Saturday 20 July 2013

CHUYỆN MỸ - VIỆT NAM "ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC" (Lữ Giang)




Lữ Giang
Posted on July 20, 2013 by Editor1 Comment

Còn vài ngày nữa Chủ Tịch Trương Tấn Sang mới đến Mỹ, nhưng rất nhiều người Việt hải ngoại đã phê phán ông và Đảng CSVN rất nặng. Một số còn “vẽ đường cho hươu chạy”, tức chỉ cho Mỹ cách đối phó với CSVN như thế nào và dặn Tổng Thống Obama phải đưa cao “ngọn cờ dân chủ và nhân quyền”, mặc dầu họ chưa nắm vững hai bên sẽ bàn về chuyện gì. Tác giả Nguyễn Phúc Liên còn viết một bài dài dạy cho Tổng Thống Obama về dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.

Dĩ nhiên, Mỹ cũng như CSVN đều là những tay ma đầu chính trị quốc tế, họ sẽ làm theo những gì họ đã tính toán chớ chẳng bao giờ chú ý người Việt hải ngoại nói gì và muốn gì. Họ chỉ dùng cộng đồng người Việt làm công cụ.

Vấn đề đầu tiên cần được đặt ra là hai bên sẽ bàn về chuyện gì?

Mục tiêu được công bố

Bản tuyên bố của Phòng Báo Chí Tòa Bạch Ốc hôm 11-07-2013 cho biết ngày 25-07-2013:
“Tổng thống Obama sẽ đón tiếp Chủ Tịch Trương Tấn Sang của nước CHXHCN Việt Nam tại Tòa Bạch Ốc. Tổng Thống hoan nghênh cơ hội này để thảo luận với Chủ Tịch Sang làm thế nào để tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác của chúng ta về các vấn đề chiến lược trong khu vực và tăng cường hợp tác với ASEAN. Tổng Thống cũng mong muốn thảo luận về nhân quyền, những thách thức đang nổi bật như biến đổi khí hậu, và tầm quan trọng của việc hoàn thành một thỏa ước về quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương ở tiêu chuẩn cao.”

Qua bản tuyên bố này chúng ta thấy mục tiêu chính của cuộc họp là “làm thế nào để tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác giữa hai bên về các vấn đề chiến lược trong khu vực” (how to further strengthen our partnership on regional strategic issues) và tăng cường hợp tác với ASEAN”. Các thứ khác chỉ là những món ăn chơi. Nói một cách vắn tắt, Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ thảo luận về “quan hệ đối tác chiến lược” giữa Mỹ và Việt Nam, một vấn đề đã được thảo luận nhiều lần nhưng chưa có kết quả, trong khi đó Việt Nam đã ký những hiệp ước như thế với hầu hết các cường quốc khác và các nước trong vùng.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích coi đây chỉ là mục tiêu biểu kiến. Mục tiêu thật sự là trấn an Việt Nam các các quốc gia trong vùng về tin Mỹ đã bí mật giao Biển Đông cho Trung Quốc.

Chuyện “Đối tác Chiến lược”

Mặc dầu cụm từ quan hệ “đối tác chiến lược” (strategic partnership) và “đối tác chiến lược toàn diện” (comprehensive strategic partnership) là hai cụm từ quen thuộc trong thế giới ngày nay, nhưng đối với đa số người Việt đó là hai cụm từ tương đối mới mẻ.

Thế nào là “đối tác chiến lược”? Đây là một vấn đề khá phức tạp và thường gây nhiều tranh luận. Trước hết chúng tôi xin trình bày qua khái niệm về đối tác chiến lược, sau đó sẽ nói đến những tranh luận giữa Mỹ và Việt Nam trong tiến trình tiến tới một một hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược.

Nói một cách tổng quát, “đối tác chiến lược” là một thỏa ước dài hạn (long-term agreement) được các bên ký kết để hoàn thành những mục tiêu chung đã định.

