Monday 22 July 2013

VỪA ĂN CƯỚP VỪA LA LÀNG (Lê Diễn Đức)




Lê Diễn Ðức
Monday, July 22, 2013 3:27:48 PM

Còn nhớ cựu Ðại Tá Phạm Quế Dương và ông Trần Khuê vào ngày 3 tháng 9, 2001 làm đơn xin thành lập Hội Nhân Dân Ủng Hộ Ðảng và Nhà Nước Chống Tham Nhũng. Vì hành động này mà ông Phạm Quế Dương và ông Trần Khuê đã bị công an trấn áp, đưa ra phường đấu tố và lãnh 19 tháng tù về “tội gián điệp” lãng nhách.

Không lẽ nói không chống tham nhũng. Nói thì cứ nói mà ăn thì cứ ăn. Càng gào thét chống thì đại dịch tham nhũng càng nặng nề thêm.

Nhậm chức thủ tướng vào năm 2006 Nguyễn Tấn Dũng nói: “Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay”.

Mới đây, Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng tại phiên họp thứ 19, ngày 11 tháng 7, của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, khi cho ý kiến về tình trạng đút lót, tiêu cực, nhũng nhiễu trong hoạt động đấu thầu, nói:

“Có công trình xây dựng, giao thông nào mà không đội giá, các đồng chí thử tìm xem, đội lên hàng nghìn tỉ đồng nhưng rồi lại đâu vào đấy”. “Ðút lót, tiêu cực nhưng không bắt, không xử được, có bắt có xử được mấy đâu. Mà đã nói đấu tranh phòng chống tham nhũng là đây, luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí là đây”. “Tôi nhiều năm làm lĩnh vực này trong ngành tài chính, trong chính phủ, tôi thấy đau lắm. Cuối cùng thủ tướng, bộ trưởng, chủ tịch theo tham mưu của các cơ quan cứ điều chỉnh giá lên cứ vòn vọt, mà không điều chỉnh không được vì mọi thứ đều làm đúng luật hết. Thế là luật dở hay luật đúng mà bắt không được?”

Sáu năm sau lời hứa của Nguyễn Tấn Dũng, chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tự thú “càng chống thì tham nhũng càng tràn lan và trở nên nặng nề, xảy ra mọi lúc mọi nơi, đây là căn bệnh rất trầm kha”.

Còn trong văn kiện đại hội XI của đảng Cộng Sản Việt Nam cũng nêu:

“Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp”, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với đảng và nhà nước, đe dọa sự ổn định và phát triển của đất nước. Trong nội bộ đảng, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ có những diễn biến phức tạp”.

Tham nhũng được định nghĩa là lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn, lấy cắp của dân và của công quỹ.

Tham nhũng là hiện tượng xảy ra ở mỗi quốc gia, nhưng quốc gia càng văn minh, thể chế dân chủ càng phát triển, thì tham nhũng càng ít.

Theo Tổ Chức Minh Bạch Thế Giới, Transparency International, Việt Nam liên tiếp đội sổ, đứng hạng 116/178 năm 2010, 112/182 năm 2011, rồi 123/174 (2012) trong các nước được xếp hạng.

Ghi nhận từ báo cáo nghiên cứu về thực trạng tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp tại Việt Nam (công bố ngày 4 tháng 4, 2012), có tới 63% doanh nghiệp đồng ý với nhận định là “hệ thống giấy phép chuyên ngành phức tạp, không minh bạch là một trong những nguyên nhân gây ra tham nhũng”. Biếu tiền, mời tiệc chiêu đãi, mời đi du lịch, “lại quả” giá trị hợp đồng... là nhiều hình thức khác nhau mà doanh nghiệp phải sử dụng khi làm việc với cán bộ/cơ quan quản lý nhà nước. Với tổn phí đầu tư không chính thức này, nhiều doanh nghiệp gọi mình là “nạn nhân” của tham nhũng (Vietnam.net 4 tháng 12, 2012).

Tham nhũng và tham ô gắn chặt với quyền lực chính trị. Chỉ có chức quyền mới có thể tham nhũng, càng lên cao, mức độ tham nhũng càng tinh vi, càng lớn. Cho nên vấn nạn chạy chức ở Việt Nam là phổ biến và phát triển như một ma trận.

Tờ Petrotimes ngày 3 tháng 10, 2012 viết:

“Một kết quả nghiên cứu của chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển và Hỗ Trợ Cộng Ðồng (thuộc Liên Hiệp Các Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam) cho thấy, tham nhũng đều có điểm đến ở chữ “công quyền” và xuất phát điểm với từ “chạy chức, chạy quyền”?

“Tuy nhiên, ai cũng có thể liệt kê được vô số hành vi chạy: Chạy chức, chạy quyền, bằng cấp, học vị, học hàm, danh hiệu, chạy bầu cử, chạy dự án, chạy kinh phí, chạy chỗ làm, chạy (chữa) tuổi, chạy học vị, chạy yên vị, chạy án, chạy tội. Gần đây do chính sách đối với người nghèo thực hiện đem lại nhiều hiệu quả nên có chuyện đau lòng: Chạy nghèo...! Trong ‘ma trận chạy’ thì ‘chạy chức’ là kinh nhất”.


