Wednesday 10 July 2013

CẤM ĐOÁN hay là BƯNG BÍT & SỢ HÃI ? (VietTuSaiGon)




Wed, 07/10/2013 - 14:02 — VietTuSaiGon

Theo bản tin RFA: “Vào 9 giờ tối ngày 2 tháng 7, nhà phê bình văn học Nguyễn Hoàng Đức đã bị công an sân bay Nội Bài, Hà Nội chặn lại không cho xuất cảnh khi ông được thư mời của Tòa thánh Vatican tham dự lễ "Bế mạc phần điều tra tại địa phương" trong hồ sơ phong Chân phước và hiển thánh cho Hồng Y Phanxico-Xavie Nguyễn Văn Thuận…”.

Như vậy, thêm một người nữa không được xuất cảnh vì một lý do nào đó rất mơ hồ… Có lẽ cũng không cần bàn thêm về hành tung cấm đoán của nhà nước CS nữa, vì điều này đã diễn ra quá thường xuyên và quen thuộc, nó là một thường lệ cộng sản xã hội chủ nghĩa. Vấn đề cần bàn ở đây là: Có mối liên quan nào giữa cấm đoán và bưng bít? Và vì sao nhà nước Cộng sản Việt Nam phải bưng bít, giấu nhẹm nhiều thứ?

Đương nhiên, ở câu hỏi đầu được trả lời là có, không riêng gì bài viết này trả lời như vậy, những bài viết trên các trang mạng, trong đó có bài gốc vừa trích cho bài viết này đều đi đến kết luận này.

Và, sự cấm đoán xuất cảnh lần này, ngoài yếu tố nhân quyền, tự do của công dân, nó còn liên quan đến vấn đề tôn giáo, những vấn đề đã được hiến định trong hiến pháp và các bộ luật Việt Nam, nghiệt nỗi, chuyện ghi trong các văn bản pháp luật và chuyện các cơ quan nhà nước Việt Nam hiện tại lờ đi, cố ý làm trái luật nhằm mục đích đàn áp, bóp nghẹt tự do và nhân phẩm của công dân là chuyện rất “thường ngày ở huyện” trên đất nước này.

Hiện tại, chuyện đàn áp tôn giáo ở Việt Nam đang là câu chuyện rất hot của truyền thông (phi nhà nước) và là chuyện nhức nhối của các giáo đoàn, cộng đoàn tôn giáo trong nước cũng như hải ngoại. Từ Phật Giáo Hòa Hảo cho đến Cao Đài, Phật Giáo Thống Nhất, Ki Tô Giáo, dường như đụng đâu cũng thấy có vấn đề về tự do sinh hoạt và đàn áp.

Và đây là điểm cực kỳ nhạy cảm, cực kỳ bất lợi cho nhà nước Cộng sản Việt nam trên bất kỳ bàn đàm phán quốc tế nào nếu như những hành động thô bạo của họ đối với tôn giáo được bạch hóa.

Chính vì thế, chuyện cấm những giáo phẩm, giáo đoàn ra nước ngoài vì những giáo phẩm, giáo đoàn trót hiểu biết về sự đàn áp của nhà nước Cộng sản là một chuyện mà nhà nước độc tài này bắt buộc phải làm nhằm đảm bảo sự tồn tại lâu dài của họ.

Đến đây, câu hỏi thứ hai xem như gần giải quyết xong. Nhưng nó lại đụng chạm đến nhiều vấn đề khác vừa nhạy cảm lại vừa có tính phổ biến ở Việt Nam, đó là chữ “cấm”.

Nói về chữ này, có vẻ như không có nước nào có mức độ và cường độ cấm “phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc” như Việt Nam, từ chuyện cái bảng cấm trên đường quốc lộ cho đến qui định cấm ở các cơ quan nhà nước, rồi lại chuyện cấm cản ở Việt Nam dưới triều đại Cộng sản.

Thời bao cấp, người ta cấm cả người dân ngồi bàn luận về cái xấu của cán bộ, của đảng viên và đụng đến đảng Cộng sản, Hồ Chí Minh, xem như sinh mệnh đến lúc cùng tận. Có một nông dân ở gần nhà tôi đã bị bắt về ủy ban xã, nhốt hai ngày hai đêm, sau đó được thả về nhà với hai hàm răng bị gãy toàn bộ răng cửa, miệng và mặt sưng vếu chỉ vì nói rằng ông chủ tịch xã làm toán lớp chín không được (tuy rằng đây là sự thật).

Đó là chưa muốn nói đến chuyện cấm cản mọi hoạt động giao thương, buôn bán, sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tâm linh, tất cả đều bị qui chụp cho cái tội “tiếp tay cho phản động và mê tín dị đoan”.

Con người dưới thời này không còn là con người nữa, trên một góc nhìn khác, việc bị cấm mọi chuyện cộng với việc xếp hàng rồng rắn, tranh nhau lấy lòng bà lương thực, ông thuế vụ đã đẩy con người xuống hạng thứ cấp, hạng tồn tại theo kiểu động vật chưa phát triển.

Và cái vệt nối của thời đại này vẫn còn dai dẳng cho đến ngày hôm nay, mặc dù các thế hệ sinh sau năm 1980 không hề tiếp xúc, mục kích loại hình sinh hoạt xã hội kiểu này nhưng vẫn bị ảnh hưởng nặng nề tố chất này bởi nó đã lậm vào máu, vào tiềm thức một vài thế hệ và di truyền theo kiểu “mặc cảm tổ tông”.

Đến thời mở cửa, vì bắt buộc phải “mở cửa” nhiều lĩnh vực để đạt mục đích giao lưu kinh tế với các nước tiến bộ, kiểu đánh đập tàn bạo và vô căn cớ được thay bằng kiểu trấn áp, tàn bạo có tính toán, có bài bản hơn. Điều này hoàn toàn đi ngược với qui luật phát triển của thế giới tiến bộ nhưng nó lại nằm trong qui luật tất yếu của các hoạt động độc đoán, chuyên quyền và xây dựng độc tài bền vững.

Hiện tại, vấn đề đàn áp tôn giáo, đàn áp biểu tình ôn hòa, đàn áp nông dân đòi công bằng đất đai vẫn là vùng nhạy cảm của nhà nước độc tài. Tất cả những gì mà các đài, báo (phi nhà nước) phản ánh vẫn chưa chạm vào được bản chất và tội ác của nhà nước Cộng sản.

Chính vì thế, họ vẫn còn có thể giấu nhẹm được nhiều thứ trước công luận quốc tế. Và đây cũng là căn cớ, nguyên nhân sâu xa để đi đến hành vi cấm cản, ngăn chặn những nhà hoạt động dân chủ trong nước đi ra nước ngoài và cấm những nhà trí thức dân chủ ở hải ngoại (như Hoàng Ngọc Diêu, Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc Tuấn…) về thăm quê hương.

Việc cấm nhà phê bình văn học Nguyễn Hoàng Đức ra nước ngoài là một kinh nghiệm vừa rút tỉa được của nhà nước Cộng sản Việt Nam nhằm tránh một Huy Đức thứ hai đi ra nước ngoài, làm “lộ bí mật quốc gia”. Và, tình trạng này sẽ còn diễn ra dài dài nếu như nhà nước Cộng sản còn tồn tại và lãnh đạo đất nước, hay nói cách khác là chế độ độc tài Cộng sản chưa được xóa trên quê hương Việt Nam.

  •  


No comments:

Post a Comment

View My Stats