Wednesday 3 July 2013

SỰ DỐI TRÁ ĐANG BAO TRÙM TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI VIỆT NAM (Trần Thị Huyền Trang)




1.7.13       21 Comments

Chưa bao giờ chất lượng giá trị của cuộc sống lại xuống thấp như hiện nay ở Việt Nam, vì xã hội đã coi sự dối trá là một việc bình thường, niềm tin giữa con người với nhau đã bị lung lay, đi tới đâu ta cũng nghe bàn tán tới sự lừa đảo giựt dọc nhau, trong làm ăn, trong giao tiếp, trong mua bán với nhau ngoài xã hội, đọc báo chí ta cũng biết đầy dẫy sự lừa đảo nhau ở mọi cấp độ trong xã hội, ở đây người viết không thể thống kê lên hết những lừa đảo dối trá của xã hội với nhau, nhưng người viết xin được đưa ra những nhận định về các nguyên nhân đã gây ra sự xuống cấp này.

Ai cũng biết sở dĩ con người dối trá với nhau có rất nhiều nguyên nhân, như vì sợ hãi người ta bắt buộc phải dối trá để che giấu tội lỗi của mình, như vì tham lam, tham danh, tham sắc, tham tiền, người ta phải dối trá để thỏa mãn lòng ham muốn của mình, tóm lại có rất nhiều nguyên nhân thiên hình vạn trạng mà bất cứ ai, bất cứ xã hội nào cũng có thể phạm phải, nhưng đó cũng chẳng phải là trọng tâm mà người viết muốn nói tới, điều quan trọng người viết muốn nói ra đây bởi vì nó là nguyên nhân nguy hiểm gấp vạn lần, đó chính là do cơ chế của chính quyền đã tạo cho người dân bắt buộc phải dối trá để tồn tại.

Người viết xin đơn cử một trường hợp gần đây khi chính quyền nhà nước phát động phong trào lấy ý kiến của người dân về việc sửa đổi Hiến Pháp, chính quyền họ cấp phát cho mỗi hộ gia đình một bộ tài liệu của bản sửa đổi Hiến Pháp 1992 do nhà nước đã quy định và một tờ giấy để người dân trong mỗi hộ góp ý kiến về nội dung của bản sửa đổi Hiến Pháp đó. Thú thật khi nhận bộ tài liệu đó không những cá nhân tôi mà những người thân thuộc cũng không quan tâm gì mấy, chỉ biết cười trừ, cảm giác giống như gặp vấn đề gì đó quá quen thuộc và không có gì đáng bận tâm cả, mặc dù đây là lần đầu tiên tôi gặp phải vấn đề này, và phải đợi hơn nửa tháng sau khi tổ dân phố đến thu lại tờ góp ý kiến đó tôi mới vội đặt bút phê lên vài dòng chữ là “gia đình tôi đồng ý với bản sửa đổi Hiến Pháp mà nhà nước đã quy định” dù trong thâm tâm tôi lúc đó lại nghĩ khác, nhưng vì bản năng sinh tồn muốn cầu an nên tôi không còn có cách nào khác.

