Thứ bảy 13 Tháng Bẩy 2013
Kinh tế Trung Quốc phát triển thần tốc trong mấy thập
niên qua, nhưng hiện tại đã có dấu hiệu mất đà. Bắc Kinh đang ra sức tái cơ cấu
nền kinh tế, một điều tế nhị vì sẽ ảnh hưởng đến lợi ích nhóm. Báo chí Pháp hôm
nay chú ý nhiều đến chủ đề này. Le Figaro nói về sự mất đà của kinh tế Trung
Quốc trong bài viết : « Chính phủ Trung Quốc phá bỏ cấm kị trong mục tiêu tăng
trưởng ở mức 6,5% ».
Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc đã thông báo vào hôm qua,
bên lề thượng đỉnh Mỹ-Trung, rằng « tỷ lệ tăng trưởng GDP năm nay có thể là 7%
», trong khi hồi đầu năm Quốc hội đã thông qua chỉ tiêu 7,5%, còn Quỹ Tiền Tệ
quốc tế (IMF) cũng đã dự báo đến 7,8%.
Tỷ lệ tăng trưởng năm ngoái của Trung Quốc đạt 7,8%, đã
là thấp nhất trong 13 năm trở lại đây. Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Tài chính
còn nói thêm, « sẽ chẳng có điều gì nghiêm trọng nếu tăng trưởng 2013 rơi xuống
mức 6,5% ». Le Figaro nhận định, chính phủ Trung Quốc đang chuẩn bị tâm lý «
cho điều tệ hại nhất ».
Tờ báo cho biết, từ nhiều tháng nay, đã có nhiều dấu hiệu
đáng lo ngại cho nền kinh tế Trung Quốc. Trong tháng 6 rồi, thặng dư thương mại
của Trung Quốc đã giảm 14%, xuất khẩu giảm 3,1%. Tiêu thụ nội địa tháng rồi
tăng 2,7%/năm, trong khi chỉ tiêu của chính phủ là 3,5%/năm. Thị trường tài
chính cũng không mấy sáng sủa. Theo một thăm dò, thì nhiều nhà kinh tế tại nước
này cho rằng môi trường kinh tế Trung Quốc đã tụt từ « bình thường » xuống mức
« tương đối xấu ».
Tất cả đã cho thấy, các biện pháp kích thích tăng trưởng
của chính phủ đã bắt đầu mất tác dụng. Trong bối cảnh đó, giá lương thực lại
không ngừng tăng, thị trường bất động sản đang đình trệ. Le Figaro cảnh báo :
Tất cả gây ra quan ngại về những bất ổn xã hội ở một đất nước hơn 1,3 tỷ dân
này.
Cải tổ kinh tế mạnh tay sẽ đụng lợi ích nhóm ?
Về phần mình, nhật báo Le Monde nhìn vào thị trường tài
chính Trung Quốc qua bài phân tích « Khi Trung Quốc phát triển chậm lại ». Theo
tác giả bài viết, tăng trưởng tín dụng của nước này trong giai đoạn 2008-2012
đã lên mức tương đương 30% GDP.
Nền kinh tế Trung Quốc đã rơi vào cảnh : mức đòn bẩy tài
chính được xem là cao nhất trong các nền kinh tế tân hưng. Từ đó, tác giả bài
viết cảnh báo, Trung Quốc sẽ bị vỡ bong bóng tài chính giống như trường hợp của
Thái Lan, Nhật Bản, Tây Ban Nha và Mỹ. Trước khi lâm khủng hoảng, các nước kể
trên đều đã có mức đòn bẩy tài chính tăng tới 30% trong vòng 5 năm.
