Trần Bình Nam
June
21, 2013
Tháng
6/2013 là một tháng xui xẻo cho Tổng thống Obama. Đầu Tháng Hai tờ báo: Guardian ở London và Washington
Post ở Hoa Thịnh Đốn tiết lộ hai chương trình tình báo của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (National
Security Agency – NSA) rằng trong nhiều năm qua, với sự chấp thuận của một Tòa
án đặc biệt, đã nghe mọi cuộc điện đàm của bất cứ ai (công dân Mỹ hay người
nước ngoài), và lấy nội dung các liên lạc qua Internet của 9 cơ sở lớn cung cấp
dịch vụ Internet tại Hoa Kỳ trong đó có Google, Microsoft, Spyke , Apple,
Youtube, PalTalk .… Vài ngày sau Edward
Snowden, 29 tuổi, chuyên viên phân tích điện toán làm việc cho NSA xác nhận
mình là người cung cấp tin.
Việc
đó chồng lên việc tháng trước Sở Thuế
(Internal Revenue Service – IRS) lạm dụng chức năng công quyền làm khó dễ các
nhà chính trị cực hữu. Cùng lúc vụ đại sứ John Christopher Stephens bị bọn
khủng bố Al Qaeda giết ngày 9/11/2012
tại Banghazi, Libya được Bộ Ngoại
Giao và Bạch Ốc loan tin “là một vụ biểu tình biến thành bạo động” để làm giảm
tính quan trọng về an ninh quốc gia trước cuộc bầu cử tổng thống - tưởng đã
nguội - lại được Quốc hội mang ra chất vấn với câu hỏi then chốt “Tổng thống
Obama có biết nội vụ không?” Nếu ông
biết và có bằng chứng thì ông có thể bị bãi chức (impeached) như vụ Watergate
đã buộc tổng thống Nixon từ chức năm 1973.
Nếu
câu tục ngữ Việt Nam “họa vô đơn chí” là đúng thì phải kể thêm cuộc thăm viếng
Hoa Kỳ của Chủ tịch Nước kiêm Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung quốc Tập Cận Bình
trong hai ngày 8 & 9/6 kết thúc bằng
sự bất đồng ý kiến về “sự xâm nhập hệ thống điện toán thương mãi và quốc phòng” của Hoa Kỳ, với một cuộc
họp báo được ghi âm do Tòa Bạch Ốc phổ biến mà không có Thông Cáo Chung đã làm giảm uy tín của tổng thống Obama.
Ông
Obama còn đi một nước bài rất thấp khác là trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” bổ
nhiệm bà Susan Rice, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc làm “Cố vấn An ninh Quốc
gia” qua mặt Quốc hội vì chức vụ này không cần sự phê chuẩn của Thượng nghị
viện. Trước đây để trả ơn bà Rice (đã bao che tổng thống trong vụ Benghazi)
tổng thống Obama định đề cử bà làm Bộ trưởng Ngoại giao,nhưng sau cùng bỏ ý
định đó sợ rằng cuộc điều trần phê chuẩn tại Thượng Viện sẽ phanh phui làm rắc
rối thêm vụ Benghazi.
Cả
một thác sự việc bất lợi đổ xuống đã làm cho tỉ số quần chúng đánh gía tổng
thống Obama xuống rất thấp, thấp như tổng thống George Bush hiện nay (Obama:
47%, Bush: 47%, theo Washington Post – ABC).
Trong
những ngày tới đây, truyền thông Hoa Kỳ và các chính khách sẽ mổ xẻ vụ Edward
Snowden theo hướng “làm thế nào để cân bằng giữa nhu cầu an ninh quốc gia, bảo vệ sinh mạng công dân Hoa Kỳ với nhu
cầu duy trì dân chủ và sự riêng tư cần thiết của người công dân.” Tổng
thống Obama không thể đứng ngoài cuộc tranh luận, nhưng ý kiến của ông không
nhất thiết sẽ có một ảnh hưởng sâu xa vào chính sách an ninh của Hoa Kỳ. Nội
dung tranh luận và ý kiến cuối cùng của quần chúng mới thật là quan trọng .
