Saturday, 20 July 2013

PHƯƠNG TÂY CÓ THỂ GÂY ÁP LỰC LÊN PUTIN (Lê Vy - RFI)




Lê Vy  -  RFI
Thứ bảy 20 Tháng Bẩy 2013

Bị kết án 5 năm tù nhưng ông Alexei Navalny đã không bị giam cầm mà được tại ngoại hầu tra. Vụ án của nhà đối lập Nga tiếp tục trở thành tâm điểm trên các báo Pháp ra ngày hôm nay. Le Figaro có bài viết đề tựa : "Hoãn xử án, nhà đối lập Navalny ăn mừng". Tờ báo nhận định tuy tạm thời được tự do nhưng ông Navalny luôn có nguy cơ lãnh án 5 năm tù.

Đây là bản án mà các báo chí đều nhận định là mang tính chính trị, là cái giá phải trả cho việc đối đầu với tổng thống Putin. Sau vụ việc này, nhà đối lập Navalny không ngần ngại tiếp tục ra tranh cử cho chiếc ghế Đô trưởng Matxcơva.

Đồng thời, báo Le Monde chạy tựa trên trang nhất : « Nhà đối lập Navalny tạm thời được trả tự do ». Đặc biệt, tờ báo còn đăng bài xã luận khá sâu sắc bàn luận về tình hình chính trị tại Nga mang tựa đề : « Có thể gây áp lực lên tổng thống Putin ». Bài báo mỉa mai, đến bao giờ người châu Âu mới thôi nghĩ rằng mọi việc vẫn diễn ra bình thường tại nước Nga, nơi mà từ khi tổng thống Putin trở lại, điện Kremlin đã thiết lập một chế độ độc tài mang tên ông.

Đó là coi thường quyền tự do công dân, thành phần đối lập bị kiểm soát nghiêm ngặt. Tổng thống Putin đưa người thân cận lên cầm quyền, thiết lập một hệ thống mafia nhằm thao túng nền kinh tế. Bài báo nhận định trong chính quyền Putin và thậm chí trong xã hội Nga là sự hòa trộn của xu nịnh và dọa nạt từ phía cảnh sát.

Các vụ án mang tính chính trị tái xuất hiện trong thời gian gần đây. Bài báo lấy ví dụ vụ án của nhà đối lập-viết blog Navalny đã công kích nạn tham nhũng của nhà nước và đã trở thành người đối đầu số một của ông Putin. Bài báo cho rằng, từ khi nhận thấy ông Navalny trở thành mối hại cho Kremlin, chính quyền Putin đã dàn dựng nên vụ án buộc tội ông Navalny biển thủ 377.000 euro khi ông là cố vấn của Thủ hiến vùng Kirovles.

Trước bản án dành cho ông Navalny hôm thứ năm vừa rồi, một số quốc gia châu Âu đã thể hiện sự lo ngại đối với chế độ độc tài Putin. Bài báo dùng những từ ngữ như « vụ án giả mạo », « công lý mang tính chính trị » để nhận định về vụ Navalny. Tổng thống Putin đang lèo lái nước Nga trên con đường chuyên chế độc tài, và thiết lập quyền lực bằng cách trấn áp người dân.

Do còn e ngại trong chính sách ngoại giao, các nước phương Tây đã chưa thật sự kiên quyết với Nga. Điều này phần nào làm cho chính phủ Nga nghĩ rằng mình có lý và cho rằng châu Âu cần đến Nga. Bài báo nhận định có thể là châu Âu cần tới Nga trên lĩnh vực năng lượng nhưng trên phương diện ngoại giao thì hoàn toàn sai lầm. Ví dụ như hồ sơ Syria hay chống lại chương trình hạt nhân của Iran, Nga hoàn toàn đối lập với châu Âu.

Các quốc gia châu Âu không hề thiếu phương tiện để gây áp lực lên Nga nhưng vấn đề là cần phải can đảm trong chính trị. Bài báo nhắc lại sau vụ luật sư Magnitsky bị chết trong tù, Washington đã đăng danh sách 18 quan chức Nga bị cấm lưu trú tại Mỹ. Thế thì tại sao ta không đưa ra một « danh sách Navalny » như một răn đe trước khi Nga chuẩn bị tổ chức thế vận hội mùa đông 2014.

