Sunday 14 July 2013

CHÂU PHI ĐỐI MẶT VỚI HIỂM HỌA TRUNG QUỐC (Trọng Thành - RFI)




Trọng Thành   -  RFI
Chủ nhật 14 Tháng Bẩy 2013

Chuyên mục « Xung quanh câu hỏi » của RFI Pháp ngữ mới đây giới thiệu cuốn sách đáng chú ý, do Galimard ấn hành, về các hiểm họa Trung Quốc đối với Châu Phi, mang tựa đề « Le jaune et le noir - Da vàng và da đen ». Đây là tác phẩm của nhà kinh tế và nhân học Tidiane N'Diaye, chuyên gia về lục địa đen. Nhà khoa học người Pháp gốc Senegal, làm việc cho INSEE, cũng đồng thời là một nhà văn. Nhìn về lịch sử mối quan hệ Trung Quốc – Châu Phi là để hiểu hơn hiện tại.

RFI phỏng vấn tác giả.

Ông Tidiane N'Diaye nhận xét : « Người Trung Quốc không sáng tạo ra môn cờ vua. Nhưng từ 4.000 năm nay, với môn « cờ vây » (cờ « go »), họ có trong tay một trò chơi đáng sợ với các quy tắc rất tinh vi. Hai đối thủ của cuộc chơi đặt các quân đen và trắng trên một bàn cờ 361 ô. Mục tiêu của trò chơi là chiếm được tối đa lãnh thổ, tức các ô trên bàn cờ. Cũng với nghệ thuật cờ vây này, mà người Trung Quốc đang chơi ván cờ chống lại những cường quốc thực dân cũ - các đổi thủ chính của họ ở Châu Phi. Nói một cách khác, đế chế Trung Hoa đang áp dụng một chiến lược chính xác và tính toán đến từng chi tiết, để đẩy các đối thủ phương Tây ra khỏi Châu Phi. Cuộc chính phục của Trung Quốc dường như đang thành công ». 

Hoạt động của doanh nghiệp Trung Quốc được chỉ đạo từ Bắc Kinh 
Nhận định đầu tiên của nhà nhân học Pháp trong cuộc phỏng vấn là, trước khi có làn sóng doanh nghiệp Trung Quốc tràn sang Châu Phi, các doanh nghiệp phương Tây chủ yếu làm việc theo đợn đặt hàng của các doanh nghiệp Phi Châu. Hiện nay, thì ngược lại, các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Châu Phi là các doanh nghiệp Nhà nước, họ thâu tóm hoàn toàn thị trường, đẩy bật các doanh nghiệp phương Tây, với việc đưa ra các giá thầu thấp hơn 30-50% so với đối thủ. Và thường thì các doanh nghiệp Trung Quốc không có các thỏa thuận đối tác với các doanh nghiệp Châu Phi, không mang lại việc làm cho các nước Phi Châu, nơi thất nghiệp có thể lên đến 60-70%. 

Phản biện lại một quan niệm phổ biến trong giới kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp Trung Quốc hành động một cách đơn lẻ, nhà kinh tế Pháp khẳng định là mọi phương hướng hoạt động của các doanh nghiệp đều được lập kế hoạch và chuẩn bị kỹ lưỡng từ Bắc Kinh. Trung Quốc có các nhà khoa học, gồm các nhà nhân học, tâm lý học, nghiên cứu kỹ về tâm lý của người Phi Châu. Trong những vũ khí chinh phục mà người Trung Quốc sử dụng, có các biện pháp « hối lộ » đáng sợ, làm hư hoại nhiều quốc gia Châu Phi. 

Trung Quốc từng có ý đồ chinh phục Châu Phi  
Theo nhà khoa học Pháp gốc Senegal, cần xua tan một số định kiến và nhìn nhận sai lầm hiện nay đối với mối quan hệ giữa cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới với lục địa đen. Trước hết là hai quan điểm liên quan đến lịch sử. Thứ nhất là luận điểm khẳng định Trung Quốc luôn luôn có một chính sách hòa bình đối với Châu Phi, và không bao giờ chủ trương chinh phục lục địa này, thứ hai là Trung Quốc không bao giờ bắt người Phi Châu làm nô lệ.

