Friday, 19 July 2013

HIỆP ĐỊNH TỰ DO THƯƠNG MẠI ÂU - MỸ (Hùng Tâm - Người Việt)




Hùng Tâm/Người Việt
Wednesday, July 17, 2013 4:15:05 PM

Liên Bang Mỹ và Liên Hiệp Âu Châu đàm phán mậu dịch

Trong Tháng Bảy, Liên Hiệp Âu Châu và Hoa Kỳ đang thương thuyết bản hiệp định tự do mậu dịch giữa hai khối kinh tế đứng đầu thế giới, cung cấp tới 40% sản lượng kinh tế toàn cầu (gần 17 ngàn tỷ đô la của Liên Âu và gần 16 ngàn tỷ của Hoa Kỳ, tính đến năm 2012 vừa qua). Ngày 14 tháng trước, các thành viên Liên Âu chính thức cho phép Ủy Ban Âu Châu, cơ quan tối cao về Hành pháp có trụ sở tại Brussels, sẽ đại diện tập thể (gồm có 28 quốc gia, kể cả Cộng Hòa Croatia vừa là hội viên Liên Âu từ đầu Tháng Bảy) tiến hành việc đàm phán. Tiêu chí là cố gắng hoàn tất trước cuối năm 2014.

Với sức tiêu thụ chiếm 72% Tổng Sản Lượng Nội Ðịa, Hoa Kỳ có thị trường nhập cảng lớn nhất thế giới. Khi dân số Liên Âu sút giảm và kinh tế bị khủng hoảng, mọi thành viên đều muốn bán hàng ra ngoài thị trường Âu Châu, và thị trường Mỹ là nơi hấp dẫn nhất. Hoa Kỳ bị nhập siêu, mua nhiều hơn bán với Âu Châu, nên cũng muốn gia tăng xuất cảng vào Âu Châu.

Nhưng dù đôi bên đều muốn vậy, việc hoàn thành hiệp định tự do thương mại qua Bắc Ðại Tây Dương lại không đơn giản vì nhiều vấn đề trong nội tình Liên Âu. “Hồ Sơ Người-Việt” sẽ trình bày những vấn đề ấy.

Quan hệ chiến lược Âu-Mỹ

Hoa Kỳ là siêu cường xuất phát từ Âu Châu và có quan hệ gắn bó với lục địa này từ thời lập quốc. Ngày nay, hai bên đều cùng chia sẻ những giá trị tinh thần và chính trị căn bản.

Về kinh tế, lượng hàng hóa giao dịch giữa đôi bên chiếm một phần ba ngạch số ngoại thương của toàn cầu. Hai thị trường là nơi tiếp nhận nhiều đầu tư ngoại quốc nhất: Âu Châu đầu tư nhiều nhất vào Mỹ và cũng nhận đầu tư nhiều nhất là từ Hoa Kỳ. Từ năm năm nay, khủng hoảng trong khối Euro gồm 17 thành viên đã gây vấn đề kinh tế cho cả Liên Âu và mọi quốc gia đều muốn gia tăng xuất cảng để tạo thêm việc làm và thoát khỏi nạn suy trầm sản xuất. Phần mình, Hoa Kỳ đã quyết định chuyển trục về Châu Á nên cũng muốn củng cố quan hệ chiến lược với các nước đồng minh cố hữu bên kia Ðại Tây Dương.

Vì vậy, cả Brussels lẫn Washington đều có nhu cầu tăng cường quan hệ kinh tế qua ngoại thương (hay mậu dịch).

Một cách cụ thể, nếu đạt thỏa thuận về tự do thương mại - quan thuế biểu tối thiểu, rào cản thấp, không hạn ngạch - Liên Âu có thể tăng 30% mức xuất cảng vào Hoa Kỳ, nâng tổng sản lượng thêm 120 tỷ Euro hay 160 tỷ đô la. Phần mình, một năm Hoa Kỳ sẽ được thêm 100 tỷ Euro (130 tỷ đô la). Vì thuế suất đã quá thấp giữa hai khối, đến 80% lợi ích này cho Hoa Kỳ là nhờ giải quyết loại rào cản không thuộc về tô suất thuế nhập nội qua điều lệ thống nhất về xuất nhập cảng, giải tỏa những hạn chế trong khu vực dịch vụ, ngoại thương và tiếp liệu của chính phủ. (Tiếp liệu của chính phủ hay “public procurement” là quy định về việc mua bán của cơ quan công quyền, thí dụ như nha sở của Pháp phải mua hàng hóa hay dịch vụ sản xuất tại Pháp.)
Theo kinh nghiệm quốc tế về đàm phán ngoại thương, việc khó nhất không phải là bãi bỏ thuế biểu, thí dụ như không đánh thuế nhập nội, mà là san bằng những rào cản ngoài thuế suất. Và xứ nào cũng có thể viện lý do là cam kết quốc tế này có thể đi ngược luật lệ sẵn có ở trong nước. Thí dụ như trước khi bước vào đàm phán, Pháp yêu cầu là không thương thuyết về các mặt hàng thính thị audiovisual. Và nông sản sẽ phải có quy chế riêng.

