Saturday 27 July 2013

NGƯỜI VIỆT NAM ĐANG SỐNG GIỮA NHỮNG NGHỊCH LÝ (Nguyễn Hiếu)




Nhà văn Nguyễn Hiếu 
26.07.2013

Có lẽ trên thế giới, trong giai đoạn hiện nay ít có quốc gia nào đang tồn tại những nghịch lý lạ lùng như ở Việt nam ta. Hiện trạng của nghịch lý này lan rộng, phổ cập khắp nơi, trong mọi thời gian và mọi tầng lớp xã hội…

Hãy bắt đầu câu chuyện của chúng ta tại một ngã tư hay một ngã năm, ngã sáu nào đó ngay giữa thủ đô Hà Nội. Khi tín hiệu đèn đỏ bật lên thì những chiếc xe máy thản nhiên lao qua. Nhìn kĩ đa phần những chiếc xe vượt đèn đỏ lại là những chiếc xe máy vào loại đắt tiền cỡ SH, Spaisi… người điều khiển những chiếc xe đó là những cô, cậu thanh niên có hình thức bề ngòai lộ rõ là con nhà giầu đang sùng bái các loại mốt. Đầu trần, áo quần, giày dép, túi sách, kính mát... toàn thuộc loại hàng hiệu, tóc nhuộm xanh đỏ hay cắt theo kiểu tóc đang thịnh hành của cầu thủ Ý Batôlơri. Tôi để ý người vượt đèn đỏ không chỉ thanh niên mà ngay cả những ngưòi đứng tuổi cũng tỏ ra sành điệu bao nhiêu càng thích vượt đèn đỏ bấy nhiêu. Xe họ lao vun vút ngay dưới biểu ngữ ”mỗi ngưòi sống và là việc theo hiến pháp, pháp luật” căng trên phố. Tôi chợ nhớ khung cảnh Viên Chăn vào năm 1992 khi tôi qua công tác. Nước Lào còn kém ta nhiều mặt vậy mà khi đã quá 12 giờ đêm, đường Viên Chăn vắng teo vậy mà gặp tín hiệu đèn đỏ, một ngưòi đi xe đạp vẫn dừng lại trước hàng đinh. Nỗi khiếp sợ nhất của người nứơc ngòai đến Việt nam khi qua đường Hà nội chính vì sự hỗn tạp này.

Hà Nội thành phố được mệnh danh là thành phố ”hoà bình, xanh, sạch đẹp“ nhưng quanh bờ Hồ Gươm, trước toà thị chính người ta thoải máii vứt rác còn trong những ngày lễ, hội thì rác ngập tràn trên đường trên bãi có. Còn trong ngày lễ, hội thì rác ngập tràn trên đường, trên bãi cỏ. Quốc hoa Anh đào xứ Phù Tang vượt nghìn trùng đến Hà Nội khoe sắc cũng bị dân lao vào xâu xé, vặt nát. Đường Hoàng Hoa Thám kề bên Hồ Tây, từng tốp người xách những con chim gọi là xâm cầm (loài chim quí mang biểu trưng của Hồ tây một thủa) bị vặt trụi lông rao bán. Ngay ngã năm Cửa Nam một trong những nơi xầm uất của Hà Thành ngưòi ta ngang nhiên treo băng rôn ”lẩu chim rừng, vịt trời”.

