Monday 22 July 2013

THƯƠNG NỮ, THẤT PHU ! (Huy Phương)




Tạp ghi Huy Phương
Sunday, July 21, 2013 3:00:46 PM

“Rượu vẫn chảy mềm môi thương nữ
Có còn chi cho nỗi đau này!”

Vua Trần Hậu Chủ (583-587) thời Hậu Trần bên Trung Hoa, nổi tiếng tài tử phong lưu, nên hậu cung lúc nào cũng có hàng ngàn mỹ nhân tuyệt sắc. “Hậu Ðình Hoa” là một tập thơ phong tình được phổ nhạc cho cung tần, mỹ nữ ca hát mua vui. Ðỗ Mục (803-853) là một danh sĩ tài hoa, hơn 200 năm sau, ghé qua bến Tần Hoài, thuyền đổ cạnh một quán rượu, trong một đêm trăng sáng, nghe tiếng hát và đàn ca, sênh phách của bọn con hát hầu rượu vẳng lại từ bên kia sông, mà cảm khái viết nên hai câu thơ bất hủ, trong một bài tứ tuyệt “Dạ Bạc Tần Hoài”:

Thương nữ bất tri vong quốc hận,
Cách giang do xướng “Hậu Ðình Hoa”

Thí sinh tham dự cuộc thi “Miss Vietnam” tổ chức tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam, năm 2010. (Hình minh họa: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Chúng ta là những người, từ 38 năm nay, bỏ nước ra đi, dù no ấm, giàu sang, hạnh phúc gì đi nữa thì cũng là những kẻ ly tổ, bỏ quê hương, làng mạc, mồ mả cha ông mà lưu lạc tới chốn này, nên vẫn canh cánh bên lòng một nỗi đau. Huống chi, giờ nhìn lại quê nhà, trong một chế độ độc tài, toàn trị, quyền làm người và giá trị người dân bị coi nhẹ, công an là công cụ bạo lực, đảng Cộng Sản dùng để đàn áp người dân, bịt miệng và cầm tù những người yêu nước, bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền.

Sĩ phu thấy xấu hổ, tuổi trẻ thấy bất bằng đã dấy lên phong trào yêu nước nhưng đã bị chính quyền đương thời gán ép, ghép vào những tội danh như là chống phá tổ quốc, mưu toan lật đổ chính quyền, làm gián điệp cho ngoại quốc. Tuy nhiên, đa số quần chúng, lớn lên và được dạy dỗ theo nhân sinh quan của cộng sản, chỉ biết chăm chút cho bản thân và lo cho sự sống còn của đảng, là nồi cơm và cuốn sổ hưu của họ. Dân chúng phần lớn chạy theo sự sống, mục tiêu tối thượng là lợi lộc, bất kể đạo lý, sẵn sàng bỏ sĩ diện, gia phong để chạy theo đồng tiền, vì có tiền là mua được tất cả.

Ðảng Cộng Sản ác với dân nhưng lại hèn với giặc, nhượng đất, bán đảo, thỏa hiệp với kẻ thù, để cho ngư dân bị xua đuổi, bắt bớ ngay trong phần đất, biển nhà. Công an chủ trương “còn đảng còn mình,” lãnh đạo “thà mất nước còn hơn mất đảng,” nên xem sinh mạng người dân như cỏ rác. Tình trạng thỏa hiệp, đầu hàng đã đưa đến chuyện mất nước hiển nhiên trước mắt, nhưng trong chính thể đã cam tâm làm tôi đòi cho Trung Quốc hiện nay, chống ngoại xâm từ phương Bắc có nghĩa là chống chính phủ, muốn lật đổ chính quyền, nên nhà tù Việt Nam hiện nay là nơi giam giữ những người yêu nước.

Nhà cầm quyền muốn cho dân chúng ngoan ngoãn, chạy theo những thị hiếu tầm thường, thấp hèn để quên việc nước. Ngày xưa, dưới thời Pháp, Cộng Sản lên án những phong trào thể dục thể thao, lễ hội văn hóa là những trò thực dân bày ra để ru ngủ thanh niên và tôn giáo là thuốc phiện. Những điều đó, hôm nay hiển nhiên đã giải thích rõ ràng chủ trương của đảng cầm quyền.

Ở Việt Nam hiện nay có bao nhiêu lễ hội nhân gian, bao nhiêu cuộc thi hoa hậu, bao nhiêu cuộc tranh tài thể thao? Có bao nhiêu nơi ăn chơi, tính “trên từng cây số,” thanh niên lấy nhậu làm vui, để quên mọi sự. Tính trên đầu người, dân Việt Nam uống nhiều bia bậc nhất thế giới, số bia Heneiken được tiêu thụ ở Việt Nam đứng thứ 2 sau Trung Quốc, trong khi Trung Quốc có 1.3 tỉ người còn Việt Nam chỉ có 90 triệu. Rượu chảy đến đâu, việc mua dâm xảy ra đến đó, tạo ra một đất nước suy đồi, chỉ biết hưởng thụ. Phải chăng đó là tính toán của nhà cầm quyền như những gì mà chính họ đã lên án trong thời bị trị?

Tình cảnh đất nước hôm nay, còn tệ hại hơn năm bảy trăm năm về trước, trước nạn ngoại xâm và trước cảnh ăn chơi, làm giàu của bọn tham quan, ô lại, xây nhà cửa như cung đình, làm nhà thờ tổ như lăng miếu. Trần Quốc Tuấn đã nói rõ trong “Bài hịch Tướng Sĩ”:

“Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo; thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình đứng hầu quân man mà không biết tức; nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không biết căm. Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích. Có kẻ chăm lo ruộng vườn để cung phụng gia đình; có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ. Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc quân. Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng hát nhảm. Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh.”

