Thứ năm 18 Tháng Bẩy 2013
Tham nhũng vốn là đề tài nóng
bỏng tại Trung Quốc và được báo chí bàn luận khá nhiều. Do đó, ngay khi lên cầm
quyền, chủ tịch nước Tập Cận Bình đã cam kết sẽ quyết liệt xóa xổ nạn tham
nhũng của các quan chức nhà nước. Nhưng đằng sau các hứa hẹn này, chủ tịch nước
lại tung ra chiến dịch bài trừ các thành phần chống tham nhũng.
Đó là nội dung bài viết trên
báo Libération : "Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp thành phần chống tham
nhũng". Theo tờ báo, kể từ tháng Năm, đã có 16 người trong phong trào
chống tham nhũng bị bắt giữ. Luật sư nổi tiếng vì quyền công dân Hứa Chí Vĩnh
chính là nạn nhân mới đây của cuộc đàn áp. Ông đã bị cảnh sát bắt đi, bị quản
thúc tại gia từ ba tháng nay, theo lời một đồng nghiệp của ông.
Người này lo ngại rằng cuộc bố
ráp những người đấu tranh chống tham nhũng sẽ còn nổ ra trên diện rộng trong
những ngày tới. Luật sư Hứa Chí Vĩnh chính là một trong những thành viên phong
trào tố cáo những quan chức nhà nước không làm tròn phận sự và được ông đặt tên
là : « Phong trào công dân mới ».
Tờ báo thuật lại, mọi việc bắt
đầu từ khi phong trào này tung ra một bản kiến nghị trên mạng khen ngợi khéo
léo nhà lãnh đạo đất nước trong việc công kích các quan chức không làm tròn
chức trách và đề nghị 205 đảng viên Đảng Cộng Sản Trung Quốc « làm gương » bằng
cách công khai tài sản cá nhân cũng như của gia đình họ. Đơn thỉnh cầu này đã
thu được 7000 chữ ký trong một thời gian ngắn và đã bị cảnh sát kiểm duyệt trên
mạng.
Sau hàng loạt các cuộc điều tra
được New York Times tiến hành vào năm ngoái về tài sản của các quan chức lãnh
đạo Trung Quốc, người dân mới phát hiện rằng chủ tịch nước Tập Cận Bình và các
quan chức khác chiếm giữ hàng trăm triệu euro và gia đình của cựu thủ tướng Ôn
Gia Bảo còn có một gia tài kếch xù hơn nữa.
Vì sao chính quyền Trung Quốc
lại muốn bịt miệng người dân ? Theo tạp chí Hoa Kỳ Forbes đăng vào năm 2011,
đến 90% người giàu nhất Trung Quốc là các quan chức thuộc Đảng Cộng sản Trung
Quốc.
Đầu tháng Tư, bốn trong tổng số
16 người bị bắt giữ vì lên án nạn tham nhũng đã biểu tình trước một trung tâm
thương mại của Bắc Kinh. Với biểu ngữ trong tay, họ được dân chúng hoan hô 30
phút trước khi bị cảnh sát bắt đi. Một số bị gán cho tội danh « âm mưu lật đổ
chính quyền », số khác bị gán là « gây rối trật tự công cộng » hay « tụ tập bất
hợp pháp ».
Những người này chịu mức án lên
đến 15 năm tù. Luật sư Hứa Chí Vĩnh vẫn chưa chính thức bị buộc tội. Theo nhận
định của một nhà ly khai, « việc công khai tài sản của các chính trị gia trở
thành một phương tiện hiệu quả chống tham nhũng ».
Người mẹ Trung Quốc giành thắng lợi sau cuộc chiến gay go
đòi công lý
Cũng liên quan đến Trung Quốc,
báo La Croix hôm nay quan tâm đến việc Tư pháp Trung Quốc đền bù thiệt hại cho
nhà đấu tranh Đường Tuệ. Sau 7 năm đấu tranh chống lại tổ chức Tư pháp và cảnh
sát, người mẹ Trung Quốc 40 tuổi này cuối cùng cũng giành thắng lợi.
