Monday, 8 July 2013

TỰ LỰC VĂN ĐOÀN, NỀN TẲNG CỦA VĂN HỌC VIỆT NAM HIỆN ĐẠI (Hà Giang & Nguyên Huy - Người Việt)




Hà Giang & Nguyên Huy/Người Việt
Sunday, July 07, 2013 7:14:19 PM

Hội Thảo Phong Hóa - Ngày Nay và Tự Lực Văn Ðoàn

WESTMINSTER (NV) - Hội Thảo về Phong Hóa-Ngày Nay và Tự Lực Văn Ðoàn bước sang ngày thứ hai, nói về, và cũng để tái khẳng định, vai trò tiên phong của Tự Lực Văn Ðoàn đối với thơ văn Việt Nam. Mở đầu buổi hội thảo, nhà văn Nguyễn Tường Thiết, con trai út nhà văn Nhất Linh, ngỏ lời cảm tạ ban tổ chức, tất cả đồng hương đến tham dự buổi hội thảo, được tổ chức đúng vào ngày giỗ của Nhất Linh, mà ông xem như một lễ tưởng niệm trang trọng nhất cho thân phụ.

GS Kawaguchi: “Ðóng góp lớn nhất cho sự thành hình văn học hiện đại Việt Nam là nhóm Tự Lực Văn Ðoàn.” (Hình: Triết Trần/Người Việt)

Rồi tâm tình với cử tọa về hành trình “Ði Tìm Nhất Linh” của mình, nhà văn Nguyễn Tường Thiết mở lời: “Cách đây đúng 60 năm, cũng vào một buổi trưa Chủ Nhật như trưa nay, bố tôi tâm sự với người con trai út của mình rằng công việc tốt đẹp nhất, đóng góp lớn nhất của ông cho đời là việc thành lập Tự Lực Văn Ðoàn.”

Hành trình đi tìm Nhất Linh, với ông, là một hành trình dài và lặng lẽ, vì khi “muốn tìm hiểu thì cha đã không còn trên dương thế.”

Sự kiếm tìm miệt mài, cuối cùng đã đưa đến cho nhà văn Nguyễn Tường Thiết một kết quả hài lòng, tạm trả lời được câu hỏi tại sao một con người đa tài như thân phụ của ông, đã bỏ một cuộc sống có thể sung túc hơn nhiều, gác một bên trách nhiệm gia đình, để chọn hướng đi “canh tân đất nước bằng văn hóa,” theo đuổi vẻ đẹp cao cả của cách mạng, làm cho cuộc đời đẹp lên - đời ông và đời của tất cả bao người khác.

Bài nói chuyện của Nguyễn Tường Thiết chấm dứt trong tràng vỗ tay vang dội, và cử tọa cùng nhau đứng lên trong một phút mặc niệm Nhất Linh.

Hình ảnh của nhà văn Hoàng Ðạo trở nên gần gũi hơn khi mọi người được nghe Giáo Sư Minh Thu, con gái đầu lòng của ông, kể lại những kỷ niệm gia đình với cha mình, một người mà theo bà, bị nhiều người cho là “dè dặt lạnh lùng” nhưng với gia đình rất vui vẻ, thân thiết.

Tương tự như hoàn cảnh của Giáo Sư Trần Khánh Triệu, con nuôi nhà văn Khái Hưng, lần cuối Giáo Sư Minh Thu gặp thân phụ là lần bà chứng kiến dịp cha mẹ mình chuyện trò trước khi nhà văn Hoàng Ðạo lên đường đi lo việc nước.

Bà Minh Thu tâm sự: “Hôm ấy, nhìn vào khuôn mặt ba trong gương, tôi không ngờ là ông không bao giờ trở về nữa. Chuyến tàu Hồng Kông-Quảng Châu đưa ông ra đi với tôi luôn là một điều bí ẩn.”

Phần nói chuyện của Bác Sĩ Nguyễn Tường Giang, con trai út nhà văn Thạch Lam về bố có lẽ làm mọi người xúc động nhất: “Nói về cha với tôi là một điều thật khó, vì khi ông mất tôi mới có ba ngày tuổi” và “là một đứa trẻ mồ côi, tôi không biết mình thương bố hay không thương bố nữa.”

Cử tọa cảm thương hơn khi Bác Sĩ Nguyễn Tường Giang tâm sự rằng trước khi ông ra đời, cha ông đã bị lao phổi nặng, và một người xem tử vi đoán rằng nếu mẹ ông hạ sinh con gái thì chồng sẽ khỏi, còn nếu sinh con trai thì phải lo chuyện tang ma vì “đứa con này khắc cả cha lẫn mẹ.”

Ông Nguyễn Tường Thiết cảm động về phát biểu của nhà thơ Trần Mộng Tú, nói về thân phụ ông, nhà văn Nhất Linh. (Hình: Triết Trần/Người Việt)

Vì không có kỷ niệm với cha, Bác Sĩ Nguyễn Tường Giang đã mượn bài viết “Bố Tôi - Thạch Lam” của chị ruột là bà Tường Nhung để kể vài nét về nhà văn vắn số Thạch Lam, qua đời lúc mới 32 tuổi.