Trước
mắt của vụ Edward Snowden là phản ứng khá bình thường của chính quyền và dân
chúng: (1) Bộ Tư Pháp đang nghiên cứu hình thức truy tố Snowden về tội tiết lộ
bí mật quốc gia đế dẫn độ ông về Hoa Kỳ ra tòa. (2) Dân chúng (ít nhất là lúc đầu) cho rằng việc nghe điện
thoại và đọc thông tin cá nhân trên Internet của Cơ quan An ninh Quốc gia là
cần thiết. (3) Đại tướng Keith Alexander, Giám đốc NSA kiêm phụ trách An ninh
Điện toán của Bộ Quốc Phòng (Pentagon’s U.S. Cyber Command) điều trần trước
Quốc Hội hôm 18/6 nhấn mạnh rằng các chương trình “nghe lén và đọc lén” do Snowden tiết lộ nằm trong khuôn khổ của
luật pháp, tối cần thiết và được thi hành một cách thận trọng. Ông cho biết
trong 12 năm qua chương trình này đã giúp ngăn chận được 50 vụ khủng bố trong
đó có 2 vụ quan trọng, thứ nhất là vụ đánh bom Trung tâm Chứng Khoán New York
và thứ hai là một dịch vụ chuyển tiền từ Hoa Kỳ cho một cơ sở khủng bố ở
Somalia do một tài xế taxi tại San Diego chủ chốt. Các nhân sự liên hệ đều bị
bắt và truy tố ra tòa trước khi hành động. Tướng Alexander tiết lộ thêm rằng
trong 50 vụ nói trên có 10 vụ chận được nhờ nghe điện thoại nội địa, 40 vụ do
theo dõi thông tin trên internet.
Edward
Snowden hiện đang trốn tránh ở Hồng Kông. Chính quyền Hồng Kông chưa bày tỏ
thái độ gì đối với sự có mặt của ông vì trên nguyên tắc ông có chiếu khán hợp
lệ 3 tháng. Vốn là một học sinh trung học không có gì xuất sắc, bỏ học ngang,
nhưng có biệt tài về điện toán, Snowden được ngành tình báo điện tử Hoa Kỳ
chiếu cố. Ông hiện là nhân viên của công ty Booz Allen làm việc theo giao kèo
với chính phủ, và đang được bố trí làm việc tại một trung tâm nghe ngóng ở
ngoại ô Honolulu. Lương năm ông trên 100.000 mỹ kim (chưa kể các quyền lợi
khác) và là một trong một số giới hạn công dân Hoa Kỳ được biết các bí mật quốc
gia và tự nguyện “sống câm miệng chết mang theo.”
Nhưng
Edward Snowden thấy áy náy nghĩ rằng công việc của mình không phục vụ quốc gia
mà là đang gieo mầm mống cho một thế giới “big
brother” trong đó con người không còn một chút riêng tư. Nỗi băn khoăn của
ông cũng là nỗi băn khoăn của George Orwell khi viết cuốn “Nineteen Eighty Four” năm 1949 tiên đoán rằng 35 năm sau (tức năm
1984, tên của cuốn sách) thế giới hoàn toàn bị quản chế bởi một thế lực độc tài
nắm phương tiện điện toán trong tay đã thúc đẩy ông hành động. Đang ổn định với
công việc và sống hạnh phúc với một người tình xinh đẹp ông bỏ trốn qua Hồng
Kông. Tại đó trong một cuộc nói chuyện ghi âm bằng video với các phóng viên báo Guardian,
London và Washington Post, D.C.,
Snowden gỉải thích rằng theo ông chương trình nghe điện thoại và đọc thông tin
trên Internet một cách bí mật của chính phủ sẽ dẫn tới độc tài. Cách duy nhất
để tránh là công khai hóa để dân chúng quyết định có cần phải làm như vậy hay
không. Edward Snowden quả quyết ông không làm gián điệp cho quốc gia nào cả, và
ông nói ông biết ông có thể bị giết, hay bị CIA bắt cóc.
Hành
động của Snowden không khác gì hành động của binh nhì Bradley Manning 22 tuổi
thuộc cơ quan tình báo quân sự ở Iraq 4 năm trước đây khi tiết lộ các công điện
mật của bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao cho mạng WikiLeaks của Jullian Assange,
một nhà báo người Úc. Trước khi bị bắt về tội “tiết lộ bí mật quốc gia” Manning
nói: “Tôi muốn quần chúng biết sự thật.
