12:01:am 28/07/13
Mặc dù ông Trương Tấn Sang được ông Tổng Thống Hoa
Kỳ, Barack Obama tiếp tại Toà Bạch Ốc, nhưng trước đó khi đặt chân đầu tiên lên
mãnh đất Hoa kỳ, người đón ông tại phi trường lại là đương nhiệm đại sứ Mỹ tại
Việt Nam là David Shear. Một cuộc tiếp đón rất lạnh nhạt, lèo tèo không kèn
không trống và không tương xứng với tầm vóc Chủ tịch một quốc gia. Các hảng tin
truyền thông truyền hình hàng đầu như CNN, CBS, ABC cũng không thấy loan tin,
ngoài trừ các hảng tin báo chí.
Về mặt nghi lễ ngoại giao, đây là tín hiệu cho thấy
chủ nhà đã đánh giá vai trò của cái gọi là Chủ tịch “không được bầu” của chế
độc đảng, so với Tổng Thống do dân bầu như thế nào. Trên nguyên tắc, đón ông
Chủ tịch phải là Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao, tệ lắm thì là cấp Thứ trưởng chứ
không thể là một nhân viên cấp đại sứ. Cung cách “protocol” đón tiếp giữa hai
quốc gia đã được nhân viên Bộ Ngoại Giao trao đổi trước, nếu phiá Việt Nam thấy
có vấn đề thì họ đã phải từ chối khéo. Rất tiếc, chấp nhận nghi lễ ngoại giao ở
tầm vóc quốc gia như vậy đã cho thấy chuyến đi của ông Sang là chuyến đi gượng
ép, vội vã và không phải do Hoa Kỳ mời, mà là do phiá Việt Nam khẩn cấp yêu
cầu.
Dĩ nhiên về ngoại giao, thì văn phòng Tổng Thống
phải thông báo là do chúng tôi mời. Ở cương vị chủ nhà, phải có lời mời thì
khách mới đến được, cho dù khách mời là khách theo kiểu chịu đấm ăn xôi, mặt
dày mày dạn, bị gậy ăn xin hay năn nỉ để được gặp.
Ông Sang đến Mỹ sau chuyến đi qua Tàu hồi tháng 6.
Kết quả của chuyến đi Trung Quốc được giới chuyên viên nghiên cứu đánh giá là
“thần phục” Thiên Triều. Các điều khoản ký và thoả thuận giửa hai nước hoàn
toàn không đề cập đến các vấn đề khẩn cấp, đang được cả nước quan tâm như tình
trạng mất chủ quyền của Việt Nam, các vụ xung đột ở biển Đông, việc “tàu lạ”
liên tục bắn và “cướp”, đánh phá tàu cá của ngư dân Việt Nam. Phương án giải
quyết ảnh hưởng của “đường lưỡi bò”, hay những vấn đề nổi cộm khác thể hiện dã
tâm của Trung Quốc lấn biển, dành đảo đã không được đề cập trong các thoả
thuận.
Về nội bộ, tranh giành ảnh hưởng và quyền lực của
ông Sang với đồng chí “X” và vây cánh của ông ấy vẫn còn kèn cựa, chưa ngã ngũ
cụ thể. Nếu nói ông Sang có vây cánh và thực lực trong chánh quyền, thì ngược
lại, đồng chí “X”, đã gần như có ảnh hưởng rất mạnh ở lực lượng công an và quân
đội.
Vì vậy, về nhiều mặt, trong hoàn cảnh “bên trong lộn
xộn, bên ngoài yếu xìu”, ông Sang không đủ uy tín và thế lực để hưá hẹn và giải
quyết được điều gì cụ thể với tình hình chính trị, kinh tế và ngoại giao của
Việt Nam. Nếu có, thì chỉ củng cố thêm một chút uy tín của ông Sang về mặt nội
bộ trong đảng CSVN, vì đã được Tổng Thống Hoa Kỳ tiếp kiến. Về uy tín đối với
quốc tế hay phiá Trung Quốc, ông Sang cũng có thể gửi ra tín hiệu cho thấy Việt
Nam chúng tôi đang là đồng minh, bè bạn của Hoa Kỳ.
Việt
Nam Muốn Gì?
