Wednesday 10 July 2013

THỦY ĐIỆN & NGUY CƠ (Lê Diễn Đức)




7/09/2013 10:15:00 AM

Ước tính nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam tăng 15-17% mỗi năm, năm 2015 sản lượng điện cần phải đạt tới 194-211 tỷ kWh; đến năm 2020 là 329-362 tỷ kWh, và vào năm 2030 tới 695-834 tỷ kWh.

Trong vòng 20 năm tới, Việt Nam cần đầu tư khoảng 156 tỷ USD cho sản xuất điện, truyền tải và phân phối. Cả hệ thống năm 2012 sản xuất được 117 tỷ kWh điện, trong đó đóng góp của thủy điện là 53 tỷ kWh, còn lại là các nguồn khác và nhập khẩu 2.7 tỷ kWh.

Như vậy, sản lượng điện từ thủy điện khá lớn, chiếm gần 50% tổng sản lượng. Song song với việc phải xây dựng các máy điện hạt nhân, nhiệt diệt, cần phải xây dựng thêm hàng chục nhà máy thủy điện nữa để đáp ứng như cầu ngày càng tăng.

Tuy nhiên, việc xây dựng tràn lan các nhà máy thủy điện hiện tại đang đặt xã hội trước một thách thức lớn.

Trong một bài viết trên trang Bauxite Việt Nam tác giả Ðức Thành viết:

“Tôi đã được nghe một chuyên gia nước ngoài khuyên chúng ta rằng tuy làm thủy điện rất rẻ nhưng không nên lạm dụng nó, Việt Nam chỉ nên khai thác khoảng 30% tiềm năng thủy điện là vừa, nếu lạm dụng tiềm năng thủy điện thái quá sẽ có hậu quả khôn lường về môi sinh, môi trường. Vào cái thời xây dựng thủy điện Hòa Bình mà có vị chuyên gia khác còn nói với chúng tôi rằng ở các nước dân trí cao, có đời sống phát triển, dân người ta biểu tình không cho làm thủy điện đâu!”

Sự phát triển ồ ạt của các nhà máy thủy điện tại miền Trung đã bắt đầu có những tác động tiêu cực đến môi trường, dân sinh...
Suốt dọc các tỉnh miền Trung, ở đâu cũng thấy những “túi nước” khổng lồ có thể “dội” vào đầu hàng triệu người dân bất kỳ lúc nào, nhất là mùa mưa, lũ. Ðiển hình là 4 tỉnh gồm Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Kontum và Ðắc Nông có gần 150 dự án thủy điện lớn nhỏ đã, đang và sẽ triển khai.

Ông Lê La Sơn, chi cục trưởng Chi Cục Thủy Lợi Quảng Trị nói: “Tôi thấy, cứ ở đâu có nhà máy thủy điện là người dân đều khổ. Ðó là người dân mất đất, nhà nước mất rừng. Ðời sống nơi tái định cư thiếu thốn đủ thứ, kể cả điện chiếu sáng. Trong khi đó, cứ đến mùa mưa lũ thì chính họ cũng là người hứng chịu những ‘túi nước’ do chính các nhà máy thủy điện xả xuống”.

Song song, nguy hiểm hơn, xây dựng thủy điện thường chỉ là cái cớ. Các chủ đầu tư đã lợi dụng các dự án thủy điện, cấu kết móc ngoặc với quan chức địa phương để phá rừng, lấy gỗ.

Trong những năm gần đây, “rừng ở khu vực nam Trường Sơn có xu thế suy giảm mạnh, tỷ lệ che phủ thấp, nhiều khu vực bị cô lập thành ốc đảo, đa dạng sinh học bị thách thức”... Ðó là “đánh giá hiện trạng, thách thức và đề xuất giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học vùng cảnh quan Nam Trường Sơn” của chương trình do Quỹ Quốc Tế Bảo Vệ Thiên Nhiên (WWF) và Viện Sinh Thái Học miền Nam tổ chức.