Detroit : cựu thủ phủ ngành xe hơi Hoa Kỳ phá sản
Sự kiện thành phố Detroit, thuộc tiểu bang Michigan, biểu tượng một thời của sức mạnh công nghiệp Mỹ đệ đơn xin phá sản được các báo Pháp hôm nay khá quan tâm. Nhật báo Le Monde đăng trên trang nhất : « Detroit bị tiêu hủy ». Báo thiên hữu Le Figaro đăng bài : « Vì sao các thành phố Hoa Kỳ phá sản ». Báo thiên tả Libération đăng bài : « Detroit, hy vọng mỏng manh xây dựng lại trên sự khánh kiệt ». Báo Aujourdhui en France có bài viết : « Detroit nộp đơn xin phá sản ».
Các báo đưa tin Detroit, thành phố Hoa Kỳ từ lâu là thủ phủ của ngành sản xuất xe hơi đã chính thức đệ đơn xin phá sản. Hiện tại, Detroit mang một khoản nợ lên đến 18,5 tỷ đô la, tương đương 25 000 đô la/ người dân.
Nhật báo Libération nhận định : « thành phố Detroit, cựu thủ phủ nổi tiếng thế giới trong ngành sản xuất xe hơi giờ đây trở thành biểu tượng của cuộc khủng hoảng kinh tế, của sự quản lý chính trị lộn xộn, của một thảm họa xã hội, nơi mà dân số đã là 1,8 triệu trong những thập niên 50 nhưng chỉ còn 700 000 vào năm 2010 » vì có nhiều người rời khỏi thành phố do những căng thẳng về sắc tộc và cơ hội làm việc giảm sút. Tờ báo còn cảnh báo một số các thành phố lớn khác cũng có nguy cơ phá sản như Boston và Chicago.
Báo Le Figaro giải thích tại sao các thành phố Hoa Kỳ bị phá sản tại Pháp thì các đơn vị hành chính này thoát khỏi thảm họa. Nguyên nhân là do tại Mỹ, chính quyền các tiểu bang để cho các thành phố quản lý kém cỏi sạt nghiệp trong khi Pháp hỗ trợ cho các thành phố có nguồn tài chính đang đi xuống.
Theo nhận định của Thống đốc bang Michigan Rick Snyder, thuộc đảng Cộng hòa thì « chỉ có quyết định này là để thoát hiểm và giúp khôi phục lại thành phố và tăng trưởng trong tương lai ».

Tuổi trẻ Brazil mơ ước gì nhân đại hội giới trẻ thế giới ?
Các báo ra ngày hôm nay cũng khá quan tâm đến sự kiện Đức Giáo Hoàng Phanxico sẽ đến Rio de Janeiro vào ngày thứ 2 tới để chủ trì thánh lễ tại đại hội giới trẻ thế giới. Báo Le Figaro có bài viết mang tựa : « Đức Giáo Hoàng gặp gỡ giới trẻ châu Mỹ La Tinh ». Cũng nhân dịp này, báo Công giáo La Croix có bài phóng sự khá dài cho biết tuổi trẻ Brazil mong muốn cải thiện điều kiện sống, có một xã hội công bằng hơn, ít tham nhũng và bạo lực hơn.
Đức Giáo Hoàng đã hứa hẹn khi đến JMJ (đại hội giới trẻ thế giới) tại Brazil, trong các bài giảng của Ngài sẽ đề cập đến bất bình đẳng xã hội. Đây là một đề tài hiện rất nóng bỏng tại Brazil và đã từng gây ra nhiều cuộc biểu tình của khoản 50 nghìn thanh niên (18-34 tuổi) vào tháng 6 vừa rồi tại cường quốc kinh tế thứ 7 trên thế giới.
Trong tình hình này, vai trò của tôn giáo là hết sức quan trọng, mang lại niềm hy vọng cho tuổi trẻ đang tìm kiếm một tương lai sáng rạng hơn. Báo La Croix đã gặp gỡ và phỏng vấn bốn thanh niên nam và nữ và đã tìm được câu trả lời đáp ứng được nguyện vọng của họ. Đặc biệt, tờ báo còn nhấn mạnh mơ ước của tuổi trẻ Brazil cũng giống như mọi thanh niên trên toàn thế giới. Đó là tìm được một công việc tốt, tìm được nhà ở, có nguồn thu nhập cao và lập gia đình…

Bầu cử Thượng viện Nhật : thắng lợi của ông Shinzo Abe không xa
Báo Libération hôm nay cũng khá quan tâm đến cuộc bầu cử Thượng viện Nhật sẽ diễn ra vào ngày mai. Theo nhận định từ tờ báo, Đảng của thủ tướng Shinzo Abe sẽ phải giành thắng lợi. Một giáo sư dạy khoa học chính trị nhận xét rằng, trong cuộc bầu cử này, chính những cử tri của ông Abe và những người bỏ phiếu trắng sẽ làm nên kết quả cuộc bầu cử.
Theo thống kê, các ứng cử viên tham gia tranh cử để giành 121 ghế tại Thượng viện Nhật Bản. Các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử cho thấy đảng Tự do dân chủ LDP của ông Abe hiện đang có nhiều lợi thế hơn, thậm chí có phần áp đảo, trong cuộc bầu cử Thượng viện ngày mai. Trong bài diễn thuyết tại tỉnh Fukushima, thủ tướng Nhật cũng nhấn mạnh rằng chính sách kinh tế của ông được mệnh danh là Abenomic chính là con đường duy nhất chọn lựa để tái sinh nền kinh tế Nhật Bản.
Đối với cá nhân ông Abe, cuộc bầu cử hôm chủ nhật tới còn được coi như một phép thử quan trọng đối với chiếc ghế Thủ tướng sau hơn 7 tháng cầm quyền.

