Cuộc
sống này, quả thật còn có nhiều điều không thể hiểu. Tôi chỉ là người viết văn
tép riu, vui là chính, như lời nhà thơ Trần Nhương. Ấy thế mà, tôi cảm giác,
văn thơ như có một sợi dây vô hình nào đó gắn bết lại lại với nhau. Khi viết
Nguyễn Trọng Tạo, tôi lại nghĩ đến nhà thơ Hoàng Cát, Lưu Quang Vũ. Lúc viết về
Trần Mạnh Hảo, cái hào sảng, khí phách con người cũng như thơ ca Bùi Minh Quốc
lại hiện về. Viết xong Đỗ Hoàng, thế quái nào tâm trí còn đọng lại bác Bảo
Ninh. Giờ này đang viết về Bảo Ninh, người lính chiến miền Bắc, lại thấy ông em
họ, lính thám kích miền Nam, chết sau mấy năm trở về, từ nhà tù Thanh Hóa, ngồi
lù lù bên cạnh...
Nguyễn
Minh Châu là nhà văn tài năng số một của miền Bắc viết tiểu thuyết, văn xuôi về
đề tài chiến tranh. “Dấu Chân Người Lính” được cho là một trong những
cuốn tiêu biểu đỉnh cao nghệ thuật của văn học thời kỳ ấy. Nhưng năm 1987,
Nguyễn Minh Châu ra lời kêu gọi bằng chính tác phẩm của mình: “Hãy Đọc Lời
Ai Điếu Cho Một Giai Đoạn Văn Nghệ Minh Họa”. Thật ra, trước ông đã có một
số nhà văn, nhà thơ đã định làm lễ bỏ mả cho cái giai đoạn văn nghệ tuyên
truyền, minh họa này. Tiêu biểu Phạm Tiến Duật năm 1974 với bài thơ “Vòng
Trắng”. Mấy năm sau, Nguyễn Trọng Tạo lại trần trụi với bài “Tản Mạn
Thời Tôi Sống”... Chưa đúng thời, cả hai ông đều bị tẩm quất. Văn chương
thơ phú muốn nói thật viết thật, quả thật còn nguy hiển hơn cả ngoài mặt trận.
Phạm Tiến Duật lộn lại chiến trường, còn Nguyễn Trọng Tạo bị dồn đến chân
tường, có những lúc ông đã phải nghĩ đến cái chết.
Không
ai phủ nhận những đóng góp, sức mạnh của văn thơ tuyên truyền, cổ động trong
thời điểm đó và tài năng của các nhà thơ nhà văn. Nhưng văn thơ tuyên truyền,
minh họa chỉ nhất thời, có tuổi thọ ngắn. Ngay đến nhà thơ tài danh Xuân Diệu,
đầu năm 1979 vào Buôn Mê Thuột, theo đơn đặt của tỉnh ủy Daklak, ông viết bài
thơ Huyện Lắc. Bài thơ này, được ông đọc và bình trước sinh viên trường đại học
Tây Nguyên, trường sư phạm. Bài thơ không hay! Có một tên trời đánh Hoàng Thế
Hoan (sinh viên sư phạm Đà Lạt, quê quán Nghĩa Hùng, Nghĩa Hưng, Nam Định), dám
cả gan chê ngay trước mặt ông như vậy. Âu đó cũng là chuyện bình thường, bởi
thơ đó không được tiết ra từ xúc cảm tâm hồn Xuân Diệu, mà cái đơn đặt hàng nó
viết đấy thôi.
Ông
phó cối, hàng xóm nhà tôi, người lính đã trải qua ba cuộc chiến. Ngày còn nhỏ
anh thường phải theo cha đi đóng cối xay khắp nơi, nên ít được đến trường.
Nhưng anh ham đọc, nhất là sách, truyện viết về chiến tranh. Có lần anh hỏi
tôi, theo chú, tại sao truyện của Bảo Ninh đọc đi đọc lại mãi không chán? Nếu
như người khác, tôi đã cho là hỏi đểu, nhưng với anh tôi biết, đó là câu hỏi
thật. Vâng! Chỉ một câu trả lời: Sự thật tàn nhẫn của chiến tranh. Và tôi hỏi
lại, anh đọc “Nỗi Buồn Chiến Tranh”, thấy Bảo Ninh viết về những
người lính và chiến trường giống những gì anh đã trải qua không? Anh bảo,
giống... giống lắm, người lính tên Can là một phần cuộc sống của anh về cả xuất
thân quê quán, hoàn cảnh, chiến tranh đánh đấm khói lửa cho đến suy nghĩ...
Cách
nay vừa tròn hai mươi năm (1993), tôi có về Hà Nội, gặp được ông em họ vừa ở tù
ra vì can tội là lính thám kích, quân đội VNCH. Tôi có đưa cho hắn cuốn “Nỗi
Buồn Chiến Tranh”. Đọc xong, hắn bảo, ông Bảo Ninh viết hoàn toàn sai về
người lính VNCH. Như câu chuyện bốn người lính thám kích bị bắt, tác giả viết
một cách không đúng sự thật. Từ cách mô tả hành động đến thuật lại những mẩu
đối thoại của những người lính thám kích này.
Lính
thám kích được chọn, hầu hết còn trẻ, gan dạ và có bản lãnh. Họ không thể nào
quá hèn hạ, van xin như Bảo Ninh kể. Nếu có xin tha đi nữa, thì cách nói và
những lời nói ấy, nhất định không phải của họ. Điều này hắn khẳng định không
thể có. Người lính thám kích đã được giáo dục về nhân cách, ngay sau khi đã
được tuyển chọn. Trong nhiệm vụ đặc biệt, những toán thám kích cần phải tránh
nổ súng, tránh bị phát hiện, trừ trường hợp, tự vệ, bất khả kháng. Cho nên,
không thể có trường hợp phát hiện, bắt ba cô gái, rồi dẫn đi nhởn nhơ như vậy,
để nhóm của Kiên tóm được. Hơn nữa, trong trường hợp đã bị bắt, trước sự sống
chết, không thằng nào ngu xuẩn, nói giọng trêu cợt: Ba nhỏ đó trình quý anh,
tụi này làm thịt cúng hà bá rồi... Mấy nhỏ la khóc quá trời...
Hắn
cũng cho rằng, cuốn truyện còn nhiều cảnh tưởng tượng quá mức, như trường hợp,
một đám lính, làm thịt con xà niêng, nhưng sau khi cạo lông mới phát hiện ra đó
là một người đàn bà.