Theo báo cáo này, vùng cảnh quan Nam Trường Sơn gồm các tỉnh Ðồng Nai, Lâm Ðồng, Bình Phước, Ðắk Nông và 4 huyện phía Nam của tỉnh Ðắk Lắk, trong giai đoạn từ 2005-2011, tổng diện tích rừng tự nhiên bị mất của khu vực này khoảng 193,334 ha, trung bình mỗi năm mất khoảng 27,630 ha.

Ðến năm 2011, tổng diện tích đất rừng tự nhiên chỉ còn khoảng 1.18 triệu ha, độ che phủ toàn vùng chỉ đạt 35.9% thấp hơn đáng kể so với Tây nguyên là 51.3% và mức chung cả nước là 39.7%.

Việc quản lý của nhà nước trong việc phát triển thủy điện hết sức lỏng lẻo, nếu không nói là không có năng lực kiểm soát, đặc biệt đối với thủy điện nhỏ và vừa. Lẽ ra chỉ cần chặt 100ha rừng là đủ mức ngập nước của lòng hồ, nhưng rừng bị chặt phá tới 200-300ha. Ðường vào dự án thủy điện thường nằm sâu trong rừng, chỉ cần làm đường vừa phải để hạn chế xâm hại tới rừng, thì lại mở đường quá lớn để lợi dụng chặt cây, phá rừng.

Phá rừng làm lớp phủ bề mặt đất không còn nữa, mưa bao nhiêu bị rửa trôi bấy nhiêu, nhưng phần này không được đưa về hạ lưu mà bị các hồ chứa thủy điện giữ lại. Không còn cây để giữ nước, gây ra lũ lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... nước mưa không được giữ lại mà chảy hết ra biển, mùa mưa thì gây lũ khủng khiếp, mùa khô lại không còn nước, làm sa mạc hóa đất đai.

Hầu hết các dự án thủy điện đều đụng đến rừng phòng hộ xung yếu, vì những dự án càng về sau càng phải đi sâu vào rừng. Riêng thủy điện Trà Xom với công suất 20MW ở Phú Yên đã hủy diệt 600 ha rừng nguyên sinh. Nếu với công thức này, thì công trình A Vương có công suất gấp 10 lần thì diện tích rừng bị hủy diệt sẽ lớn đến đâu?

Tác động của thủy điện là việc làm giảm lượng phù sa xuống hạ lưu, không bù đắp được phần lún sụt, sạt lở hằng năm. Phần thượng nguồn sông Mê Kông, Trung Quốc đã xây 4 đập thủy điện, và thời gian tới sẽ tiếp tục làm thêm 4 cái nữa trên dòng chính, trong khi lượng phù sa của sông này có 50-60% là từ Trung Quốc.

Ðiều đáng chú ý là dòng chảy sinh thái của sông bị mất do xây dựng quá nhiều công trình thủy điện trên cùng một dòng sông. Riêng tỉnh Thừa Thiên Huế có tới gần 15 dự án thủy điện thuộc hệ thống sông Hương... Hậu quả nhãn tiền và rõ ràng nhất chính là hiện tượng lũ chồng lên lũ liên tục trong những năm gần đây. Có cơn bão lụt làm hàng trăm người chết và mất tích, thiệt hại về nhà cửa và hoa màu, giao thông vượt qua con số 1,000 tỷ đồng.

Theo EVN, miền Trung và Tây Nguyên đang trải qua những đợt hạn hán nghiêm trọng. Mực nước tại hầu hết các hồ thủy điện đã xuống gần mực nước chết, chỉ tích nước đạt khoảng 30 đến 70%, vì vậy, việc bảo đảm phát điện và cấp nước cho hạ du mùa khô năm nay đặc biệt khó khăn.

Tình trạng phá rừng tác động mạnh mẽ đến hệ thống sinh thái, gây lũ lụt, hạn hán đã là nghiêm trọng nhưng chất lượng các công trình thủy điện kém, vào mùa mưa lũ, lúc nào cũng có nguy cơ vỡ đập, lo lắng ám ảnh cuộc sống của những người lao động.

Năm ngoái, mới đóng điện đưa vào mạng lưới quốc gia Tháng Chín 2012, thì Tháng Mười, đập chắn thủy điện Ðakrông 3 bị vỡ cuốn trôi hàng chục tấn hoa màu, thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng.

