Thursday, 25 July 2013

LỜI ÔNG SANG & ÔNG KERRY CÓ GÌ MỚI ? (Nguyễn Hùng - BBC)




Nguyễn Hùng
bbcvietnamese.com
Cập nhật: 12:08 GMT - thứ năm, 25 tháng 7, 2013

Hai ông Sang - Kerry cam kết tiếp tục bàn về nhân quyền bất chấp khác biệt

Cuộc gặp giữa Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang và Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry không mang lại điều gì mới mẻ nếu dựa vào diễn văn chính thức của hai phía.
Cũng giống như người tiền nhiệm Hillary Clinton, ông Kerry có thể được coi là "người bạn" của Việt Nam.
Và dường như các ưu tiên của Hoa Kỳ trong quan hệ với Hà Nội vẫn như thời của bà Clinton.

Trong phát biểu của mình, trước hết ông Kerry nhắc tới vấn đề tìm kiếm lính Mỹ mất tích trong cuộc chiến Việt Nam cũng như đảm bảo rằng không còn tù nhân Mỹ ở Đông Nam Á.
"Họ đã giúp chúng ta tìm vài ngàn người con của nước Mỹ trong lúc số người mất tích của họ còn lớn hơn.
"Họ tự nguyện đào những đồng lúa để giúp chúng ta tìm câu trả lời.
"Họ để chúng ta vào nhà họ, họ để chúng ta vào những ngôi nhà lịch sử của họ.
"Họ để chúng ta vào các nhà tù của họ, đôi khi không báo trước, để phỏng vấn tù nhân.
"Và họ đã sẵn sàng để trực thăng bay trên các ngôi làng, như các chuyến bay từng diễn ra trong bối cảnh khác, để tham vấn người dân, để trả lời các câu hỏi không có lời đáp trong nhiều năm. Và không chỉ một lần họ dẫn chúng tôi qua những bãi mìn theo đúng nghĩa của từ này."

Nhớ lại hồi tháng 7/2012, Bà Clinton cũng đánh giá cao sự hợp tác của Việt Nam trong cố gắng tìm kiếm những người Mỹ mất tích khi thăm Hà Nội lần thứ ba với tư cách ngoại trưởng.
Bà nói: "Khi tôi đến đây cùng chồng khi ông tới thăm với tư cách Tổng thống hồi năm 2000, chúng tôi đã chứng kiến công việc của những nhóm làm việc hỗn hợp Mỹ - Việt và tôi vô cùng cảm động.
"...Qua những nỗ lực này, chúng ta đã hồi hương và xác minh được gần 700 [hài cốt] người Mỹ.
"Nhưng gần 1.300 người vẫn còn đang mất tích, và khi Bộ trưởng [Quốc phòng] Panetta [đã nghỉ] tới đây, Việt Nam tuyên bố Việt Nam sẽ mở cửa những vùng trước đây bị khoanh lại và chúng tôi rất biết ơn về điều này.
"Và chúng tôi muốn làm nhiều hơn nữa để giúp Việt Nam tìm kiếm người mất tích từ phía họ nữa."

Không còn kém nữa

Mặc dù số người bộ đội còn mất tích của Việt Nam trong cuộc chiến lớn hơn rất nhiều so với con số 1.300 còn lại của Hoa Kỳ nhưng hiếm khi các nhà lãnh đạo Việt Nam coi đây là trọng tâm như người Mỹ vẫn làm trong suốt hơn hai thập niên bình thường hóa quan hệ vừa qua.

"Nhưng bất chấp những khác biệt về nhân quyền, hai bên đều tìm cách tăng cường quan hệ "

Thay vì nhắc tới những người lính nằm xuống mà gia đình họ còn chưa tìm thấy xác hay vấn đề chất da cam hoặc bom mìn từ thời chiến vẫn đang giết hại người dân, ông Sang nhắc tới sự phát triển kinh tế:

Đáp từ ông Kerry, ông Sang nói: "Sau hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, từ một nước kém phát triển, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước có thu nhập trung bình với tốc độ tăng trưởng khá và đã đạt trước thời hạn nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ.
"Chính sách của chúng tôi là duy trì đà tăng trưởng, tiếp tục cải thiện đời sống người dân, tái cơ cấu nền kinh tế và đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng.
"Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục triển khai chính sách đối ngoại chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
"Sau nhiệm kỳ là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an từ 2008 – 2009, Chủ tịch ASEAN năm 2010, chúng tôi đang ứng cử vào nhiều cơ quan đa phương và sẽ tham gia vào Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trong thời gian tới. Việt Nam mong muốn là một thành viên có trách nhiệm, đáng tin cậy và đóng góp tích cực trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở Đông Nam Á và Châu Á – Thái Bình Dương."