Phần thảo luận bước qua không khí của một giảng đường với bài thuyết trình hoàn toàn bằng tiếng Việt của Giáo Sư Kawaguchi Kenichi. Ông Kawaguchi học tiếng Việt từ năm 1990, giảng viên môn Văn Hóa và Văn Học Việt Nam tại đại học Ngoại Ngữ Tokyo, cũng là người dịch tác phẩm Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng, và Nắng Trong Vườn của Thạch Lam, qua Nhật ngữ.

Ðánh giá vai trò của Tự Lực Văn Ðoàn trong Văn Học hiện đại Việt Nam, Giáo Sư Kawaguchi khẳng định: “Những nhà văn đóng góp công lao lớn nhất cho sự thành hình văn học hiện đại Việt Nam là nhóm Tự Lực Văn Ðoàn, trong đó có thành viên Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Ðạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ và Xuân Diệu.”

Giáo Sư Kawaguchi đánh giá cao lối dựng chuyện rất đặc trưng trong tác phẩm Hồn Bướm Mơ Tiên của nhà văn Khái Hưng, nhưng cho rằng tiểu thuyết Nửa Chừng Xuân mới là tác phẩm tiêu biểu nhất của ông.

Về nhà văn Nhất Linh, Giáo Sư Kawaguchi cho rằng tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là cuốn “Ðoạn Tuyệt,” qua đó, sự đối lập và xung đột tư tưởng giữa mới và cũ được miêu tả sống động qua hai nhân vật Loan và Dũng.

Giáo Sư Kawaguchi chấm dứt bài thuyết trình bằng cách nhắc lại vai trò quan trọng của Tự Lực Văn Ðoàn trong văn học hiện đại Việt Nam.

Uyên bác nhưng không kém phần dí dỏm, lôi cuốn là phần trình bày của Giáo Sư Nguyễn Hưng Quốc, giáo sư Ðại Học Victoria, tại Melbourne, Australia với đề tài “Ðánh giá lại Tự Lực Văn Ðoàn.”

Ðồng ý với nhận định của Giáo Sư Kawaguchi, Giáo Sư Nguyễn Hưng Quốc khẳng định rằng từ năm 1932 đến năm 1940, nhóm Tự Lực Văn Ðoàn “gần như đóng vai trò thống trị” trên văn đàn Việt Nam vì năm lý do chính, hay năm đóng góp lớn nhất của Tự Lực Văn Ðoàn cho nền văn học Việt Nam.

Thứ nhất, dưới thời Tự Lực Văn Ðoàn, giới viết văn làm thơ mới bắt đầu kiếm sống được bằng tác phẩm của mình, và nhờ đó có điều kiện ngày càng trau dồi nghề nghiệp, liên tục tạo ra phong cách mới cho ngòi bút.

Tự Lực Văn Ðoàn cũng đã nâng nghệ thuật tiểu thuyết lên thành những gì có giá trị tồn tại bằng cả kỹ thuật lẫn ý tứ.

Việc “quảng bá và đưa thơ mới đến vị trí toàn thắng” là đóng góp thứ ba của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn. Việc đề cao vai trò cá nhân, tôn trọng tự do cá nhân là đóng góp thứ tư.

Nhưng đóng góp lớn nhất và quan trọng nhất của Tự Lực Văn Ðoàn, theo Giáo Sư Nguyễn Hưng Quốc, là công trình nâng cao trình độ văn xuôi của Việt Nam, một đóng góp mà ông cho là “tất cả những ai cầm bút thời nay đều phải mang nợ.”

Tại sao, vì trước thời Tự Lực Văn Ðoàn, văn xuôi miền Bắc thì “nặng nề với chữ Hán” và văn xuôi miền Nam thì “ngô nghê như kể chuyện.” “Chỉ đến thời Tự Lực Văn Ðoàn mới có lối viết văn trong sáng giản dị, bớt cả nặng nề lẫn ngây ngô.”

Ông kết luận: “Tất cả chúng ta, những người cầm bút, dù thích hay không thích Tự Lực Văn Ðoàn thì cũng đã được nuôi dưỡng bằng dòng sữa của Tự Lực Văn Ðoàn.”

Nói về ảnh hưởng của Tự Lực Văn Ðoàn lên phong trào thơ mới, Giáo Sư Trần Huy Bích đưa ra ba thi sĩ nổi danh là Thế Lữ, Xuân Diệu và Tú Mỡ.

Hậu duệ Tự Lực Văn Ðoàn: Nhà văn nữ Ðặng Thơ Thơ, cháu ngoại nhà văn Hoàng Ðạo, tại buổi thuyết trình. (Hình: Triết Trần/Người Việt)


Giáo Sư Bích trích dẫn những nhận định của nhà phê bình Vũ Ngọc Phan cũng như Hoài Thanh, cho rằng Thế Lữ là người có công đầu trong thơ mới. Ðể chứng minh điều này, giáo sư Bích đọc lại bài Nhớ Rừng và phân tích nhiều câu thơ thể hiện rõ được ý nghĩa bi hùng của tình trạng sa cơ thất thế nhưng vẫn không mất đi cái uy dũng. “Sự thể hiện đó là cái mới trong thơ mà trước đó không bao giờ thấy.”

