Thứ sáu 19 Tháng Bẩy 2013
Hôm qua, tại Nga, nhà đối lập
Alexei Navalny bị tòa án xử 5 năm tù vì tội biển thủ công quỹ. Navalny bị cáo
buộc biển thủ 16 triệu rúp (380.000 euro) khi ông là cố vấn của Thủ hiến vùng
Kirovles. Là một blogger chống tham nhũng nổi tiếng tại Nga, Navalny bắt đầu
thu hút dư luận kể từ năm 2011 khi đứng ra kêu gọi người dân xuống đường chống
Putin. Việc ông bị kết án đã dành sự chú ý đặc biệt của báo chí Pháp hôm nay.
Tất cả các tờ báo đều cho rằng, bản án mang động cơ chính trị.
Theo các tờ báo, động cơ chính
trị ở đây tức là bản án dành cho nhà đối lập Navalny được tiến hành theo chỉ
thị của điện Kremli, chứ không phải dựa vào luật pháp và chứng cứ. Quan điểm đó
được các tờ báo thể hiện ngay trong các dòng tít. Nhật báo cánh tả Libération
chạy tựa lớn trên trang nhất : « Độc tài theo kiểu Putin ». Nhật báo
cánh hữu Le Figaro đăng bài : «Năm năm tù cho đối thủ của Putin ». Tờ
báo kinh tế Les Echos cũng chạy tít tương tự : « Án tù dành cho một người
chống đối Putin », nhật báo Công Giáo La Croix cũng có bài : «Nhà đối
lập chính của Putin ở tù ».
Các tờ báo đều đồng loạt nhắc
lại rằng, ông Navalny là gương mặt đối lập trọng yếu của Tổng thống Putin và
Đảng Nước Nga Thống Nhất. Navalny là ứng viên chức Đô trưởng Maxtcơva trong
cuộc bầu cử vào tháng Chín tới. Ông cũng được xem là ứng viên có trọng lượng
trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2018. Navalny cũng chính là người đã làm lan
rộng quan điểm cho rằng Đảng Nước Nga Thống Nhất là « Đảng của những kẻ lừa
đảo và trộm cắp ». Từ đó, các tờ báo cho rằng, ông Navalny là đối tượng cần
loại trừ của chính quyền Putin và không ngại cho rằng, bản án nói trên được
thừa hành theo lệnh của Điện Kremli.
Trong bài xã luận mang tên «
Theo lệnh », Libération cho rằng: « Navalny là nạn nhân cuối cùng của
cựu đại tá KGB Putin. Vị cựu đại tá này không chấp nhận bất kỳ sự chống đối nào
đối với quyền lực tuyệt đối của ông ». Bài xã luận cũng nhắc lại một số bản
án bị cho là có động cơ chính trị theo lệnh của điện Kremlin. Bài xã luận nhấn
mạnh, tại Nga, nhiều nhà báo, nhiều nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền, đã bị giết
hoặc bị loại trừ bởi «bọn tay sai » của nhà cầm quyền.
Để làm sáng tỏ hơn cái gọi là «
sự độc tài theo kiểu Putin », Libération cho biết thêm, tại Nga, các tổ chức
phi chính phủ bị coi là gián điệp ngoại bang. Tòa án, cảnh sát cũng như các
phương tiện truyền thông, tất cả đều làm theo lệnh của tổng thống Putin.
Phản ứng của Phương Tây
Lập tức phương Tây đã lên tiếng
chỉ trích bản án nói trên. Chính phủ Đức cho rằng bản án là « quá nặng »
so với tội mà ông Navalny bị cáo buộc. Đại sứ Mỹ tại Nga nhận định đó là một
bản án « có động cơ chính trị ». Lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu
nhấn mạnh : « Bản án này đặt ra nhiều câu hỏi nghiêm túc về tình trạng pháp
quyền tại Nga ». Bộ Ngoại giao Anh và Pháp cũng đều có phản ứng và đều cho
rằng « lấy làm quan ngại ».
La Croix bàn thêm về quan hệ
Nga-Mỹ. Tờ báo cho rằng, gần đây, quan hệ song phương đã gặp sóng gió về hồ sơ
cựu nhân viên CIA Snowden. Và giờ đây, La Croix cảnh báo, coi chừng bản án
Navalny sẽ làm cho cơn sóng gió ngoại giao giữa hai nước tăng thêm.
Tổng thống Hàn Quốc dưới sức ép của xì-căng-đan gián điệp
Nhìn sang Châu Á, Le Monde quan
tâm đến xì-căng-đan cơ quan tình báo Hàn Quốc (NIS) bị cáo buộc đã ngầm giúp bà
Park Geun Hye giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi năm ngoái. Le
Monde cho biết : « Cải cách cơ quan tình báo bị bế tắc ».