Không chì Thủ đô Hà Nội, thành phố Bắc Giang nổi tíeng hàng loạt nhà hàng với các món ăn chế biến từ chìm trời mà ngay tại Chùa Hương, ngôi chùa nổi tiếng của đạo Phật với nguyên lý kinh điển ”cấm sát sinh” nhưng từ cửa Thiên Trù đến cửa Động Hương Tích nhan nhản hàng quán kinh doanh thịt thú rừng với những cảnh khủng khiếp của nai rừng, khỉ, voọc bạc má… Nhiều loài nằm trong sách đỏ bị phanh thây còn tươi màu máu. Tiếng hót của chim khuyên, chào mào, chim sáo, chim gáy… ngày càng vắng nơi núi, rừng, làng quê Việt nam vì mạng lưới bủa vây bắt, tận diệt để biến những con chim tội nghiệp thành món hàng cung cấp cho chợ chim mở ra hàng ngày ở đường Kim Ngưu, chợ Hàng da, chợ Đồng Xuân… Để rồi trong mỗi căn nhà ống, nhà tầng chung cư lại có vài ba lồng chim phủ vải điều thỉnh thoảng vang lên đôi ba tiếng hót đơn lẻ cho ông, bà chủ nhà hoài niệm về làng quê, về thời thơ ấu phóng khoáng. Nghịch lý thay!

Khi bị tổ chức bảo vệ động vật hoang dã Thế giới xếp hạng Việt nam là quốc gia kém nhất trong sự bảo vệ động vật hoang dã thì tổ chức cùng chức năng này của Việt nam lại lên tiếng phản đối. Song đáng buồn là năm 2011 Hội sinh vật quí hiếm nước ta buộc lòng phải ra tuyên bố cá thể tê giác cuối cùng ở vườn Cát Tiên đã chết. Voi rừng quốc gia Bản Đôn cũng mất dần những cá thể cuối cùng.

Lại cũng xin cung cấp thêm một tin thời sự để nói lên một nghịch lý xung quanh việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở nứớc ta. Ngày 29/5 vừa qua khi tiếp ông Anthony Lake - Giám đốc điều hành Quĩ nhi đồng Liên hiệp quốc, chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định luôn dành ưu tiên chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, quan tâm đầy đủ các các cam kết quốc tế. Vậy mà mỗi khi vào mùa khai giảng để con cháu được vào trường mẫu giáo công lập, ông bà, cha mẹ phải dậy từ 2-3 giờ sáng đi xếp hàng ghi tên cho con cháu mình. Qui định mỗi lớp 1, 2, 3... ở cấp phổ thông cơ sở chỉ có từ 40-45 học sinh… nhưng hiện nay đa phần các lớp này đều nhồi nhét từ 60-65. Cá biệt có lớp lên đến 70 em. Lý do của sự quá tải này vì thiếu trường, lớp. Chỗ vui chơi của trẻ em ngay tại thủ đô Hà Nội cũng không có. Hơn nửa thế kỉ nay, Cung văn hoá dành cho thiêu nhi duy nhất ở Hà Nội năm nào vào hè cũng lâm vào tình trạng quá tải đơn xin cho các cháu vào các lớp vui chơi hè. Tiếp quản Thủ đô, nhà nứơc dạo đó còn nghèo nhưng vẫn xây rạp chiếu bóng Kim Đồng dành cho trẻ. Nay rạp này bị phá để xây trung tâm văn hoá, thương mại để cho thuê hội họp và đám cưới. Vậy là điểm văn hoá cuối cùng dành cho trẻ em Hà nội đã mất. Trong khi riêng thành phố Bắc kinh, thành phố Tokyo mỗi thành phố có tới 7 rạp chiếu bóng dành cho thiếu nhi, nhi đồng. Việt nam ta với gần 90 triệu dân mà không có một nhà hát nào dành riêng cho thiếu nhi. Từ thành phố đến nông thôn, trẻ em bị mất dần chỗ vui chơi được tổ chức và quản lý. Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân khiến mỗi dịp hè số trẻ em bị chết đuối ngày một tăng. Tệ ném đá đất lên tàu hoả hàng hơn nửa thế kỷ này chẳng có biện pháp nào giải quyết…

