Thứ ba 02 Tháng Bẩy 2013
Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) đã diễn ra ngày 02/07/2013
tại Brunei, với sự tham gia của 26 Ngoại trưởng Châu Á – Thái Bình Dương và
Liên Hiệp Châu Âu. Một trong hai hồ sơ chính của diễn đàn lần này là Biển Đông,
đặc biệt sau khi Philippines cáo buộc Trung Quốc tăng cường lực lượng quân sự
tại các vùng tranh chấp, đe dọa đến hòa bình khu vực.
Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario cho biết là
tại Diễn đàn khu vực ASEAN hôm nay, toàn bộ các Ngoại trưởng đều nhấn mạnh đến
sự cần thiết của đàm phán tránh để xảy ra xung đột trên Biển Đông.
Các nước ASEAN hiện đang thúc giục Trung Quốc đàm phán về
một bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) để ngăn ngừa xung đột do tranh chấp
chủ quyền biển đảo. Ngày 30/06/2013 tại Brunei, Trung Quốc đã tuyên bố đồng ý
bắt đầu thảo luận về bộ quy tắc này. Nhưng một quan chức cao cấp của Mỹ
cho rằng đây thật ra chỉ là cách để Bắc Kinh tránh bị chỉ trích.
Hồ sơ thứ hai bao trùm diễn đàn ARF lần này là Bắc Triều
Tiên. Tại Brunei các Ngoại trưởng tham dự diễn đàn đã kêu gọi Bình Nhưỡng ngưng
chương trình vũ khí hạt nhân và chấm dứt những hành động khiêu khích.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật cho biết là trong các
cuộc họp kín, nhiều nước đã ra tuyên bố chỉ trích “những hành động khiêu
khích” gần đây của Bắc Triều Tiên và đòi phải thực hiện nghiêm chỉnh các
biện pháp hạn chế của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đối với Bình Nhưỡng.
Nhưng tại diễn đàn, Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên đã phản
pháo, gọi Hoa Kỳ là “kẻ khiêu khích thật sự” và tuyên bố Bình Nhưỡng chỉ
ngừng các chương trình vũ khí hạt nhân khi nào Washington từ bỏ lập trường “thù
địch”.
Hôm qua, 01/07/2013, sau khi hội đàm với các đồng nhiệm
Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định bốn
quốc gia này có lập trường thống nhất trên vấn đề Bắc Triều Tiên.
--------------------------
Thứ hai 01 Tháng Bẩy 2013
Gần nửa năm sau khi nhậm chức, tân Ngoại trưởng Mỹ John
Kerry mới chính thức ghé Đông Nam Á lần đầu tiên vào ngày 01/07/2013 để tham
gia các hội nghị cấp ngoại trưởng của ASEAN tại Brunei, đặc biệt là Diễn đàn An
ninh Khu vực ASEAN gọi là ARF.
Sự chú ý muộn màng của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ
đến một khu vực từng được người tiền nhiệm ưu tiên đã làm dấy lên quan ngại từ
nhiều nước nhỏ trong vùng, vốn chờ đợi hậu thuẫn mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ để giải
tỏa sức ép ngày càng mạnh của Trung Quốc trên vấn đề tranh chấp chủ quyền tại
Biển Đông.
Mối quan ngại tại Đông Nam Á lại càng tăng vào lúc
Washington - bị phân tâm vì hồ sơ Trung Đông - đang cố gắng tìm kiếm một quan
hệ hòa dịu hơn với Bắc Kinh, mà biểu hiện nổi bật là cuộc họp thượng đỉnh Obama
– Tập Cận Bình tại California hồi tháng 6/2013.
Trong phát biểu đầu tiên với các Ngoại trưởng ASEAN họp
hội nghị tại Brunei, ông John Kerry đã có lời lẽ trấn an, nhắc lại lập trường
trung lập của Mỹ đối với tranh chấp chủ quyền tại biển đảo giữa 4 nước ASEAN
với Trung Quốc, nhưng xác định rằng Hoa Kỳ vẫn quyết tâm bảo đảm an ninh và ổn
định cho vùng Đông Nam Á và hậu thuẫn cho một bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông
giữa ASEAN và Trung Quốc.
Lời trấn an kể trên không phải là thừa trong bối cảnh cả
về hình thức lẫn nội dung, ông John Kerry từ ngày nhậm chức đến nay không còn
có dấu hiệu dấn thân mạnh mẽ vào hồ sơ Biển Đông như người tiền nhiệm Hillary
Clinton. Chuyến ghé Brunei lần này là chỉ là chuyến thăm Đông Nam Á đầu tiên
của ông trong tư cách Ngoại trưởng. Về nội dung thì rõ ràng là ông Kerry đặt ưu
tiên cho vùng Cận Đông. Ở châu Á, thì ông chú ý đến Triều Tiên nhiều hơn,
và nhất là đến việc thực hiện chủ trương hòa dịu với Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn của RFI, nhà báo Lưu Tường Quang tại
Sydney, đã nêu bật thái độ quan ngại của các nước nhỏ tại Đông Nam Á - trong đó
có Việt Nam và Philippines đang bị Bắc Kinh lấn lướt trên vấn đề tranh chấp
Biển Đông - đang đặt câu hỏi về khả năng Mỹ có thể tiếp tục là đối trọng với
Trung Quốc hay không. Vấn đề, theo nhà báo Lưu Tường Quang, lại càng gay gắt
trong bối cảnh có thể gọi là « cây muốn lặng mà gió chẳng muốn dừng », với
Washington có dấu hiệu hòa dịu hướng về Bắc Kinh, nhưng Trung Quốc vẫn không
thay đổi thái độ cứng rắn đối với các nước Đông Nam Á.
Sau đây, mời quý vị theo dõi bài phỏng vấn nhà báo Lưu Tường Quang dành cho
Ban Việt ngữ RFI.
Nghe
(17:36) : Nhà báo Lưu Tường Quang-Sydney 01/07/2013
No comments:
Post a Comment