Nhà máy thủy điện Vĩnh Hà tại huyện Bảo Yên, Lào Cai, khởi công xây dựng vào ngày 25 Tháng Mười 2012, công suất 21 MW, tổng mức đầu tư gần 900 tỷ đồng. Sau 6 tháng xây dựng, vào sáng ngày 11 Tháng Năm 2013, công trình bị vỡ đê bao kỹ thuật. Không chỉ thiệt hại gần 20 tỷ đồng cho chủ đầu tư, mà còn ảnh hưởng đến nhiều người dân trong vùng dự án. Sự việc trên bị giấu “nhẹm” gần hai tháng trời, thông tin chỉ lộ ra khi người dân trong vùng kêu cứu đến các cơ quan báo chí.

Mới đây cuối Tháng Sáu, đập thủy điện Ya Krel 2 được xây dựng từ năm 2009, công suất 5.5 MW nằm trên suối Ya Kre trong lưu vực sông Pô Kô do công ty cổ phần công nghiệp & thủy điện Bảo Long-Gia Lai đầu tư với tổng kinh phí khoảng 120 tỷ đồng. Các đơn vị đã không tuân thủ theo bản vẽ thiết kế, làm đoạn đập thủy điện Ya Kre tại làng Mok Den, xã Ya Tom, huyện Ðức Cơ (Gia Lai) dài 40m, cao 20m bị vỡ hoàn toàn, 10 người dân bị nước cuốn trôi.

Hồi Tháng Mười Một năm ngoái, tại khu vực huyện Dak Glei, tỉnh Kontum xảy ra vụ vỡ đập thủy điện Dak Mek 3 khi đang trong quá trình thi công. Ðến Tháng Ba 2013, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kontum đã đình chỉ dự án, vì chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện, trong quá trình thi công sai thiết kế dẫn đến vỡ đập gây chết người.

Công trình thủy điện Sông Tranh II cũng đã gây xôn xao dư luận và tranh cãi trong các ngành chức năng khi đập chứa nước bị nứt, nước tuôn xối xả. Sau những vụ động đất Tháng Chín 2012, dân chúng bỏ nhà cửa lên rừng tìm chỗ ở.

Phan Văn Quýnh, tiến sĩ khoa học thuộc Ðại Học Quốc Gia Hà Nội nói:

“Ðịa điểm chọn làm thủy điện Sông Tranh 2 nằm ở vị trí có đới đứt gãy hoạt động, trên nền móng đá granit. Hiện Sông Tranh 2 mới ở cao trình 140m đã xảy ra động đất 4.2 độ richter. Nếu mực nước lên cao trình 172m, khả năng phát sinh động đất cực đại là rất lớn. Chủ đầu tư Sông Tranh 2 phải có trách nhiệm trước nỗi hoang mang của nhân dân. Theo tôi, bây giờ phá không nổi mà ngừng vận hành đập cũng không xong. Các tổ máy mở hết nhưng nếu lũ lớn, nước vẫn có khả năng lên đến trên 170m. Ðây là cái dở của việc không làm cửa xả đáy. Không biết đó có phải ý tưởng của nhà thầu Trung Quốc không, nhưng rõ là nó làm ta không có khả năng giảm nước xuống thêm”.

Ông Quýnh cũng khẳng định khẳng định ngay cả khi không động đất, đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn có nguy cơ trôi.

Kết luận
Một bộ máy quan liệu cộng thêm một đội ngũ quan chức tham lam, nối giáo cho các thành phần thân hữu, thân tộc mặc sức phá rừng, chỉ nghĩ đến đồng tiền trước mặt, bỏ qua những nguy cơ về lâu dài, tổn hại không lường cho tương lai. Chính sách phát triển kinh tế lung tung, bừa bãi, cắm mặt làm lấy được để trục lợi, không thèm so đo ước tính những rủi ro, là cái cách mà nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đang thực thi.

Phát triển ngành thủy điện vô tội vạ, sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi, không đếm xỉa tới môi sinh, dân sinh, sẽ tiếp tục đẩy đất nước vào bi kịch. Rừng, lá phổi của đất nước ngày mỗi bị thu hẹp kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng.



No comments:

Post a Comment

View My Stats