Tôi
viết lại lời hắn theo trí nhớ của mình. Và còn nhiều lời nặng nề khác của hắn
về “Nỗi Buồn Chiến Tranh” nhưng tôi xin phép không chép ra
đây. Hắn ra người thiên cổ đã lâu. Vài dòng như một chút tưởng niệm đến hắn và
các những người lính cả hai miền Nam-Bắc đã hy sinh trong cuộc chiến vừa qua.
Tôi là người sinh sau đẻ muộn, rất may mắn không phải tham gia trận chiến thê
thảm này. Bài này, tôi chỉ đề cập đến sự thật khốc liệt của chiến tranh, ở
những tình tiết có ở trên trang sách của Bảo Ninh và nghệ thuật viết truyện của
ông, qua suy nghĩ cá nhân. Do vậy, khi đọc các bác đặt quan niệm chính trị, ra
ngoài bài viết này.
Cũng
như Lưu Quang Vũ, Bảo Ninh được sinh ra trong một gia đình văn chương, khoa
bảng. Nói một cách dân dã, các ông là con nhà nòi và lớn lên trong cái lò văn
chương, nghệ thuật. Lưu Quang Vũ đã sớm nắm bắt được cái tinh cái cốt ấy, nên
đến với thi ca rất sớm. Còn Bảo Ninh đủng đà đủng đỉnh, cứ như một gã thợ cày
làm công nhật, tính điểm thời hợp tác xã vậy. Do đó, ông đến với văn chương khá
muộn, so với các nhà văn cùng thế hệ. Có thể nói, nếu như không có sự cổ vũ,
giúp đỡ tích cực của người cha thì chưa chắc Bảo Ninh đã theo nghiệp viết lách.
Thật vậy, khi đọc văn của Bảo Ninh, thấy dường như có một nhà ngôn ngữ học thấp
thoáng ở đâu đó.
Điều
tất nhiên khi đánh giá tài năng nhà văn, cũng như kiểm tra OTK trong nhà máy,
chỉ dựa vào chất lượng sản phẩm của họ. Xuất thân, đến sớm hoặc muộn với văn
chương chỉ là tài liệu tham khảo. Tài năng phát tiết ra sớm hay muộn cũng như
cơ địa của hai cô gái cùng tuổi, nhưng thời điểm dậy thì, khác nhau mà thôi.
Bảo
Ninh có cái may mắn, gốc rễ, được sinh ra tại miền quê và ông lớn lên trưởng
thành ở Hà Nội. Giống nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, ông được đi nhiều nơi, tiếp xúc
với nhiều người ở vùng miền khác nhau. Những cách sống, văn hóa, ngôn ngữ vùng
miền ấy, sau này đã được ông tiếp thu, hòa trộn đưa vào trang sách một cách
sinh động phong phú. Dường như Bảo Ninh viết không nhiều, không viết tạp. Ông
chỉ viết những gì, khi hiểu thật kỹ và đã, đang sống cùng nó. Ngoài viết báo
ra, ông còn gánh hai mảng, truyện ngắn và tiểu thuyết. Viết văn, nhất là tiểu
thuyết là công việc nặng nhọc, nên nhà văn ngoài tài năng bẩm sinh, kỹ năng
viết ra, cần phải có sức lực, vốn sống, kiến thức thâm hậu. Chứ viết văn dốt bị
“nghĩa lộ” ngay, không như mấy bác lười nhác, trống rỗng làm thơ
tắc tị, nhạt như nước ốc, vẫn có thể lấp liếm được, cho là thơ trừu tượng, thơ
mới... Vì vậy, (tịnh) không thấy bác nào, lập ra hội văn phường, văn xóm như
thơ. Vì những lý do này và là người kỹ tính, nên Bảo Ninh cốt tinh chứ không
cốt lượng, viết thận trọng từng bước, từng bước chăng?
Cho
đến nay, về tiểu thuyết, Bảo Ninh chỉ mới trình làng cuốn “Nỗi Buồn
Chiến Tranh” Cuốn tiểu thuyết này, ông viết cách nay đã trên hai chục
năm. Tôi cho rằng, đây là cuốn sách rửa lại bộ mặt nhem nhuốc cho văn học Việt
Nam. Và nó là lời ai điếu cho giai đoạn văn thơ minh họa tuyên truyền.
Thân
Phận Tình Yêu
là cái tên đầu của cuốn sách. Một cái tên vô thưởng vô phạt, không hay, nếu như
không muốn nói là tối nghĩa. Bởi vì cái tên, cái tựa là cái giỏ chứa cả hồn cốt
của cuốn truyện. Tôi nghĩ, cái tên này chỉ là giải pháp bắt buộc tạm thời như
vậy, nếu Bảo Ninh, muốn đưa được cuốn sách này đến người đọc. Giả dụ, cái tựa
này do Bảo Ninh thực sự đặt ra, thì cha ông, một giáo sư ngôn ngữ học, không
chịu để yên như thế. Vậy là cuốn sách đã qua được vòng kiểm duyệt, (chắc chắn
có sự hỗ trợ của một số nhà văn khác có trách nhiệm, tư tưởng cởi mở) để đến
tay bạn đọc. Năm 1991, được tái bản, Bảo Ninh mới dám trả đúng tên cho cuốn
sách của mình: “Nỗi Buồn Chiến Tranh”.
Mặc
chiếc áo của người lính chiến tên Kiên, Bảo Ninh đã lột trần sự tàn nhẫn, của
chiến tranh và thân phận đớn đau, không lối thoát của người lính ngay sau cuộc
chiến. Một sự thật từ xưa đến nay người ta đều giấu giếm kiêng kỵ. Tiếng vang
của nó không còn đóng khung trong nước, mà tràn ra khỏi biên giới. Độc giả các
nước Âu-Mỹ đã đón nhận nó. Sự kiện bức tường Berlin sụp đổ, kéo theo hệ thống
xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu tan rã. Những năm sau đó, trong nước có
những lãnh đạo cao cấp đã nhận ra sai lầm. Tư tưởng người dân dao động. Tầng
lớp trí thức, thanh niên bước đầu có những chính kiến rõ ràng. Các bác giật
mình sợ hãi. Một cái lệnh vu vơ từ cõi trên, treo tái bản “Nỗi Buồn
Chiến Tranh” hơn chục năm.