Khi còn là bộ trưởng Bộ Công An, Lê Hồng Anh nói “những trường hợp nghi vấn chạy chức, chạy quyền có cả ở cấp địa phương lẫn trung ương” và:

“Ðúng là hiện nay có một thế lực ngầm, đường dây ngầm để chạy dự án, chạy chức, chạy tội. Ðường dây này tồn tại lâu rồi, có điều là làm chưa ra được thôi nhưng có khi nó nằm ngay trong bộ máy nhà nước. Theo tôi nó vẫn tồn tại. Có những dự án này, dự án kia ngoài kế hoạch mà nó vẫn chạy được, tất nhiên không phải tất cả các dự án ngoài kế hoạch và ngoài qui hoạch đều thế, nhưng rõ ràng là có. Có những dự án chả có yêu cầu nhưng vẫn thấy chạy được”
(Vietbao.vn 11 tháng 11, 2003).

Thế nhưng, dân chúng trong tình cảnh dường như phải chấp nhận sống chung với lũ. Tham nhũng như một bệnh dịch, trở thành văn hóa thường ngày và người dân cảm thấy mẫn cảm với nó.

Ở xã hội dân chủ và phát triển, tham nhũng được ngăn chặn bằng những áp lực: Áp lực chính trị, áp lực của lá phiếu và áp lực của báo chí tự do.

Trong một hệ thống chính trị đa đảng, đảng đối lập thông thường là lực lượng chống lại các chính sách của đảng cầm quyền, nên luôn luôn rình rập, kiểm soát các hành vi của các thành viên trong nội các chính phủ, hạn chế tối đa lạm quyền. Khi có hiện tượng tham nhũng, vấn đề sẽ được đưa ra Quốc Hội, sẽ có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm, tước quyền ưu đãi của đại biểu Quốc Hội và người vi phạm phải ra hầu tòa.

Một chính phủ lạm quyền, tham nhũng sẽ bị mất uy tín và trong cuộc bầu cử tự do tiếp theo, cơ hội tiếp tục nắm quyền sẽ chấm dứt.

Báo chí tự do là một phương tiện hiệu quả, là tiếng nói của dân chúng, góp phần lớn trong việc thúc đẩy lành mạnh hóa xã hội, điều tra và phát hiện các vụ tham nhũng. Ví dụ, trong hơn hai mươi năm xây dựng dân chủ, mặc dù tham nhũng vẫn tồn tại, nhưng báo chí Ba Lan đã đi đầu trong việc tìm ra và đưa ra công luận các vụ tham nhũng, có lúc đã làm thủ tướng mất chức, sụp đổ cả chính phủ của đảng cánh Tả SLD, làm sụp uy tín của SLD từ hơn 40% xuống chỉ còn dưới 10% suốt gần hai thập niên nay.

Ngoài ra, xã hội dân chủ còn có ngành tư pháp độc lập để xét xử công minh, bất kể người tham nhũng là ai. Ở Ba Lan, các chánh án là phi chính trị, họ không thuộc đảng phái nào. Các vụ án tham nhũng, bất kể to nhỏ, đều được xét xử công khai, minh bạch.

Nước CHXHCN Việt Nam thiếu vắng hoàn toàn những yếu tố cơ bản nêu trên. Ngay cả Quốc Hội, được gọi là cơ quan quyền lực cao nhất, cũng là công cụ của đảng, chỉ có một nhiệm vụ là hành chính hóa các nghị quyết của đảng mà thôi. Cảnh sát điều tra, tòa án, báo chí đều hoạt động với phương châm “còn đảng còn mình”.

Cho nên chống tham nhũng thì cùng lắm cũng chỉ chống từ bụng trở xuống. Những kẻ ra tòa thường là những tên tép riu, thực hiện các hợp đồng ăn chia phía dưới, còn trên cao, các “đại ca” chỉ đạo, ký duyệt thì chẳng bao giờ bị sờ tới.

Tham nhũng là bản chất của chế độ đặc quyền đặc lợi hiện nay, là căn bệnh không thể nào phòng ngừa, chữa trị của cả hệ thống chính trị. Tất cả là một “bầy sâu” (chữ của Trương Tấn Sang) có cùng tư tưởng, mục đích, cộng sinh, gắn kết và bao che cho nhau. Nếu có lỗi thì rốt cuộc chỉ là kiểm điểm, rút kinh nghiệm!

Do vậy, phát động phong trào chống tham nhũng, hô hào chống tham nhũng chỉ là chiêu bài lừa gạt dư luận, mị dân. Vì thế chương trình VTV1 tối hôm 12 tháng 7, xướng ngôn viên chiếm gần trọn giờ cao điểm phát sóng đọc kết luận của ủy ban kiểm tra trung ương đảng: Ðồng chí A, “nghiêm túc rút kinh nghiệm”, đồng chí B, “kiểm điểm rút kinh nghiệm”...

Những màn diễn chống tham nhũng của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam thực sự là kiểu vừa ăn cướp vừa la làng!



No comments:

Post a Comment

View My Stats