Cập nhật: 05:09 GMT -
thứ sáu, 26 tháng 7, 2013
Trong khuôn khổ chuyến thăm Hoa Kỳ, Chủ tịch Trương
Tấn Sang tái khẳng định lập trường phản đối tuyên bố chủ quyền của
Trung Quốc ở Biển Đông, thể hiện qua đường chín đoạn.
Đường yêu sách chủ quyền
chín đoạn, còn gọi là đường 'lưỡi bò' mà Trung Quốc dựng lên, chiếm
khoảng 80% diện tích Biển Đông.
Phát biểu tại cuộc tọa
đàm ở Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và các vấn đề Quốc tế (CSIS)
chiều thứ Năm 25/7, ông Sang nói: "Chúng tôi không thấy có
nền tảng pháp lý hay cơ sở khoa học nào cho tuyên bố [chủ quyền của
Trung Quốc] và do vậy chính sách nhất quán của Việt Nam là phản đối
kế hoạch đường chín đoạn của Trung Quốc".
Đây là một trong những lần
ít ỏi mà lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam trực tiếp phát biểu
một cách thẳng thắn trước cử tọa quốc tế về yêu sách chủ quyền
của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Sang không trả
lời câu hỏi liệu Việt Nam có tham gia vụ kiện Trung Quốc của
Philippines tại Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc hay không.
Ông chỉ nói một cách ngắn
gọn: "Là thành viên của Liên Hiệp Quốc, Philippines có quyền thực
hiện các việc tố tụng của mình".
Trước khi trả lời câu hỏi
của cử tọa, ông Trương Tấn Sang đã có bài phát biểu chừng nửa tiếng
đồng hồ, trong đó ông nói về vai trò của châu Á trong nền kinh tế toàn cầu,
cũng như tóm lược chính sách của Việt Nam trong thời gian tới.
Ông nói rằng châu Á là
"trung tâm của cơ hội và sự phát triển”, nhưng để tận dụng cơ hội và
phát triển tiềm năng thì “cần có một môi trường hòa bình, ổn định và giảm
thiểu mọi xung đột”.
Ông nhấn mạnh tầm quan
trọng của quyền tự do hàng hải, và nói rằng Trung Quốc và các nước Asean
đã thống nhất hợp tác để đưa ra một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) ở Biển
Đông nhằm giải quyết tranh chấp biển.
'Khả dĩ và lâu dài'
Kiện TQ là biện pháp giải quyết
hòa bình
Đại sứ Philippines bình luận về
vụ Manila kiện Bắc Kinh ra tòa LHQ tại viện CSIS nơi Chủ tịch Sang thuyết
trình.
Bình luận sau sự kiện này tại
CSIS, Đại sứ Philippines tại Hoa Kỳ, Jose L. Cuisia, Jr nói với Nguyễn Hoàng
của BBC tiếng Việt rằng "Việc Việt Nam, đặc biệt là Chủ tịch nước, có thể
chia sẻ tầm nhìn của mình với cả Hoa Kỳ cũng như cộng đồng quốc tế là điểm
tốt".
Khi được hỏi về việc Trung Quốc
không tham gia vào phiên tòa tranh chấp chủ quyền mà Philippines đưa ra LHQ,
ông Jose L. Cuisia nói "Thực ra Trung Quốc không tham gia vụ kiện này nên
quá trình xử sẽ được rút ngắn lại, nhưng nó có thể mất khoảng hai đến ba năm.
"Chúng tôi tin đây là cách
thức hòa bình để giải quyết chủ đề này, và đồng thời cũng là giải pháp khả dĩ
và lâu dài cho vấn đề tranh chấp chủ quyền.
Còn về việc Bắc Kinh dường như
không phản hồi việc Hà Nội đề xuất không sử dụng vũ lực để giải quyết tranh
chấp lãnh thổ, Đại sứ Philippines nói "Tôi nghĩ là Hoa Kỳ cũng nói tương
tự là họ không đứng về bất kỳ phía nào sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ
lực, để giải quyết vấn đề này, và chúng tôi cũng đồng tình với quan điểm này.
"Chúng tôi tin vào cách
giải quyết hòa bình, và đưa ra tòa trọng tài là phương thức hòa bình để giải
quết chủ đề này, và chúng tôi đã hy vọng có Trung Quốc tham gia, nhưng họ đã
chọn không tham gia và phiên phiên tòa này.
"Nhưng dù Trung Quốc có
vắng mặt thì vụ tranh tụng vẫn sẽ vẫn được tiến hành", ông nói thêm.
