Sunday 26 January 2014

CHUYỂN HÓA DÂN CHỦ TẠI VIỆT NAM (Đoàn Viết Hoạt - Việt Thức)




Đoàn Viết Hoạt
January 25, 2014 | Bình Luận

Ghi chú: Trong Lời Dẫn Nhập Tổng Quát của mục Tư Tưởng Chính Trị có thông báo rằng nội dung dự tính của mục này sẽ gồm có 4 phần. Phần I sẽ dành cho “Lược sử tư tưởng chính trị trên thế giới”, và phần II, cho “Lược sử tư tưởng chính trị tại Việt Nam”. Vì hai đề tài này do hai tác giả biên soạn riêng, nên chúng sẽ được lần lượt xen kẽ đăng hàng tuần trên Việt Thức. Mặt khác, dân-chủ-hóa chế độ chính trị ở Việt Nam hiện đang là vấn đề thời sự hàng đầu của đất nước, nên phần II, dành cho tư tưởng chính trị tại Việt Nam, sẽ mở đầu cho mục Tư Tưởng Chính Trị với bài viết Chuyển Hóa Dân Chủ Tại Việt Nam của Giáo sư Đoàn Viết Hoạt. Cách sắp xếp này, tuy không  tôn trọng thứ tự đã loan báo, nhưng sẽ không ảnh hưởng gì tới mạch ý kiến trong nội dung của mục. Lý do phải sắp xếp như vậy vì đặt tư tưởng chính trị tại Việt Nam trên nền tảng tư tưởng chính trị trên thế giới sẽ giúp cho người đọc có tiêu chuẩn so sánh để tìm hiểu mức tiến bộ của tư tưởng chính trị tại Việt Nam.

-----------------------

Một trong những học giả chuyên nghiên cứu về trào lưu dân chủ hóa trên thế giới là Samuel P. Huntington (1927-2008) (*). Huntington cho rằng từ cuối thế kỷ XX đã diễn ra làn sóng dân chủ hóa thứ 3. Trong làn sóng này ông thấy có 3 phương thức dân chủ hóa đã xẩy ra trên thế giới: chuyển hóa (transformation), thay thế (replacement), và chuyển thể (transplacement) (Phạm Hồng Sơn dịch là “hóa thể” (**)). Huntington cũng nhận xét rằng khó phân biệt giữa chuyển hóa và chuyển thể, trong nhiều trường hợp có thể hiểu lẫn với nhau.

Theo tôi, Việt Nam đã và đang biến đổi theo hình thái chuyển hóa dân chủ.  Trước hết, chuyển hóa có mang ý nghĩa thay đổi, nhưng thay đổi không nhất thiết dẫn đến dân chủ. Thay đổi dẫn đến dân chủ mới là chuyển hóa dân chủ.

Ý nghĩa thứ hai của chuyển hóa dân chủ là những thay đổi dẫn đến dân chủ xẩy ra toàn diện, từ kinh tế thương mại, đến văn hóa thông tin, đến chính trị. Dù toàn diện nhưng trong tiến trình chuyển hóa, chuyển hóa kinh tế sẽ đi trước chuyển hóa văn hóa và chính trị. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp các nước kinh tế kém phát triển và có chế độ CS như Việt Nam và Trung Quốc. Đi trước bao lâu tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, ở ngay trong nước và từ ngoài nước vào.

Ý nghĩa thứ ba của chuyển hóa dân chủ là có nhiều tác nhân tác động vào tiến trình chuyển hóa. Trường hợp Việt Nam, có 3 tác nhân chính, 2 tác nhân ở ngay trong nước (ban lãnh đạo CS, các thành phần tiến bộ và dân chủ trong xã hội và trong đảng CS), và các tác nhân đến từ ngoài nước (cộng đồng quốc tế, khu vực ASEAN, TQ, và cộng đồng người Việt hải ngoại).

Trong mô thức chuyển hóa của Huntington, chính quyền là một tác nhân quan trọng nếu không muốn nói là quan trọng nhất. Tại Việt Nam, nếu ban lãnh đạo CS không thay đổi gì thì các tác nhân khác cũng khó có điều kiện để tác động được vào tình hình VN. Nhưng đồng thời, tình thế khách quan và các tác nhân ngoài đảng CS cũng tác động vào ban lãnh đạo CS khiến họ không thể không thay đổi, “thay đổi hay là chết”. Tình trạng “không thể không” này của ban lãnh đạo CS có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình thay đổi nói chung. Với trường hợp Việt Nam hậu Liên Xô, tác nhân quốc tế đóng vai trò không thể thiếu trong việc thúc đẩy ban lãnh đạo CS phải thay đổi, nhất là trong giai đoạn đầu – giai đoạn thay đổi về kinh tế. Sự thay đổi về kinh tế lại tạo tiền đề cho những thay đổi trong hai lãnh vực văn hóa và chính trị-xã hội, cho sự ra đời xã hội dân sự, và từ đó, cho thành phần đối lập và đối trọng văn hóa, chính trị-xã hội – tác nhân thứ hai -có điều kiện lớn mạnh lên (như hiện nay).