“Việt Nam bây giờ giàu lắm, vui lắm!” Ðó là những gì mà một số người 38 năm trước đã bỏ nước ra đi rất vội vã, có thể mang chiếc dép phải vào chân trái, nói đến Việt Nam bây giờ. Ðó là những gì mà có những người bước ra từ cõi chết, hay còn sống sót trong lúc người thân trầm mình xuống đại dương có trí nhớ rất tồi hay giả vờ quên vì tư lợi. Ðó cũng là lời ca tụng của một số người đã ở trong nhà tù cộng sản, được nước Mỹ cưu mang, chỉ mong muốn cao bay xa chạy khỏi nơi hang hùm nọc rắn ngày nọ, nhưng bây giờ lại thấy cỏ bên kia sườn núi xanh non.

“Chúng ta đi mang theo quê hương,” nhưng bỏ lại rất nhiều thứ. Trong đó có mồ mả chiến hữu, những anh em thương tật và có thể là một lời hứa hẹn chưa hề nói ra, nhưng là niềm hy vọng của những người ở lại, “như kẻ chăn chiên quay đầu chạy, bỏ bầy chiên lại cho lũ thú rừng!” Trong khi trong nước, có những người trẻ tuổi hy sinh cả tương lai, chấp nhận bước vào cửa nhà tù, cũng như ở hải ngoại, có bao nhiêu người đã tranh đấu cho quê hương, cho đồng bào được quyền làm người, thì trái lại ở đâu đó, chúng ta nghe gì, thấy gì gọi là sinh hoạt văn hóa?

Cổ nhân nói: “Một người thầy thuốc mà sai lầm thì có thể giết chết một bệnh nhân, một nhà chính trị mà sai lầm thì có thể giết hại một dân tộc, một nhà làm văn hóa tư tưởng mà sai lầm thì có thể giết hại cả một thế hệ.”

Nhà biên khảo Tử Nhân Nguyễn Văn Thọ đã phân tích ba hạng người làm văn hóa. Một là siêu việt, coi thường lợi danh, không chen chân vào chốn xa hoa phù phiếm để chúng ta có những thiên tài như Ðỗ Phủ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Tản Ðà... Người làm văn hóa trung đẳng để văn chương phản ảnh đời sống thực tại, gần gũi với người đời, chia sẻ buồn vui, biết thương dân, nghĩ đến dân. Người làm văn hóa hạ đẳng, là những loại thợ (như danh từ công - theo cách nói của cộng sản,) hành nghề văn hóa vì sinh kế, áp dụng thủ đoạn mị dân, chạy theo thị hiếu quần chúng hay tuân hành chỉ thị của người chi tiền.

Loại sau này hô hào, trương bảng phát huy văn hóa dân tộc, nhưng phổ biến những điệu vũ dâm đãng mà trên sân khấu trai gái trườn lên mình nhau trong những tư thế làm tình, vũ công nhảy múa tốc váy để bày quần lót (cái mà trong nước gọi là nội y) cốt chỉ để thỏa mãn thị hiếu thấp hèn của con người, cũng là một loại độc dược ru ngủ.

Làm văn hóa siêu việt là thiên tài, tức là của Trời cho; văn hóa trung đẳng còn là dấn thân, tiếp cận, gần gũi với nỗi khổ của đồng loại; văn hóa hạ đẳng là thợ hành nghề chỉ hành nghề theo đơn đặt hàng như thợ hát, thợ vẽ, thợ múa... Làm văn hóa hạ đẳng cũng như lời phát biểu của một gái bán dâm từ Việt Nam: “Làm nghề này vừa sướng vừa có tiền!”

Người ta nói rằng muốn tìm hiểu sinh hoạt của một xã hội thì hãy mở trang quảng cáo hay nghe thấy những đoạn phim chào hàng trên đài truyền hình, hay một lời mời mọc qua làn sóng phát thanh. Bởi nhục dục được đề cao, nên đàn ông đi tìm thuốc làm tình để “yêu em dài lâu,” phụ nữ lo trau dồi son phấn và quần chúng cười mũi, khinh khi khi nói đến chuyện quốc gia đại sự, nước mất nhà tan.

Quốc nội trông đợi gì ở những người hải ngoại và hải ngoại chờ ngọn lửa nào ở trong nước? Những ngọn lửa lẻ loi, cô độc đang bị dập tắt, vì kẻ cai trị có cường quyền. Ở hải ngoại tranh đấu như người lội dòng nước ngược, bị đánh phá, phỉ báng!

Thất phu đã nhiều, mà thương nữ thì có mặt ở khắp nơi.

Nhưng trách chi thương nữ, trời đất sinh ra họ dùng tiếng hát cho đời mua vui, chỉ trách người làm thương mãi vì lợi nhuận không biết đỏ mặt hổ thẹn, trách quần chúng, như kẻ qua đường, thấy gánh xiếc bên đường dừng chân đứng lại cùng đám đông, vỗ tay, nhe răng cười cợt, khuôn mặt hớn hở, theo phản xạ từ tủy sống, chứ chưa hẳn là mệnh lệnh truyền đạt từ giây thần kinh của não bộ.

Giữa thời nhiễu nhương này, còn nghe chăng ai hát câu ca dao ru con buồn rười rượi:

“Ðêm qua chớp bể mưa nguồn,
Hỏi người quân tử, có buồn hay không?”

(Ca dao)

No comments:

Post a Comment

View My Stats