Qua cách mở đầu của hai bên cũng có thể thấy phần nào sự khác biệt trong cách nhìn của hai nước về con người.
Hoa Kỳ có vẻ xem mỗi một con người, ngay cả những người đã tử trận mà chưa biết tung tích, đều cần được quan tâm trong khi Việt Nam có cái nhìn bắt đầu từ thực thể lớn hơn là cả một đất nước, một chính quyền.

Tài năng và cơ hội

Sau khi nhắc tới những người Mỹ đã bỏ mình vì đất nước trong cuộc chiến mà chính ông cũng tham gia, Ngoại trưởng Kerry nói tới quan hệ kinh tế giữa hai nước:
"Nhờ hiệp định thương mại song phương lịch sử hồi năm 2001, thương mại song phương đã tăng 50 lần kể từ năm 1995 tới nay. Và thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam tăng gần 500%.
"Cùng với Việt Nam và các nước khác trong vùng, chúng ta đang cố gắng để đạt được Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, một hiệp định thương mại chất lượng cao của thế kỷ 21, vốn sẽ đẩy mạnh liên kết kinh tế vùng, sự thịnh vượng và cơ hội cho người dân của tất cả các nước thành viên."

Ngay cả hiệp ước này cũng không phải là điều gì mới mẻ. Cựu Ngoại trưởng Clinton từng tham vọng kết thúc đàm phán vào cuối năm ngoái nhưng nay dường như thỏa thuận về hiệp ước gọi tắt là TPP sẽ chậm so với kế hoạch nhiều tháng.

Cũng ở Hà Nội tháng 7 năm ngoái, bà Clinton nói về tầm quan trọng của cơ hội, điều ông Kerry vừa nhắc trong diễn văn:
"Tôi hay nói rằng tài năng có ở mọi nơi nhưng cơ hội lại không phải vậy," bà Clinton nói.
Một trong những cơ hội mà Hoa Kỳ muốn tạo ra cho người lao động Việt Nam qua TPP là khả năng liên kết lại với nhau để có sức mạnh mặc cả với giới chủ khi thương lượng về điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ.

Ngoài mặt, Việt Nam luôn nói muốn cải thiện đời sống của người dân nhưng họ luôn lo lắng trước bất cứ một sự liên kết nào có tiềm năng xói mòn thêm nữa tính chính danh vốn đã mai một nhiều của chính quyền.

Quyền con người

Những người "bạn Mỹ" của Việt Nam đã luôn nhắc Hà Nội về tầm quan trọng của vấn đề quyền con người. Ông Kerry nói hôm 24/7:
"Khi chúng ta nhìn tới tương lai của quan hệ Việt - Mỹ, chúng ta cần nhớ rằng bình thường hóa quan hệ đã không thể xảy ra nếu không có đối thoại thành thật, nếu không có sự bộc trực giữa Washington và Hà Nội ngay cả về những vấn đề nhạy cảm như nhân quyền và tôi cam kết tiếp tục xây dựng quan hệ đối tác hợp tác và thẳng thắn vốn rất quan trọng cho cả hai nước chúng ta."

Bà Clinton nói dân chủ và sự thịnh vượng đi đôi với nhau

Về điều này bà Clinton hồi tháng 7/2012 nói rõ hơn khi đề cập tới TPP:
"Tiêu chuẩn cao [của TPP] là quan trọng vì nếu Việt Nam tiếp tục phát triển và tiến lên thành nền kinh tế năng động và sáng tạo của thế kỷ 21, sẽ cần phải có nhiều không gian hơn để tự do trao đổi ý tưởng, tăng cường tính pháp quyền và tôn trọng quyền phổ quát của mọi người lao động trong đó có quyền tham gia công đoàn.
"Tôi biết có người cho rằng các nền kinh tế đang phát triển cần coi trọng tăng trưởng kinh tế và sau đó mới nghĩ tới cải cách chính trị và dân chủ, nhưng đó là sự đánh đổi thiển cận.
"Dân chủ và sự thịnh vượng đi đôi với nhau, cải cách chính trị có liên hệ với tăng trưởng kinh tế, và Hoa Kỳ muốn hỗ trợ tiến bộ ở cả hai lĩnh vực."

Tự do chính trị cho các cá nhân người Việt Nam, một nội hàm của nhân quyền cũng đã được chồng bà, Tổng thống Bill Clinton nói khi đến Việt Nam năm 2000.

Tại buổi ăn trưa ở Bộ Ngoại giao, ông Trương Tấn Sang cũng nhắc tới nhân quyền một cách chung chung:
"Hai nước chúng ta tiếp tục duy trì đối thoại về các vấn đề cùng quan tâm, trong đó có vấn đề quyền con người.
"Thông qua các cuộc đối thoại, chúng ta hiểu nhau hơn, nhất là về cách tiếp cận cũng như những đặc thù về văn hóa, lịch sử của mỗi bên.
"Việt Nam luôn nỗ lực để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, phấn đấu để người dân chúng tôi được hưởng những thành quả tốt đẹp nhất của công cuộc đổi mới đang diễn ra."
"Cũng như những gì Chính quyền Hoa Kỳ đang hướng tới, chúng tôi không ngừng cải thiện các chương trình y tế, xã hội, giáo dục cho người dân của mình, và đặc biệt là những người dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số."