Về hai vấn đề này, ông Tidiane N'Diaye cho biết : 
« Trung Quốc phát triển một quan điểm rất tinh vi, theo đó, họ là nạn nhân của chủ nghĩa thực dân phương Tây, là nạn nhân của sự phân biệt chủng tộc… Trong khi thực tế họ đã có thể làm những điều tồi tệ. Tôi muốn nhấn mạnh đến cuộc viễn du của Trịnh Hòa (Zhang He), rời cửa sông Dương Tử vào năm 1405 để thực hiện, cái mà theo quan điểm chính thức gọi là ‘‘cuộc thăm viếng các nước bạn’’. Cần nhấn mạnh là Trịnh Hòa là người đầu tiên vượt qua eo biển Magellan và đi vòng xuống mũi Hảo vọng, cực nam Châu Phi. Theo đa số các sách sử, thì nhà du hành Bồ Đào Nha, Barthélémy Dias, là người đầu tiên đi tới nơi này vào năm 1447, và sau đó ít lâu là Vasco de Gama. Nhưng trên thực tế người Trung Quốc đã thám hiểm khu vực này trước.  

Hạm đội của Trịnh Hòa, với 200 chiếc thuyền đã tới đây. Sử Trung Quốc ghi nhận rất đông các nhà khoa học, nhà buôn, thợ thủ công, phiên dịch viên đã đổ bổ lên Châu Phi. Điều khó giải thích liên quan đến thành phần 30.000 người tham gia vào cuộc viễn du của Trịnh Hòa. Ngoài con số 5.000 các nhà chuyên môn kể trên, khoảng 25.000 còn lại rất có thể là các binh sĩ. Người ta đã tìm được nhiều dấu vết cho thấy đoàn viễn du Trung Quốc đã đi qua khu vực mũi Hảo Vọng, cụ thể là các đồ gốm sứ Trung Quốc, có niên đại khoảng thế kỷ XIII… Hạm đội của Trịnh Hòa đã đưa về Trung Quốc hươu cao cổ và sư tử Châu Phi.  

Điều khiến Trung Quốc không tiếp tục cuộc chinh phục Châu Phi là do cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn tại triều đình nhà Minh vào thời điểm đó. Phe ủng hộ bành trướng đối đầu với phe bế quan tỏa cảng. Phe bế quan tỏa cảng có một quan điểm rất có sức nặng là : Trung Hoa trước hết phải đối phó với nguy cơ từ người Mông Cổ thiện chiến ở phương Bắc. Cuối cùng phe bế quan tỏa cảng đã chiến thắng, đặc biệt sau khi hoàng đế thứ ba của nhà Minh qua đời. Vua Minh Vĩnh Nhạc được coi là người rất giỏi về hàng hải.  

Hiện nay, Trung Quốc nói rằng họ không bao giờ có ý định xâm chiếm Châu Phi, thì đây là một luận điểm sai lầm ». 

Người nô lệ da đen đã có mặt ở Trung Quốc từ thế kỷ 12  
Luân điểm thứ hai liên quan đến việc Bắc Kinh thường xuyên cho rằng, với Trung Quốc hoàn toàn không có chuyên bắt người da đen làm nô lệ. Cuốn sách của nhà kinh tế học, văn sĩ Pháp gốc Senegal cho thấy một điều ngược lại. 