Nhà thơ thứ hai là Xuân Diệu, Giáo Sư Bích cũng nhắc lại lời nhận xét của Vũ Ngọc Phan rằng Xuân Diệu đã đem lại cho thi ca Việt Nam nhiều sự mới lạ từ ngôn ngữ, ý ưởng cho đến cách thể hiện khiến tuổi trẻ bước vào nền thơ văn đại chúng.

Với Tú Mỡ, Giáo Sư Trần Huy Bích nhắc đến cách thể hiện của nhà thơ qua một thể thơ khác trước mà nhà thơ gọi là “Thất ngôn thập bát cú.” Nhìn chung, Tú Mỡ đã đem nhiều thể văn thơ cũ như Hát Xẩm, Văn Tế, Phú... cho nó một cái hồn mới trong sự thể hiện. Và theo giáo sư Bích, Tự Lực Văn Ðoàn đã dùng hai tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay chuyển đến cho mọi người những sự đổi mới trong văn chương, cũng là những khai mở vào một cuộc sống mới trong giai đoạn “đánh thức” người dân Việt trước sự độ hộ của người Pháp đang đến thời suy tàn.

Diễn giả kế tiếp là nhà văn Trần Doãn Nho. Với phong thái tự tin nhuốm chút hài hước, ông xin làm thay đổi không khí bằng giọng nói miền Trung sau hơn một chục cuộc thuyết trình từ hôm khai mạc đến giờ toàn là... giọng Bắc. Cả hội trường đều cười ồ thích thú khiến cho câu chuyện của ông về “Văn phong trong Tự Lực Văn Ðoàn” đã thu hút được nhiều tràng vỗ tay tiếp theo.

Ðưa hai nhà văn Nhất Linh và Thạch Lam ra để nhận định “văn phong” của hai nhà văn này, mà theo trích dẫn từ các lời phát biểu của hai nhà văn, thì một người - Nhất Linh - cho rằng văn phong không cần thiết; người kia thì ngược lại. Cuối cùng, sau nhiều trích dẫn những phát biểu của một số nhà văn nổi tiếng trên thế giới về văn phong, ông Trần Doãn Nho kết luận, “Tự Lực Văn Ðoàn đã sáng tạo lối viết mới, trong sáng, đơn giản trong diễn tả sự việc, tâm tình, đã tạo được ảnh hưởng lâu dài, cho đến ngày nay nó vẫn còn phảng phất trong văn chương Việt Nam.”


Hai diễn giả kế tiếp nữa thuộc nữ giới: nhà thơ Trần Mộng Tú và nhà văn trẻ Ðặng Thơ Thơ.

Trần Mộng Tú nhũn nhặn chỉ xin nói về tình yêu trong văn chương Tự Lực Văn Ðoàn. Nhà thơ nhận định “tình yêu trong văn chương Tự Lực Văn Ðoàn là những vấn đề về giai cấp, tự do luyến ái, đem tình yêu vào tôn giáo, v.v... mà trước đó chưa hề được nhắc đến hay đặt ra trong văn chương Việt Nam.”

Nhà văn nữ Ðặng Thơ Thơ thì nói về ông ngoại mình, nhà văn Hoàng Ðạo. Cô nói về sự nghiệp của ông mình mà từ trước đến nay chỉ được nhắc đến như một nhà cải cách xã hội. Thực sự ông là một nhà văn, viết những tác phẩm đặt ra nhiều vấn đề như trong cuốn “Trước Vành Móng Ngựa” hay trong những phóng sự xã hội trong đó ông nêu ra những tư tưởng cấp tiến soi rọi vào xã hội Việt Nam dưới chủ nghĩa thực dân.

Nhưng các tác phẩm của Hoàng Ðạo hầu hết chưa được xuất bản. Phóng sự “Bùn Lầy Nước Ðọng” của ông được xuất bản năm 1938 nhưng đã bị nhà nước thực dân Pháp thu hồi ngay. Ðặng Thơ Thơ sau cùng kết luận, “Hoàng Ðạo là một nhà văn đích thực qua những phóng sự, biên khảo. Văn chương của ông là những phán đoán thôi thúc người ta phải bàn thảo về bất công xã hội. Văn chương của ông cũng như của Tự Lực Văn Ðoàn là những canh thức báo động cho xã hội.”

Cuộc nói chuyện của hai diễn giả sau cùng là nhà văn Ngự Thuyết và nhà văn nữ Phạm Thảo Nguyên đã khép lại toàn bộ cuộc hội thảo về Tự Lực Văn Ðoàn, một cuộc hội thảo hùng hậu về số thuyết trình viên, về số người tham dự đông đảo, say mê và ít có ai bỏ về như trong nhiều cuộc hội thảo khác.



No comments:

Post a Comment

View My Stats