Đường Tuệ là mẹ của một bé gái
11 tuổi bị bắt cóc và bị cảnh sát hãm hiếp vào năm 2006. Bà bị tống giam do
luôn phản đối bản án « quá nhẹ » đối với những thủ phạm đã bắt cóc và cưỡng
hiếp con gái bà. Tháng 6/2012 bảy người có liên quan đến hành vi phạm pháp này
đã bị xét xử.
Hai người bị lãnh án tử hình,
bốn người bị kết án tù chung thân, và người cuối cùng lãnh án 15 năm tù. Để cho
cảnh sát cũng bị xử lý như dân thường, bà đã phải trả giá bằng một năm rưỡi
trong trại lao cải với tội danh « quấy rối nghiêm trọng trật tự xã hội ».
Tối ngày 15/07/2013, trên mạng
Vi Bác (Twitter của Trung Quốc), bà Đường Tuệ đã gửi lời cám ơn tới mọi người sau
khi tòa án thành phố Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, nhìn nhận việc
đưa bà Đường Tuệ vào trại lao cải là sai trái.
Để đền bù thiệt hại tâm lý đã
gây ra cho nạn nhân, Tư pháp Trung Quốc bồi thường cho bà 2 641 nhân dân tệ,
tương đương 326 euro. Tuy số tiền không lớn đối với những gì nạn nhân phải hứng
chịu, nhưng lại mang rất nhiều ý nghĩa với bà Đường Tuệ, trong một hệ thống tư
pháp Trung Quốc, luôn bóp nghẹp công dân đòi công lý.
Nelson Mandela tròn 95 tuổi
Sinh nhật lần thứ 95 của nhà đấu
tranh chống kỳ thị chủng tộc Nelson Mandela trở thành tâm điểm của nhiều báo
Pháp ra ngày hôm nay. Báo Le Figaro có bài viết mang tựa : « Happy birthday,
Nelson Mandela ». Báo L’Humanité chạy tựa trên trang nhất : « Nelson Mandela
tròn 95 tuổi hôm nay ».
Trên báo L’Humanité, ông Denis
Goldberg, một trong những người từng kề vai sát cánh với ông Mandela, thuật lại
quá trình đấu tranh chống nạn kỳ thị chủng tộc tại Nam Phi. Tờ báo còn giải
thích, ban đầu cuộc đấu tranh không mang tính bạo lực, nhưng đã biến thành một
cuộc đấu tranh vũ trang như thế nào.
Hôm nay là ngày của ông
Mandela, cả thế giới sẽ mừng sinh nhật lần thứ 95 của ông, nhưng trong một
không khí hơi buồn, vì ông vẫn còn bị nhập viện. Hầu hết các báo đều nhận định,
nguồn tin mới nhất từ các bác sĩ là “tình trạng sức khỏe của ông đang nguy kịch
nhưng ổn định”.
Báo Libération cũng quan tâm
đến sinh nhật của cựu tổng thống Nam Phi Mandela trong tình trạng sức khỏe kém,
đang giữa cái sống và cái chết qua bài viết: « Ông Mandela được giám sát tối
đa». Tờ báo nhận định, việc duy trì sự sống của ông Mandela phải chịu nhiều áp
lực trái chiều.
Theo nhận định của nhóm y tế
chăm sóc ông Mandela, họ không dám hành động như đối với những bệnh nhân
thường. Hiện tại, ông đang trong tình trạng thực vật và sức khỏe không mấy sáng
sủa, tờ báo nhận định, qua đời ở tuổi 95 cũng là một kết cuộc mang tính tự
nhiên.
Tờ báo nhắc lại , theo lời
khuyên của bác sĩ, gia đình ông Mandela đã dự tính tháo máy trợ hô hấp cho ông
Mandela. Thế nhưng để đưa ra quyết định này, cần phải thu thập ý kiến người
thân của ông và đây chính là một việc đầy chông gai, bởi vì ông Mandela là
người của công chúng, cộng với tầm ảnh hưởng về mặt chính trị của ông trên thế
giới và nhiều xung khắc trong nội bộ gia đình ông Mandela.