'Khoảng cách nhân quyền'

Nhìn vào khoảng cách từ khi nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Việt Nam Nguyễn Minh Triết vào Nhà Trắng hồi hè năm 2007 cho tới nay, hai bên dường như không thu hẹp được khoảng cách về cách chính quyền cần hành xử với dân.
Kể từ đó tới nay Việt Nam tiếp tục bỏ tù nhiều người mà các tổ chức nhân quyền nói chỉ bày tỏ chính kiến của mình.
Chính quyền cũng có vẻ sử dụng tới lực lượng công an để giải quyết các tranh chấp giữa lực lượng công quyền và người dân thay vì sử dụng đối thoại, điều mà họ luôn kêu gọi trong đàm phán quốc tế, nhất là trước xu hướng dùng vũ lực của Trung Quốc trên Biển Đông.

Ông Hagel, nay là Bộ trưởng Quốc phòng, nêu vấn đề nhân quyền khi trả lời BBC hồi năm 2007

Khi tiếp tôi tại Quốc hội Hoa Kỳ trước khi ông Triết sang thăm hồi hè năm 2007, Thượng Nghị sỹ Chuck Hagel, người giờ là Bộ trưởng Quốc phòng, cũng bày tỏ quan ngại về nhân quyền như nhiều dân biểu Hoa Kỳ khác đã làm trong vài ngày qua.
Ông nói về vụ xử một số người mà Hoa Kỳ coi là bất đồng chính kiến:
"Chúng tôi quan ngại về hành động này của chính phủ Việt Nam. Hồi tháng mười năm ngoái khi tôi sang thăm Việt Nam tôi đã trao đổi vấn đề này với các quan chức cao cấp trong chính quyền ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
"Tôi nghĩ rằng sự minh bạch, thành thật và cởi mở luôn là những điều rất quan trọng trong bất kỳ mối quan hệ nào. Như tôi đã nói các quyền tự do cá nhân trong đó quyền tự do thể hiện ý kiến cá nhân của mình trong khuôn khổ pháp luật là điều căn bản của nhân quyền.
"Nhưng chúng ta phải nhìn nhận các khác biệt theo hướng là các khác biệt này sẽ được giải quyết như thế nào. Có rất nhiều lĩnh vực mà chúng ta có sự đồng thuận, nhiều lĩnh vực chúng ta đang hợp tác tốt và chúng ta phải dựa vào đây để xây dựng sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau để giải quyết những vấn đề hai bên có quan điểm khác nhau."

Vi phạm pháp luật

Về phía Việt Nam, khi bị chất vấn về các vụ xử đó, ông Triết đáp lại: "Đất nước Việt Nam có luật lệ của Việt Nam, luật pháp của Việt Nam, Hiến pháp của Việt Nam, mọi người công dân của Việt Nam phải tuân thủ hiến pháp và pháp luật, nếu ai làm sai cái đó thì họ phải bị xử phạt.
"Vừa qua Việt Nam xử lý những người vi phạm pháp luật của Việt Nam.
"Đó không phải là bất đồng chính kiến bởi vì họ có những hoạt động gây phương hại đến an ninh của quốc gia.
"Tôi cho rằng hai nước đang đứng trước những cơ hội để đưa quan hệ song phương sang giai đoạn phát triển mới. "
Chủ tịch Trương Tấn Sang
"Tôi nghĩ điều này không riêng gì Việt Nam mà tất cả các nước đều làm như thế."
Hiện chưa rõ ông Trương Tấn Sang sẽ trả lời ra sao khi bị hỏi về những vấn đề nhân quyền cụ thể. Nhưng khó mong đợi lãnh đạo Việt Nam phát biểu quá khác so với những gì ông Triết từng nói.
Nhưng bất chấp những khác biệt về nhân quyền, hai bên đều tìm cách tăng cường quan hệ trong những lĩnh vực mà họ đều có lợi.
Ông Sang thậm chí tuyên bố: "Tôi cho rằng hai nước đang đứng trước những cơ hội để đưa quan hệ song phương sang giai đoạn phát triển mới.
"Hai bên cần tiếp tục làm sâu sắc các lĩnh vực hợp tác, thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực trọng tâm như kinh tế - thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ, giáo dục đào tạo, khắc phục hậu quả chiến tranh và cùng các đối tác sớm kết thúc đàm phán Hiệp định TPP, duy trì đối thoại thẳng thắn và cởi mở về những vấn đề khác biệt."



No comments:

Post a Comment

View My Stats