Sunday 26 January 2014

CHẲNG LẼ ĐẢNG CỘNG HÒA CÙNG MỘT LÚC MẤT HAI NGƯỜI ? (Nguyễn Văn Khanh)




Nguyễn Văn Khanh
Thursday, January 23, 2014 6:10:57 PM

Vài năm trước đây, cả hai ông Chris Christie (New Jersey) và Bob McDonnell (Virginia) đều đứng trong danh sách những chính trị gia sáng giá của đảng Cộng Hòa, được ca ngợi là “những nhân vật tiêu biểu,” “sẽ giúp lấy lại Tòa Bạch Ốc” hay “phá tan khí thế đảng Dân Chủ đang có” sau ngày ông Barack Obama nắm quyền lãnh đạo quốc gia. Hai nhân vật này cũng từng được ông Mitt Romney chú ý tới, muốn mời đứng chung liên danh, và ở trong danh sách những người sẽ dự cuộc đua tranh chức tổng thống 2016.


Nhưng chỉ trong vòng 3 tuần lễ, cả 2 nhân vật nổi bật này đều gặp khó khăn: ông Thống Ðốc Christie bị điều tra về chuyện để nhân viên sử dụng phương tiện giao thông để “trả thù chính trị” trong vụ xì căng đan mang tên “bridgegate” và chuyện sử dụng tiền cứu trợ khẩn cấp của chính phủ liên bang dành cho nạn nhân trận bão Sandy làm phương tiện “ban phát” cho những người ủng hộ; vợ chồng ông Cựu Thống Ðốc McDonnell thì bị truy tố ra tòa về tội nhận hối lộ. Những chuyện đầy bất lợi này khiến cho các chính trị gia khác của đảng Cộng Hòa lo âu, e ngại “con sâu làm rầu nồi canh” ảnh hưởng tới những dự tính cá nhân lẫn dự tính của đảng, và ngay chính các chiến lược gia Cộng Hòa cũng phân vân chẳng biết ảnh hưởng sẽ lan rộng như thế nào, và cách nào là cách “chữa cháy” hay nhất.

Ðiều này được thể hiện rất rõ trong những cuộc tiếp xúc hay phỏng vấn mà các viên chức trong đảng Cộng Hòa dành cho giới truyền thông trong tuần vừa qua. Chiến lược gia Keith Appell của Ủy Ban Ðiều Hành Trung Ương ở Washington D.C. xác nhận “cả ông Christie lẫn ông McDonnell đều là những nhân vật sáng giá” vì thế “bất kể chuyện gì các ông này làm đều ảnh hưởng tới sinh hoạt của đảng.” Ông Appell kể thêm trước ngày những xì căng đan này bùng nổ, “ông Christie đúng là người được mọi thành phần trong đảng chú ý tới, trong lúc nhóm bảo thủ (Cộng Hòa) đặt khá nhiều niềm tin vào ông McDonnell.” Chính vì thế, “khi chuyện xảy ra, ai nấy chỉ biết lắc đầu ngao ngán, chẳng hiểu vì sao những chuyện không hay lại dồn dập đến.”

Ông Steve Scheffer, nhân vật đầy quyền uy của đảng Cộng Hòa ở tiểu bang Iowa đưa ra cái nhìn thẳng thừng hơn, nói ngay “con đường chính trị của ông McDonnell coi như xong,” kể cả trường hợp tòa tuyên bố ông ta trắng án “cũng không thể nào ra tranh cử tổng thống được nữa.” Còn trường hợp của ông Christie thì sao? “Tôi nghĩ rằng ông ta vẫn có cơ hội nếu chứng minh được ông ta không có liên quan đến những việc nhân viên cấp dưới đã làm,” nhưng dù có thoát nạn đi chăng nữa, “ông ta cũng khó có thể thu hút được sự ủng hộ của cánh bảo thủ ở Iowa.” Lý do: ông Christie được xem là người của phe cấp tiến, cánh bảo thủ không đồng ý với quyết định cho những người cư trú bất hợp pháp được hưởng quyền lợi về học phí như các cư dân hợp pháp khác. Do đó ông Scheffer tin rằng ông Thống Ðốc New Jersey “sẽ phải vận động khá vất vả ở Iowa,” một trong những cửa ải chính trịrất quan trọng cho tất cả những ai nuôi mộng vài năm nữa sẽ ngồi vào chỗ của ông Obama.

Nếu nhìn vào những gì các chính trị gia Cộng Hòa đã làm đối với 2 vụ xì căng đan tai tiếng này, người ta thấy ngay chẳng ai lên tiếng bênh vực vợ chồng ông McDonnell và số người công khai ủng hộ ông Christie đến giờ vẫn chỉ là ông Cựu Thống Ðốc Haley Barbour của tiểu bang Mississippi và ông Cựu Thị Trưởng Rudy Giuliani của thành phố New York. Cả ông Barbour lẫn ông Giuliani đều ca ngợi ông bạn Christie là người “thành thật, biết cách giải quyết vấn đề,” trong lúc những chính trị gia uy thế khác của đảng vẫn im hơi lặng tiếng.

Tại sao vậy?

“Một phần vì họ đang chờ xem có tin gì mới trong vụ xì căng đan Bridgegate hay không, phần khác vì văn hóa chính trị của nước Mỹ bây giờ đã thay đổi,” ông Steve Duprey, người hồi 2004 từng điều khiển cuộc vận động cho Thượng Nghị Sĩ McCain ở tiểu bang New Hampshire trả lời. Thay đổi ở chỗ nào? “Trước đây vì ít tin tức, tin tức lại không truyền tải nhanh như bây giờ nên mọi người dễ dàng lên tiếng bênh vực cho người khác hơn, bây giờ tin vừa nhiều vừa nhanh, ai cũng sợ há miệng mắc quai, thành ra cách tốt nhất là không nói gì ngay lúc này, đợi cho đến hồi kết thúc nói cũng chẳng muộn.” Cũng theo ông Duprey, “ai cũng dự đoán đảng Cộng Hòa sẽ có nhiều ứng cử viên ghi tên dự vòng sơ bộ nên cách hay nhất là đừng vội lên tiếng bênh vực ông Christie vì họ e ngại có thể làm phật lòng một ứng viên nào đó.”

Trong tuần này, đã có một vài chính trị gia Cộng Hòa lên tiếng chống đối ông Christie, điển hình là ông Cựu Bộ Trưởng Tư Pháp Kenneth Cuccinelli của tiểu bang Virginia, người cuối năm ngoái mới thua cuộc đua tranh chức thống đốc. Trong cuộc phỏng vấn của CNN, ông Cuccinelli nói rằng ông Christie nên từ chức Chủ Tịch Hiệp Hội Thống Ðốc Cộng Hòa vì “sự hiện diện của ông ta sẽ gây trở ngại cho những vị thống đốc (Cộng Hòa) tái tranh cử.”




No comments:

Post a Comment

View My Stats