Cộng đồng quốc tế bao gồm nhiều thành phần, tác động khác nhau vào ban lãnh đạo CS và vào tiến trình thay đổi nói chung, như các chính phủ dân chủ, các NGO nhân quyền, các cơ quan tài chánh và thương mại quốc tế, truyền thông quốc tế… Người Việt hải ngoại tác động vào trong nước qua chính sự tồn tại và phát triển thành công của họ, và qua các cuộc vận động cho dân chủ, nhân quyền trong vị thế công dân của các quốc gia họđang sinh sống. Còn với Trung quốc, chính sách bành trường bá quyền đối với VN, vừa đặt ban lãnh đạo CSVN vào thế kẹt, vừa kích thích sự quan tâm và tham gia của giới trẻ vào các vấn đề chính trị trọng đại của đất nước, xuất phát từ lòng yêu nước.

Tại Việt Nam, tiến trình chuyển hóa dân chủ bắt đầu vào năm 1986 khi ban lãnh đạo đảng CSVN đưa ra chính sách “đổi mới” về kinh tế, chấp nhận nền kinh tế thị trường, mà lúc đầu họ gọi là nền kinh tế nhiều thành phần, và sau này là “kinh tế thị trường định hướng xhcn”. Dù gọi thế nào, điều quan trọng là kinh tế tư nhân được phục hồi và người dân lấy lại quyền kinh doanh tự do. Tự do hóa xẩy ra trong lãnh vực kinh doanh trước. Đây là bước thứ nhất trong tiến trình chuyển hóa dân chủ. Và đặc tính của bước đầu này là tự do hóa kinh tế.

Song song với việc tự do hóa kinh tế là chính sách mở cửa với quốc tế và với cộng đồng người Việt hải ngoại. Việc mở cửa với bên ngoài xẩy ra trong thời gian mạng thông tin điện tử toàn cầu phát triển. Hai yếu tố này, hội nhập quốc tế và mạng thông tin điện tử, tạo môi trường và điều kiện cho các lượng thông tin và kiến thức đa dạng từ quốc tế thâm nhập vào Việt Nam. Giới trẻ là thành phần được hưởng lợi nhiều nhờ tính năng động và sẵn sàng tiếp thu những cái mới từ ngoài vào, trong bối cảnh một xã hội còn khép kín và thiếu những luồng thông tin đa chiều. Người dân, nhất là giới trẻ, có thêm các điều kiện để tiếp cận với thế giới bên ngoài, từ du lịch, đến du học, giao thương quốc tế…

Từ chuyên môn gọi đây là “di động xã hội” (social mobility) và “di động toàn cầu” (global mobility). Tại tất cả các nước phát triển, di động xã hội đã xuất hiện từ cả trăm năm trước, và là điều kiện cần có để xã hội phát triển. Trong bối cảnh thế giới toàn cầu hiện nay có thêm điều kiện “di động toàn cầu”. Dù ban lãnh đạo CS muốn hay không, Việt Nam cũng đang tồn tại trong bối cảnh mới này, vừa di động xã hội (trong nước) vừa di động toàn cầu (với khu vực và thế giới). Đặc biệt, tính di động toàn cầu còn được tăng cường cả về lượng và chất (nội dung, tốc độ, không gian) nhờ mạng thông tin điện tửnhanh và rộng khắp, vượt qua trở ngại địa lý và tốc độ. Nhờ hai tính di động này, chuyển hóa dân chủ tại Việt Nam hiện đã tiến sang giai đoạn thứ hai, đó là chuyển hóa trong lãnh vực văn hóa, giáo dục và thông tin, mở ra một không gian tự do mới cho người dân, dù còn chế độ độc tài và đất nước còn phát triển chậm.

Những năm vừa qua, chúng ta chứng kiến những cố gắng của giới trẻ tại Việt Nam vận dụng tính di động xã hội và toàn cầu này để phát triển một không gian mạng tự do, tự do phát biểu ý kiến và tự do tập họp, dù còn trên mạng chưa xuống đất được, nhưng là một không gian cho họ và do họ, không lệ thuộc chính quyền độc tài. Ngay cả những nhà báo của nhà nước cũng tìm cách viết “lách” để thực hiện quyền thông tin tự do của mình. Cả hai khu vực truyền thông này tất nhiên đều bị an ninh tìm cách khống chế, và bắt giữ người viết khi họ thấy cần thiết. Nhưng sự xuất hiện những hoạt động nhằm giành lại quyền tự do ngôn luận và tự do thông tin cho thấy chuyển hóa dân chủ đang tiến vào lãnh vực hết sức nhạy cảm, nguy hiểm cho chế độ độc tài.

