Thứ bảy 13 Tháng Bẩy 2013
Tại Thái Lan, từ khi thắng cử Quốc hội vào tháng 07/2011,
nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra và chính phủ của bà đã thực hiện một trong
những lời hứa lúc tranh cử : Thực hiện chủ trương trợ giá gạo, một chương trình
có quy mô rộng lớn, trị giá hàng tỷ euro.
Gần đây, việc trợ giá này đã bị chỉ trích mạnh mẽ, không
những từ phía đối lập, mà cả từ giới kinh tế và các nhà kỹ trị làm việc trong
các bộ phụ trách ngành tài chính. Điều bị đặc biệt phê phán là việc nông dân
không thực sự được hưởng lợi từ một chương trình rất tốn kém, trong lúc tham
nhũng thì đầy rẫy.
Thông tín viên RFI tại Bangkok, Arnaud Dubus, trước hết
nhắc lại những nét chính của chương trình trợ giá gạo của chính quyền Thái
Lan.
Nghe
(06:49) : Thông tín viên Arnaud Dubus 13/07/2013
Arnaud Dubus : Chương trình chỉ
đơn giản là chính phủ mua lại gạo của nông dân với giá trên lý thuyết cao hơn
50% so với giá thị trường. Giá một tấn gạo được Nhà nước mua với giá 15.000
baht, trong khi giá thị trường chỉ là 10.000 baht.
Đây thực ra là một hình thức hỗ trợ sản xuất, có điều là
hỗ trợ rất lớn, vì Thái Lan là nước sản xuất gạo đứng đầu thế giới. Phần lớn
các nhà trồng lúa khá hài lòng và tìm cách tăng số vụ mùa trong năm, có khi đến
4 vụ mỗi năm, như ở vùng đồng ruộng phía bắc Bangkok.
Đứng về mặt thu phục lòng dân, giành phiếu cử tri, chương
trình này khá hữu hiệu, nhưng vấn đề là chính phủ Thái Lan đã hoàn toàn không
ước tính đúng mức chi phí thực hiện : Khoản thua lỗ rất lớn, từ 4 đến 6 tỷ
euro. Mặt khác, chính quyền đã không bán được số gạo mua lại này ra thị trường
thế giới, nơi mà giá đang sụt giảm.
Nói một cách đơn giản, chính phủ Thái mua gạo với giá cao
nhưng lại bị buộc phải bán lại với giá thấp hơn giá mua rất nhiều. Hậu quả là
chính phủ Thái quyết định trữ gạo với hy vọng giá sẽ tăng lên. Hiện có đến 18
triệu tấn gạo trong các kho chứa tại Thái Lan.
Thế nhưng, chất lượng gạo dự trữ ngày càng xấu đi, giá
trị tính ra giảm bớt 20% mỗi năm. Và Thái Lan, quốc gia xuất khẩu gạo đứng đầu
thế giới trong những năm trước đây, nay đã bị tuột xuống hạng 3, đứng sau Ấn Độ
và Việt Nam.
RFI : Nhưng cũng phải nói là các nông dân trồng lúa cũng
được hưởng lợi với chương trình này, phải thế không ?
Arnaud Dubus : Phải và không
phải ! Giới sản xuất gạo đã có thể bán sản phẩm ra với giá cao hơn giá thị
trường một chút, nhưng trong thực tế, những người đi mua gạo cho chính phủ
không mua với giá chính phủ quy định là 15.000 baht một tấn. Viện cớ gạo xấu
hay gạo ẩm, họ đề nghị một cái giá thấp hơn, và đút vào túi riêng phần chênh
lệch.
Viên chức ở Bộ Tài chính Thái Lan đặc trách kế toán của
chương trình trợ giá gạo đã công nhận rằng kế hoạch bị tham nhũng đục khoét một
cách dễ dàng ở mọi khâu, chẳng hạn như việc những người trung gian của chinh
phủ nhập gạo với giá thấp từ Cam Bốt, rồi bán lại cho chính phủ Thái Lan với
giá rất cao. Danh sách nông dân tham gia chương trình trợ giá lại do những
người trung gian nói trên - phần đông là người Thái gốc Hoa - lập ra, vì thế
rất dễ bị thao túng.
Nét chính của chương trình này là tính chất thiếu minh
bạch. Chính phủ Thái Lan đã phải mất nhiều tuần lễ mới chịu công bố các khoản
thua lỗ mà việc trợ giá gạo gây ra, dưới sức ép của phe đối lập và giới kinh
tế.
Chinh quyền cũng đã trừng phạt những công chức đã tiết lộ
các hành vi hối lộ, tham nhũng, và nhất định không thông báo công khai là họ có
bán được gạo ra thị trường thế giới hay không.
RFI : Ngoài những vấn đề nêu trên, chương trình còn những
mặt yếu kém nào khác hay không ?
Arnaud Dubus : Một mặt yếu kém
khác là giới nông dân nghèo ở Thái Lan lại không được tham gia vào chương trình
trợ giá gạo này, vì điều kiện được hưởng chế độ trợ giá là phải canh tác một
diện tích lớn. Hệ quả là các khoản chi phí to lớn cho chương trình trợ giá -
lấy từ tiền thuế của dân - lại góp phần giúp giới nông dân khá giả sở hữu nhiều
hécta ruộng đất, tăng thêm lợi tức.
Hơn nữa như tôi đã nói ở trên, chương trình trợ giá này
đã khuyến khích nông dân làm nhiều vụ mùa mỗi năm, càng nhiều càng tốt. Hệ quả
là họ sử dụng rất nhiều thuốc diệt sau, diệt cỏ, phân bón hóa học, hoặc là làm
thêm rẫy để chuẩn bị ruộng cho những vụ mùa mới. Những thứ đó rất có hại cho
môi trường.
RFI : Chính phủ Thái Lan đã phản ứng như thế nào trước
những lời chỉ trích ?
Arnaud Dubus : Chính phủ Thái
có vẻ vô cùng bối rối trước hiện tượng chệch hướng của chương trình trợ giá
gạo, và như không biết xử lý ra sao.
Cuối tháng Sáu vừa qua, họ đã thông báo giảm giá mua ấn
định cho một tấn gạo. Nông dân đã phản ứng ngay, đe dọa biểu tình ở các tỉnh
cũng như ở Bangkok. Rốt cuộc chính phủ phải lùi bước và giữ giá mua ở mức
15.000 baht một tấn cho đến tháng 9 tới đây.
Thực ra chính phủ Thái đã trở thành "tù nhân"
của chính chương trình họ đề ra : Không thể hủy bỏ, cho dù kế hoạch này không
những không sinh lời mà lại còn lỗ to.
Báo chí địa phương còn nêu bật một điểm nữa là chương
trình trợ giá của chính quyền Bangkok đi ngược lại các quy định của Tổ chức
Thương mại Thế giới WTO mà Thái Lan là thành viên.
RFI : Cám ơn Thông tín viên Arnaud Dubus đã tham gia vào
chương trình hôm nay.
No comments:
Post a Comment