Nhưng cách đây vài ngày khi lên mạng vô tình tôi đã đọc được danh sách của cả 72 nhân sĩ trí thức góp ý kiến và bản dự thảo về việc sửa đổi Hiến Pháp trong đó có yêu cầu xóa bỏ điều 4 Hiến Pháp, phải nói tôi cảm thấy thẹn với lòng mình thật nhiều. Những bậc nhân sĩ này đa số họ đều đã lớn tuổi có một quá trình phục vụ lâu dài cho chế độ không chừng họ vẫn còn hưởng bổng lộc của nhà nước, và con cái thân nhân họ còn có người đang làm việc cho chế độ, ấy vậy mà họ vẫn can đảm công bố tên thật địa chỉ thật họ một cách rõ ràng lên trang báo. Đồng thời một trường hợp nữa là của Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ, ông ấy đã dám đánh đố mạng sống của mình đối với chế độ khi đã dám tuyên bố tuyệt thực đến khi nào chính quyền giải quyết theo đơn khiếu kiện của ông, đây cũng phải nói là một sự thách đố đối với chế độ mà chỉ những người có thần kinh thép mới dám làm, tôi xin thật lòng nghiêng mình bái phục vì nhân cách can đảm có một không hai của họ, phải nói con người giả thật là ở chỗ khi đụng chạm tới quyền lợi trực tiếp của bản thân mà họ vẫn xem thường quyền lợi và tính mạng mình thì không phải ai cũng dễ dàng làm được, tôi xin được vinh danh họ. Mặc dù con đường tiến lên dân chủ còn nhiều gian nan nhưng nếu sau này phòng trào dân chủ có thành công thì đừng bao giờ quên công lao khai sơn phá thạch đầu tiên của những người này và bao nhiêu đó cũng xứng đáng để ta đề cử nên có được những con đường mang tên các vị này

Bản thân tôi chỉ là thành phần hạ tiện vô danh tiểu tốt trong xã hội, từ khi còn tuổi thiếu niên tôi đã chứng kiến cảnh cha tôi đã bị chế độ cộng sản giết chết lầm lẫn và oan ức một cách dã man trong thời kỳ gọi là “phong trào giết lầm hơn tha lầm” nên phải nói đầu óc của tôi luôn mang nặng ấn tượng về cái tính cách cai trị giả dối, áp đặt, xem thường mạng sống người dân của chế độ hiện tại, nên tôi rất nhạy cảm với mọi động thái của chế độ và của các viên chức an ninh ở địa phương, vì họ biết gia đình tôi thuộc loại có ác cảm đối với chế độ và cũng nhờ có chút ít kiến thức về lịch sử, nên tôi cũng biết chế độ cộng sản này rất độc đoán và ác độc từ xưa với mọi người dân trong cách cai trị của họ nên tôi vẫn luôn dè chừng và phòng xa mọi trường hợp có thể xảy ra cho bản thân mình và gia đình, vì có con làm lao công trong một công ty kinh tế nhỏ của nhà nước, lương mỗi tháng dù chẳng bao nhiêu, nhưng đó là tất cả những gì chúng tôi có để sinh sống hàng ngày, bản thân tôi lớn tuổi thất nghiệp sống kiếp chùm gửi vào con, vì sợ con bị đuổi việc thì chắc chắn tai họa sẽ tức thì đến với bản thân và gia đình nên chúng tôi chẳng bao giờ dám nói ra sự thật lòng mình dù đó là những điều chúng tôi nghĩ là bản Hiến Pháp mới nên bỏ điều 4 để tạo cơ hội cho đất nước tiến lên dân chủ, vì chỉ có con đường đó thì đất nước mới có cơ hội trở nên cường thịnh và công bằng xã hội được, nhưng vì bản chất hèn hạ cầu an, từ nhỏ luôn sợ hãi mặc cảm với chế độ mà tôi đã đánh mất cơ hội để góp tay xây dựng nền dân chủ cho đất nước

Trở lại vấn đề xuông cấp về đạo đức của xã hội Việt Nam hiện nay, theo tôi nghĩ, cái chính là thể chế cộng sản hiện nay dù gọi là đã đổi mới gần 30 năm nay, nhưng vì vẫn cố tình giữ vị thế chính trị độc đảng nên bản chất của đảng đối với tôn giáo vẫn không thay đổi mấy, dù bên ngoài họ không cấm đoán người dân tu hành hoặc đến chùa chiền, nhưng bên trong họ vẫn luôn kiểm soát mọi hoạt động của tôn giáo, họ luôn nghi ngờ những giáo sĩ có tinh thần độc lập, chính những điều này đã làm mất tính tự nhiên tự chủ của giáo sĩ và tạo sự nghi ngờ quấy rối nhau trong nội bộ, thử hỏi một giáo sĩ luôn bị theo dõi, hoặc luôn bị quấy rối về tinh thần thì họ có thể yên tâm tu hành không, chưa kể những bài giảng nếu vô tình phạm úy thì coi như tiêu đời, họ không có quyền nói ra những sự thật của xã hội, cho nên trong tôn giáo người ta cũng phải dối trá với nhau để tồn tại.