Mười
năm, văn học Việt Nam vẫn luẩn quẩn, không có một cuốn sách nào vượt qua
được “Nỗi Buồn Chiến Tranh”. Tuy sách của Nguyễn Huy Thiệp
được xuất bản ở nước ngoài, gây tiếng vang, nhưng chỉ là truyện ngắn, không
nặng ký như tiểu thuyết, truyện dài hơi. Đất nước muốn thoát cảnh đói nghèo,
cánh cửa biên giới phải mở. Internet phát triển như vũ bão, các bác treo “Nỗi
Buồn Chiến Tranh” người đọc tìm Bảo Ninh trên trang báo nước ngoài. Bộ
mặt văn học Việt Nam vẫn méo mó, đối ngoại luẩn quẩn. Các bạn nước ngoài hỏi
đến Bảo Ninh, các bác ngơ ngác, thật là kỳ cục. Thế là, người ta lại phải cần
đến Bảo Ninh và “Nỗi Buồn Chiến Tranh” để lau lại khuôn mặt
nhem nhuốc đó. Muốn vậy, chỉ còn cách duy nhất, “Nỗi Buồn Chiến Tranh” phải
được tái bản lại ở trong nước. Đây là cuốn sách, được người đọc trong và ngoài
nước yêu thích và cũng có số lượng phát hành nhiều nhất Việt Nam.
Tôi
không thích đọc những bài viết về giải thưởng văn học trong cũng như ngoài
nước. Nhưng hôm rồi lục tìm tài liệu về thân thế của Bảo Ninh, thấy có một bài
viết của Đông La. Anh cho rằng, Bảo Ninh đã chôm một đoạn văn này, của cuốn
sách nước ngoài (Bông Hồng Vàng) đưa vào “Nỗi Buồn Chiến Tranh”
“...Nếu Elêna nói với Anđexen: “Anh hãy chạy đi... Đừng nghĩ gì đến em.
Nhưng nếu một ngày kia, tuổi già, nghèo nàn và bệnh tật có làm anh đau khổ thì
chỉ cần anh nhắn cho em một lời, em sẽ... tới an ủi anh”, thì cô Lan cũng
nói với Kiên: “Đừng bận về em. Đời anh rộng mở, hãy đi vào hãy sống cho
thỏa... Còn nói ví dụ... một ngày nào anh gặp cảnh ngộ không hay, thấy đã hết
ngả để đi tiếp thì xin anh hãy nhớ ngay rằng, dù sao cũng còn có một nơi, cũng
còn một người… một chốn anh về” (bài của Đông La).
Tôi
nghĩ, anh Đông La đã lầm lẫn, hai đoạn văn trên hoàn cảnh, ngữ cảnh và những
câu thoại hoàn toàn khác nhau. Ngoài ra, đoạn trích của Đông La là những câu
ghép lại bằng những dấu ba chấm để so sánh. Lắp ghép kiểu này, dường như không
được chính nhân cho lắm. Cũng chẳng cần phải phân tích đúng sai, nói cho nhanh,
nếu đoạn văn trên là chôm chĩa thật, chẳng cần anh Đông La phải mất công đào
bới, mấy ông bản quyền ở Âu- Mỹ, đã lôi cổ Bảo Ninh ra tòa lâu rồi. Có một
điều, có lẽ anh Đông La không biết, luật bản quyền ở châu Âu chặt chẽ xuống
từng đầu người, từng chiếc radio, từng cái ô tô. Ai cũng phải trả tiền bản quyền
nghe nhạc. Sử dụng nhạc trong cửa hàng kinh doanh, càng phải trả nhiều tiền
hơn, tính mét vuông nhân lên số tiền. Tiện đây cũng nhắc luôn nhà thơ Nguyễn
Trọng Tạo và các nhạc sỹ có bài hát, hay được (bị) sử dụng ở nước ngoài. Trước
kia, các nhà hàng của người Việt ta, thường khai với công ty quản lý sử dụng
nhạc trong kinh doanh (GEMA) chỉ sử dụng nhạc Việt, nên không phải trả tiền.
Mấy năm gần đây, sử dụng nhạc Việt cũng phải nộp tiền cho công ty này. Họ bảo,
nhạc Việt cũng được bảo hộ, tiền sẽ trả cho tác giả. Không biết công ty bản
quyền và nhạc sỹ ở Việt Nam có được nhận hay không? Không những Đức mà còn
nhiều các nước khác, châu lục khác. Tôi nghĩ, đó là khoản tiền không nhỏ.
Cũng
như nhạc, ngoài ra bản quyền sách báo còn chặt chẽ hơn. Sách của Bảo Ninh có
đoạn chôm chĩa, tôi bảo đảm không nhà sách nào dám in, chứ đừng nói mấy chục
năm nay nó nằm chình ình ở các hiệu sách, thư viện Âu- Mỹ như vậy.
Đông
La còn đánh giá, nếu như Bảo Ninh nhận được giải Nobel về văn học, thì mang mầu
sắc chính trị, chứ không phải về học thuật. Tôi nghĩ, văn học Việt Nam đang như
cái chợ chiều thế này, thế hệ nhà văn Bảo Ninh không có hy vọng nhận được giải
ấy. Nếu như Việt Nam nuôi hy vọng nhận được giải Nobel, ngay bây giờ nên có
những công trình nghiên cứu, giải quyết những câu hỏi. Tại sao “Nỗi
Buồn Chiến Tranh” tràn đầy sức sống và sống dai đến như vậy? Không
những nó ghim vào lòng độc giả trong nước mà cả đến độc giả các nước Âu-Mỹ.
Điều này không phải tôi nói, trước đây đã nhiều người nói rồi. Cái này, từ ông
viện trưởng viện văn học đến ông chủ tịch Hội nhà văn chắc chắn cũng thừa biết.
Nhưng các bác không làm, vì có lẽ làm cũng chẳng ăn cái dải rút gì. Nên các bác
để thời gian, cùng nhau lên đồng, cùng nhau tụng ca những thứ, thơ chẳng ra
thơ, vè chẳng ra vè của những ông linh hồn bệnh hoạn như Hoàng Quang Thuận...
Với những suy nghĩ còn tiểu nông như vậy, văn chương bao giờ mới lớn lên được.