Nếu từng nước lại đòi ngoại lệ hoặc quy chế riêng thì Liên Âu sẽ khó có quan điểm thống nhất trước Hoa Kỳ.

Hoàn cảnh lưỡng nan của Liên Âu

Khối Liên Âu cần đẩy mạnh xuất cảng để bù đắp vào số cầu giảm sút của thị trường nội địa và hiệp định tự do thương mại sẽ giúp cho xuất cảng. Nhưng quy chế tự do ấy cũng mở rộng việc cạnh tranh giữa các khu vực kinh tế hay các quốc gia Âu Châu với nhau. Các nước sẽ ráo riết thi đua với nhau để bán hàng qua Mỹ và những nước kém sức cạnh tranh sẽ cảm thấy rằng mình bị thiệt khi lại phải mở thị trường của mình cho hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Ngay trong hiện tại, khi chưa có sự tham gia tích cực của Hoa Kỳ, các nước Âu Châu đã phải kịch liệt cạnh tranh với nhau trên thị trường Âu Châu. Ðấy là một bài toán lưỡng nan, nan giải ở cả hai đầu...

Ngoài ra, Liên Âu còn có vấn đề khác.

Quy chế Âu Châu đề ra là mọi cam kết về ngoại thương phải có sự thỏa thuận của ngần ấy thành viên, chỉ cần một nước không đồng ý là cả khối bị kẹt. Cuối năm 2009, thỏa ước Lisbone đã tìm cách vượt qua khó khăn ấy khi đề ra nguyên tắc là các hiệp định thương mại chỉ cần một đa số thành viên đồng ý trước khi đưa qua Quốc Hội Âu Châu phê chuẩn. Nhưng trong thực tế, họ vẫn cần đến sự đồng thuận của mọi thành viên. Một thí dụ là năm 2010, Ý Ðại Lợi đã từng hăm dọa sẽ ngăn chặn hiệp định thương mại với Nam Hàn. Và gần đây, Pháp đòi xét lại bản hiệp định đã ký với Nam Hàn vào năm 2011.

Loại lý luận thường được đưa ra để cản trở quyết định của tập thể là 1) hiệp định có thể đe dọa tính chất đa văn hóa của Âu Châu, hoặc 2) xâm phạm vào một lãnh vực thuộc chủ quyền quốc gia. Với lý luận đó, hầu như nước nào cũng nắm lấy quyền phủ quyết trong thực tế.

Trong nội bộ Liên Âu, có những quốc gia xưa nay vẫn buôn bán mạnh với Hoa Kỳ và lấy xuất cảng làm đầu máy tăng trưởng. Ðó là trường hợp của Anh, Ðức, Hòa Lan, hay Ái Nhĩ Lan (Ireland, một nước tiếp nhận rất nhiều đầu tư của Mỹ). Vì chiến lược và quan hệ đó, các nước này đều muốn củng cố việc giao thương với Mỹ và trước nhất, họ không sợ cạnh tranh trong các khu vực ngoại thương tự do. Nhưng một quốc gia kém sức cạnh tranh và nhất là tìm sức đẩy nhờ thị trường nội địa hơn là nhờ xuất cảng, là trường hợp của Pháp, tất nhiên là không thấy mặn mà gì với một hiệp định tự do ngoại thương.

Những trở ngại như vậy đã từng xảy ra trong quá khứ, khi Liên Âu thương thuyết với các nước khác. Như tháng 11 năm ngoái, các nước Liên Âu đã từng cho phép Ủy Ban Âu Châu khởi sự đàm phán thỏa ước tự do mậu dịch với Nhật Bản, nhưng hai nước là Pháp và Ý lại đòi là ủy ban chỉ thương thuyết sau khi đảm bảo là kỹ nghệ xe hơi Âu Châu phải được bảo vệ trước sức cạnh tranh của xe hơi Nhật Bản.

Cần nói thêm là về phía Hoa Kỳ, nhiều thành phần kinh doanh cũng tìm cách cưỡng chống hiệp định Âu-Mỹ. Vì vậy mà đại diện thương mại Hoa Kỳ đã phải trấn an là sẽ cố bảo vệ khu vực tài chánh và bảo hiểm của mình. Nhiều người Mỹ cũng có thể không vui khi thấy chế độ tiếp liệu cho công quyền được giải tỏa để doanh nghiệp Âu Châu lấn át quyền lợi của doanh nghiệp Mỹ.