Các vấn đề chiến lược trong khu vực được nói đến trong tuyên bố của Tòa Bạch Ốc gồm nhiều lãnh vực khác nhau như kinh tế, tài chánh, tiền tệ và hối đoái, an ninh quốc phòng, văn hóa và xã hội, khoa học kỹ thuật, v.v. Khi đối tác chiến lược bao gồm nhiều lãnh vực quan trọng thì được gọi là “đối tác chiến lược toàn diện”. Thí dụ: Ngày 21-06-2013 vừa qua, Việt Nam và Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố hợp tác giữa hai quốc gia trên mọi lãnh vực, từ an ninh, quốc phòng đến kinh tế, văn hóa và xã hội. Đó là đối tác chiến lược toàn diện.

Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với trên 10 nước là Nga (2001), Nhật Bản (2006), Ấn Độ (2007), Trung Quốc (2008), Nam Hàn, Tây Ban Nha (2009), Anh (2010), Đức (2011), v.v. Riêng quan hệ đối tác giữa Việt Nam với Trung Quốc và Nga đã được nâng lên tầm “đối tác chiến lược toàn diện”.

Những rắc rối phải vượt qua

Mùa hè năm 2010, bà Hilary Clinton với tư cách Ngoại trưởng, đã đến thăm Việt Nam và bàn về xây dựng mối quan hệ “đổi tác chiến lược” giữa hai nước. Từ đó, hai nước đã nhiều lần đề cập tới vấn đề này nhưng còn nhiều điểm bất đồng.

Vào cuối năm 2011, Hà Nội cho biết đàm phán về đối tác chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam đã bị đình trệ vì hai bên không đồng ý phải đề cập vấn đề nhân quyền như thế nào trong dự thảo hiệp ước. Hoa Kỳ muốn có một điều khoản riêng về nhân quyền trong khi Việt Nam muốn nhân quyền chỉ nằm trong điều khoản nói về quan hệ chính trị.

Tiến sĩ Nguyễn Nam Dương thuộc Học Viện Quan Hệ Quốc Tế cho rằng Mỹ muốn đối tác chiến lược phải bao gồm cả hợp tác về quân sự, nhưng Việt Nam chỉ muốn hợp tác về chính trị – kinh tế. Ông có hỏi bà Claire A. Pierangelo, Phó Đại sứ Mỹ tại Hà Nội thì bà này trả lời:

“Trong bất cứ mối quan hệ nào, bạn cũng muốn một đối tác tốt, ổn định, đáng tin cậy và có thể phụ thuộc lẫn nhau được. Điều này đúng với việc chúng ta tìm người bạn, bạn đời, hay quan hệ giữa hai nước. Khi quan hệ của chúng ta mới bắt đầu thì những lĩnh vực làm việc cùng nhau còn hạn chế, chủ yếu là về kinh tế và những vấn đề của quá khứ, như chiến tranh.
“Nhưng Việt Nam và Hoa Kỳ không còn là hai đất nước của gần 20 năm về trước nữa, chúng ta cần cùng nhau nhìn vào tương lai 10 năm, hay 20 năm tới, và chúng ta sẽ như thế nào đối với nhau. Đó là cũng chính cách mà chúng tôi đang nhìn vào mối quan hệ giữa hai nước, và chúng tôi cũng hy vọng Việt Nam sẽ có cách nhìn tương tự như vậy để chúng ta định hướng được quan hệ chính trị, kinh tế.”

Ông cho rằng chính sách đối ngoại của Mỹ luôn hướng tới 3 mục tiêu khác nhau: quyền lợi chiến lược, quyền lợi kinh tế và quyền lợi về giá trị. Cái cuối cùng chính là “tự do, dân chủ và nhân quyền”. Nhưng không phải 3 quyền lợi này lúc nào cũng quan trọng ngang nhau. Ông đưa ra hai thí dụ: Với Trung Quốc, trước khi gia hạn tối huệ quốc, Tổng Thống Bill Clinton dọa rằng nếu Trung Quốc không cải thiện về nhân quyền, Mỹ sẽ không gia hạn. Nhưng Trung Quốc chẳng thay đổi gì và cuối cùng Mỹ vẫn nhân nhượng vì lợi ích kinh tế ở Trung Quốc quá lớn. Saudi Arabia cũng vậy. Đây là nước có tình trạng nhân quyền rất tồi tệ, nhưng Hoa Kỳ vẫn phớt lờ, vì về chiến lược Saudi Arabia là một đồng minh trung thành của Mỹ ở Trung Đông, lại có nhiều dầu hỏa.