Theo báo Le Figaro, ông
Mandela đã cống hiến 67 năm trong cuộc đời cho đất nước Nam Phi. Do đó, vào
ngày hôm nay, người dân được mời gọi bỏ ra 67 phút để giúp đỡ đồng loại. Có rất
nhiều ý tưởng như phân phát chăn gối, sơn lại tường nhà, hiến máu nhân đạo, dọn
dẹp khu phố, …
Nhưng giây phút cảm động nhất
như mọi năm chính là tiếng hát vang lên trong các trường học Nam Phi vào buổi
sáng. Bài hát “Happy birthday” sẽ được cất lên trong suốt 8 giờ trên khắp đất
nước. Đây là cách để cám ơn cựu lãnh đạo Nam Phi, theo lời của bộ trưởng Bộ
Giáo dục.
Pháp : Hiện tượng đi chung xe hơi
Báo kinh tế Les Echos hôm nay
đặc biệt quan tâm đến trào lưu đi chung xe hơi của người dân tại Pháp, qua hàng
tựa trên trang nhất: “Làm thế nào việc đi chung xe đã trở thành một hiện tượng
xã hội”. Theo tờ báo, các trang mạng chuyên phục vụ đăng ký đi chung xe
ngày càng thu hút nhiều người đăng ký. Đây thực sự trở thành một mối đe dọa cho
công ty đường sắt quốc gia Pháp SNCF, đặc biệt trên các tuyến tàu cao tốc TGV.
Hiện nay, có 3 triệu thành viên
của các trang dịch vụ đi chung xe và có 4000 người đăng ký mỗi ngày. Ngoài
nguyên nhân bảo vệ môi trường, việc đi chung xe trở nên thịnh hành là do tình
hình khủng hoảng kinh tế, người dân muốn giảm chi phi đi lại, nên đã tìm đến
hình thức này, trước đây được một số địa phương khuyến khích.
Những người đi chung trên
chuyến xe chia nhau tiền xăng, tiền phí xa lộ và tính ra thì giá thành đi lại
của một hành khách rẻ hơn so với giá vé tàu lửa mua vào phút chót. Đương nhiên,
hình thức này không thoải mái và nhanh hơn so với tàu lửa, nhưng được cái là
“đi đến tận nhà thay vì dùng xe lửa thì đi từ ga đến ga” theo lời nhận định của
một hành khách đi chung xe.
Nếu không có Internet thì không
tài nào nối kết giữa cung và cầu. Các dịch vụ như Blablacar và Carpooling đã
đưa ra những phương án để làm cho hành khách bớt ngờ vực khi đi chung với một
người không quen biết. Ví dụ như đăng lên mạng ảnh người lái xe, kinh nghiệm
lái xe, đánh giá của những hành khách đã đi chuyến xe đó trước đây…
Hơn nữa, nghề nghiệp hay sở
thích cũng có thể được nêu lên để những người đi chung xe có thể nói chuyện
thoải mái với nhau. Đặc biệt, hiện tượng này còn giúp tạo mối quan hệ trong
công việc giữa những người sử dụng.
Cũng giống như trao đổi nhà ở
hay cho thuê dụng cụ làm vườn giữa các cá nhân, việc đi chung xe chính là biểu
hiện của một nền kinh tế mang tính "chia sẻ" giữa các cá nhân. Hiện
tượng này đã buộc cho một số công ty phục vụ giao thông tìm cách đối phó.
Trước tiên là Công ty đường sắt
quốc gia Pháp SNCF mà hoạt động của tàu TGV bị cạnh tranh trực tiếp. Đi chung
xe không còn là từ nhà đến công sở hay ngược lại mà giờ đây mở rộng ra tuyến
đường dài. Đặc biệt, nhân viên đường sắt thường đình công nên người dân càng
tìm đến hình thức đi chung xe.