Nếu không biết, quần chúng không thể có quyết định đúng” (TBN: để buộc các
đại diện dân cử của họ làm cho đúng). Cả hai, Edward Snowden và Bradley Manning
đều lớn lên trong thời kỳ hậu khủng bố 911 trong một không khí bị đe dọa làm ai
cũng nghĩ an ninh quốc gia phải được đặt trước nhu cầu tự do cá nhân. Nhưng qua
công việc đang làm, cả hai lo sợ thế giới, chứ không riêng gì sự tự do cá nhân
của nhân dân Mỹ đang bị đe dọa và họ đã hành động.
Bradley
Manning bị bắt năm 2010 và đang được tòa án xử lý. Riêng Edward Snowden đang bị
Quốc Hội và tòa Bạch Ốc lên án và 53% dân chúng đòi truy tố. Thân phụ Edward Snowden, ông Lonnie Snowden
e ngại Edward đi quá xa, đã - qua một cuộc phỏng vấn của đài Fox - kêu gọi
Edward Snowden đừng tiết lộ gì thêm nữa và hãy trở về đối diện với pháp luật.
Ông không chê trách hành động của con mình.
Kết
quả hành động của Edward Snowden là dù ông bị bắt, bị giết hay bị vào tù, vấn
đề cân bằng giữa nhu cầu an ninh quốc gia và bảo vệ sinh mạng công dân với nhu
cầu bảo vệ nền dân chủ và quyền tự do của con người sẽ trở thành một đề tài
thảo luận sôi nổi tại quốc hội, trước tòa án, và trên các phương tiện truyền
thông .
Khuynh
hướng trước mắt là “an ninh trên hết”.
Nhưng
lịch sử thế kỷ 20 cho khá nhiều bài học về sự dễ dãi của quần chúng đã đưa đến
nhiều thảm họa. Người dân Đức đã dễ dãi để cho đảng Quốc Xã của Hitler làm gì
thì làm với hứa hẹn tạo một nước Đức hùng mạnh trả thù cho sự thất trận và
những nhục nhã sau khi thua trận Đại
chiến thứ nhất. Sự dễ dãi đó đã giúp Hitler trở thành một nhà độc tài (qua các
định chế Dân chủ Hiến định) cho phép ông giết 6 triệu người Do Thái và năm 1944
sau khi bị ám sát hụt ông đã có thể dùng luật xử bắn và treo cổ 5000 sĩ quan
Đức, trong đó có danh tướng Erwin Rommel bị ép uống thuốc độc chết.
Thí
dụ khác là sự phát sinh chủ nghĩa cộng sản, nghĩ cho cùng là do sự dễ dãi của
quần chúng Nga đối với thuyết Mác xít trước chế độ thối nát của Nga Hoàng và sự
ủng hộ chế độ Cộng sản “vô sản chuyên chính” tại Nga của giới trí thức Tây
Phương. Đó là nguyên nhân của quyền hành vô giới hạn của Stalin muốn giết ai
thì giết và thực tế ông đã giết hằng chục triệu người dân Nga. Sự hào nhoáng
của chủ nghĩa Mác và những lời hứa hẹn cơm no áo ấm mơ hồ là căn nguyên thiết
lập các chế độ cộng sản tại Trung quốc và Việt Nam đã mang lại bao nhiêu là tai
họa cho hai đất nước này.
Bài
học tốt đối với nhân dân Mỹ là “không thể
tin vào hứa hẹn của đảng cầm quyền” (dù đó là đảng Dân chủ hay đảng Cộng
Hòa và bạn là người Cộng Hòa hay Dân chủ) và giao phó quyền hành tuyệt đối cho
họ. Trong vụ Snowden, chính quyền nói chính quyền hành xử “quyền nghe điện
thoại và internet” một cách hợp luật và tự chế tối đa để tránh mọi lạm dụng
quyền tự do của công dân. Nhưng quyền hành là một chất ma túy khi đã ngấm thì
khó bỏ. Và khi người cầm quyền biết những gì bạn không biết sự tự do
của bạn sẽ mất đi từng ngày một. Sự trong sáng thông tin là vũ khí bảo vệ tự do
hữu hiệu nhất.
Nếu
châm ngôn “Tự do hay là Chết” còn có
ý nghĩa thì kết luận của cuộc tranh luận về sự chọn lựa giữa nhu cầu an ninh và
nhu cầu duy trì dân chủ tự do đã rõ: Thà
chết hơn là mất Tự Do./.
Trần Bình Nam
June 21, 2013
-------------------------------
XEM THÊM :
18-6-2013
No comments:
Post a Comment