04:16:am
14/07/13
Vừa
qua sự kiện người gốc Việt tại Cộng hòa Séc được công nhận là dân tộc thiểu số đã
gây được sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước. Phạm Hữu Uyển, một cựu sinh
viên và nghiên cứu sinh tại Cộng Hòa Séc được cử làm đại diện cho người Việt
trong Hội đồng các dân tộc thiểu số. Ông Uyển là một nhân vật được biết đến
trong cộng đồng như một người hoạt động cổ vũ cho dân chủ và nhân quyền. Đây là
một bất ngờ khá lớn với các hội đoàn người Việt (vốn thân Đại sứ quán) và cơ
quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Séc.
Đàn
Chim Việt đã có cuộc phỏng vấn với ông Phạm Hữu Uyển trong vai trò đại diện cho
“dân tộc thiểu số Việt Nam” tại Séc
Ông Uyển cùng vợ và
2 con. Ảnh Facebook Phạm Hữu Uyển
Đàn Chim Việt: Việc người gốc Việt
tại Séc được công nhận là dân tộc thiểu số và cá nhân ông trở thành đại diện có
làm ông bất ngờ không?
Ông Phạm Hữu Uyển : Vừa bất ngờ vừa
không bất ngờ. Bất ngờ là chính phủ đang trong thời kỳ từ chức mà lại đưa ra
quyết định công dân tộc thiểu số cho cộng đồng Việt Nam và Belarus vào kỳ họp
cuối cùng. Đó lài cái may lớn cho những ai hy vọng là sẽ được công nhận, vì nếu
để sang nhiệm kỳ chính phủ mới thì mọi sự gần như lại bắt đầu lại từ đầu, có lẽ
nhanh cũng mất ít nhất mấy năm nữa. Việc tôi trở thành đại diện thì riêng tôi
không ngạc nhiên lắm. Trong qúa trình trao đổi vớiBan thư ký Hội đồng chúng tôi
thấy họ tỏ ra mừng rỡ một cách chân thành là có nhóm độc lập như Văn Lang, đã
có những họat động cụ thể trong nhiều năm sẽ tham gia đề cử đại diện của mình
vào Hội đồng. Và ngay sau khi ông Phó thủ tướng kiêm chủ tịch Hội đồng phỏng
vấn cả ba ứng cử của Việt Nam tôi đã cảm thấy khả năng được chọn là trên 50%
nên mấy tuần cuối đã bắt đầu lo.
Đàn
Chim Việt: Nhiều người đã chờ đợi sự kiện này, vậy nó có thể đem lại điều
gì tốt đẹp hơn cho cộng đồng người Việt?
Ông Phạm Hữu Uyển : Cái lợi lớn nhất là
cộng đồng người Việt là một bộ phận của quốc gia, có thể coi là mình sống ở
nhà, được quyền sử dụng một phần thu nhập quốc gia để phát triển đời sống văn
hóa theo sắc tộc mình, quyền được sử dụng ngôn ngữ và duy trì ngôn ngữ của mình
theo tinh thần của Hiến chương Châu Âu về ngôn ngữ địa phương và ngôn ngữ các
sắc tộc thiểu số và được cụ thể hoá trong bộ luật CH Séc. Đó là tinh thần
chung, đi vào cụ thể thì chính phủ, một số bộ và chính quyền địa phương có các
chương trình tài trợ cho những hoạt động hoạt động văn hoá, giao lưu, giáo dục,
dạy tiếng, phát hành tạp chí, sách, media bằng tiếng thiểu sốv.v.
Đàn Chim Việt: Văn Lang, tổ chức mà ông là thành viên, có lẽ
chưa được nhiều người biết tới, vậy ông muốn giới thiệu điều gì tới độc giả?
Ông Phạm Hữu Uyển : Tuy Văn Lang mới
đăng ký chính thức như là tổ chức công dân từ cuối năm 2011, nhưng “thương
hiệu” Văn Lang đã được sử dụng từ hơn chục năm. Văn Lang quảng bá và thực thi
các nguyên lý của xã hội dân sự và tập trung vào các nội dung chính của nó là
hướng con người tới các giá trị tự do, bảo vệ nhân quyền, thái độ tích cực với
cuộc sống chung quanh, đóng góp sức mình tạo ra môi trường sống lành mạnh,
không bị thao túng. Bên cạnh đó, ở mức độ có thể, Văn Lang cũng cố gắng làm từ
thiện đặc biệt cho những người bị truy tố và xử bất công.
Đàn
Chim Việt: Văn Lang có kế thừa gì từ tờ báo Diễn Đàn trước kia không?
Ông Phạm Hữu Uyển : Nhóm đề xướng và
thành lập Văn Lang đều là những người trước đây đã làm trong tờ Diễn Đàn, nhưng
Văn Lang là một tổ chức khác, phần lớn hội viên hiện nay không có quá khứ trong
Diễn Đàn và định hướng Văn Lang cũng dân sự hơn, nhẹ nhàng hơn và quan tâm của
Văn Lang phần lớn hướng vào cuộc sống của mình, của cộng đồng ở xứ này. Tuy
nhiên ban điều hành Văn Lang hiện tại đa số có quá khứ trong Diễn Đàn nên nhiều
người ngày xưa có biết Diễn Đàn thường đồng hóa Văn Lang với Diễn Đàn, nhưng số
đó trong cộng đồng ngày nay không nhiều. Trong các quan hệ “chính thống” thì cả
phía Séc lẫn phía Việt nam đều gắn cho Văn Lang qúa khứ Diễn Đàn nên có thể nói
một bên tự nhiên được mấy điểm cộng, một bên được mấy điểm trừ. Có người coi
như thế là hoà, có người cho như thế là Văn Lang được lãi hai lần.