Tác giả cho biết, ngày càng có nhiều nhà kinh tế cho rằng
tỷ lệ đòn bẩy tài chính của Trung Quốc là « quá cao ». Ngay cả Ngân hàng trung
ương Trung Quốc cũng có vẻ thừa nhận rằng đòn bẩy tài chính đã đạt « mức nguy
hiểm ». Tháng rồi, ngân hàng này đã có động thái siết chặt tín dụng để giảm tỷ
lệ cho vay. Tác giả cảnh báo : Tình trạng vỡ bong bóng tài chính ở Trung Quốc
sẽ khó lòng tránh khỏi.
Trên cơ sở đó, tác giả cảnh báo nguy cơ mất tín nhiệm của
đảng Cộng Sản Trung Quốc. Theo tác giả, Đảng này lâu nay đặt tính chính danh
trên nền tảng tăng trưởng kinh tế. Thế thì nếu kinh tế giảm đà, bong bóng tài
chính bị vỡ, thất nghiệp lan tràn, tất cả sẽ dẫn đến bất ổn xã hội và tạo điều
kiện thuận lợi cho các lực lượng chống đảng nổi lên.
Chưa hết, khó khăn kinh tế cũng sẽ gây mất đoàn kết trong
nội bộ giới cầm quyền. Bởi vì, nếu tái cấu trúc mạnh tay thì sẽ đụng chạm đến
lợi ích nhóm. Tác giả lưu ý, ở Trung Quốc, chính quyền địa phương và các công
ty nhà nước là những người vay tín dụng nhiều nhất.
Thân nhân của giới lãnh đạo cũng có mặt rất đông trong hệ
thống các cơ sở kinh tế quốc doanh. Tác giả nhận định : Hệ thống chính trị của
Trung Quốc hiện tại là một cỗ máy khổng lồ dùng để phân chia lợi ích, giới lãnh
đạo ra sức sống chung để « phân chia chiến lợi phẩm » từ tăng trưởng kinh tế
của đất nước.
Quốc khánh Pháp : tổng thống lo lắng, quân đội mất tinh
thần
Liên quan đến nước Pháp, các tờ báo hôm nay đặt biệt chú
ý đến hai « mất » : Tổng thống François Hollande mất tín nhiệm và việc quân đội
Pháp thì mất tinh thần. Liên quan đến tổng thống Pháp, nhật báo Le Monde, nhật
báo cánh hữu Le Figaro và nhật báo cánh tả Libération đều có bài cho hay, tổng
thống François Hollande sẽ xuất hiện trên kênh truyền hình quốc gia Pháp vào
ngày mai nhân dịp quốc khánh 14/07.
Đây là lần phát biểu thứ hai trong lễ Quốc khánh với tư
cách tổng thống. Tuy nhiên, khác với lần trước, lần này ông François Hollande
lại chọn nơi phát biểu là phủ tổng thống (Điện Élysée). Điều này trái ngược với
lời hứa trước kia của ông.
Các tờ báo đồng
loạt nhận định rằng, tổng thống François Hollande xuất hiện lần này trong bối
cảnh hoàn toàn khác lần trước, đó là ông và chính phủ của ông đang dần mất tín
nhiệm trong dân bởi chính sách điều hành kinh tế không hiệu quả, bởi lời hứa
giảm thất nghiệp chưa được thực hiện, bởi các biện pháp cắt giảm chi tiêu đang
gây tranh cãi, bởi kế hoạch cải cách chế độ hưu bổng đang gây chia rẽ ngay cả
trong nội bộ Đảng Xã Hội của ông.
Không chỉ cánh hữu và phe cực hữu chỉ trích chính sách
của ông François Hollande, mà ngay cả trong nội bộ cánh tả cũng không hài lòng
về ông. Cánh tả hiện chiếm đa số tại lưỡng viện quốc hội Pháp, thế nhưng những
đề xuất của ông François Hollande không phải lúc nào cũng được thông qua dễ
dàng.