Quan điểm của Hoa Kỳ
Trước đó, Chủ tịch Trương
Tấn Sang đã có hội đàm với Tổng thống Barack Obama tại Tòa Bạch Ốc.
Tuyên bố chung mà hai bên đưa
ra sau cuộc gặp có đoạn: "Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống
Obama đồng thời tái khẳng định ủng hộ nguyên tắc không sử dụng vũ lực hoặc đe
dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên biển và tranh chấp lãnh thổ".
"Chủ tịch Trương Tấn Sang
và Tổng thống Obama nhấn mạnh giá trị của việc tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về ứng
xử của các bên tại Biển Đông (DOC), và tầm quan trọng của việc khởi động đàm
phán để hoàn tất một bộ Quy tắc ứng xử (COC) có hiệu quả."
Cho tới nay chính phủ Mỹ tỏ
ra thẳng thắn và rõ ràng trong việc ủng hộ hợp tác kinh doanh-khai
thác giữa các công ty Mỹ và Việt Nam ở Biển Đông.
Tuyên bố chung viết:
"Hai nhà Lãnh đạo ghi nhận tầm quan trọng của quan hệ thương mại ngày càng
tăng giữa hai nền kinh tế và đặc biệt nhắc tới: Bản ghi nhớ giữa Tập đoàn
Dầu khí Việt Nam và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hoa Kỳ về hỗ trợ
thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng ở Việt
Nam, Thỏa thuận khung triển khai dự án phát triển mỏ Cá Voi Xanh
ngoài khơi Việt Nam giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Exxon
Mobil, Thỏa thuận hợp tác giữa Tổng Công ty thăm dò, khai thác dầu khí (PVEP)
và Công ty dầu khí Murphy..."
Mỏ Cá Voi Xanh nằm trong lô
118, ngoài khơi Đà Nẵng, và là nơi tập đoàn ExxonMobil thông báo đã
khoan thấy khí đốt hồi năm ngoái.
ExxonMobil đã mua lại phần
hùn tại các lô 117,118 và 119 trong bể Phú Khánh từ tập đoàn dầu
khí Anh BP hồi năm 2009. Từ tháng 5/2011, ExxonMobil đã khoan nột số
giếng tại lô 118 và tìm thấy khí.
Khu vực này nằm ngoài khơi
thềm lục địa Việt Nam, thuộc vùng biển các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Ngãi
và Quảng Nam, rất gần đường chín đoạn mà Trung Quốc lập ra để đòi
hỏi chủ quyền Biển Đông và do vậy bị Trung Quốc liệt vào vùng tranh
chấp cho dù Việt Nam và ExxonMobil cho rằng đây hoàn toàn là khu vực
chủ quyền của Việt Nam và có thể khai thác hợp pháp.
Khai thác Biển Đông
Trong khi đó tập đoàn Murphy
Oil đang tham gia dự án với đối tác Việt Nam PVEP ở ngoài khơi miền
Trung Việt Nam, các lô 144 và 145 cũng trong bề Phú Khánh.
Với tuyên bố chung Việt-Mỹ
25/7, có thể thấy quan điểm rõ ràng của Washington trong việc làm ăn
với Việt Nam ở Biển Đông.
Ngoài các lô nói ở trên,
ExxonMobil còn tham gia dự án thăm dò với Việt Nam ở một số địa điểm
khác, trong đó có ở khu vực Vũng Mây-Tư Chính nằm trên thềm lục địa
phía Nam.
Hồi tháng 7/2008, Trung Quốc
đã gây sức ép buộc ExxonMobil ngừng dự án với Việt Nam tại các lô
135 và 136, khu vực Tư Chính - Vũng Mây của bồn trũng Nam Côn Sơn. Exxon lúc
đó không tuyên bố rút lui, nhưng sau đó cũng không có thêm thông tin gì
về tiến độ dự án.
Ngày 23/6/2012, Tổng công ty
Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) thông báo chào thầu quốc tế tại chín
lô dầu khí trong khu vực mà Việt Nam tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế và
thềm lục địa của mình, khiến Hà Nội lên tiếng cực lực phản đối.
Chín lô dầu khí nói trên
nằm trong một khu vực rộng trên 160.000 cây số vuông, ở độ sâu từ
300-4.000 mét. Trong đó bảy lô nằm trong bể trầm tích mà Trung Quốc
gọi là Trung Kiến Nam (Phú Khánh) ngoài khơi miền Trung Việt Nam và
hai nằm trong các bể Vạn An và Nam Vi Tây (Tư Chính-Vũng Mây).
--------------------------------------
Thứ bảy, 27/7/2013 12:40 GMT+7
VIDEO
:
No comments:
Post a Comment