Sunday, 7 July 2013

TỪ TÂY TẠNG TỚI KENTUCKY (Trần Khải)




07/05/2013

Phật Giáo đang lan truyền nhiều hơn, bất kể chính phủ Trung Quốc đàn áp các hoạt động chánh pháp ở Tây Tạng. Cũng hệt như hương thơm, hễ có gió là bay, và không bàn tay sắt nào chụp bắt được.

Vậy rồi nhà nước Bắc Kinh nói gì, sau khi có tin từ vùng Tây Tạng cho phép tăng ni và dân chúng tự do treo hình Đức Đạt Lai Lạt Ma, và tự do thờ phượng Ngài? Nhà nước Bắc Kinh đổi giọng rồi. Bản tin từ mạng Phayul cho biết, chính phủ Trung Quốc bác bỏ mạnh mẽ các bản tin nói rằng TQ cho gỡ bỏ lệnh cấm thờ phượng Đức Đạt Lai Lạt Ma.

TQ gửi bản văn trên mạng BBC nói rằng, chính sách tôn giáo không thay đổi gì hết.

TQ nói rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma dưới mắt TQ vẫn là “kẻ ly khai.”

BBC Anh ngữ dẫn bản thông báo từ TQ viết: “Nếu Đức Đạt Lai Lạt Ma muốn cải thiện quan hệ với chính quyền trung ương, ông ta phải bỏ lập trường đòi Tây Tạng Độc Lập hay là độc lập dưới bất kỳ hình thức tàng ẩn nào.”

Kể từ năm 2009, có 119 người Tây Tạng tự thiêu để đòi tự do và đòi phải để Đức Đạt Lai Lạt Ma trở về nước. Tây Tạng được TQ gọi là lợi ích cốt lõi, và những cuộc thương thuyết với đại diện chính phủ Tây Tạng lưu vong đã bị bế tắc.

Bất kể những áp lực thô bạo như thế, Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn được Phật Tử nhìn như ngọn hải đăng tâm linh.

Tiến Sĩ Tenzin Dorjee, nguyên là một viên chức Tây Tạng trong những hoạt động sát cánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và bây giờ là một Giáo sư Đại Học CSU Fullerton, hiện đang trong chuyến viếng thăm Dharamsala, thủ phủ Tây Tạng lưu vong, trong một email đề ngày 1-7-2013 gửi tới nhà văn Nhã Ca cho biết rằng, trích:

“Đức Đạt Lai Lạt Ma sáng nay đã giảng pháp cho hơn 200 người Việt tới từ Việt Nam. Có việc thông dịch sang tiếng Việt trực tiếp từ tiếng Tây Tạng bởi một Ni Sư người đã học tiếng Tây Tạng và Giáo Pháp khoảng 20 năm. Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng sẽ giảng pháp cho họ vào ngày mai, cũng từ 8 giờ sáng tới 12 giờ trưa. Tôi cũng tham dự buổi thuyết pháp đó.

Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ từ đây tới thăm tu viện Sera Monastery, ở Bylakuppe, vào ngày 4 tháng 7-2013...”


Điều vui mừng khi được chia sẻ tin trên là: có một Ni Sư học tiếng Tây Tạng và Giáo Pháp Phật Giáo Tây Tạng  từ 20 năm nay. Thật là đại nhân duyên mới gặp Phật Pháp ở cõi này, và thật là đại nhân duyên khi có cơ hội học Phật Pháp bên cạnh các bậc Thánh Tăng như thế.

Trong khi đó, hôm Thứ Ba 2-7-2013 lại biết một tin khác: một Ni Sư từ Quận Cam sẽ lên núi ngồi tĩnh tu. Ni Sư  Huệ Trân khi gửi bài viết “Lạc Gót Sen Hương” đã cho biết như thế.

Ni Sư Huệ Trân còn là một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở Quận Cam, từng in nhiều tuyển tập thơ và tùy bút.

Bạn có thể vào mạng www.google.com và gõ chữ “Ni Sư Huệ Trân” sẽ gặp nhiều bài viết.

Trong bài “Lạc Gót Sen Hương,” Ni Sư Huệ Trân  giảỉ thích chuyện lên núi Kentucky:

“...Đã quá thất thập cổ lai hy, tôi vừa bất ngờ “sang trang” cho phần cuối đời mình. Bước ngoặc này làm hầu hết thân nhân, bạn bè sửng sốt. Hình như, cả chính tôi cũng đã mở to mắt nhìn mình!