Không
biết Đông La đã đọc kỹ “Nỗi Buồn Chiến Tranh” hay chưa? Cuốn
sách này, tôi chẳng thấy đồng chí chính trị viên hay bác tâm lý chiến nào ở
trong đó cả. Cũng chẳng thấy bóng dáng, những ông Kissinger, Nixon, Johnson hay
bác Nguyễn Khoa Điềm... Đinh Thế Huynh đâu. Chỉ thấy, thuần một ông Bảo Ninh
đang lên cơn điên, với những nỗi ám ảnh chém nát linh hồn. Từ đó bật lên sự thật
trần trụi, tàn nhẫn của chiến tranh cũng như thân phận bi quan không lối thoát
của con người sau cuộc chiến, chẳng có chút chính trị chính em nào ở trong này
cả. Cuốn “Nỗi Buồn Chiến Tranh” nếu như được trao giải, thì
chẳng có lợi cho phe phái chính trị nào. Và Bảo Ninh cũng không phải là cái tầm
cỡ to lớn như hai bác, thay mặt cho hai phe, xua quân đánh nhau, rồi bắt tay
đình chiến, cùng được kêu tên nhận giải Nobel khi xưa, để người ta đáng phải
làm như vậy. Đông La suy diễn quả thật không có cơ sở, dù sự việc chỉ là giả
thiết.
Đến
bây giờ tôi vẫn nghĩ, “Nỗi Buồn Chiến Tranh” nếu được viết,
xuất bản ở môi trường xã hội khác, có lẽ Bảo Ninh sẽ viết theo thể truyện ký,
hay tự truyện. Dùng đại từ nhân xưng (tôi) ngôi thứ nhất, thay cho ngôi thứ ba
(Kiên), gần gũi, truyền cảm xúc nhanh nhất từ người viết đến người đọc. Nó cho
người đọc cảm giác thật và có sức lan tỏa mạnh hơn nữa. Nhưng nó có mặt hạn chế
bó buộc, không được vung tay mạnh, như viết tiểu thuyết. Bản thân tôi khi đọc,
tiếp cận “Nỗi Buồn Chiến Tranh” bằng mạch văn tự truyện, hay
truyện ký, chứ không coi nó là tiểu thuyết.
Xuyên
suốt “Nỗi Buồn Chiến Tranh” là sự hồi tưởng trong trạng thái
ám ảnh của người lính chiến tên Kiên (tức là Bảo Ninh). Theo lời ông bạn,
chuyên gia thần kinh học, thì ám ảnh cũng là một căn bệnh do bị tổn thương thần
kinh. Những lúc bị ám ảnh, mỗi người bệnh có hành vi khác nhau. Có người đập
phá, người hát hò nhảy múa hoặc tìm sử dụng chất ngây nghiện... Nhưng có những
người lại trầm lặng làm những công việc đặc biệt, hoặc sinh ra những cá tính cá
biệt. Có lý, như ông bác Đặng Trác, họ bên mẹ tôi là tướng tá gì đó, tư lệnh
quân khu 9 từ thời đánh nhau với ông Pháp. Vợ ông ngày xưa có lẽ cũng tham gia
đánh trận, nên bị ám ảnh, rất sợ bẩn. Có lần vợ chồng bác đến thăm ông trẻ, em
bà ngoại tôi, chú Đặng Xuân Đỉnh (em ruột TBT Trường Chinh) cũng ở đó, đưa mời
vợ bác Trác ly nước, bà vội rút khăn ra lót vào ly, rồi mới dám cầm. Bác Trác
xin lỗi, và giải thích căn bệnh của bà...
Như
vậy, rất may Kiên rơi vào dạng thứ hai này. Mỗi lần ám ảnh, thần kinh kích động
cao độ, ông ngồi vào bàn viết, làm công việc duy nhất độc thoại về Phương về
Can về Quảng, về Hòa... trong nội tâm và được chuyển tải trên từng trang giấy.
Lúc này tâm hồn ông thoát, tách rời và khỏi thế giới xung quanh và không bị tác
động bởi nó, ký ức hiện lên trang viết của ông là chân thật rõ nét nhất. Trong
tâm trạng không bình thường, với nỗi ám ảnh chập chờn như bóng ma hiện về.
Những ký ức bị xé vụn, đan xen chằng chịt, với lối kể nhanh, hoạt làm cho người
đọc rờn rợn, nhưng vẫn đuổi theo hành động của nhân vật. Phải nói đây là cách
dẫn chuyện mới lạ với người Việt, gần với tâm lý độc giả phương Tây hơn.
Có
một nhà phê bình tên tuổi, khi đánh giá về “Nỗi Buồn Chiến Tranh” viết
(quanh quẩn một hồi, rồi có câu kết): Bảo Ninh đã xây dựng thành công nhân vật
người lính. Vâng! Tôi hiểu sự úp mở để che đậy cái suy nghĩ thật mà ông không
dám nói, dám viết. Xây dựng của ông là nghệ thuật xây dựng của con chữ, chứ dứt
khoát không phải xây dựng thành công người lính ĐIỂN HÌNH trong tập thể điển
hình như những Dấu Chân Người Lính của Nguyễn Minh Châu, Đêm Trường
Sơn Nhớ Bác của Nguyễn Trung Thu…
Bảo
Ninh có cái nhìn khác về chiến tranh, thông qua cái mâu thuẫn nội tâm cũng như
hành động cá thể của người lính. Tôi cho rằng, đó là cái nhìn biện chứng, khách
quan, đúng với qui luật của cuộc sống cũng như tâm lý con người, dù là cái nhìn
cá nhân. Đêm Trường Sơn, một thoáng lặng yên, trước nhất người lính phải
nhớ về mẹ, về người yêu, người thân, chứ không thể nghĩ về người nào khác, dù
người đó có là thánh nhân, (hoặc là ai đi chăng nữa).
Đọc
lại đoạn thoại này, ta thấy được diễn biến tâm lý người lính rất thật, rất đau
chứ không phải ấn vào mồm họ, những lý tưởng, từ ngữ phơi phới, đao to búa lớn:
“...
Can từ từ đứng dậy, đối diện, nhìn thẳng mắt Kiên.
-
Cả đời đi đánh nhau, thú nhật, tôi chả thấy cái trò này là có gì vinh. Nhưng do
hy vọng nên vẫn còn chịu đựng. Về quê, càng khốn nạn, tôi biết. Người ta chẳng
để cho sống đâu. Nhưng mấy đêm vừa rồi tôi toàn mê thấy mẹ tôi gọi tôi... Có
nhẽ anh tôi đã chết mà mẹ tôi thì khổ não lâm bệnh rồi chăng. Không thể nấn ná,
vì suất học sĩ quan là của anh... Tôi phải lần về quê. Chỉ mong anh em trong
trung đội thương tình, thông cảm. Sẽ chẳng ai tóm nổi tôi lại nếu như chính anh
em trinh sát không truy đuổi. Nhất là anh, Kiên ạ, anh thả cho tôi đi thì tôi
sẽ đi được... Tôi đành mang tội lỗi với anh em... Quê tôi thì anh biết rồi
đấy... Hà Nam, Bình Lục... mai sau mà có dịp...” (NBCT)
Thay
cho những buổi học chính trị sáo mòn ta thắng địch thua, người lính lao vào
những cuộc sát phạt đỏ đen hay hút xách, nhằm quên đi cái tàn khốc của chiến
tranh, mỏng manh của thân phận. Cỗ bài này, ngày mai ai sẽ là người khuyết
chân?