Tờ báo cho biết, phe đối lập đã
tranh thủ cơ hội này gây sức ép đối với Tổng thống Park Geun Hye và đặt vấn đề
đối với chiến thắng của bà hồi tháng 12 năm ngoái. Hàng ngàn người cũng đã bất
chấp trời mưa tập hợp trước trụ sở của tòa thị chính Seoul kêu gọi Tổng thống
Park Geun Hye « chịu trách nhiệm » xì-căng-đan bầu cử nói trên.
Trong bối cảnh đó, bà Park Geun
Hye vẫn luôn phủ nhận đã được sử hỗ trợ của phe tình báo. Le Monde cho hay, bà
đang ra sức «dập tắt » xì-căng-đan với sự hỗ trợ của một bộ phận lớn giới
truyền thông trong nước. Tờ báo cũng cho biết, Quốc hội đã quyết định mở điều
tra về vụ việc và trên nguyên tắc là đã bắt đầu từ ngày 2/7, nhưng đến hiện tại
công việc điều tra vẫn chưa bắt đầu. Còn về đề nghị của phe đối lập trong việc
cải tổ NIS để cơ quan này không nhúng chân vào công việc chính trị nữa, thì Le
Monde cho hay, Tổng thống Park Geun Hye chỉ yêu cầu cơ quan này « tự đổi mới ».
Nhật Bản : Chủ nghĩa dân tộc cực đoan sẽ dâng cao ?
Nhìn sang Nhật Bản, nhật báo
kinh tế Les Echos có bài : « Thủ tướng Nhật sắp thắng cử», dự đoán rằng
Đảng của ông Abe sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện dự kiến diễn ra
vào Chủ nhật tuần này.
Tờ báo cho biết, nếu giành
chiến thắng lần này, đảng LDP sẽ kiếm soát cả lưỡng viện Quốc hội, và như thế
sẽ giúp cho những đề xuất cải tổ của ông Thủ tướng Abe được thông qua dễ dàng.
Thế lực của ông Abe, nếu chiến thắng, sẽ phủ sóng ảnh hưởng trong thời gian ba
năm tới, bởi trong giai đoạn ba năm này tại Nhật sẽ không có cuộc bầu cử cấp độ
quốc gia nào cả.
Tờ báo dự đoán đảng của Thủ
tướng Shinzo Abe sẽ giành thắng lợi trong cuộc bầu Thượng viện, và lý giải
chiến thắng này là do chính sách phục hồi kinh tế của Thủ tướng Abe đã mang đến
nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, viễn cảnh không phải hoàn toàn tươi đẹp.
Nhiều nhà quan sát tỏ ra nghi ngờ chính phủ Abe có thể thực hiện được những cải
cách thật sự. Có người con lo ngại rằng, nếu phe ông Abe nắm cả lưỡng viện Quốc
hội, thì ông sẽ thuận lợi trong việc sửa đổi bản Hiến pháp mang tính hiếu hòa,
và có thể sẽ tăng cường vai trò của quân đội Nhật Bản, đẩy chủ nghĩa dân tộc
nước này lên cao, và làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Nhật Bản với hai anh
bạn láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc.
Chính phủ Nhật Bản cứng rắn với Trung Quốc
Bàn về quan hệ Trung-Nhật, Les
Echos đăng bài : «Hỏa hoạn lại nổi lên giữa Nhật Bản và Trung Quốc ».
Tờ báo nhắc đến việc mới đây,
Thủ tướng Nhật Bản Abe đã đích thân đến thăm một hòn đảo gần với khu vực đảo
Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp. Đây là lần đầu tiên kể từ 48 năm qua, một Thủ
tướng Nhật đương nhiệm đến tận nơi này. Trung Quốc đã có phản ứng gay gắt và
cũng đã cử tàu tuần duyên đến gần khu vực tranh chấp. Les Echos đánh giá, sự
việc đã làm cho quan hệ song phương tiếp tục xấu đi.
Mối quan hệ này có xấu hơn hay
không, theo tờ báo, là tùy thuộc vào ngày 15 tháng Tám tới. Đó là ngày mà Nhật
Bản ký đầu hàng trong thế chiến thứ hai. Trong ngày đó, thường thì các nhà
chính trị Nhật Bản đến thăm đền Yasukuni, nơi thờ phượng các quân nhân tử trận
của chế độ quân phiệt Nhật Bản. Một vài Thủ tướng Nhật đã từng đến thăm đền này
và làm dấy lên phản ứng dữ dội từ các nước láng giềng. Vấn đề là không biết lần
này Thủ tướng Abe có dám đến thăm đền Yasukuni để khẳng định lập trường dân tộc
chủ nghĩa của ông hay không.