Le Figaro cho rằng, tổng thống François Hollande đang
đứng giữa « hai lằn đạn », một bên chỉ trích ông thực hiện quá mạnh chính sách
khắc khổ, không kể gì đến cuộc sống những người nghèo khổ, rằng ông xa rời lý
tưởng của Đảng Xã Hội, còn một bên thì đòi ông phải có cải tổ cơ cấu một cách
mạnh mẽ hơn, trong đó có việc tinh giản biên chế Nhà nước và cắt giảm phúc lợi
xã hội.
Tất cả ba tờ báo trên có chung một quan điểm nữa là, tổng
thống Hollande lúc nào cũng hô hào, nhưng ít khi thực hiện điều mình nói. Và
đến hiện tại, chính sách vực dậy nền kinh tế và cải tổ của ông vẫn còn khá mập
mờ. Các tờ báo kêu gọi, trong lần phát biểu với công chúng nhân lễ quốc khánh
năm nay, tổng thống François Hollande cần tập trung làm rõ « ý muốn, mục tiêu
và đường lối » của mình trong việc điều hành đất nước.
Liên quan đến quân đội, Le Monde đăng bài đáng chú ý : «
Quân đội Pháp suy sụp tinh thần ». Tờ báo bàn về kế hoạch tinh giảm lực lượng
của quân đội Pháp, về ngân sách lẫn quân số. Trong 3 năm tới, mức ngân sách cắt
giảm sẽ là 31,4 tỷ euro. Về quân số, kế hoạch thời tổng thống Sarkozy là cắt
giảm 54 000 việc làm trong quân đội Pháp, và đã cắt giảm được 44 000.
Chính phủ François Hollande còn phải giảm tiếp 10 000.
Trong khi đó, ông François Hollande dự định sẽ giảm thêm 24 000 việc làm nữa.
Như vậy, trong giai đoạn 2014-2019, quân đội Pháp sẽ giảm thêm 34 000 việc làm
nữa. Trong bối cảnh đó, dù rằng ngày mai đoàn quân Pháp tham chiến tại Mali
được vinh dự mở đầu cho buổi lễ diễu hành, nhưng Le Monde chua xót cho rằng, dù
vinh dự nhưng tinh thần lại bị suy sụp.
Pháp : Tai nạn xe lửa ở khu vực Paris
Một hồ sơ khác liên quan đến nước Pháp cũng thu hút sự
chú ý đặc biệt của báo chí hôm nay, đó là tai nạn xe lửa xảy ra vào chiều tối
hôm qua. Đây là tai nạn đường sắt nghiêm trọng nhất ở khu vực Paris kể từ hơn
20 năm nay.
Libération dành ưu tiên trang nhất đăng ảnh chiếc xe lửa
bị lật đã đổ nát với hàng tựa : « Cú sốc », Le Figaro cũng đăng ảnh tai nạn
kinh hoàng trên trang nhất kèm theo dòng tựa : «Thảm họa đường sắt ở vùng Ile
de France ». Các tờ báo nhắc lại thống kê tạm thời của nhà chức trách với ít
nhất 6 người đã thiệt mạng hôm qua, 12/07/2013, khi chiếc xe lửa tuyến đường
Paris-Limoges bị trật đường ray ở ga Brétigny-sur-Orge, ngoại ô phía Nam Paris.
Nguyên nhân là do đâu : Do đường ray quá cũ kỹ hay do tài
xế chạy quá nhanh, tất cả còn đang trong vòng điều tra làm rõ. Tuy nhiên, có
một điều đã quá rõ đó là tai nạn đã gây một « cú sốc » cho người dân vì xe lửa
hiện là phương tiện giao thông công cộng phổ biến nhất, chuyên chở mỗi ngày
hàng chục triệu người ở vùng này.
Libération nhận định trong bài xã luận mang tên « Thảm
kịch », rằng đó là « một thảm kịch quốc gia ». Tờ báo kêu gọi tiến hành điều
tra tìm cho ra nguyên nhân và xử lý đích đáng để « trả lại lòng tin » cho hành
khách, những người đang bị hoảng loạn bởi tai nạn vừa qua.