Có nhiều điều Việt Nam cần ở Mỹ mà có thể trong
chuyến đi này ông Sang và Chính trị Bộ muốn có một sự khẳng định và hứa hẹn của
Obama. Việt Nam cần mua vũ khí quân sự hạng nặng của Mỹ, Việt Nam cần trang
thiết bị quân sự tối tân, vũ khí sát thương và các lãnh vực liên hệ quốc phòng.
Dù khấu đầu trước Trung Quốc, lãnh đạo CSVN biết là họ đang ở thế trên đe dưới
buá. Trước nanh vuốt của Trung Quốc ngày đêm lấn biển dành đảo, lãnh đạo CSVN
hiểu rỏ là nếu họ tiếp tục nhịn nhục qua sông, bán đất nhường đảo để giử vững
chế độ độc tài, thì đến lúc phải bán vợ, đợ con của họ, cũng không thể thỏa mãn
tham vọng của quan thầy Trung Quốc. Cho nên, phải tìm cách dựa lưng Hoa Kỳ để
tìm chỗ “an toàn”, nhưng cũng không dám ra mặt thẳng thừng vì sợ làm mất lòng
Trung Quốc.
Việt Nam muốn tham gia vào Khối Thương Mại Thái Bình
Dương (Trans- Pacific Partnership) để thúc đẩy nền kinh tế đang bị suy thoái,
có nguy cơ đổ vỡ vì tham nhũng và hậu quả chạy theo định hướng xã hội chủ
nghĩa. Năm ngoái, Việt Nam xuất cảng sang Mỹ các mặt hàng chiến lược gồm may
mặc, nông sản phẩm và ngư nghiệp đã lên đến gần 25 tỷ đollars. Nếu được Mỹ ủng
hộ để Việt Nam vào Khối Thương Mại Thái Bình Dương, hàng xuất khẩu Việt Nam sẽ
tăng vọt, được miễn hàng rào quan thuế có thể giúp Việt Nam rất nhiều trong
lãnh vực xuất khẩu, thúc đẩy tạo công ăn việc làm, ổn định tình hình kinh tế,
xã hội, chính trị và giữ được tính cạnh tranh trên thương trường của Việt Nam
với các đối tác kinh tế khác như Trung Quốc, Thái lan, v.v…
Việt Nam cần Obama hứa hẹn vai trò quân sự Mỹ ở Đông
Nam Á, nhất là ở Biển Đông để cầm chân tham vọng của Trung Quốc. Nói cách khác,
Việt Nam cần Mỹ làm đối tác chiến lược quân sự ở Thái Bình Dương. Sau chuyến đi
Trung Quốc, có thể ngoài những điều ký kết trên giấy, ông Sang và Chính trị bộ
đang bị áp lực của Trung Quốc về mặt chiến lược quốc phòng và chủ quyền mà
không quốc gia nào có thể giải quyết được trừ Mỹ. Vì vậy, việc ông Sang vội vã
đi Mỹ sau chuyến thăm Trung Quốc, việc ông Sang muối mặt chấp nhận thủ tục nghi
lễ ngoại giao, việc Toà Bạch Ốc lên chương trình đón ông Sang một cách đột ngột
ngoài dự đoán, cho thấy chuyến đi ông Sang không thoát ra khỏi các mối liên hệ
trên.
Dĩ nhiên để tránh cho ông Sang bớt bị áp lực với
Quốc Hội Hoa Kỳ và dư luận Cộng Đồng Người Việt, Hà nội đã tạm ngưng xử Luật sư
Lê Quốc Quân. Cho dù thành tích nhân quyền vô cùng tồi tệ, cho dù biết chuyến
đi ông Sang sẽ bị Quốc Hội và Cộng Đồng Người Việt lên án mạnh mẽ, Hà nội đã
không có sự chọn lựa nào khác mà vẫn để ông Sang đi Hoa Thịnh Đốn. Khi ngưng xử
Luật sư Lê Quốc Quân, Hà nội nghĩ có thể tạm thời tránh buá riều dư luận. Rất
tiếc, vụ Điếu Cày, Nguyễn Văn Hải tuyệt thực lại xảy ra ngoài dự đoán. Đây là
việc mà Hà nội đã không lường được, vì vậy vài ngày trước khi ông Sang đi Mỹ,
tin Điếu Cày tuyệt thực do tù nhân chính trị Nguyễn Xuân Nghĩa can đảm tiết lộ,
đã dấy lên làn sóng phẫn nộ trong Cộng Đồng Người Việt, tạo cơ hội cho Lập Pháp
Hoa Kỳ lật lại hồ sơ nhân quyền và áp lực mạnh mẽ hơn nữa đối với chính phủ
Obama.