Đức nhúng tay vào chương trình gián điệp điện tử Prism của Mỹ
Chương trình gián điệp điện tử nổi đình nổi đám của Mỹ Prism tiếp tục thu hút báo Libération qua bài viết : « Chính quyền Đức có dính líu đến hồ sơ Prism ». Báo Libération nhận định theo báo chí Đức, Berlin đã cộng tác với Cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ NSA. Hai tháng trước bầu cử quốc hội, thủ tướng Merkel đang gặp khó khăn.
Trả lời phỏng vấn báo chí trong cuộc họp báo mùa hè ngày hôm qua, thủ tướng Angela Merkel khẳng định « Đức là một quốc gia tự do và hoàn toàn không có chuyện gián điệp đời tư người dân ». Bà Merkel còn nói thêm đang chờ lời giải thích từ phía đồng minh Hoa Kỳ. Tờ báo nhận định chính phủ Đức đang chịu áp lực nặng nề. Hằng ngày, báo chí tung thêm chi tiết về vụ việc. Nhật báo Đức Bild Zeitung cho biết quân đội Đức đã được biết chương trình theo dõi Prism từ năm 2011. Phát ngôn viên chính phủ đã bác bỏ cáo buộc của tờ báo này. Berlin đã giải thích rằng có hai chương trình mang cùng một tên Prism, do đó gây nhầm lẫn. Một chương trình do khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành còn chương trình kia do NSA quản lý.
Tờ báo nhận định vụ tai tiếng nghe trộm của NSA Hoa Kỳ có thể ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử của bà Merkel. Theo một thăm dò, hơn 2/3 người Đức không hài lòng với cách hành xử của chính phủ về hồ sơ Prism. Tận dụng cơ hội này, phía đối lập cũng đang tấn công vào bà Merkel và hy vọng ghi được vài điểm.

Quốc vương Bỉ thoái vị sau 20 năm trị vì
« Ngôi vua thay đổi trong sự giản dị », đó là tựa trên báo Le Figaro. Theo tờ báo, vua Albert II thoái vị vào ngày mai và nhường ngôi cho hoàng tử kế nghiệp Phillipe 53 tuổi. Quốc vương Albert II đã trị vì đất nước trong vòng 20 năm.
Bài báo nhắc lại Bỉ vẫn bị các cuộc khủng hoảng chính trị phá ngầm như xung khắc giữa nhóm Flamand có được gần nửa phần nước Bỉ và nhóm Wallon nói tiếng Pháp đã có được hơn một nửa lãnh thổ của Bỉ.
Theo báo Le Figaro, Bruxelles không mấy quan tâm đến việc vua Albert II thoái vị, một phần vì hoàng tử kế nghiệp Phillipe với tính cách hơi dè dặt « lại càng phải đi thu phục lòng dân ». Phần khác là vì cả thế giới đang hướng về hoàng gia Anh đón chờ « đứa bé hoàng gia » chào đời. Tờ báo còn nhận định với một loạt các vụ tai tiếng hoàng gia, Bỉ còn lâu mới đạt được vẻ quyến rũ của hoàng gia Anh.

Pháp : chính phủ cũng mơ ước nghỉ hè
Trong lúc dân Pháp bắt đầu đi nghỉ hè và trước cuộc khủng hoảng, tổng thống Pháp đã ra lệnh cho các bô trưởng phải nghỉ hè ngắn ngày và đi nghỉ không quá xa Paris. Hôm nay, báo Aujourd’hui en France đăng bài viết mang tựa : « Chính phủ ao ước được nghỉ hè ».
Do năm ngoái, tổng thống Pháp François Hollande và thủ tướng Jean-Marc Ayrault đã bị chỉ trích vì đi nghỉ hè khi vừa mới lên cầm quyền. Do đó, năm này, tổng thống Pháp đã gây áp lực lên các thành viên chính phủ. Thủ tướng vừa thi hành yêu cầu của tổng thống bằng cách ra lệnh cho các thành viên chính phủ phải kê khai nơi đi nghỉ hè, số điện thoại hay địa chỉ e-mail để liên lạc khi cần thiết.
Tờ báo đã phỏng vấn một số dân Pháp về việc bộ trưởng có quyền đi nghỉ hè như những người khác hay không ? Câu trả lời là « được » bởi vì họ cũng như những người dân Pháp khác và đây liên quan đến đời sống riêng tư nhưng với điều kiện là chuyến đi đơn giản, không chi tiêu xa xỉ bởi vì còn có rất nhiều người Pháp không có điều kiện đi nghỉ hè. Hơn nữa, tuy đi nghỉ hè nhưng các bộ trưởng cần mở máy điện thoại để liên lạc nếu có việc khẩn cấp.


No comments:

Post a Comment

View My Stats