Bẩy mươi hai tuổi, đang ngụ trong một cái thất xinh xắn, an ninh, gần chùa, gần huynh đệ, gần bằng hữu thân thương giữa một đô thị “muốn gì cũng có”, tôi đã buông bỏ tất cả!

Chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần lễ, tôi quyết định buông bỏ tất cả để sẽ dời lên ngôi chùa hoang vu trên ngọn đồi hiu quạnh thuộc thị trấn cách nơi tôi đang cư ngụ tới gần ba ngàn dặm!

Tôi lên đó với ai? Làm gì?

Ồ, không ai cả! Chỉ một mình! Thực sự một mình giữa đồi thông, rừng trúc, đồng cỏ mênh mông. Hàng xóm gần nhất là cặp vợ chồng già, người da đỏ, cũng cách chùa hơn nửa dặm!

Một bạn đạo, thương tôi hết lòng, vừa nức nở khóc, vừa nài nỉ; “Đừng! Đừng! Sư cô ơi! Phải suy nghĩ cho kỹ đã! Lớn tuổi rồi, làm sao chịu nổi sự quạnh hiu và khí hậu nghiệt ngã phương ấy? Lại còn chưa kể tới an nguy, lỡ đêm hôm xảy ra điều gì, cầu cứu ai cho thấu!”

Rồi bạn cứ nắm chặt tay, không buông, dù tôi chỉ mới ngỏ ý, nào đã đi đâu! Ý định này, tôi giới hạn lắm, chỉ rất ít ngưồi thân biết thôi. Phản ứng cực kỳ hốt hoảng của bạn lại càng khiến tôi phải giới hạn hơn. Thế nên, ngày ra đi, tôi đã lặng lẽ nhờ một Phật tử đưa ra phi trường, trong khi các huynh đệ, bằng hữu đều tưởng tôi chỉ mới dự tính thôi!

Nếu tôi không lầm thì suốt gần bẩy mươi hai năm có mặt trên cõi đời này, tôi chưa từng sống một mình. Nhỏ thì có cha mẹ, anh em; lớn thì có bạn bè; xuất gia thì có thầy trò, huynh đệ. Sau khi xuất gia, tôi ở thất riêng, ba ngày cuối tuần về chùa cùng tu tập, hoặc những ngày khác, khi có Phật sự mà huynh đệ gọi thì cũng có mặt. Dù ở thất riêng nhưng chưa phải là một mình, vì sát vách là hàng xóm, ngay ngoài cửa thất là những xôn xao mời gọi, khởi tâm muốn gì là có nấy khi lúc nào xăng cũng đầy bình, túi cũng rủng rỉnh đôi đồng tiền hưu trí. Những ngày cuối tuần, về chùa cùng tu với đại chúng thì nào có mệt nhọc chi, mà sau mỗi thời khóa, tiểu thực, dược thực đã bày dọn ê hề...

...Và điệp khúc của bản trường ca bỗng chuyển từ những dấu hỏi, thành lời thúc giục lên đường: “Hãy đi! Hãy đi! Hãy đi thôi! Hãy buông hết mà đi! Hãy gõ, thì cửa sẽ mở! Phải thực sự gõ thì cửa mới mở!”


Điệp khúc hùng tráng này nao nức lòng tôi khi được sự yểm trợ của vị sư huynh tôi yêu kính. Có tình cờ không, khi thầy cũng bất ngờ chấp nhận lời thỉnh cầu của một số Phật tử miền đông bắc Hoa Kỳ, về nơi đó lập chùa cho họ có nơi nương tựa. Ngôi chùa tương lai của thầy cách ngôi chùa hoang vu trên đỉnh đồi, nơi tôi sẽ về, chỉ khoảng bẩy trăm dặm.

Bẩy trăm dặm, mười tiếng lái xe, so với non ba ngàn dặm thì quả là “Tuy xa mà gần, tuy gần mà xa”. Thầy sẽ có thể thỉnh thoảng qua thăm.

Tôi lên đường với một lời cầu xin duy nhất: “Xin Đức Đại Từ Đại Bi Quán Thế  Âm Bồ Tát xót thương, ban cho con Hạnh-Vô-Úy. Xin che chở con. Xin cho con đừng sợ hãi giữa chốn hoang vu để con có thể bình an phụng sự Tam Bảo, báo đáp ơn Chư Phật. Con phải tự độ, mới mong có cơ duyên độ tha. Cuộc đời của cây nến chỉ thực sự có ý nghĩa khi ngọn lửa được thắp lên thân nó và cháy rụi cho đến lụn tàn.”