Hoa
Kỳ Muốn Gì?
Obama đã nhiều lần tuyên bố, muốn đẩy mạnh hợp tác
Thương Mại Thái Bình Dương và tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tham gia.
Ngoài lý do cụ thể là tạo lợi thế đòn bẩy kinh tế để các quốc gia trong khối
Thái Bình Dương hợp tác, phát triển và yễm trợ lẫn nhau trên lãnh vực thương
mại. Khối Thương Mại Thái Bình Dương chính là vũ khí chiến lược của Mỹ đễ cầm
chân Trung Quốc. Khi cố tình tạo ra một khối thương mại và kinh tế độc lập,
tách hẳn các quốc gia trong khối ra khỏi qủy đạo và ảnh hưởng của Trung Quốc,
chính quyền Obama muốn làm giãm bớt nanh vuốt của Trung Quốc, muốn trực tiếp
giúp đở các quốc gia đang trong vòng phát triển và yễm trợ, để vượt ra khỏi tầm
kiểm soát của Trung Quốc. Nói cách khác, Khối Thương Mại Thái Bình Dương là một
thứ “quyền lực mềm” mà Hoa Kỳ đang theo đuổi tại Thái Bình Dương bên cạnh các
chiến lược quân sự “quyền lực cứng” khác.
Obama muốn Việt Nam trở thành đối tác chiến lược
trên mặt trận biển Đông để cầm chân ảnh hưởng và tham vọng của Trung Quốc. Vai
trò Việt Nam hiện nay chưa thể trở thành đồng minh như Phi Luật Tân hay Nhật,
nhưng ký kết một số văn kiện để khẳng định vai trò đối tác chiến lược, để hợp
tác chặt chẽ về mặt quân sự là những ý đồ mà Hoa Thịnh Đốn đã không ngần ngại
bày tỏ. Và vì vậy, Hoa Kỳ cũng sẳn lòng để viện trợ vũ khí, quân dụng, huấn
luyện và tập trận chung với Việt Nam ở biển Đông.
Năm ngoái, Đại tá Hải quân William Jordan từng phàn
nàn “Mặc dù Hoa Kỳ và Việt Nam cùng có chung quan điểm chiến lược về tình hình
Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó không chấp nhận tham vọng đòi chủ quyền 12
hải lý của Trung Quốc và cần có một sự quân bình với quyền lực vừa trổi dậy
trong vùng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa thể hiện cụ thể, họ muốn gì trong quan
hệ đối tác đồng minh với Hoa Kỳ để đạt được các mục tiêu trên”.
Như vậy, có thể nói việc thảo luận để dẫn đến ký kết
Việt-Mỹ về “Hợp Tác Toàn Diện” đã từng diễn ra trong một quá trình dài, có lúc
gần như bị gián đoạn vì thái độ “lừng khừng” của Việt Nam, và gần đây, đột
nhiên Việt Nam lại có những động thái cụ thể, vượt rào cản để đến gần với Mỹ.
Phải chăng Khối Thương Mại Thái Bình Dương (TPP) là miếng mồi ngon từ phía Hoa
Kỳ, đủ sức đẩy Hà Nội phải nhập cuộc với Mỹ để cứu vãn nền kinh tế và chế độ
đang trên đà vực thẳm.
Hoa Kỳ cũng muốn Việt Nam bớt đi các hành động đàn
áp nhân quyền. Khi Hà nội gia tăng đàn áp nhân quyền, điều này không có lợi cho
chính quyền Obama, vì bị áp lực nội bộ và phải giái thích các chính sách đối
ngoại để thuyết phục các Dân Biểu, và Nghị Sĩ Mỹ đồng thuận với Obama. Nói cách
khác, Hoa Kỳ, cả Hành pháp và Lập pháp, đều nhất quán ở chiến lược khai thác
vai trò Việt Nam nhằm giãm bớt tham vọng Trung Quốc. Tuy nhiên, khi giao tiếp
với một quốc gia độc tài, toàn trị và có hồ sơ về nhân quyền vô cùng tồi tệ như
Việt Nam. Chính quyền Obama, tức Hành phàp có thể bị trói tay, trói chân trước
một đối tác có thành tích bất hảo. Cho dù Hoa Kỳ không hài lòng với các hành vi
trấn áp bất đồng chính kiến ở trong nước, nhưng chính quyền Obama cũng không
mạnh mẽ áp lực, trừ trường họp bị Lập Pháp qui trách nhiệm là đang tiếp tay với
chế độ toàn trị, đi ngược lại giá trị “nhân quyền” của nước Mỹ, thì họ mới
gượng ép lên tiếng.