Bắc Triều Tiên sửa vũ khí cho Cuba với giá 10.000 tấn
đường?
Vụ một tàu hàng Bắc Triều Tiên
chở vũ khí bị bắt ở Panama tiếp tục thu hút báo chí Pháp. Nhật báo Le Monde
đăng bài nhấn mạnh đến những rắc rối sau vụ con tàu này bị bắt giữ.
Tàu hàng Chong Chon Gang đang
trên đường trở về Bắc Triều Tiên thì bị Panama bắt giữ. Phía Cuba và Bắc Triều
Tiên đã lên tiếng cho biết, cùng với 10 ngàn tấn đường, trên tàu có 240 tấn vũ
khí « cũ kỹ » được Cuba đặt cho Bắc Triều Tiên sửa chữa. Phía Bắc Triều Tiên đã
yêu cầu Panama trả tự do ngay lập tức cho chiếc tàu và thủy thủ đoàn. Mỹ thì
tuyên bố ủng hộ việc bắt giữ và khám xét chiếc tàu nói trên của chính quyền
Panama, và thông báo sẽ trao đổi trực tiếp với phía Cuba về vụ việc. Le Monde
cho rằng, mật vụ Mỹ là nguồn gốc của việc bắt giữ tàu Chong Chon Gang.
Hiện tại, công tác khám xét các
bao đường rất vất vả và sẽ mất nhiều thời gian, bởi các bao đường đã được cố ý
để một cách lộn xộn để đề phòng bị kiểm tra. Le Monde cho hay, theo nhiều
chuyên gia, số 10.000 tấn đường trên tàu có thể là thù lao mà Cuba trả cho Bắc
Triều Tiên trong việc sửa chữa vũ khí. Các nghi vấn vẫn chưa có câu trả lời.
Tuy nhiên, hậu quả thì đã nhãn tiền, đó là quan hệ giữa các nước liên quan sẽ
gặp sóng gió, nhất là giữa Mỹ và Cuba trong khi mà gần đây mối quan hệ này chỉ
vừa mới được phần nào sưởi ấm.
Các tập đoàn tin học khổ vì kinh tế Châu Á mất đà
Trong lĩnh vực kinh tế, nhật
báo kinh tế Les Echos đăng bài đáng chú ý : «Kinh tế Châu Á mất đà gây ảnh
hướng đến lĩnh vực tin học ».
Các nền kinh tế khu vực Châu
Á-Thái Bình Dương vốn được coi là năng động nhất thế giới. Gần đây, khu vực này
đã bị mất đà. Các tập đoàn tin học từ Á sang Âu vì thế phải gặp nhiều khó khăn.
Les Echos dẫn ra số liệu một số tập đoàn tin học hàng đầu thế giới để minh
chứng. Như tập đoàn IBM, trong quý 2 rồi, doanh số đã giảm 3,3%, doanh số bán
ra ở khu vực Châu Á đã giảm 8%. Hay như tập đoàn SAP, doanh số tại khu vực Châu
Á -Thái Bình Dương cũng giảm đến 7% trong sáu tháng đầu năm 2013. Tập đoàn
Intel trong qúy 2, tiền lãi đã giảm đến 29%, doanh số giảm 5%.
Cũng bàn về chủ đề này, nhật
báo Le Monde đăng bài xã luận cho biết, khu vực mà IBM làm ăn tốt nhất trong
quý 2 vừa qua là Châu Âu, Châu Phi và khu vực Trung Đông, trong khi Châu Mỹ và
khu vực Châu Á Thái Bình Dương thì doanh số lại bị giảm sút.
G20 đau đầu với hồ sơ việc làm và trốn thuế
Hôm nay và ngày mai, hội nghị
Bộ trưởng Tài chính các nước thuộc khối G20 nhóm họp ở Maxcơva để chuẩn bị cho
thượng đỉnh G20 vào tháng 9 tới tại Saint-Petersbourg. Phản ánh sự kiện này,
Les Echos đăng bài : «Tăng trưởng, việc làm và chống trốn thuế là trọng tâm
của hội nghị G20 ở Maxtcơva ».