Ngày Nhân Quyền Thế giới. Nguồn: OntheNet

Tuy ông Nguyễn Nam Dương nói Mỹ đòi 3 quyền lợi, nhưng nói cho đúng chỉ có 2 mà thôi, đó là quyền lợi về chiến lược và quyền lợi về kinh tế, còn “dân chủ và nhân quyền” chỉ là chiêu bài được dùng để đòi hỏi các quyền lợi khác. Với Việt Nam hiện nay, đòi hỏi thực thi “dân chủ và nhân quyền” có nghĩa là Mỹ muốn nói với Việt Nam rằng “mầy phải xa thằng Trung Quốc ra”. Dĩ nhiên là Đảng CSVN không bao giờ bỏ Trung Quốc vì họ biết bỏ Trung Quốc là tự sát.

Quyền lợi của hai bên

Hoa Kỳ có hai lý do chính để thiết lập quan hệ đối tác với Việt Nam.

Lý do thứ nhất là mục tiêu chiến lược, dùng Việt Nam làm lá chắn để chận Trung Quốc tràn xuống Đông Nam Á vì trong vùng này chỉ có Việt Nam có thể làm được chuyện đó. Trong bảng đánh giá quốc phòng 4 năm của Hoa Kỳ công bố năm 2010, Hoa Kỳ coi Việt Nam là một quốc gia Đông Nam Á cần phối hợp để phát triển mối quan hệ chiến lược mới tại khu vực. Đại Tá Trần Đăng Thanh của Hà Nội đã từng nhận định rằng Mỹ “đang tìm mọi cách để phá vỡ mối quan hệ đoàn kết lâu đời giữa Việt Nam và Trung Quốc mà người hưởng lợi sẽ là nước Mỹ.”

Lý do thứ hai là mục tiêu kinh tế; Việt Nam là cửa ngõ đi vào khu vực Đông Nam Á. Đã từ lâu Mỹ muốn xây dựng Đường Xuyên Á đi từ Việt Nam qua Cambodia, Thái Lan xuống tới tận Singapore và đi thông qua Miến Điện, Bangladesh và Ấn Độ. Mỹ thấy khó thực hiện công tác này nên giao cho Nhật. Nhưng Nhật mới tuyên bố lãnh thầu con đường cao tốc từ Hà Nội đến Sài Gòn 45 tỷ USD, Trung Quốc nhảy vào ngay, tuyên bố với số tiền đó, Trung Quốc sẽ làm con đường cao tốc từ Hà Nội đến Singapore. Thế là Nhật ngưng lại!

Thương mại Mỹ-Việt từ BTA, WTO đén TPP. Nguồn: Amchamvietnam.com

Việt Nam cũng có hai lý do để cần đến Hoa Kỳ. Lý do thứ nhất là làm giảm bớt áp lực của Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu Mỹ chịu bán cho Việt Nam hỏa tiễn loại tầm Trung, Việt Nam có thể giữ được vùng đặc khu kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông. Lý do thứ hai là tiếp tục khai thác thị trường ở Mỹ. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2012, Mỹ bán cho Việt Nam 4,6 tỷ USD, mua của Việt Nam 20,2 tỷ, Mỹ thâm hụt 15,6 tỷ. Số thặng dư mậu dịch của Việt Nam ngày càng tăng, từ 454 triệu USD năm 2000 đã lên đến 15,6 tỷ USD năm 2012 và trong tương lai sẽ còn tăng.

Sự lựa chọn của Việt Nam

Giữa Trung Quốc và Mỹ, Hà Nội sẽ chọn Trung Quốc vì ba lý do chính.

Lý do thứ nhất là ơn nghĩa giữa Đảng CSTQ và Đảng CSVN quá nhiều. Qua hai cuộc chiến, nếu không có Trung Quốc, Đảng CSVN sẽ không có cơ ngơi như ngày nay.

Lý do thứ hai, Trung Quốc là nước “núi liền núi, sông liền sông, biển liền biển” và là một nước lớn. Bất cứ sự phong tỏa nào của Trung Quốc cũng sẽ gây tổn hại lớn cho Việt Nam. Ngày xưa các vua Lê Lợi và Quang Trung sau khi đánh thắng quân Tàu rồi đều tìm cách làm hòa với Trung Quốc. Đọc sớ cầu hòa của hai vua này, chúng ta thấy quá thê thảm, nhưng đó là cách xử thế của nước nhỏ để tồn tại. Chiêm Thành vì không biết món “võ lòn” này nên bị xóa tên trong lịch sử.