Khi Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế
giới (WTO), áp lực của các định chế kinh tế, các qui luật trong sáng và điều
kiện công bằng trong sân chơi thương mại buộc Việt Nam phải tự thay đổi để
thích nghị, nhờ vậy Việt Nam từng bước lột xác về kinh tế và xã hội, dù chính
trị vẫn còn mang bộ mặt độc đảng, nhưng thú tính thì đã thuần hơn trước nhiều.
Nếu tham gia vào Khối Thương Mại Thái Bình Dương,
sức ép của tính trong sạch trong quan hệ kinh tế, buộc Việt Nam phải tự cải tổ
hơn nữa. Để trở thành hội viên, Việt Nam phải tôn trọng qui luật lao động, phải
có Công Đoàn độc lập, phải có luật pháp nghiêm minh tránh tệ nạn ăn cắp bản
quyền, làm đồ giả v.v..Tóm lại, qui trình cần thay đổi để sống còn và hội nhập,
buộc CSVN phải tự điều chỉnh các chính sách cai trị để được chấp nhận vào Cộng
Đồng Quốc Tế. Nói cách khác, con thú CSVN, đang từng bước thuần hoá những vẫn
còn bản chất rừng rú của loài thú và rất khó lòng thay đổi trừ khi có một cuộc
cách mạng nhân dân toàn diện.
Và điều này thì không phải là trách nhiệm của Hoa
Kỳ, của chính quyền Obama mà là trách nhiệm của nhân dân Việt Nam.
Trung
Quốc Muốn Gì?
Trung Quốc không muốn Việt Nam thoát ra khỏi quỉ đạo
kinh tế, chính trị và xã hội của họ. Trung Quốc không muốn thấy Việt Nam là đối
tác quân sự, liên kết và làm đồng minh với Mỹ để chống lại Trung Quốc. Trung
Quốc không muốn Việt Nam trở thành quốc gia phát triển về kinh tế, độc lập về
chính trị, mạnh về quân sự và từng bước đi vào quĩ đạo Dân chủ hoá. Trung Quốc
có tham vọng “Hán hoá” Việt Nam.
Trung Quốc đã từng ngăn cản Việt Nam vào Tổ chức
Thương mại Quốc tế (WTO). Vì vậy, khi Việt Nam tham gia Khối Thương Mại Thái
Bình Dương (TPP), Trung Quốc cũng sẽ không bằng lòng. Trung Quốc sẽ tìm mọi
cách để lôi kéo, áp lực và thậm chí có thể phá hoại để Việt Nam không hội đủ
các tiêu chuẩn tham gia.
Sau chuyến đi Trung Quốc của Trương Tấn Sang, Việt
Nam đã ký văn kiện đầu hàng. Điều gì làm Hà Nội đã phải cúi đấu thần phục Trung
Quốc, nhưng lại đồng ý ký kết một số thoả thuận với Hoa Kỳ về chiến lược để cân
bằng ảnh hưởng? Phải chăng cuộc họp hồi tháng 6 vừa qua với Trung Quốc đã đẩy
Hà Nội vào vị trí ngã sang Mỹ để tìm thế ỷ dốc? Phải chăng sau cuộc họp ở Bắc
Kinh, Hà Nội nhận ra tham vọng nguy hiễm của Trung Quốc, mà chỉ có Mỹ mới có
thể bảo vệ được Việt Nam? Vì vậy, một tháng sau đó, Trương Tấn Sang đã nhận chỉ
thị Chính trị bộ đi qua Mỹ cầu viện, cho dù phải muối mặt như thế nào? Không
phải đột nhiên Việt Nam đồng ý ký chung một văn bản “Hợp Tác Toàn Diện” với Mỹ,
để có thể làm Trung Quốc nổi giận. Tiến trình này đã thảo luận từ trước và có
thể sẽ không bao giờ được ký, trừ trường hợp Việt Nam thấy có lợi, hay có dấu
hiệu bị nguy hiểm, bị đe dọa từ phiá Trung Quốc.
