Wednesday 3 July 2013

VIỆT NAM "GIẢI ĐỘC DƯ LUẬN" VỤ TÙ NHÂN NỔI DẬY (Người Việt)




Tuesday, July 02, 2013 5:07:43 PM

ĐỒNG NAI (NV) - Hệ thống truyền thông của nhà cầm quyền Việt Nam đang tiếp tục đưa thêm nhiều thông tin liên quan đến vụ tù nhân nổi dậy, chiếm trại giam, bắt giám thị, xảy ra hôm 30 tháng 6.

Đây là lần đầu tiên, hệ thống này loan báo rộng rãi những tình tiết và diễn biến một vụ tù nhân nổi dậy, chống lại những kẻ quản lý một trại giam, thuộc quyền kiểm soát của Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp, Bộ Công An.

Phân trại 1 của trại giam Z30A – nơi vừa xảy ra sự kiện tù nhân chiếm trại giam, tạm giữ giám thị. (Hình: Tuổi Trẻ)

Trước đây, hệ thống truyền thông của chính quyền Việt Nam từng có vài lần cung cấp thông tin về những cuộc nổi loạn, đào thoát tập thể của học viên trong một số “cơ sở giáo dưỡng”, vốn là những nơi chuyên cưỡng bức cai nghiên ma túy. Những “cơ sở giáo dưỡng” đó không được xem là trại giam theo đúng nghĩa của hai từ này.

Theo nhiều cựu tù nhân, chuyện tù nhân nổi dậy phản đối sự đối xử khắc nghiệt của trại giam, đòi cải thiện chế độ lao tù không phải là hiếm, song những vụ nổi dậy đó chưa bao giờ được hệ thống truyền thông của chính quyền Việt Nam tường thuật. 

Nay, vụ tù nhân Phân trại 1, của trại giam Z30A, tọa lạc ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai nổi dậy chiếm trại giam, tạm giữ giám thị hôm 30 tháng 6 được hệ thống này tường thuật, có thể vì thông tin về vụ nổi dậy, nhằm phản đối việc đánh đập tù nhân, cắt xén thực phẩm dành cho tù nhân, phản đối trại giam không tôn trọng, đáp ứng những yêu cầu hợp pháp, chính đáng của người tù đã được đưa lên Internet gần như ngay lập tức.

Nhờ tù nhân tịch thu được một điện thoại di động, các tù chính trị đang bị giam giữ tại Phân trại 1 đã thông báo về vụ nổi dậy với bên ngoài. Cũng vì vậy, ban đầu, một số nguồn tin khẳng định, vụ nổi dậy do tù chính trị khởi xướng.

Vào lúc này, dựa trên các tình tiết mới, có thể xác định, vụ nổi dậy do tù hình sự thực hiện và họ đã nhờ tù chính trị hỗ trợ để đánh động dư luận bên ngoài.

Vụ nổi dậy mới đây có nhiều tình tiết giống hệt vụ nổi dậy xảy ra hồi năm 2007, cũng xảy ra tại trại giam Z30A.

Năm 2010, Đài Á châu Tự do có một loạt bài mang tựa “Đặc tả nhân quyền theo kiểu Việt Nam”. Khi trò chuyện với đài này, nhiều cựu tù chính trị đã kể về vụ nổi dậy năm 2007 ở trại giam Z30A.

Theo đó, vụ nổi dậy năm 2007 diễn ra ở Phân trại 3. Tù hình sự đã chiếm phân trại này, tạm giữ một số giám thị để đòi chấm dứt ngược đãi tù nhân, cải thiện chế độ lao tù. Trong vụ nổi dậy hồi năm 2007, tù hình sự cũng yêu cầu tù chính trị hỗ trợ. 

Đây là lý do sau đó, trong một thời gian dài, trại Z30A cách ly tù chính trị với tù hình sự, không giam chung như trước, nhằm tránh tình trạng tù hình sự bị tù chính trị tác động.

Sau vụ nổi dậy năm 2007, nhiều tù chính trị và tù hình sự đã bị chuyển sang giam giữ tại các trại giam khác.  

Điều này lại vừa xảy ra tại trại giam Z30A. Thân nhân nhiều tù chính trị vừa cho biết, ngay sau khi Công an Việt Nam dập tắt được cuộc nổi dậy hôm 30 tháng 6, người thân của họ đã bị chuyển từ trại giam Z30A ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai sang trại giam Xuyên Mộc, tọa lạc tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.  

Khi loan tin về vụ nổi dậy vừa xảy ra tại trại giam Z30A hôm 30 tháng 6, các cơ quan truyền thông của chính quyền Việt Nam xác nhận những tù nhân “gây rối trật tự” là để đòi cải thiện chế độ lao tù. Các nguồn tin độc lập chi tiết hóa yêu cầu của tù nhân là đòi trại giam ngưng bớt xén khẩu phần của họ, ngưng việc bán thực phẩm với giá cao gấp vài lần so với bên ngoài.

Báo chí Việt Nam cũng cho biết rằng, một viên trung tướng là Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp đã từ Hà Nội vào Đồng Nai để “trực tiếp giải quyết vụ gây rối”. Cũng theo báo chí Việt Nam, Công an Việt Nam đã điều động nhiều đơn vị của Công an tỉnh Đồng Nai, Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Công an tỉnh Bình Thuận  đến trại giam Z30A để “ổn định trật tự”.

Hồi đầu, báo chí Việt Nam cho biết, Công an Việt Nam xác định có 40 tù nhân tham gia vào vụ “gây rối” và liệt kê danh tính ba tù nhân được cho là cầm đầu vụ nổi dậy. Cả ba (Phạm Văn Trí, 36 tuổi. Phạm Ngọc Hường, 29 tuổi. Nguyễn Văn Tân, 22 tuổi) đều là tù hình sự. Song đến hôm qua, cũng theo báo chí Việt Nam thì số lượng tù nhân tham gia vào vụ “gây rối” đã giảm xuống chỉ còn mười người.

Trả lời báo chí Việt Nam, viên tướng là Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp, cho biết, những người gây rối là “lưu manh chuyên nghiệp, không chịu cải tạo, thường xuyên vi phạm nội quy, kỷ luật của trại giam”.

Một viên tướng khác thì khẳng định những người tù tham gia “gây rối” sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “gây rối trật tự”.

Luật Hình sự Việt Nam có qui định về tội “chống phá trại giam” với hình phạt tới chung thân. Hình phạt tối đa của tội “gây rối trật tự” chỉ đến bảy năm. Một vài người nhận xét, việc Công an Việt Nam không đả động gì đến tội “chống phá trại giam”        có thể vì họ không muốn cộng đồng quốc tế chú ý thái quá tới thực tế của hệ thống trại giam ở Việt Nam.

Cũng theo những người này, công chúng và cộng đồng quốc tế cần chú ý đến số phận của Phạm Văn Trí, Phạm Ngọc Hường, Nguyễn Văn Tân – vừa bị cáo buộc là cầm đầu vụ nổi dậy vừa qua. (G.Đ)


No comments:

Post a Comment

View My Stats