Giáo điều của cộng sản họ không bao giờ tin vào khía cạnh tâm linh, cho nên họ bất chấp và xem thường tất cả mọi khía cạnh của tâm linh, cái gì có lợi cho đảng thì họ làm, ta thấy các vụ xử án đối với các blogger vừa rồi là một bằng chứng, họ hoàn toàn độc tài trong cách xử tù người khác, chính vì thế mà niềm tin của người dân đối với chính thể bị lung lay, dù không phải xử chính họ nhưng người dân cảm thấy bất an, bị hoang mang và cảm thấy không lúc nào được an toàn, ý thức sinh tồn khiến các đức tính phải nghi ngờ, phải che giấu và phải dối trá với nhau là một phản ứng tự nhiên dây chuyền trong xã hội. Chính quyền họ dùng hình ảnh và nhân cách của Hồ Chí Minh như là một đối tượng để người dân tôn thờ, họ luôn thổi phồng và cố thêu dệt về một nhân vật xuất chúng, không vợ con suốt cuộc đời luôn lo cho nước cho dân, nhưng với hệ thống Internet hiện nay, mọi thông tin đều được minh bạch và giải mã, nên phương pháp này mất hết tác dụng và nhiều khi gây hậu quả ngược lại, nhất là đối với giới trí thức thì khó mà lừa họ được, chỉ những người dân sống dốt thông tin và những người sống dựa vào chế độ thì có thể họ chấp nhận. Nhưng theo người viết thấy cái gì thiếu chân thật, không chân chính thì dù chúng ta có cố sơn phết, tô hồng cách nào đi nữa thì với thời gian lịch sử sẽ phơi bày tất cả. Và khi đó thì họ sẽ sẵn sàng quăng tất cả vào sọt rác mà không có gì nuối tiếc. Các xã hội dân chủ văn minh vì cái cơ chế của họ, bắt buộc mọi người cả quan chức lãnh đạo chính quyền và người dân nếu muốn tồn tại và được tôn trọng là phải minh bạch thông tin, không được dối trá, nên người dân trong xã hội luôn ý thức vấn đề quan trọng đó vì vậy nhân cách của họ mỗi ngày thêm cao đẹp, và hạnh phúc của họ luôn bền vững, còn những người dân và quan chức chính quyền sống trong các nước cộng sản như Trung Quốc và Việt Nam, chúng ta biết xã hội của hai nước này đầy sự dối trá về mọi lãnh vực, không thể kể ra hết. Người tốt khi vào làm việc cho chế độ rồi thì cũng sẽ trở thành xấu, vì nền giáo dục của họ chỉ đặt trọng tâm vào Bác vào Ðảng, mà không bao giờ coi trọng vào giá trị nhân cách của bản thân và đồng loại mình.

Tóm lại trong xã hội Việt Nam hiện nay, dù còn rất nhiều vấn đề cần phải nói, nhưng chúng ta rất mừng vì trước mắt chúng ta còn có 72 vị, và những nhà tranh đấu cho dân chủ như Cù Huy Hà Vũ, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, v.v..., cùng tất cả các blogger đang thọ nạn trong lao tù cộng sản họ chính là những bông sen, sống trong lao tù của chế độ mà họ không bao giờ nhiễm phải bùn nhơ của chế độ, nên xem họ như là các bậc bồ tát, các vị thánh tương lai của đất nước, họ đang thọ nạn thế cho chúng ta và với tính chất cương định của mình, họ như một mũi khoan kim cương sẽ lần lượt đục thủng và loại trừ tất cả những gì gọi là dối trá và bất chánh của đất nước.






No comments:

Post a Comment

View My Stats