Tờ báo nhận định, hội nghị lần
này diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới vô cùng ảm đạm. Châu Âu thì không
có tăng trưởng, các nước mới nổi thì mất đà, tình trạng trốn thuế tại Châu Âu
đã lên mức báo động, nạn thất nghiệp liên tiếp lập kỷ lục mới. Theo các báo cáo
chính thức, hiện ở khối G20 có đến 93 triệu người thất nghiệp. Trong hội nghị
lần này, các nước tiếp tục bàn bạc tìm giải pháp đối phó thất nghiệp. Các nước
cũng xem xét một kế hoạch của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Thế giới
(OECD) về 15 giải pháp chống trốn thuế. Bên cạnh đó, các bên cũng sẽ tiếp tục
bàn thảo về chính sách chống thâm hụt công ở các nước.
Pháp : Tổng thống Pháp được kêu gọi gia nhập Hồi Giáo !
Liên quan đến nước Pháp, Le Figaro
có bài đáng chú ý : «Một người Hồi Giáo cực đoan tại Pháp chất vấn Tổng
thống Hollande ».
Tờ báo cho hay, từ một tuần
nay, xuất hiện trên YouTube một đoạn video dài khoảng 12 phút. Trong đoạn
video, một thanh niên 25 tuổi mặc trang phục Hồi giáo, kêu gọi những người đạo
Hồi tại Pháp lên đường đến Syria để tiến hành cuộc Thánh chiến chống chính phủ
Assad. Người thanh niên này còn kêu gọi Tổng thống Hollande cải đạo theo Hồi
giáo và rút quân khỏi Mali.
Theo Le Figaro, từ hai năm nay,
có khoảng 170 người Hồi giáo tại Pháp lên đường sang Syria để tham gia Thánh
chiến, trong đó có khoảng 50 người đã trở về Pháp, số còn lại có người chết có
người bị thương trên chiến trường Syria. Chính phủ Damas đã kêu gọi Paris nối
lại hợp tác an ninh để đưa thi thể những người này về Pháp, nhưng chính phủ
Pháp đã từ chối.
Anh : Chất lượng bệnh viện công bị đặt vấn đề
Cuối cùng, trong lĩnh vực y tế,
Le Monde cho hay : «Một báo cáo lên án tình trạng thất trách ở nhiều bệnh
viên công tại Anh ».
Vừa rồi, Cơ quan sức khỏe công cộng
của Anh đã công bố kết quả một cuộc điều tra về các bệnh viện công, trong đó 14
bệnh viện bị cho là thất trách. Nhiều vấn đề yếu kém đã được phát hiện, như
việc nhiều bệnh nhân bị bỏ trên băng-ca hàng tiếng đồng hồ mà không được bác sĩ
chăm sóc, hay như các phòng phẫu thuật có điều kiện hết sức tệ hại, hoặc như
nhân viên bệnh viện có nhiều người phải làm việc suốt 12 giờ liền…Báo cáo nêu
rõ, nếu không có những yếu kém này, thì các bệnh viện trên đã có thể tránh đến
13.000 ca tử vong.
đúng là trên thế giới cũng có nhiều vấn đề vậy, hiện nay thì những vấn đề liên quan tới kinh tế vẫn là chủ đạo, và bởi khu vực châu á là một khu vực có kinh tế phát triển hết sức năng động nên việc khu vực này kinh tế chững lại khiến thế giới gặp khó khăn cũng là điều đương nhiên rồi
ReplyDeletenước nga hiện nay đã khác xa với thời kỳ liên xô trước kia rồi, tuy không biết tình hình cụ thể và thực tế của nước nga tới đâu nhưng theo những gì mà những phương tiện thông tin đại chúng đăng tải thì nước nga đang có những bước phát triển hết sức tích cực
ReplyDeletetrên thế giới hiện nay thì bất kỳ quốc gia nào cũng tiêm ẩn những vấn đề của nó, không quốc gia nào mà không có vấn đề nọ vần đề kia, đó cũng là việc bình thường, không những thế thì một số nước cũng có quan hệ khá căng thẳng với nhau, chủ yếu liên quan tới vấn đê tranh chấp lãnh thổ mà thôi
ReplyDeletetrong những thông tin trên thì thông tin mà tôi quan tâm nhất là nhật bản cứng rắn với trung quốc, đó là thông tin rất đáng chú ý và có ý nghĩa với việt nam, bởi việt nam và trung quốc cũng như nhật bản và trung quốc có vấn đề về tranh chấp lãnh thổ
ReplyDeletetại sao những người này không hiểu về tình hình của nước khác mà lại phán như thật đấy nhỉ, theo những gì tôi được biết thì những người này vi phạm pháp luật nước nga thì bị xử lý thôi, tại sao lại nói là độc tài, không lẽ cứ xử lý những người vi phạm pháp luật là độc tài sao?
ReplyDelete