“...Thường
là cứ chập tối cơm xong bắt đầu ngả chiếu bạc. Trong bầu không khí ẩm rượt,
nồng ngạt mùi mồ hôi và khét lẹt khói xông muỗi, các con bạc châu quanh cỗ bài,
tơi bời đỏ đen.
Tiền
đặt cửa thường là những tàu thuốc "đồng bào" hôi mù, cay cú hơn thì
thuốc lào, đá lửa hoặc sợi hồng ma một thứ tiền ma túy - hoặc là lương khô và
ảnh nữa, ảnh con gái các loại, bất kể gái tây hay gái ta, xấu hay đẹp, người
yêu hay người dưng, dùng tuốt, dốc hết ra mà sát phạt. Chẳng còn gì ăn thua nữa
thì quệt muội đèn, chơi trò bôi râu. Người đánh kẻ chầu rìa, vui vẻ, om sòm
nhiều hôm thâu đêm...
Chơi
tà tà nhé, - Kiên đề nghị - nếu dở ván thì trời để cho cả bốn thằng sống qua
trận này, để còn chơi tiếp...” (NBCT)
Vậy
là, cỗ bài này chỉ còn lại một chân. Mình Kiên sống sót. Cái chết tuy đã được
báo trước, nhưng trước cái chết quằn quại của những người lính trẻ từ cả hai
phía Bắc-Nam, làm cho người đọc không khỏi bàng hoàng, đau xót. Và hình ảnh
người lính bắn nhầm vào con xà niêng, cạo lông làm thịt một cách rùng rợn, cho
ta thấy sự điển hình tàn nhẫn dã man của chiến tranh: “khi ngả ra, cạo sạch
bộ lông thì hóa ra: con vật hiện nguyên hình là một mụ đàn bà béo xệ, da sần
lở, nửa xám, nửa trắng hếu, cặp mắt trợn ngược... Cả trung đội thất kinh, rú
lên ù té, quẳng tiệt nồi niêu, dao kéo...”
Phải
nói, trí tưởng tượng, sự liên tưởng phong phú và tài năng kết nối sự việc là
những yếu tố chính làm nên sự thành công của “Nỗi Buồn Chiến Tranh”. Chẳng
có hương thơm nào có thể rửa hết mùi tử khí trong tâm hồn người lính chiến. Một
cánh quạt trần quay cũng làm ông giật mình kinh hãi.
“...
Nhiều hôm không đâu giữa phố xá đông người tôi đi lạc vào một giấc mơ khi tỉnh.
Mùi hôi hám pha tạp của đường phố bị cảm giác nồng lên thành mùi thối rữa. Tôi
tưởng mình đang đi qua đồi "Xáo Thịt" la liệt người chết sau trận xáp
lá cà tắm máu cuối tháng Chạp 72.
Tử
khí xộc lên từ vỉa hè nồng nặc đến nỗi tôi phải vội đưa tay lên bịt mũi như kẻ
hóa rồ trước mắt người qua đường. Có đêm tôi giật mình thức dậy nghe tiếng quạt
trần hóa thành tiếng rú rít rợn gáy của trực thăng vũ trang. Thót người lại
trên giường tôi nín thở đợi một trái hỏa tiễn từ tàu rà phụt xuống.
"Chéo-éo-éo... Đoành!...”
Đọc “Nỗi
Buồn Chiến Tranh”, tôi mới vỡ ra một điều, cái sự tưởng tượng của trang văn
nó cần tính khái quát và cụ thể hơn so với thơ. Ở đây chỉ có một hình ảnh nhỏ “...luôn
luôn nhìn xuống như sợ giẫm phải cái bóng của mình...” người đọc đã
liên tưởng, thấy được toàn bộ con người cũng như gia cảnh của người hàng xóm,
tang thương vật vờ một cách sâu sắc hơn. Cái quan sát tỉ mỉ, lối miêu tả đầy
hình ảnh này, chỉ nhà văn tài năng mới có được:
“...
Có hôm ông bước xuống cầu thang vào sau bữa cơm trưa, xách trên tay chiếc cặp
lồng đựng bữa tối. Ông không cao gì lắm nhưng vì quá gầy nên trông lênh khênh.
Cổ lộ hầu, vai hẹp, lưng lòng khòng, luôn nhìn xuống như sợ giẫm phải bóng của
mình. Ba người con của ông đều nằm lại trong chiến tranh. Anh con thứ là Toàn.
Hy sinh gần như trước mắt Kiên. ông Huynh không biết chuyện đó. Vợ ông bị liệt
khi báo tử đến người con cuối cùng. Vợ chồng ông sống nghèo khổ, câm nín, trống
rỗng suốt bao năm trời. ông Huynh vẫn ngày ngày đi lái tàu điện”(NBCT)
Đôi
lúc, ta thấy dường Bảo Ninh đã cởi chiếc áo lính ra, đứng từ góc cạnh khác để
nhìn vào cuộc chiến. Đã giúp ông nhìn khách quan hơn. Và từ cái nhìn khách quan
ấy, đã cho ông hiểu rõ hơn về bản chất của cuộc chiến. Từ đó, lòng nhân đạo là
mạch nối giữa ông và người đọc thông qua trang viết:
“...Tên
tuổi anh ta tôi không biết, chỉ biết anh ta là lính của liên đoàn 6 biệt động
quân; Người Nam hay Bắc hay Trung cũng chả biết vì anh ta chỉ rên, rên thì dân
xứ nào cũng một giọng như nhau...”
Câu
nói, cũng như lời ước đầy tính nhân đạo, khi kết thúc chiến tranh: "Giá
mà vào giờ phút giải phóng, tất cả những người lính đều được phục sinh".
Nhưng đó là những người lính nào? Vâng! Chính là những người lính chung của cả
hai miền chiến tuyến. Đấy là tư tưởng Bảo Ninh trong toàn bộ tác phẩm này.