Thực ra, nội dung của “Hợp tác Toàn diện” cũng không
có gì ghê gớm lắm. Nó chỉ lập lại một số thảo luận mà hai bên đã làm việc từ
nhiều năm trước, nhưng vì nhiều lý do thầm kín, Việt Nam đã không dám ký. Điều
quan trọng nhất là phần nói về an ninh quốc phòng thì chỉ nhấn mạnh chung
chung, không có gì cụ thể rỏ ràng. “Chủ
tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama nhất trí tiếp tục Đối thoại chính
sách quốc phòng Việt Nam – Hoa Kỳ và Đối thoại Chính trị – An ninh – Quốc phòng
song phương nhằm đánh giá quan hệ quốc phòng và an ninh và thảo luận về hợp tác
trong tương lai.”
Cũng không loại trừ trường hợp Việt Nam được Trung
Quốc cho phép ký văn bản “Hợp Tác Toàn Diện” với Mỹ , với điều kiện là Việt Nam
phải ký các văn kiện đầu hàng với Trung Quốc trước. Với ảnh hưởng mạnh mẽ của
Trung Quốc trên thượng tầng lãnh đạo của CSVN, không thể có sự kiện Trung Quốc
bị bất ngờ trước hành động Việt Nam đơn phương ký kết “Hợp Tác Toàn Diện” với
Mỹ, chỉ một tháng sau khi gặp Tập Cận Bình. Nói cách khác, có thể văn bản “Hợp
Tác Toàn Diện” đã được Trung Quốc chuẩn y hồi tháng 6 khi Sang đến Bắc Kinh,
đánh đổi lại Việt Nam phải ký văn kiện đầu hàng với Trung Quốc.
Những
Vấn Đề Cốt Lõi
Nhân quyền có thể không làm Obama bận tâm vì ông ấy
là một trong những Tổng Thống Hoa Kỳ kém về mặt này. Các chiến lược của Toà
Bạch Ốc đều do Hội Đồng An Ninh Quốc Gia phác hoạ, đề nghị, và đôi khi quyết
định. Nếu có một ông Tổng Thống quan tâm đến nhân quyền, thì mặt trận nhân
quyền có thêm điều kiện thuận lợi để áp lực. Nếu không, vai trò Quốc Hội, tức
Lập Pháp vẫn là trọng tâm, là mục tiêu để chúng ta vận động.
Trước ngày Sang đến Mỹ, đã có biết bao tổ chức nhân
quyền quốc tế lên tiếng, có Dân biểu họp báo tố cáo CSVN tại Quốc Hội, có hàng
chục Dân biểu, Nghị sĩ ký tên lên án Hà Nội vi phạm nhân quyền. Thậm chí, 4 Dân
biểu thuộc đảng Dân chủ, đảng của Obama do bà Dân biểu Zoe Lofgren, lãnh đạo của
38 Dân biểu thuộc Đảng Dân chủ ở California, đã vào tận Bạch cung để họp với
Obama và nhấn mạnh yếu tố nhân quyền phải nêu cụ thể trong cuộc gặp với Sang.
Cộng Đồng Người Việt đã làm trọn vai trò “vận động”
chính giới, và đã tố cáo trước dư luận thế giới bản chất vi phạm nhân quyền của
chế độ độc tài, toàn trị. Biểu tình ở San Francisco trước lãnh sự quán CSVN có
đồng bào đến từ San Diego, từ Santa Ana, và từ San Jose; biểu tình ngay trước
Toà Bạch Ốc ở Washington DC, có đồng bào đã đến từ nhiều tiểu bang lân cận,
thỉnh nguyện thư với hàng chục ngàn chử ký gửi cho Obama v.v…Mặt trận vận động
chính giới và đấu tranh tố cáo CSVN đã diễn ra vô cùng hào hứng và sôi nổi.
Điều đáng mừng nhất là trong các mặt trận này tại Hải ngoại cũng như tại Việt
Nam, đã có sự tham gia đồng bộ của tuổi trẻ Việt Nam, sát cánh cùng các thế hệ
đàn anh. Đây chính là một điểm son trong cuộc tranh đấu của dân tộc Việt, để
chúng ta yên tâm nhìn về tương lai cho một Việt Nam Tự Do, Dân chủ và Nhân
quyền.