Hiện nay, để ứng phó với nhu cầu đổi mới hệ thống chính trị cho phù hợp với đổi mới kinh tế, đảng CS đã thực hiện việc sửa đổi HP 1992. Đây là cơ hội để những thành phần dân chủ và tiến bộ tại Việt Nam nói lên nguyện vọng dân chủ của mình. Từ kinh tế sang văn hóa thông tin, nay cuộc vận động dân chủ đang tiến vào giai đoạn thứ 3 trong tiến trình chuyển hóa tại Việt Nam: vận động thay đổi chế độ chính trị, đòi hỏi tự do hóa các hoạt động chính trị-xã hội. Những hoạt động mang tính dân sự, của dân và cho dân, đang có điều kiện phát triển nhanh và rộng, dù phần lớn còn trên mạng, nhưng cũng đã bắt đầu có các thử nghiệm dưới đất (tập họp, thả bong bóng nhân quyền…). Đây là giai đoạn cuối cùng trong tiến trình chuyển đổi chế độ độc tài đảng trị sang chế độ dân chủ pháp trị.

Tất nhiên chuyển hóa dân chủ không dễ dàng nhất là trong giai đoạn thứ ba, giai đoạn sẽ diễn ra đột biến chính trị để mở đường cho chế độ dân chủ ra đời. Ban lãnh đao CSVN sẽ cải tiến cách đàn áp cho có vẻ “văn minh” hơn nhưng chắc chắn chưa chịu dễ dàng từ bỏ độc quyền văn hóa và chinh trị. Nhưng đòi hỏi tự do dân chủ cũng không ngừng dâng cao. Cuộc đọ sức đã bước vào giai đoạn chót. Chế độ dân chủ sẽ ra đời tại Việt Nam.

Tất nhiên đột biến chính trị thường diễn ra rất bất ngờ, như đã xẩy ra tại Liên Xô trước đây, tại các nước Bắc Phi, Trung Đông mấy năm trước, và gần đây nhất, tại Miến Điện. Nhưng có một điều chắc chắn, dân chủ hóa là xu thế thời đại, không nước nào có thể đi ngược lại, dù ban lãnh đạo độc tài cố tìm mọi cách ngăn chặn hay làm chậm lại.

Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, thời điểm xẩy ra đột biến chính trị dẫn đến chế độ dân chủ chắc không còn xa nữa. Chúng ta cần theo dõi sát diễn biến trong và ngoài đảng CS trong những năm tới để lượng định xem chế độ dân chủ sẽ ra đời như thế nào, ôn hòa hay bạo động, và vào thời điểm nào. Đồng thời cũng để có những hành xử vừa thích hợp hoàn cảnh, điều kiện riêng vừa thích ứng kịp thời với mọi tình huống.

24.1.2014
Đoàn Viết Hoạt
www.doanviethoat.org

(*) Samuel P. Huntington. The Third Wave: Democratization in the Late Twentieth Century. University of Oklahoma Press, 1991.





3 comments:

  1. Chế độ chính trị ổn định thì nhân dân mới đỡ khổ, mới tập trung phát triển kinh tế được, chư đa nguyên đa đảng, nay biểu tình mai khủng bố thì làm ăn gì được. Đất nước ta trải qua bao thăng trầm trong lịch sử được như ngày hôm nay là nhờ sự lãnh đạo của Đảng. Không có thế lực nào có thể phủ nhận được vai trò quan trọng của Đảng. Cho dù có nhiều thông tin sai lệch bôi xấu Đảng thì nhân dân cũng không tin.

    ReplyDelete
  2. Chắc là mấy người muốn xây dựng chế độ đa nguyên đa đảng, chống đối nhau như những nước khác. Thế thì làm sao mà làm ăn kinh tế được. Đúng là giờ nhiều người vì những đồng tiền bẩn thỉu mà nghe theo sự dụ dỗ câu kéo của bọn phản động để đi chia bè kéo cánh, chia rẻ dân tộc. Đất nước không cần những người như thế. Đã thế lại còn hô hào dân chủ dân quyền.

    ReplyDelete
  3. Tôi thấy hiện nay chế độ một Đảng lãnh đạo duy nhất là được rồi, chứ cứ nhiều đảng chống phá, đối đầu lẫn nhau thì khổ lắm, giống như Thái lan bây giờ suốt ngày biểu tình hỗn loạn. Xin cho tôi hai chữ bình yên. Đảng đang dẫn dắt nhân dân đi đúng hướng cớ sao phải thêm nhiều đảng làm gì. Hay đây là âm mưu của những kẻ muốn cầm quyền, muốn trục lợi.

    ReplyDelete

View My Stats