Thân
phận của người lính sau chiến tranh, nằm trong cái bế tắc chung của toàn xã
hội. Với những chính sách diệt tư sản tư nhân, cấm chợ ngăn sông,
giá-lương-tiền, lạm phát phi nước đại, có những gia đình miền núi phía Bắc phải
chết đói. Sự dối trá làm băng hoại đạo đức xã hội. Nhưng từ trên xuống dưới,
các bác vẫn say sưa trong niềm vui chiến thắng. Phấn khởi lạc quan đến mức, bác
Tố Hữu Phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng (Phó thủ tướng) sau khi đi Pháp về, ví
nếu trái đất là một chiếc nón, thì chúng ta đang ở trên đỉnh chóp cái nón đó.
Làm cho người lành như nhà thơ Trần Đăng Khoa, cũng phải sửng sốt trước mặt bác
Phó chủ tịch: Không biết chiếc nó đó đang úp hay ngửa?
Trong
cái sấp, ngửa đó, Bảo Ninh nhận đã ra cái bi đát từ chính mình, đồng đội mình
và trong gia đình, xã hội. Sau cuộc chiến súng đạn, là chiến tranh (trong) lòng
người, còn ghê sợ hơn thế. Làm cho ông hoàn toàn thất vọng và kinh tởm những
khuôn mặt giả dối ấy:
“-
Hừ! Hòa bình! Mẹ kiếp, hòa bình chẳng qua là thứ cây mọc lên từ máu thịt bao
anh em mình, để chừa lại có chút xương. Mà những người được phân công nằm lại
góc rừng le là những người đáng sống nhất…- Nền hòa bình này... Hừ tôi thấy
hình như các mặt nạ người ta đeo trong những năm trước rơi hết. Mặt thật bày ra
gớm chết...” (NBCT)
Một
gia đình người hàng xóm có ba con liệt sỹ đói nghèo với cuộc sống vật vờ. Một
đứa em gái người bạn chết trận là gái làm tiền. Người yêu đã là gái bao, Kiên
cũng như bao đồng đội khác, lạc lõng, không thể hòa nhập vào cuộc sống, sau
chiến tranh. Cuộc sống của họ chìm mình vào những cơn say và nôn ọe. Hình ảnh
người lính hùng dũng lái xe chiến trường năm xưa, nay chỉ còn lái trong những
lúc ám ảnh của linh hồn.
“...
Xóc mạnh ổ gà, ổ trâu, chồm nẩy lên thì còn chịu được - Vượng kể - chứ mà
những đoạn nhún nhảy, êm êm, mềm mềm, nhũn nhũn là tớ ọe liền, nôn chóng mặt
đến buông cả tay lái. Đêm về không ngủ được. Ngủ lại gào lên như bị cắt tiết.
Thế là tửu. Mà tửu vào thì còn lái chó gì được nữa...” (NBCT)
Có
lẽ đồng đội của Bảo Ninh đều là những người ra đi từ miền quê, những nông dân
chân lấm tay bùn, nên hầu như ông sử dụng từ ngữ địa phương của nông thôn miền
Bắc trong cuốn sách, như một lời chi ân, tưởng nhớ chăng?
Vâng!
Đúng như vậy, từ đầu đến cuối cuốn sách này, hình như chúng ta không hề tìm
thấy động từ xem- nhìn- nó được thay bằng động từ nom, nông dân đồng bằng sông
Hồng hay sử dụng “...Kiên nom thấy trong quầy... vẻ mặt hắn lúc này, nom
phải đặt biệt nhà quê...“Hay cụm từ dưới đây là một minh chứng rõ ràng “Xin để
mắt quan tâm...”
Tôi
nghĩ, việc sử dụng tiếng địa phương đúng với văn cảnh, hoàn cảnh, sẽ làm cho
câu chuyện, lời văn sẽ sinh động và thật hơn. Đoạn trích dưới đây, với những
lời nói, từ ngữ địa phương, miền quê ấy, làm tăng thêm cái trớ trêu của người
ăn xin với người (có thể là) đồng đội cũ, sau chiến tranh:
“...
Kiên bước qua đường. Dưới cột đèn trước cửa một hiệu ăn anh thấy một người ăn
mày đang đứng co ro, tay giấu trong nách, rạp xuống ngẩng lên vái người qua
đường và cất giọng ống bơ rỉ kêu van một cách tự tin:
"Xin
hãy để mắt quan tâm đến tình cảnh người khác một phút đồng chí ơi! Xin hãy nhớ
tới những miền đang lụt lội, đồng chí".
-
Ăn mày mà lập trường gang thép gớm chưa? Mẹ kiếp, cái dân An Nam nhà mình chỉ
giỏi chống ngoại xâm chứ đến ăn xin cũng chẳng biết đường - một ông bệ vệ diện
bành tô quắp một ả áo lông đi từ trong quán ra, lên giọng - ê, hạ lập trường
xuống, thì cho.
Ả
áo lông cười rú lên như bị cù. Kể cũng buồn cười thật. Một lúc nào đó mình sẽ
dùng đến cảnh này, tự nhiên Kiên nghĩ thế. Có thể sẽ viết rằng thằng cha bệ vệ
kia và người ăn xin là bạn cũ của nhau. Thậm chí là đồng đội. Mà cũng có thể...
Nhưng, vớ vẩn chưa kìa...”
Bảo
Ninh đã viết khá nhiều trang về sinh hoạt văn chương của những năm sau chiến
tranh. Thời văn học nghệ thuật phuc vụ, minh họa cho đường lối lãnh đạo của
đảng. Thời kỳ văn chương không có cái tôi ở trong đó.
Đọc
những trang viết này của Bảo Ninh, làm tôi sực nhớ đến bác Đặng Quốc Bảo, họ
hàng bên mẹ tôi, nguyên bí thư trung ương đoàn. Cuối những năm 1979 đầu năm
1980, bác thường hay đến các trường đại học để nói chuyện về văn hóa nghệ
thuật, lý tưởng thanh niên... Thời kỳ đó, trước cửa trường đại học, hay nơi
sinh viên thường tụ tập, luôn có đội cờ đỏ cầm chai, cầm kéo kiểm tra. Ống
quần, không đút cái vỏ chai vào được, gọi là ống típ, ống bó cắt xẻ ngược lên
tới đầu gối. Quần ống rộng ống loe cắt, áo bó áo chẽn cắt. Người ta cắt xé tất
cả những gì cho là văn hóa của Mỹ Ngụy, để lại. Cứ nhè lúc bác Bảo diễn về văn
hóa trên bục, thì ở vòng ngoài bọn cờ đỏ đè mấy thằng sinh viên ra thiến. Quần
áo người ngợm thằng nào cũng te tua như vừa đánh trận về.