Cũng phải nhắc lại rằng Hoa Kỳ cùng Gia Nã Ðại và Mễ Tây Cơ đã có thỏa ước tự do mậu dịch Bắc Mỹ và Canada khởi sự thương thuyết với Liên Âu từ năm 2009, với hy vọng hoàn thành vào năm 2011. Việc đó vẫn chưa xong. Trở ngại ở đây là dị biệt quan điểm về sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ tài chánh. Tiến triển của việc đàm phán giữa Liên Âu với Gia Nã Ðại có thể là một chỉ dẫn cho Hoa Kỳ vì nước Mỹ đã có chế độ ngoại thương hài hòa với quốc gia láng giềng ở phương Bắc.

Liên Âu thiếu thống nhất

Khác với Hoa Kỳ là quốc gia có thể chế liên bang (federation), khối Liên Âu chỉ là bang liên (confederation), nơi mà chủ quyền quốc gia vẫn là tối thượng và được bảo vệ, không như các tiểu bang của Mỹ.

Hai chục năm về trước, Liên Âu thành hình từ thỏa ước Maastricht năm 1992 với tham vọng trở thành một khối kinh tế giàu mạnh nhất địa cầu. Nhưng vụ khủng hoảng của khối Euro không chỉ gây rạn nứt giữa 17 thành viên cùng dùng chung một đồng bạc mà còn tạo ra sức ly tâm bên trong Liên Âu, với nhiều nhóm quốc gia có tầm nhìn khác nhau về quyền lợi kinh tế và chính trị.

Sự thống nhất của tập thể Liên Âu đang bị đe dọa vì vụ khủng hoảng. Ngoài các vấn đề đặc thù và nan giải của khối Euro, Liên Âu bị phân hóa nội bộ trước những áp lực trái ngược, như phải hội nhập mạnh hơn nữa về chính trị, hay phải tôn trọng ý dân trong hệ thống dân chủ.

Thực tế thì ngày nay, nội bộ Âu Châu đã có bốn nhóm quốc gia xen kẽ và trùng lặp về những chủ trương chính. Ðó là 1) khu vực ảnh hưởng của Cộng Hòa Liên Bang Ðức gồm có Áo, Bỉ, Hòa Lan, Luxembourg, Thụy Sĩ, Cộng Hòa Tiệp, Hung, Croatia, Slovakia, Slovenia. Nhóm thứ hai là các nước miền Bắc, như Na Uy, Thụy Ðiển, Ðan Mạch, Iceland, ba nước Cộng Hòa Baltic (là Estonia, Lithuania, Latvia), và Phần Lan, là một nước Bắc Âu mà cũng có lập trường gần Ðức. Nhóm thứ ba là các nước Ðông và Trung Âu thường được gọi là khối Visegrad mở rộng (Visegrad-Plus) gồm có Ba Lan, Hung, Slovakia, Cộng Hòa Tiệp, Romania, Bulgaria. Nhóm thứ tư là các nước Ðịa Trung Hải ở miền Nam, đa số đang bị lâm nạn vì vụ khủng hoảng Euro là Ý, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Cộng Hòa Cyprus và Malta.

Trong danh sách trên, có hai nước lại chẳng giống ai là Anh và Pháp. Anh là quốc gia hải đảo không thuộc nhóm nào trong bốn khối kể trên, cũng chẳng nằm trong khối Euro và có lập trường cùng quyền lợi rất gần với Hoa Kỳ. Pháp là một cột trụ của Âu Châu từ thời cộng đồng than thép và thị trường chung, nhưng luôn luôn muốn là một mình một khối...

Ngày xưa, việc kết hợp Âu Châu còn có một nhu cầu chiến lược là ngăn chặn sự bành trướng của Liên Bang Xô Viết. Nay Liên Xô đã tan rã và Liên bang Nga hết là mối đe dọa cho Tây Âu mà còn là đối tác kinh tế của Ðức và Pháp nhờ lợi thế năng lượng. Và vì vậy, Ðức và Pháp có thể thân thiện và tin cậy vào nước Nga, chứ Ba Lan hay Hung Gia Lợi và ba nước Cộng Hòa Baltic lại nghĩ khác.

Khi tiến vào việc thương thuyết với Hoa Kỳ về quy chế tự do mậu dịch, Liên Âu có thể mong là lợi ích kinh tế nhờ mở rộng ngoại thương sẽ phần nào bù đắp những thiệt hại của khủng hoảng. Nhưng hình như chính là việc thương thuyết này càng đào sâu dị biệt và gây rạn nứt chính trị trong khối Âu Châu.

Kết luận?

Lợi ích của việc buôn bán với Hoa Kỳ thật ra lại không đồng đều cho từng quốc gia trong khối Liên Âu. Dị biệt về quyền lợi đi cùng những khác biệt hay mâu thuẫn sẵn có sẽ khiến Liên Âu càng khó thống nhất. Hiệp Ðịnh Tự Do Ngoại Thương Âu-Mỹ sẽ còn trở ngại.

-----------------------------------------------------




No comments:

Post a Comment

View My Stats