Sơn), ông xin giảng hòa với quân Nguyễn khi triều đình có loạn. Lui binh về truất phế vua Taksin, ông lên làm vua và dời đô từ Ayutthaya xuống Bangkok. Thời đó rồi, cả Xiêm La và Việt Nam đều lấn đất của Vương quốc Khơme (Chân Lạp, hay Cao Mên) nên đôi bên đụng nhau nhiều lần trên đất Miên. Cũng nhờ sự thông cảm của quân Nguyễn để được lui binh mà về sau triều đình Chất Tri đã yểm trợ Nguyễn Ánh trong cuộc thư hùng với Tây Sơn...

Khi vương quốc này định hình thì cũng là lúc các nước Âu Châu bành trướng qua Viễn Ðông.

Khác với Việt Nam, Thái sớm mở cửa làm ăn với mọi quốc gia và đu dây giữa hai thế lực bành trướng là Anh và Pháp để giữ nền độc lập. Sau đó thì hợp tác với Nhật từ trước Thế Chiến II, rồi kịp thời ngả theo phe Ðồng Minh trước khi Nhật bị đánh bại. Thời Chiến Tranh Lạnh, Thái Lan là đồng minh của Hoa Kỳ và dù có bị phiến quân Cộng sản quấy rối tại miền Bắc vẫn không rơi vào quỹ đạo Trung Quốc. Khi Ðặng Tiểu Bình cải cách từ đầu năm 1979, Thái Lan sớm hợp tác với Trung Quốc để tìm mối lợi kinh tế, nhưng vẫn dưới sự bảo vệ của Hoa Kỳ.

Hoàng gia và các thế lực Thái Lan

Không bị nạn thực dân đến độ thù ghét Tây phương mà ngả theo những tư tưởng dại dột, người dân Thái Lan tương đối cởi mở, và kính trọng ông vua như một thần linh.

Sau mấy chục năm tăng trưởng kinh tế, với tốc độ hơn 7% từ thời Chiến tranh Việt Nam cho đến cuộc khủng hoảng 1997, xã hội Thái đã giàu có hơn xưa, với những thế lực mới.

Lên ngôi từ năm 1946, Quốc vương Bhumibol Adulyadej là ông vua lâu đời nhất thế giới. Dưới chính thể Quân chủ Lập hiến ra đời từ sau năm 1932, vua Bhumibol có uy tín rất cao với và trong mọi cuộc đảo chánh, ngần ấy tướng lãnh đều thần phục quốc vương. Nhưng Bhumibol đã quá già (87 tuổi) và lâm trọng bệnh nên mất dần ảnh hưởng. Thái Tử Maha Vajiralongkorn là người hoang đàng và ham vui, không có uy tín bằng em gái là Công Chúa Maha Chakri Sirindhorn, độc thân, uyên bác và tiến bộ, được phe Thaksin quý mến và ủng hộ.

Trong nhiều thập niên, mỗi khi xứ Thái có loạn, uy tín của vua Bhumibol là thế lực ổn định. Khi Thaksin mở rộng ảnh hưởng, nhiều người trong Hoàng Gia Thái bất mãn và lo sợ nên sẵn sàng hợp tác với quân đội và đối lập. Nhưng sự suy yếu của Bhumibol và uy tín quá thấp của Thái Tử Vajiralongkorn cũng gây rạn nứt ngay trong nội bộ Hoàng gia, cả cả quân đội, về thời “hậu Bhumibol”....

Quân đội Hoàng Gia Thái gồm những người gốc Mã Lai, được Anh rồi Hoa Kỳ yểm trợ và huấn luyện, có nhiều tướng lãnh thân Tây phương và là rường cột của Hoàng gia bên cạnh giới quý tộc là các gia đình quyền thế từ lâu đời. Quân đội có quyền lực chính trị thực tế, được lòng dân nhưng các tướng cũng biết là khó thiết lập một chế độ quân phiệt như ở tại Miến Ðiện vì tinh thần dân chủ của Thái đã ăn sâu vào xã hội. Kể từ sau vụ đảo chánh 1992, dân Thái không muốn có loại Hội Ðồng Quân Dân Cách Mạng của các tướng lãnh nữa.

Một thế lực khác là các doanh gia, nhiều người nhưng không phải tất cả là gốc Hoa. Rất phi chính trị, họ cần sự ổn định và hậu thuẫn của bộ máy hành chánh công quyền để làm ăn và tham gia chính trị qua cách yểm trợ ngầm những ai đem lại lợi lộc.

Ở vòng ngoài, nếu đa số dân nghèo ưa thích phe Thaksin thì người dân tại miền Nam, đa số theo Hồi Giáo, thì không chấp nhận việc chính quyền của Thủ Tướng Thaksin đã nặng tay đàn áp xu hướng Hồi Giáo ly khai.

Chỉ nhìn một cách sơ lược tình hình phức tạp của Thái Lan, người ta cũng thấy ra nhiều sức ly tâm có thể đe dọa tương lai xứ này.

Phe áo vàng chống đảng Pheu Thái hoạt động mạnh nhất tại khu vực Bangkok. Phe áo đỏ rất mạnh ở miền Bắc và Ðông Bắc thì nghi ngờ luật chơi chính trị tại thủ đô và cũng sẵn sàng biểu tình nếu chính quyền Yingluck bị lật đổ. Ngay trong quân đội cũng có nhiều tướng lãnh không ủng hộ phe áo vàng.
Sự rạn nứt vàng/đỏ nguy ngập hơn tinh thần xanh hay đỏ của các tiểu bang bầu cho đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa tại Hoa Kỳ vì đe dọa sự thống nhất của Thái Lan.

Kết luận ở đây là gì?

Hoa Kỳ có một cái trụ tại Ðông Nam Á là Thái Lan. Cái trụ này lung lay khi Trung Quốc ra tay bành trướng.

Tại hướng Tây của Thái, Miến Ðiện đang mở ra với giải pháp dân chủ - và cũng gặp bấn ổn trước khi nền dân chủ ăn nếp. Tại hướng Nam, Mã Lai Á cũng sẽ bất ổn khi đảng cầm quyền khơi dậy tinh thần độc lập của dân Mã Lai để chặn đường đối lập. Tại hướng Ðông, xứ Cam Bốt đang bị khủng hoảng và tinh thần ái quốc sẽ lại được huy động, có khi chống Thái, chống Việt.

Sự đoàn kết của các nước Ðông Nam Á để từ hội nhập kinh tế dẫn tới một lập trường thống nhất về chính trị cho cả khối sẽ là nạn nhân của khủng hoảng Thái Lan. Có lợi nhất trong cục diện này vẫn lại là Trung Quốc.



No comments:

Post a Comment

View My Stats