Lý do thứ ba là Mỹ không đáng tin cậy. Đại Tá Trần Đăng Thanh đã nhận định: “Họ đang thực hiện “thả con săn sắt, bắt con cá rô”. Họ chưa bao giờ tốt thật sự với chúng ta, tội ác của họ trời không dung, đất không tha.” VNCH mà còn bị Mỹ bán cho Trung Quốc, CHXHCNVN mà nghĩa lý gì?

Trước khi Chủ Tịch Trương Tấn Sang đi Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam đã chơi đòn phủ đầu là ra tuyên bố nâng hiệp ước đối tác chiến lược giữa hai nước lên hàng đối tác chiến lược toàn diện.

Người Việt hải ngoại thường nói với nhau CSVN đang ở vào thế kẹt: Theo Trung Quốc thì mất nước còn theo Mỹ thì mất Đảng, nên chưa biết theo đường nào. Nhưng trong thực tế, nước (tức Biển Đông) coi như đã mất rồi, nên Đảng CSVN nhất quyết giữ lấy Đảng, tức không bỏ Trung Quốc để đi theo Mỹ. Hà Nội chỉ muốn đu dây để làm giảm bớt áp lực của Trung Quốc mà thôi.

Nói tóm lại, đây là một ván xì phé mà hai bên đều biết con tẩy của nhau. Con tẩy “dân chủ và dân quyền” của Mỹ xem ra ít có tác dụng, vì CSVN chủ trương thà mất một số quyền lợi chứ không để mất Đảng. Hà Nội hiểu rằng Mỹ sẽ tiếp tục dùng lá bài “dân chủ và nhân quyền” để làm xói mòn chế độ nên tìm mọi cách chống lại. Ngày nào Đảng không còn đứng vững được nữa thì tự nó sẽ tan rã và điều đó được coi là “vận nước”, cũng giống như VNCH trước đây.

Ngày 18-07-2013


Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ.



5 comments:

  1. nếu hai nước xác định là đối tác chiến lược của nhau thì hẳn phải có lý do của nó, xét cho cùng thì đó cũng là để phục vụ lợi ích của quốc gia, chứ đâu phải là vì phục vụ lợi ích của riêng ai đâu, trong sự việc này thì cả mỹ và việt nam cũng đều sẽ có được lợi ích tích cực nếu quan hệ hai nước nâng tầm lên đối tác chiến lược

    ReplyDelete
  2. việt nam và mỹ có quan hệ hợp tác chiến lược là hoàn toàn hợp lý, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước đã được nâng lên một tầm cao mới, việc hai nước nâng mối quan hệ đó lên tâm đối tác chiến lược sẽ mở ra cơ hội hợp tác lớn hơn nữa của hai nước, đó sẽ là điều rất đáng chờ đợi

    ReplyDelete
  3. có sao đâu, đó chỉ vì cả hai nước đều xác định được rằng nếu nâng tâm quan hệ hai nước lên như vậy thì đều sẽ có lợi cho cả hai nước mà thôi, việc hợp tác này là hai bên đều có lợi chả có ai ép buộc ai cả, còn nói rằng những hợp tác kiểu này là có tính toán thì thật là ngây thơ, bởi có nước nào mà không tính toán với những chính sách của mình

    ReplyDelete
  4. trong thời gian vừa qua quan hệ hợp tác giữa việt nam và mỹ đã có những bước phát triển hết sức đáng kể, từ việc bình thường hóa quan hệ rồi nâng lên tầm quan hệ chiến lược là những bước tiến rất dài và tích cực, đó là điều rất có lợi đối với cả hai nước, chúng ta nên mừng vì điều đó

    ReplyDelete
  5. nếu thực sự là một người có tâm với đất nước thì chúng ta nên vui về những thông tin như thế này, nếu mối quan hệ giữa việt nam và mỹ được nâng lên tầm chiến lược thì đó sẽ là điều rất tích cực với đất nước việt nam chúng ta

    ReplyDelete

View My Stats