Nhân quyền là cốt lõi để Việt Nam được coi đồng minh
chiến lược nếu muốn có hậu thuẩn của Lập Pháp Mỹ về quân sự, chính trị và kinh
tế. Thượng nghĩ sĩ John McCain từng tuyên bố “Hà nội đang có một danh sách dài
về các vũ khí cần mua của Mỹ”. Tuy nhiên “quan hệ an ninh hai bên sẽ chịu ảnh
hưởng trực tiếp của lãnh vực nhân quyền.”. “ Cần có sự chấp thuận của Quốc Hội
Hoa Kỳ thì Việt Nam mới mua được vũ khí sát thương – Có nhiều vũ khí Việt Nam
muốn mua và Mỹ cũng muốn chuyển giao cho họ, nhưng điều này chưa thể xảy ra
được, trừ khi chính quyền Việt Nam chứng tỏ họ tôn trọng nhân quyền”, Nghị sĩ
Joe Lieberman của đảng Dân chủ cũng đã phát biểu như vậy.
Nói cách khác, Hà nội càng nghe theo Bắc Kinh đàn áp
nhân quyền, càng bắt giam nhiều blogger, càng tuyên án nhiều anh chị em bất
đồng chính kiến thì Việt Nam càng tiến gần Bắc Kinh hơn Hoa Thịnh Đốn. Đây là
chiến lược tốt nhất để Bắc Kinh kéo Hà Nội ra khỏi ảnh hưởng của Mỹ. Khi ông
Sang đến Mỹ, Hà nội đã tìm mọi cách xoa dịu “hồ sơ nhân quyền” bằng việc dời
lại vụ án Luật sư Lê Quốc Quân. Nhưng vụ Điếu Cày thì bất ngờ nên lúng túng. Dù
sao, nếu ông Sang có thực quyền, chỉ cần một lệnh của Chính trị bộ, vụ Điếu Cày
tuyệt thực đã giải quyết êm thấm, để ông Sang khỏi phải trả lời với Obama và dư
luận Hoa Kỳ. Vậy thì, thế lực nào muốn gây khó khăn cho ông Sang? Đồng chí “X”
muốn nhân cơ hội vụ Điếu Cày tuyệt thực để làm hỏng uy tín của Đồng chí Sang?
Hay cánh thân Bắc Kinh trong Chính trị Bộ, đồng chí “Trọng” không muốn Việt Nam
vào được Khối Thương Mại Thái Bình Dương?
Với các chánh quyền Hoa Kỳ, chính sách lưỡng đảng về
chiến lược quốc phòng hầu hết đều giống nhau. Đó là không có kẻ thù lâu dài,
không có bạn vĩnh cữu. Quyền lợi của nước Mỹ là tối ưu. Điều này giống như Đặng
Tiểu Bình từng tuyên bố, “mèo trắng hay đen gì cũng được miễn là bắt được chuột”.
Với Hoa kỳ, “độc tài, quân phiệt hay dân chủ không phải là điều cần giải quyết.
Điều quan tâm là chính quyền này có là đồng minh với nước Mỹ hay không?” Và làm
thế nào để lôi kéo họ làm đồng minh của Mỹ.
Việt Nam là nhà nước độc tài, chuyện này thuộc nội
bộ của Việt Nam, do nhân dân Việt Nam đơn phương giải quyết. Chính quyền Mỹ
giao tiếp với chính quyền Việt Nam, trong tiến trình liên hệ, cọ xát và đối tác
kinh tế, chính trị, quân sự v.v…, sự thay đổi theo qui trình dân chủ hoá, thúc
đẩy sự tôn trọng các giá trị nhân quyền vì quyền lợi hổ tương, sẽ diển ra theo
phương cách tự diễn biến của qui luật đào thải, không phải áp lực chủ quan từ
Mỹ buộc Hà Nội phải thay đổi.
Chế độ độc tài toàn trị Việt Nam cũng giống như chế
độ của các nhà độc tài Trung Đông. Hoa kỳ đã viện trợ cho các lãnh tụ độc tài
này rất hậu hĩnh vì họ từng là đồng minh của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khi nhân dân
của Ai Cập, LiBăng, Tusnisia lật đổ các chế độ toàn trị, thì Hoa Kỳ và các nước
Phương Tây đã đứng hẳn về phiá nhân dân, chứ không đứng vế phiá các nhà độc
tài, mà cách đó mấy tháng họ còn mời vào Tòa Nhà Trắng để ký kết, giao tiếp và
viện trợ.