Cách đây một năm, công ty đường
sắt Pháp đã cho ra đời iDbus, tuyền đường dài đi bằng ô-tô ca, đây là hành động
ứng phó đầu tiên. Giá vé không hề thay đổi đến giờ chót. Hay giá vé cho một
nhóm 4 chỗ nhưng chỉ với giá của 3 chỗ, khả năng kết nối internet trên xe cũng
là một số hình thức chiêu dụ hành khách.
Ngoài ra, công ty SNCF còn tung
ra hệ thống đi chung xe của mình tại Paris và các vùng phụ cận để khuyến khích
hành khách đăng ký đi chung xe từ nhà đến ga, dành riêng chỗ đậu xe tại các ga
và giảm giá bãi đậu xe. Hiện tượng này giúp cho công ty đường sắt quốc gia SNCF
hiểu sự biến chuyển trên thị trường hiện nay.
Dân Pháp nghèo hạn chế chi tiêu cho thực phẩm
Báo Le Monde trong mục kinh tế
hôm nay khá quan tâm đến thành phần nghèo nhất trong xã hội Pháp. Theo kết quả
thăm dò mang tên “Ngân sách gia đình” được Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế
Quốc gia Insee tiến hành, những người nghèo nhất trong xã hội Pháp muốn tiết
kiệm nhiều hơn nữa.
Nếu thu nhập của bạn được tăng
thêm 10% thì bạn sẽ làm gì với số tiền này? Đây là câu hỏi được đặt ra vào năm
2005 và 2011. Kết quả thu được từ các gia đình nghèo nhất vào năm 2005 là các
gia đình mơ ước vui chơi giải trí (17%), tiết kiệm (16%), trang bị đồ dùng gia
đình (12%) và chi tiêu cho ăn uống (11%). Thế nhưng kết quả vào năm 2011, chi tiêu
cho ăn uống đã được xếp lên hàng thứ hai (16%) chỉ sau tiết kiệm (19%) và trước
cả nhu cầu giải trí (15%).
Năm 2011, 20% hộ có mức sống
cao nhất nước Pháp tiêu thụ 53% nhiều hơn mức trung bình; 20% hộ gia đình nghèo
nhất tiêu thụ 38% ít hơn mức trung bình.
Hy Lạp : các giáo trưởng phản đối làm việc vào chủ nhật
Báo Le Figaro trong mục kinh tế
hôm nay khá quan tâm đến Hy Lạp qua sự kiện các giáo trưởng tại đây nổi dậy
chống lại việc lao động vào ngày chủ nhật. Theo tin từ tờ báo, tổng giám mục
Séraphim du Pirée đã gửi thư đến cho các nghị sĩ với nội dung như sau: “Dân
biểu nào dám ủng hộ dự luật cho phép mở cửa hàng buôn bán vào ngày chủ nhật,
ngày của Chúa sẽ bị Thượng đế trừng phạt và cấm không được đến nhà thờ”.
Do lo sợ nhà thờ sẽ vắng người
vào ngày chủ nhật nếu đạo luật này được thông qua, đức tổng giám mục đã đề nghị
các dân biểu rút lại dự luật này. Tại Hy Lạp, nơi mà nhà nước và Giáo hội vẫn
chưa tách biệt ra, tiếng nói từ giới tu hành vẫn còn mang nhiều trọng lượng.
Thế nhưng, Thanassis Skordas,
thứ trưởng bộ Phát triển không hề e ngại và còn đặc biệt nhấn mạnh rằng: “các
cuộc điều tra cho thấy: làm việc vào ngày chủ nhật có thể mang lại 309 triệu
euro hàng năm và tạo ra 30 000 việc làm”.
Ngành du lịch là được nhiều lợi
nhất trong việc mở cửa hàng vào ngày chủ nhật. Để giảng hòa giữa hai bên, giám
đốc phòng thương mại quốc tế Nikos Vernicos đánh giá rằng việc mở cửa buôn bán
vào ngày chủ nhật chính là một “nguyên nhân kích thích người dân đi nhà thờ và
đi dạo, mua sắm sau thánh lễ”.
No comments:
Post a Comment