Một
lần tôi đến nhà bác ở phố Phan Đình Phùng, con đường đẹp và yên tĩnh bậc nhất
của Hà Nội. Phải nói bên ngoại tôi, toàn những ông làm to, nhưng với con cháu,
thân mật tình cảm nhất là bác Đặng Quốc Bảo. Sau khi thăm hỏi mẹ, bà tôi, là
đến là chương trình lý tưởng thanh niên. Rồi ví dụ, những ngày đầu cách mạng,
bác phải cà răng căng tai để làm công việc dân vận ở Tây Nguyên. Và nhiều công
việc đại loại như nhà văn, người lính địa phương quân Trung Trung Đỉnh đã viết
...Bài học của bác vừa kết thúc, không hiểu sao lúc đó, tôi buột miệng hỏi: Lúc
bác đang nói về văn hóa với thanh niên, bọn cờ đỏ đè sinh viên ra cắt quần áo,
một việc làm giết văn hóa như vậy, bác có biết không? Bác cũng bất ngờ câu hỏi
của tôi. Có lẽ một câu hỏi bác không bao giờ nghĩ đến. Cũng may, lúc đó ca sỹ
Mạnh Hà đến, nhận nhiệm vụ sang Liên Xô, dự Festivan hay gì đó. Tôi đứng dậy,
xin phép bác về. Mạnh Hà bắt tay tôi, nhìn áo chẽn quần loe của anh, tôi định
nói, ông anh ăn mặc thế này, vào cổng trường đại học, thế quái nào cũng bị
chúng nó làm thịt.
Cũng
đến 34 năm tôi không gặp lại bác Đặng Quốc Bảo. Nhưng gần đây được đọc những
bài viết của bác, tôi thấy tư tưởng suy nghĩ hoàn toàn khác, không giống những
bài giảng của bác trước đây. Tôi rất thích đọc những bài viết này, kể cả bài về
chính trị, dù tôi không thích chính trị và những bài viết về nó. Khi nào về
Việt Nam, nhất định tôi sẽ đến thăm bác, và xin được nghe bác giảng bài mới
này. Dẫu biết, bác đã già lắm rồi và tôi cũng không còn trẻ nữa.
Trong
bối cảnh xã hội đang cùng nhau lên đồng, cùng nhau cắt tiết văn hóa, Bảo Ninh
viết trần trụi, trắng hếu ra như vậy, cha con người lính tên Kiên phải xé
tranh, đốt bản thảo là phải. Có người cho rằng, hành động đốt bản thảo của Kiên
là tiêu cực. Nhưng tôi lại nghĩ khác. Sự đốt bản thảo của của Kiên là hành động
phản kháng tích cực, một cách tự nhiên tâm lý con người. Bởi nhà văn cũng là
con người bình thường, không nên thần thánh hóa và ấn cho anh ta cái lý tưởng
phơi phới không có thật nào đó. Nếu nhà văn Kiên không đốt bản thảo, bọn cờ đỏ
gác cổng kia, không trước thì sau chúng nó cũng thiến mất thôi. Thôi thì, xé
hết quần loe áo bó, hoa hoét màu mè, cứ mặc quần nâu áo gụ, đến trường cho nó
lành.
Đằng
sau sự đốt tranh, đốt bản thảo ấy, có hiệu quả báo động, lên án, cảnh tỉnh quá
đi ấy chứ, không thì làm sao Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh phải kêu lên, hãy cởi
trói cho các văn nghệ sỹ. Không có sự đốt tranh, đốt bản thảo của cha con người
lính Kiên, thì sẽ không có cuốn sách “Nỗi Buồn Chiến Tranh” của
Bảo Ninh ra lò, đến tay chúng ta và bạn bè năm châu như hôm nay. Vâng! Sự tàn
khốc của kiểm duyệt trong giai đoạn đó là thế. Vậy thì phải cảm ơn sự đốt lửa
của nhà văn Kiên lắm lắm... Tôi lại nghĩ, ngày còn sống, đọc đến đoạn văn này,
Phùng Quán, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm... chẳng vỗ đùi đen đét khen Bảo Ninh.
Dường
như Bảo Ninh dành những từ, những câu văn hay và đẹp nhất viết về Phương. Là
người có tính cách mạnh mẽ, có khát vọng tự do, nên lúc nào Phương cũng cảm
thấy bị tù túng bức bối, muốn phá tan đi tất cả. Là người “vì sợ mà chẳng sợ
gì nữa”, nên Phương luôn hành động được coi dị thường trong giai đoạn đó.
Bước vào đời Phương đã cú sốc nặng, con đường bước vào gái bao là tất yếu,
trong khung cảnh tối tăm như vậy. Cũng như Chí Phèo, ai cho Phương làm người
lương thiện, khi xung quanh toàn là Bá Kiến.
Khi
đọc đến đoạn, Phương chủ động hơi chồm lên, vòng tay ôm lấy cổ Kiên kéo xuống,
tôi lại nghĩ đến hành động, dám phá tan những ràng buộc của lễ giáo phong kiến
của Thúy Kiều. Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình đến với Kim Trọng, khi ông
bà Vương Viên Ngoại vắng nhà. Đó là hình ảnh đẹp. Một hình ảnh cho chúng ta
thấy một điều, quyền lực, chế độ xã hội, tiền bạc qua năm tháng rồi sẽ biến
đổi, chỉ còn lại khát vọng tình yêu là vĩnh cửu:
“Nhưng
Phương không mệt à? - Kiên thấy giọng mình như lạc đi - Không lạnh à?