Trong tiêu dùng, cách sống của ngưòi xứ ta càng thấy nghịch lý. Nứơc ta đang khó khăn về kinh tế, bình quân thu nhập ngưòi dân vẫn thuộc hàng thấp so với mặt bằng của thế giới. Nhưng kì lạ thay bất kì một thứ hàng tiêu dùng nào mới nhất, hiện đại nhất cũng được ngưòi Việt nhanh chóng biết và khao khát bằng mọi giá để được sở hữu. Iphone 5 một loại điện thoại di động hiện đại nhất thế giới của hãng Apple vừa tung ra thị trường làm xôn xao thị trường nứơc Mỹ (chỉ trong vòng 24 giờ tung ra đã bán được 2 triệu cái, bình quân 1 phút bán được 1400 chiếc) với giá 700 USD nhưng sang Việt Nam giá mỗi chiếc lên đến từ 15 đến 20 triệu đồng một cái. Vậy mà các trai thanh, nữ tú tuổi teen kể cả các cô cậu đang ăn nhờ bố mẹ, những chàng thanh niên lương một tháng chưa đến 3 triệu đồng cũng đặt mục tiêu bằng mọi giá để được xử dụng sản phẩm của “quả táo cắn dở” kể cả bán thân, bán nội tạng của mình. Có Iphone 5 nhưng đa phần dân Việt ta chỉ sử dụng chưa đầy 20% tính năng của vật dụng đắt tiền này. Iphone 5 trong tay họ chỉ là vật để khoe mẽ, tỏ sự sành điệu hơn ngưòi…

Nghịch lý hơn về thuế của dân đóng. Ở các nứơc tiên tiến thuế chỉ để nuôi bộ máy chính quyền đảm bảo cho an sinh, phục vụ phúc lợi công cộng chủ yếu là giáo dục và y tế cộng đồng thì trớ trêu thay ở Viêt nam tiền thuế lại dồn vào Tổng công ty, những Tập đoàn kinh tế được xem là những quả đấm thép của nền kinh tế. Hàng núi tiền ngân sách mất hút trong toan tính tham nhũng để biến nứơc ta thành con nợ khổng lồ của thế giới. Nợ công lên đến xấp xỉ 90% GDP. Bình quân một người không kể cụ già gần kề miệng lỗ đến đứa trẻ vừa ra đời đều mang trên mình món nợ tính đến nay là 800 USD. Cũng cần kể thêm một nghịch lý nữa. Nứơc ta là nước nông nghiệp mà ngưòi nông dân dần dần mất đất, thất nghiệp ngay trên mảnh ruộng của mình để nhìn những bờ xôi ruộng mật đang biến mất sau những dự án treo, sau những sân gôn, những khu công nghiệp làm ăn thất bát. Người nông dân trở thành kẻ làm thuê trên chính mảnh đất của mình. Thành món hàng lao động sống bất đắc dĩ trên hè đường các thành phố…

Trước khi khép lại bài viết nhỏ này tôi xin dẫn thêm một nghịch lý buồn trong việc ban hành và thi hành luật pháp ở xứ ta. Ngịch lý này luôn diễn ra hàng ngày trong cuộc sống chúng ta. Ngay dưới biển cấm đổ rác và đái bậy. Người ta vẫn thoải mái đổ rác và tiểu tiện. Nghị định cấm hút thuốc ở nơi công cộng có hiệu lực hơn một tháng rồi vậy mà cho đến nay ngay trong cuộc họp, nơi chờ mua vé xe lửa, vé xem văn nghệ và cả nơì chờ khám bệnh trong bệnh viện… Người hút thuốc vẫn thản nhiên thả khói và vứt mẫu thuốc xuống sàn nhà…

Phải chăng cuộc sống người Việt nam ngày càng căng thẳng với nhiều bức xúc. Độ stret của người dân ngày càng phổ biến và trở nên căn bệnh trầm kha bởi mạng lưới nghịch lý ngày càng nhiều, càng dầy và bủa vây chúng ta không lúc nào ngừng và ngày một gia tăng.

Nhà văn Nguyễn Hiếu



1 comment:

View My Stats