Hơn 30 nước bị đe dọa an ninh lương thực
Năm nay, các chuyên gia dự phóng sản lượng ngũ cốc thế
giới sẽ đạt mức kỷ lục là 2 479 triệu tấn, tức tăng 7,2% so với năm 2012. Thế
nhưng lo lắng giá lương thực tăng cao vẫn còn đó, nguy cơ thiếu lương thực ở
nhiều nước vẫn hiển hiện. Đó là cảnh báo của bài viết đăng trên nhật báo Le
Monde.
Bài viết cho biết, dù rằng năm 2012 giá lương thực cao là
do thiên tai địch họa xảy ra không ngừng ở nhiều nước, bởi thế năng suất ngũ
cốc, mà đặc biệt là lúa mì và bắp, mới thấp? Từ đầu năm đến nay, tình hình có
vẻ khả quan, năng suất ngũ cốc thế giới đã tăng hơn so với năm ngoái.
Thế nhưng, từ đầu tháng 7, hiện tượng thời tiết nóng bức
đã bắt đầu hoành hành ở nhiều nước. Thêm vào đó, lượng mua lúa mì của Trung
Quốc quá cao gây sức ép cho an ninh lương thực thế giới. Trung Quốc sản suất
nội địa được 121 triệu tấn lúa mì, nhưng phải cần đến 125,5 triệu tấn mới đủ
đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.
Trong bối cảnh đó, theo dự báo của Tổ chức Lương Nông Liên
Hiệp Quốc (FAO), có đến 34 nước có nguy cơ thiếu lương thực, trong đó 27 nước
là ở Châu Phi. Đa phần các nước bị đe dọa lương thực là do bất ổn về chính trị
dẫn đến bất ổn về kinh tế và đình trệ sản xuất, như ở Syria và Ai Cập chẳng
hạn. Còn tại Châu Á, “điểm đen” vẫn là Bắc Triều Tiên. FAO cảnh báo có đến 2,8
triệu người nước này đang cần cứu trợ lương thực.
Ai Cập : Quân đội giải thích, người dân biểu tình
Tiếp tục thông tin về tình hình tại Ai Cập, Le Figaro
đăng bài: “Khi Quân đội Giải thích”. Tờ báo cho biết, hôm thứ Năm vừa qua, tại
khu quân sự Nasr City, quân đội Ai Cập đã tiến hành họp báo về bất ổn chính trị
tại nước này. Có khoảng 12 nhà báo nước ngoài đến tham dự.
Quân đội đã cử đến một sĩ quan cao cấp để giải thích với
báo giới về vụ chính biến lật đổ tổng thống Morsi và vụ lực lượng an ninh xả
súng vào người biểu tình vừa qua. Dĩ nhiên, phía quân đội cố gắng giải thích
rằng đó không phải là “đảo chính” mà là “một cuộc cách mạng có sự hỗ trợ của
quân đội”, và rằng việc bắn vào người biểu tình một phần là do thái độ khiêu
khích quá đáng của họ.
Le Figaro nhận định: Cuộc họp báo đã được chuẩn bị kĩ
lưỡng. Trong bối cảnh đó, thì hôm qua, ngày thứ Sáu đầu tiên của Tháng Ramadan,
hai phe ủng hộ và phản đối Morsi lại tiếp tục xuống đường biểu dương lực lượng.
Brazil: Tổng thống “vấp” hết dân đến nghị viện
Đến với bất ổn chính trị tại Brazil, nhật báo Le Monde
đăng bài: “Sau sự phản đối của đường phố, Dilma Rousseff vấp phải nghị viện”.Tờ
báo cho biết, làn sóng xuống đường phản đối tổng thống tại Brazil hồi tháng 6
đã dịu đi do vào dịp mọi người đi nghỉ hè.