« Trung Quốc suýt nữa đã tiến hành chinh phục Châu Phi. Hiện nay, khi Trung Quốc khẳng định họ là đồng minh của những người Châu Phi, nạn nhân của chủ nghĩa thực dân và nạn buôn nô lệ, thì những điều này rõ ràng hoàn toàn phi lịch sử. Liên quan đến nạn bắt người làm nô lệ, ngay từ năm 860, theo các chứng cứ thu được tại Java, đã nói đến việc những người da đen ở miền đông Châu Phi, được bán sang Trung Quốc để làm nô lệ. Và trong khoảng thời gian từ 1590 đến 1610, khi tô giới Macao rất thịnh vượng, với việc xuất khẩu tơ lụa, có rất nhiều người da đen nô lệ trốn khỏi Macao và tỵ nạn tại khu vực Quảng Châu. Còn theo « Ling-wa-taita » (Tcheou Kin Fei), một cuốn sách Trung Quốc ra đời năm 1178, có nghĩa là ba thế kỷ trước khi những người da đen đầu tiên bị đưa sang Tân thế giới, có đến hàng nghìn người da đen gốc Madagascar đã bị bắt làm nô lệ tại Trung Quốc ». 

Trở lại hiện tại, bình luận về việc mới đây Trung Quốc có ý định đưa hàng trăm binh sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Mali, điều mà trước đây họ thường phản đối như một can thiệp từ bên ngoài, nhà khoa học Pháp nhận xét : Tham vọng của Bắc Kinh không có gì là bí mật với bất kỳ ai. Đó là chiếm lĩnh vị trí đứng đầu về kinh tế trên thế giới. Mà không thể là một nước số một về kinh tế nếu không phải là một cường quốc quân sự. Vả lại Trung Quốc vừa đe dọa xâm chiếm Nhật Bản, đây là điều không xảy trong nhiều thập niên. Cạnh tranh về quân sự với Hoa Kỳ là tham vọng hiện nay của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Pháp cũng lưu ý rằng, mặc dù Trung Quốc đang trên đường trở thành một sức mạnh kinh tế số một thế giới, nhưng cũng không nên quên rằng quốc gia này vẫn còn là một nước nghèo. Bên cạnh 50 triệu người giàu, 1/3 dân Trung Quốc sống trong bần cùng. Thu nhập bình quân của Trung Quốc chỉ đứng thứ 100 trên thế giới. Điều này giải thích vì sao « Trung Quốc là một quái vật đói khát tài nguyên », gây ra một làn sóng khai thác nguyên nhiên liệu chưa từng thấy cho đến nay, một cuộc cướp đoạt được hợp pháp hóa tại Châu Phi. Châu Phi lại là nơi chiếm đến 1/3 tài nguyên khoáng sản thế giới, và giá cả khai thác dầu lửa lại rất thấp, bên cạnh đó, còn có đến 60% đất trồng trọt được chưa được khai thác. Đây chính là những cái đích mà Trung Quốc nhắm đến. 

Kết thúc cuộc phỏng vấn nhà khoa học Pháp nhấn mạnh, mô hình phát triển Trung Quốc hoàn toàn không phải là một mô hình nên mơ ước, đặc biệt bởi vì nền kinh tế này không tôn trọng môi trường, xây dựng trên cơ sở các hàng hóa giả mạo, với từ 15-30 % hàng hóa Trung Quốc là hàng giả, nạn tham nhũng tràn lan, chính quyền không chịu trách nhiệm trước xã hội.



3 comments:

  1. thực ra thì trung quốc có rất nhiều mưu mô cần phải cần thận, đó là điều không khó để nhận ra , họ có mưu đồ trở thành bá chủ của thế giới, chính vì vậy họ đang muốn nâng tầm ảnh hưởng của mình lên nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, việc họ vươn vòi bạch tuộc sang châu phi cũng không phải là điều gì lạ lẫm cả

    ReplyDelete
  2. hiện nay thì những doanh nghiệp cũng như những tập đoàn lớn của trung quốc đã và đang có những đầu tư rất mạnh mẽ vào châu phi, đây là một việc hết sức bình thường bởi đây là thị trường nhiều tiêm năng, còn họ có được sự chỉ đạo của chính phủ trung quốc hay không thì làm sao có ai biết được

    ReplyDelete
  3. hiểm họa này là không thể không tính đến đối với châu phi đâu, trung quốc thực sự không hề đơn giản một chút nào, kinh nghiệm cho thấy nếu để nên kinh tế của nước mình phụ thuộc quá lớn vào trung quốc thì đó sẽ là một điều cực kỳ nguy hiểm

    ReplyDelete

View My Stats