-
Có - Phương đáp và hơi nhổm người lên, vòng tay ôm lấy cổ Kiên kéo xuống. Thoạt
tiên, một cảm giác nhức nhối làm Kiên gai hết người, run lên, gân cốt chùng
xuống nhưng rồi sự chấp nhận biến thành sức cuốn mãnh liệt lập tức ghì riết
anh, nuốt chặt anh vào thân hình mềm mại, thơm mát và nóng hổi, chân thành và
mù quáng, đầy cuồng bách của Phương. Đó là một cái gì không thể ngờ được, như
thể tiếng sét, và hơn cả đau đớn, như thể đột ngột cất lên một tiếng kêu tự đáy
lòng. Và không phải là cái hôn đầu tiên nhưng là nỗi da diết đầu tiên được khám
phá ra bên bờ hồ... Song, tất cả diễn ra chỉ trong khoảnh khắc. Đột nhiên một ý
chí sầm tối và cứng rắn đánh thức nhói lên nói rằng anh không được, anh không
thể, rằng... ráng hết sức bình sinh Kiên tự giằng mình ra, thả buông vòng tay
đang dằn xiết Phương, ngồi chồm dậy. Sự buông hẫng ấy làm Phương lặng đi. Mọi
cảm giác choáng loạn tản bay nhường chỗ cho sợ hãi và xấu hổ. Cô lăn tránh sang
bên, gài nhanh hàng cúc áo sơ mi che kín ngực rồi nhè nhẹ ngồi lên. Sóng hồ dập
dềnh, ì oạp vỗ vào bờ cỏ. Xa xa, từ chỗ pháo đội cao xạ chất nổi trên đám bè
neo sâu trong hồ một hồi kẻng khuya chậm rãi dõng lên. Vị thần bảo hộ cứu tinh
cho sự trong trắng và trong sạch của đôi bạn, chẳng là ai khác ngoài chính
họ.
Gió
thở dài. Im lặng lan xa. Hai người như thể vừa từ đáy nước nổi bồng lên để rồi
mỗi người bị cuốn dạt ra mỗi ngả. Kiên đưa tay ra, run run nắm lấy cổ tay
Phương như muốn níu giữ cô.
-
Kiên sợ phải không? - Phương dịch lại gần - Sợ phải không? Phương cũng sợ...
Nhưng vì sợ mà chẳng sợ gì nữa...” (NBCT)
Tôi
rất thích đọc những đoạn văn tả cảnh, tả tình của Bảo Ninh vì rất khoáng đạt,
từ ngữ đơn giản nhưng vẫn toát lên sự sang trọng. Nó lung linh sương khói mờ ảo
như một bài thơ tình vậy. Đây là một trong những trang văn hay và đẹp nhất mà
tôi đã được đọc:
“... Đêm
hè mát rượi, mà trán và lưng anh ướt mồ hôi. Tràn ngập nỗi sợ hãi và lòng
thương mến, anh xiết chặt eo Phương. Anh cảm thấy yếu đuối, mờ mịt. Tình yêu.
Sự tôn thờ quy phục. Anh không sợ. Nhưng anh không thể. Anh không dám.
Phương
khẽ nằm xuống kéo Kiên ngả xuống theo. Cỏ mát rượi, hơi sương, nhưng nền đất
vẫn còn đọng hơi ấm buổi chiều. Kiên gối đầu lên tay Phương, áp chặt vào mình
cô. Như một cậu bé. Đúng là Phương không điên mà cô như là một người chị, một
người mẹ trẻ, cô lùa tay vào tóc anh vuốt nhè nhẹ và thì thầm kể chuyện về
người cha của anh. Mái tóc hồi đó Phương để rất dài, xỏa rộng phủ lên mình
Kiên, ấm và thơm lạ lùng. Hé mắt nhìn qua làn tóc, Kiên nhận thấy trăng hạ tuần
đã lộ. Vừng trăng mỏng và cong hiện ra rất nhanh ở rìa một khối mây đùn cao
trên đỉnh hồ. Rồi lập tức bị che khuất. Anh nhìn thấy ánh lửa đập dờn như lửa
ma trơi trên sân thượng. Cha và Phương. Những bức tranh màu lá úa và màu vàng
như rơm. Những linh hồn được phóng thích ra khỏi mặt vải. Giọng Phương đều đều,
ngái ngủ hệt như giọng một người mẹ kể chuyện cổ tích trong màn. Kiên không
nhận thấy là mình đã bật mở hết cúc áo của Phương cho tới khi hai bầu vú trắng
phau bật ra. Vành trăng lướt thoáng một dải sáng lên mặt hồ và bãi cỏ. Phương
nằm yên, không trở mình, có lẽ đã ngủ say. Kiên không nhận thấy là miệng mình
đã ngậm chặt lấy đầu vú của Phương còn thành thạo hơn một chú bé con. Anh mút
nhè nhẹ thoạt tiên là như thế, như thuở mới ra đời người ta bú. Nhưng rồi kế đó
là một nỗi khát khao kỳ quái thôi thúc, anh dùng cả sức mạnh của hai bàn tay,
cho đến lúc cảm nhận trong miệng cái vị ươn ướt ngòn ngọt thoáng cả nỗi đau đớn
mơ hồ như thể vị ngọt từ giấc mơ của Phương thấm truyền sang...”(NBCT)
Góp
vào sự thành công “Nỗi Buồn Chiến Tranh” có nhiều yếu tố,
nhưng yếu tố quan trọng nhất làm nên nó là SỰ THẬT TÀN NHẪN CỦA CHIẾN TRANH. Sự
thật đó đã chạm được vào nỗi đau tận cùng của con người. Nó như một bức thông
điệp sáng giá đưa văn học Việt Nam đến gần với văn học chung thế giới. Và “Nỗi
Buồn Chiến Tranh” - Bảo Ninh góp phần không nhỏ cùng với những Chuyện
Ba Người của Tô Hoài, Mảnh Đất lắm Người Nhiều Ma - Nguyễn Khắc
Trường, Ly Thân - Trần Mạnh Hảo... chứng minh sức sống của văn học hiện
thực không xã hội chủ nghĩa.
Tất
nhiên, trong một tác phẩm văn học nào cũng vậy, ngoài những yếu tố thành công,
dứt khoát còn có mặt hạn chế, “Nỗi Buồn Chiến Tranh” cũng
không ngoại lệ. Trong phạm vi bài viết này, tôi chưa thể đề cập đến.
Có
một điều thú vị, khi đọc truyện ngắn của Bảo Ninh, tôi nghiệm ra, trong văn
chương không có đề tài nào lớn hoặc nhỏ. Lớn, nhỏ do tài năng người viết. Có
những cái rất nhỏ, tưởng chừng viết dăm ba câu là đủ, nhưng ông đã mở ra những
điều rất lớn, rất đáng suy nghĩ ở trong đó. Câu chữ trong truyện ngắn của Bảo
Ninh thô ráp, nhưng sau nó là cái tinh tế mượt mà. Giống như cô gái hiện đại
thời nay sống trong ngôi nhà cổ cũ kỹ vậy.
Nhất
định tôi sẽ trở lại với đề tài truyện ngắn của ông.
Leipzig
ngày 6-7-2013
No comments:
Post a Comment