Cuộc đình công hôm thứ Năm vừa qua cũng có ít người hưởng
ứng. Tưởng rằng tổng thống Rousseff đã tai qua nạn khỏi. Thế nhưng, theo tờ
báo, bà đã và đang vấp phải sự phản đối của các nghị sĩ đối lập của lưỡng viện
quốc hội. Nhất là đề xuất trưng cầu dân ý của bà bị phản đối kịch liệt. Tờ báo
nhấn mạnh: Nhiều đề xuất cải cách của tổng thống Brazil đã bị nghị viện “chôn
vùi”.
Snowden: Buộc phải “nghỉ tạm” ở Nga
Ảnh hưởng quốc tế của Mỹ đã bủa vây Edward Snowden đến
mức người này gần như bí lối trên bước đường bôn tẩu. Dù rằng, các nước thi
nhau lên án hành động gián điệp của Mỹ, nhưng hầu như nước nào cũng sợ việc cho
Snowden tị nạn. Thế là cuối cùng, Libération cho hay: “Cựu nhân viên CIA và NSA
dừng trốn chạy và hướng về điện Kremlin”.
Tuần rồi, Snowden đã gửi đơn xin tị nạn đến hơn 20 nước.
Tổng thống Venezuela đã chấp nhận cho Snowden tị nạn. Nga thì vẫn giữa lập
trường là chấp nhận với điều kiện Snowden ngừng tiết lộ thông tin gây hại cho Mỹ.
Snowden đã chấp nhận điều kiện này và vào hôm qua, trong khu vực quá cảnh của
sân bay quốc tế Maxcơva, Snowden đã tuyên bố xin tị nạn chính trị tại Nga.
Tuy nhiên, tờ báo nói rõ Snowden chỉ có ý định tị nạn tam
thời ở Nga trước khi có thể tìm đường đến Châu Mỹ La Tinh. Libération nhận
định, nếu Nga chấp nhận lời xin của Snowden thì sẽ làm quan hệ Nga-Mỹ vốn đã
căng thẳng lại càng thêm căng thẳng.
Chilê : Có nên tiếp tục cấm phá thai?
Chilê là một trong số ít các nước cấm phá thai. Tuy thế,
vụ việc một bé gái bị bố dượng cưỡng hiếp nhiều lần đến mang thai đang làm dấy
lên tranh cãi về luật cấm này. Đó là chủ đề được đăng tải trên nhật báo Le
Monde.
Bé gái nạn nhân nói trên chỉ mới 11 tuổi, còn bố dượng
thủ phạm thì tuổi 32. Vụ việc chỉ bị phát hiện khi bé gái đã mang thai 3 tháng
rưỡi. Bản thân bé gái thì muốn giữ lại con. Thế nhưng, dù có muốn phá đi cũng
không được do luật cấm.
Thế là, xã hội Chilê nóng lên và đặt lại vấn đề đối với
luật cấm phá thai. Theo Ngân hàng thế giới, Chilê là nước có tỷ lệ “bé gái”
mang thai rất cao: 56 thai/1000 “bé gái” tuổi từ 15 đến 19. Do luật cấm, nên
mỗi năm tại Chilê, có đến 200 000 ca nạo phá thai bất hợp pháp.
Cũng liên quan đến luật cấm phá thai, Libération nhìn
sang Ai Len. Số là vừa rồi một phụ nữ 31 tuổi nước này mang thai 17 tuần, được
bác sĩ phát hiện có dấu hiệu xẩy thai, nhưng bác sĩ lại không chấp nhận cho phá
thai vì sợ phạm luật.
Hậu quả là sau đó 4 tuần, người phụ nữ này đã sinh ra một
thai chết và sau đó vài ngày cô ta cũng tử vong. Vụ việc đã làm dấy lên làn
sóng phản đối trong xã hội đến mức mà lưỡng viện quốc hội Ai Len đã vừa phải
thông qua điều khoản giảm nhẹ luật cấm phá thai, theo đó phá thai được phép
tiến hành trong trường hợp tính mạng người mẹ bị đe dọa.
No comments:
Post a Comment