Chính nhân dân Việt Nam, trong và ngoài nước phải
đứng vững trên đôi chân của mình để đấu tranh dành tự do, dân chủ, nhân quyền
và toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam. Nhân quyền không đến từ đảng Cộng Hoà hay
Dân chủ của Mỹ. Tự do và dân chủ cho Việt Nam, không thể ban phát từ Hoa Thịnh
Đốn mà bằng từ sự hy sinh, khôn khéo và đấu tranh không mệt mõi của con dân
Việt. Cũng vậy, đòi lại sự toàn vẹn lãnh thổ không thể trông chờ giải quyết từ
Đảng CSVN, vì bản chất tay sai và lo sợ mất quyền độc tôn lãnh đạo đã chứng tỏ
tư cách hèn kém, phản bội của đảng CSVN. Ngày nào độc đảng và toàn trị còn nắm
quyền lãnh đạo trên đất nước Việt Nam, ngày nào Việt Nam còn bị lệ thuộc vào
ảnh hưởng của Trung Quốc, ngày đó Việt Nam vẫn còn bị lẩn quẩn trong vòng chậm
tiến, độc tài và yếu kém.
Nhân quyền không phải là yếu tố then chốt để đánh đổ
chế độ độc tài toàn trị, nhưng nhân quyền là yếu điểm của con thú cộng sản. Đánh
vào chổ hiểm, chố yếu tức là nhắm trúng trọng tâm để vừa làm suy yếu chế độ,
vừa từng bước cô lập, áp lực buộc chế độ phải thay đổi hay là bị đánh đổ bởi
chính một cuộc cách mạng nhân dân toàn diện.
Cũng cần ý thức được sức mạnh toàn diện bao gồm tất
cả tầng lớp nhân dân, tôn giáo, thành phần đảng phái, cộng sãn cấp tiến lẫn
quốc gia. Cuộc đấu tranh cho một Việt Nam tương lai không thể bị ôm chặt vào
“màu cờ sắc áo” của đảng tính hay thành phần, để tự mình cô lập và làm yếu mình
trước. Cần ý thức được cuộc đấu tranh cho một Việt Nam tương lai không phải là
“độc quyền” của bất cứ cá nhân nào, đảng phái, tổ chức, thành phần nào, thì mới
tạo được sức mạnh dân tộc đồng thuận.
Cần đẩy quan niệm “kẻ thù của kẻ thù là bạn giai
đoạn của ta” lên tầm chiến lược. Như vậy, lực đấu tranh mới có sức mạnh chính
nghĩa, mới tập hợp được đông đảo khối đông quần chúng, và nhiều thành phần để
cùng nhắm vào mục tiêu chung, mục tiêu của dân tộc. Kinh nghiệm đấu tranh cho
thấy, chính lực lượng phản tỉnh đến từ trong đảng CSVN là những nhân tố vô cùng
hữu hiệu để làm suy yếu họ. Nội thù, có sức mạnh còn vũ bảo hơn áp lực từ
ngoài.
Khi những người lãnh đạo đầu tiên của Hiến Chương
77, bí mật chia nhau vận động chử ký cho bản Hiến Chương. Cựu Tổng thống Tiệp
Khắc, ông Vaclav Havel là người nhận báo cáo đầu tiên từ tay các cộng sự viên.
Ông đã choáng trước kết quả, vì chính bản do những người cộng sản phản tỉnh
Tiệp vận động, có rất nhiều người Cộng sản phản tỉnh ký tên, còn nhiều hơn cả
bản của các anh chị em văn nghệ sĩ và thanh niên sinh viên.
Nhờ vận dụng được sức mạnh đồng thuận của dân tộc,
nhờ khôn khéo, can đảm gát qua một bên sự khác biệt của “thành phần tính”, cuộc
cách mạng nhung đã thành công, và có dấu ấn rất đậm từ sự đóng góp của những
người Cộng sản “phản tỉnh” Tiệp.
© Đỗ Thành Công
© Đàn Chim Việt
No comments:
Post a Comment