Sunday, 7 July 2013

MUA VÉ XEM WIMBLEDON (Lê Mạnh Hùng)




Lê Mạnh Hùng
Thursday, July 04, 2013 10:01:08 AM

Cuối Tháng Sáu tại Anh là mùa của giải quần vợt Wimbledon. Và cũng như mọi năm, bất kể mưa nắng, trong hai tuần thi đấu của giải, ngày nào cũng có hàng ngàn người đến sắp hàng rồng rắn ở trước cửa trụ sở Hội All England Tennis Association.

Những người này, có người mang đồ đạc đến ngủ sẵn từ ngày hôm trước, nếu không thì đã có mặt từ mờ mờ sáng để gia nhập hàng người chờ đợi được biết dưới tên là “The Queue” vốn đã trở thành một truyền thống của giải quần vợt cổ nhất thế giới này (nó bắt đầu từ năm 1877) cũng như là món tráng miệng đặc biệt của mùa giải này: dâu tươi và cream ăn chung với nhau.

Wimbledon là một trong số những giải thể thao hiếm hoi trên thế giới mà người ta có thể mua được vé vào xem với giá rẻ coi ngay trong ngày với điều kiện là sắp hàng sớm đủ để có thể mua được số vé giới hạn mà ban tổ chức dành bán trong ngày.

Mỗi ngày, khoảng vài ngàn vé vào cửa được bán với giá 20 bảng Anh (31 đô la) cho khách vào coi tại các sân từ số 3 đến số 10 trong khi những người đứng đợi ở đầu hàng đợi thì được quyền mua một trong 1,500 vé dành cho ba sân chính của giải (sân Giữa và hai sân số 1 và số 2) với gia 45 bảng Anh (70 đô la Mỹ). Với giá một vé vào cửa coi trận chung kết giải hiện nay được rao bán lên đến 23,000 bảng Anh thì ta có thể thấy rằng đối với những người hâm một quần vợt nghèo, việc sắp hàng để mua vé là cách độc nhất để có thể vào coi tận mắt những đấu thủ thần tượng của mình.

Vói một truyền thống sắp hàng đợi lâu dài như vậy, thành ra không có gì lạ khi The Queue trở thành một điển hình của tinh thần dân Anh với những luật lệ chặt chẽ để bảo đảm công bằng, không vượt chỗ, không bất lịch sự. Và với sự phổ biến của mạng Internet, hiện đã mọc lên một loạt các website và địa chỉ Twitter chỉ người ta cách thức hành xử như thế nào trong khi sắp hàng chờ đợi.

Khi bạn gia nhập vào hàng người chờ đợi, bạn được nhận một cái thẻ có ngày tháng và số thứ tự, và bạn phải trả lại cái thẻ đó khi đến trạm bán vé để mua vé vào cửa. Băng tay được phát cho những người đứng ở đầu hàng và được phép mua một trong 1,500 vé dành cho các sân chính (Giữa, Một và Hai). Quy định của ban tổ chức giải, All England Lawn Tennis Club (AELTC) nói rằng không được giữ chỗ cho người khác, không được để đồ dành chỗ trong khi mình đi nơi khác thoải mái hơn và không được chơi nhạc ầm ỹ khi sắp hàng. Một phát ngôn nhân của ban tổ chức giải Wimbledon cho biết những quy đinh này được đưa ra cách đây khoảng mười năm để bảo đảm việc sắp hàng cho được công bằng - và chuỗi người sắp hàng đợi cứ ngày một đông hơn lên.

Ða số những người sắp hàng này là những người cũ, hầu như năm nào cũng có mặt và đối với họ, việc sắp hàng này cũng thích thú như là được vào coi đánh giải vậy. Trong suốt sáu năm liền, Dex Hill, một sinh viên tại trường Ðại Học Kingston tại Luân Ðôn là một trong những người đầu tiên dựng lều giữ chỗ đợi để chuẩn bị mua vé vào tám giờ sáng ngày hôm sau. Anh tâm sự với phóng viên thông tấn xã Reuters: “Có mặt trong đoàn sắp hàng này thì thật vui, bởi vì mọi người ai cũng đến đây vì cùng một lý do, nói chuyện quần vợt và có một bầu không khí như là một ngày hội.”

Bà Judy Bourne, một bà già về hưu ở tỉnh Cheltenham cách Luân Ðôn 84 miles về phía Tây Bắc cho biết bà đã sắp hàng mua vé như thế này tại Wimbledon từ 34 năm nay. Năm nay bà vào được thứ 85 và mua được vé vào xem sân số Một, bảo đảm rằng bà có thể trông thấy đối thủ thần tượng của bà, Rafael Nadal thi đấu. (Không may cho bà, Nadal năm nay đã bị loại một cách bất ngờ ngay từ vòng đầu). “Ngay cả đợi tôi cũng thích. Nhờ vậy người ta làm quen được với nhiều người. Nhờ sắp hàng như vậy tôi đã kết giao được một số bạn tốt,” bà Bourne nói với phóng viên Reuters

Còn một cặp vợ chồng mới cưới người Nhật, Takahiro và Sayako Ikawa, đã sắp hàng hai ngày liên tiếp và cả hai lần đều đến sớm đủ để được mua vé vào sân Giữa thì rất là thích thú về trò chơi mới này “Ðây quả là một đám đông đặc biệt Anh. Mọi người ai cũng tử tế và lịch sự”. Và họ chụp ảnh mình đang giơ cao tấm vé vào cửa để gởi về cho bạn bè tại Osaka.

Jo Bryant, một cố vấn cho Debrett's, cuốn sách chỉ nam về cách cư xử thế nào cho lịch sự của Anh thì cho biết rằng nghệ thuật sắp hàng chờ đợi đã được rèn luyện thành một nghệ thuật tại Anh nhất là trong những ngày của Chiến Tranh Thứ Hai và sau đó khi người Anh phải thường xuyên sắp hàng để mua hàng qua tem phiếu, từ thực phẩm cho đến hàng gia dụng. Thành ra quy tắc hành xử trong một hàng đợi như thế này có thể bị coi là lạ lùng đối với những người ngoại quốc. “Nhưng chen lấn lên trước là lỗi lầm tệ hại nhất mà một người lạ có thể phạm phải. Ngay đến cả người Anh lịch sự nhất cũng cảm thấy chính đáng khi đuổi những anh nào nhảy hàng trở về phía đuôi.” Bryant cho phóng viên của Reuters biết.

Ðiều bất trắc quan trọng nhất đối với những người sắp hàng mua vé là thời tiết bất thường tại Anh vào mùa Hè. Các nhà khí tượng Anh tiên đoán là trong hai tuần của Wimbledon sẽ có một số ngày mưa. Và mỗi lần mưa như vậy thì sân phải đóng cửa. Mưa nhiều đến nỗi có năm các trận đấu không thể kết thúc được trong vòng hai tuần mà phải kéo thêm một ngày nữa. Ðiều này đã khiến cho ban tổ chức xây thêm một cái mái có thể kéo ra đóng lại đặt trên sân đấu Giữa (sân chính) cách đây bốn năm và năm nay ban tổ chức loan báo kế hoạch sẽ xây một cái mái tương tự cho sân số Một.

Người ta dự trù trong vòng hai tuần lễ của giải Wimbledon, khán giả sẽ tiêu thụ hết 8,615 pound dâu tươi và uống hết 200,000 ly rượu ngọt Pimm's truyền thống của Anh. Dĩ nhiên dầu cho ăn hay uống vẫn giữ cách xử sự lịch sự của một “gentleman” hay một “gentle lady.”





No comments:

Post a Comment

View My Stats