Đàn Chim Việt: Ông dự định làm những gì cho người gốc Việt
tại Séc và cộng đồng người Việt nói chung trong vai trò mới hiện nay?
Ông Phạm Hữu Uyển : Về lâu dài, nếu đạt
được hai điều này thì tôi rất vui:
*
Những người Việt quyết định gắn tương lai của mình, của gia đình mình với mảnh
đất này, có điều kiện được cảm giác là mình được sống như “ở nhà”.
*
Người Việt sẽ đóng góp cho đất nước này ít ra cũng như công dân của họ.
Những
việc trước mắt thì tương đối là rõ ràng: tìm hiểu và cung cấp thông tin để
người Việt đưởng hưởng các quyền lợi mà việc được công nhận là thiểu số mang
đến.
Đàn Chim Việt: Ông không phải là
nhân vật được ĐSQ hay chính quyền VN hoan nghênh, điều này có khó khăn gì cho
ông trong vai trò đại diện tới đây?
Ông Phạm Hữu Uyển : Thực chất vai trò
đại diện không có gì là lớn lao lắm. Hội đồng chỉ có tư cách tư vấn cho chính
phủ về luật, chính sách và bảo vệ các quyền của cộng đồng Việt nam được hưởng
từ vị trí của một dân tộc thiểu số. Ở vị trí của mình, để hoàn thành tốt công
việc của hội đồng, tôi cần giữ quan hệ cộng tác với các hội đoàn của cộng đồng
Việt Nam và cả với Sứ quán Việt Nam. Và ngược lại, nếu không có thái độ phá
ngang, nếu đặt quyền lợi cộng đồng lên trên thì các hội đoàn, Sứ quán Việt Nam
cũng cần cộng tác với tôi. Vì thế tôi không chờ đợi khó khăn gì trong chuyện
này và trên thực tế thì cũng không có tín hiệu gì chứng tỏ các hội đoàn hay các
cơ quan đại diện của Việt Nam muốn gây khó dễ cho tôi. Ngược lại tôi đã nhận
được thư chúc mừng chính thức của ông Đại sứ cũng như của ông Thứ trưởng bộ
ngoại giao.
Đàn Chim Việt: Chắc chắn, nhiều
cộng đồng người Việt ở các quốc gia khác cũng muốn được trở thành dân tộc thiểu
số ở nước mình sinh sống. Qua kinh nghiệm từ Séc, ông muốn khuyên họ điều gì?
Ông Phạm Hữu Uyển : Trước hết phải nói
là Văn Lang không có nhiều kinh nghiệm lắm về việc này. Cách đây mấy năm, tôi
có gọi điện lên Hội đồng hỏi về chuyện thiểu số và được trả lời là xu hướng sau
khi vào EU có thể dẫn đến xóa bỏ hội đồng, các trợ giúp về hoạt động văn hóa,
giáo dục v.v. người Việt cũng có thể được đề nghị qua các chương trình grant
như các nhóm thiểu số khác. Vì thế sau đó Văn Lang không có động thái nào tiếp
trong việc đề nghị được công nhận là thiểu số.
Hai
nhóm tích cực trong việc vận động công nhận thiểu số là Hội người Việt Nam tại
Séc và hội người Séc gốc Việt và chủ tịch của hai nhóm này đã chính thức ký đơn
xin được công nhận thiểu số lên chính phủ C.H. Séc. Phía bên Đại sứ cũng tích
cực, chính ông Đại sứ tuyên bố đó là nhiệm vụ chính trị. Trên một số diễn đàn
internet tôi thấy có một số bức xúc về chuyện này, nhưng theo tôi việc tham gia
của Sứ quán là hoàn toàn bình thường, hầu hết các quốc gia đều can thiệp bảo vệ
quyền lợi ngừơi dân gốc kể cả khi họ đã mang quốc tịch khác.
Văn
Lang quay lại quan tâm chuyện này chỉ khoảng một năm trở lại, khi cộng đồng bàn
tán xôn xao và một số chính trị gia có ảnh hưởng lớn tới chuyện này bắt đầu tỏ
ra ủng hộ. Chính việc Văn Lang tham gia giai đoạn cuối có thể là một kinh
nghiệm mà các cộng đồng Việt Nam tại các nước khác cần để ý. Mặc dù có thiện
chí công nhận cộng đồng Việt Nam là thiểu số, chính phủ rất khó chấp nhận một
đại diện của cộng đồng Việt Nam vào Hội đồng – cơ quan trực thuộc chính phủ –
được đề cử bằng việc sắp xếp trực tiếp hay gián tiếp của Sứ quán, kể cả trong
trường hợp không có ghi ngờ về ý đồ khác, đơn thuần đó là tế nhị ngoại giao.
Việc tham gia đề cử của Văn Lang gần như mang tính chất giải tỏa tình hình. Đại
diện của Văn Lang được chọn không phải là do thuộc hạng anh hùng hảo hán, đó
gần như là lựa chọn duy nhất. Hy vọng là ở các quốc gia khác, người Việt sẽ tạo
cho chính phủ nhiều lựa chọn tốt hơn.
Mạc Việt Hồng
thực hiện.
©
Đàn Chim Việt
No comments:
Post a Comment