Đêm đầu tiên, tôi bật đèn hào quang trên chánh điện, rồi theo con dốc thoai thoải xuống nơi ngủ nghỉ, bật dăm ngọn đèn ngoài hàng hiên trước khi vào phòng, cẩn thận khóa chốt cửa.

Cái thất vừa bỏ lại, được tôi đặt tên là Tào-Khê tịnh thất, vì có dòng suối nhân tạo rất thơ mộng, luôn róc rách ngày đêm. Còn nơi này sẽ gọi là gì đây? A!, tên nơi này sẽ không do cảnh, mà do hoàn cảnh. Tôi từng dời đổi nơi cư ngụ khá nhiều, từ Độc Cư Am, Như Thị Am, Cốc Thảnh Thơi, Pháp Lạc Thất ..v…v.. khác chi chim trời không ngừng di chuyển.

Vậy thôi, nơi này sẽ là Thiên Di Am nhé!

Đêm đầu, trong Thiên Di Am, tôi tọa thiền thật lâu, có lẽ là rất lâu, bởi tôi có cảm tưởng như từ nay mình bỗng có thêm rất nhiều thời giờ. Ngoài nửa ngày, từ sáng sớm đến giờ ngọ tu trì trên chánh điện, tôi còn tha hồ thời giờ. Không xe cộ nên chẳng đi đâu, không thân quen nên chẳng gặp gỡ, cư trần lạc đạo, cứ đói ăn, khát uống, mệt ngủ thôi.

Tọa thiền tới mệt, tôi xả thiền, vào giường. Trước khi nhắm mắt, tôi nệm Đức Quán Thế  Âm, lại chỉ xin một điều duy nhất “Xin ban cho con Hạnh-Vô-Úy.”

...Bức tranh huyền ảo ánh trăng khuya giữa bầu trời đầy sao bỗng hiện hai đốm sáng nơi bìa rừng trúc.

Bước chân dạo hồ sen dừng lại.
Hai đốm sáng lung linh cũng chợt dừng lại.
Bốn mắt nhìn nhau.
Và chúng tôi cùng nhận ra nhau.
Con nai rừng ngơ ngác và bà sư già quờ quạng.

Tôi thở một hơi thật sâu, thật nhẹ, rồi lên tiếng trước:

- Chào em.

Lời chào chưa được đáp lại, nhưng chân nai không nhúc nhích. Dấu hiệu đó đủ tốt để khích lệ tôi lên tiếng tiếp:

- Chào em. Thế nào chúng ta cũng có biết nhau rồi mà! Từ vô lượng kiếp, từ vạn luân hồi, thế nào chả có kiếp chúng ta từng biết nhau. Đến đây! Đến gần đây đi!

Bấy giờ thì chân nai nhúc nhúc. Bốn mắt vẫn không rời nhau. Nai chậm rãi ra khỏi rừng trúc. Ôi! Tôi nghe lòng mình thổn thức biết bao!

Nhưng chỉ dăm bước ngắn, nai quay lưng, trở vào rừng!
... Tôi đứng dưới trăng khuya, một mình.
Đó là đêm thứ ba, ở ngôi chùa trên đồi.

Ngước nhìn tôn tượng Quán Âm cao vòi vọi giữa trăng sao, tôi lại tạ ơn Ngài đã cho tôi sự bình tĩnh mà chính tôi chẳng thể ngờ.

Làm sao có thể tưởng tượng nổi cảnh này nếu tôi không dời phố thị và không được Đức Quán  Âm che chở?

Đi,
Về,
Chỉ một cõi
Lặng lẽ ánh trăng thu
Tử sinh vừa tròn kiếp
Càn khôn, giấc mộng du…
Huệ Trân
Thiên Di Am, Chùa Chánh Pháp
Bedford, Kentucky
Hạ tuần tháng sáu, 2013”


Xin gửi lời chúc lành cho Ni Sư Huệ Trân, một thời làm thơ viết văn và rồi một thời lên núi ngồi thiền, lặng lẽ chào nai rừng.

Xin góp lời cầu nguyện cho chúng sinh cõi này, từ vùng đất Tây Tạng cho tới tận Dharamsala, cho tới núi rừng Kentucky, và tất cả các cõi khác trong thế gian này, cùng bước qua bờ bên kia, nơi tất cả khổ đau sẽ chỉ còn là giấc mộng đêm qua.


No comments:

Post a Comment

View My Stats