Friday,
June 28, 2013 5:47:47 PM
WASHINGTON
(AP) -
Cho đến ngày Thứ Sáu, không có thêm tin gì mới về Edward Snowden,
người bị Hoa Kỳ yêu cầu dẫn độ, được coi là vẫn ở trong khu quá
cảnh phi trường quốc tế Moscow/Sheremetyevo từ 5 ngày.
Mặc dầu những bất đồng ý kiến giữa Hoa Kỳ và Nga vẫn còn tồn tại chưa biết sẽ đi tới đâu, các giới chức của hai nước đều đã tỏ ra dịu giọng không còn dùng những ngôn ngữ cứng rắn như trong ngày đầu tuần sau khi Snowden từ Hong Kong đến Moccow.
Tổng Thống Obama hôm Thứ Năm trong chuyến công du Phi Châu, tuyên bố với các phóng viên trên máy bay Air Force One rằng ông chưa nói chuyện gì với chủ tịch Trung Quốc cũng như tổng thống Nga vì chuyện này thông thường là do những giới thực thi pháp luật giữa các nước giải quyết với nhau..
Nhưng tại Senegal ông nói rõ hơn, cho rằng Edward Snowden, “một hacker 29 tuổi”, không đáng để phải xoay sở thương lượng với các quốc gia khác hầu có thể dẫn độ về Hoa Kỳ truy tố tội do thám. Theo lời tổng thống: “Đây không phải chuyện đặc biệt trên bình diện pháp lý. Tôi sẽ không để cho trường hợp một nghi can chúng ta muốn dẫn độ, bỗng nhiên được nâng lên tầm cỡ phải xoay sở, thương lượng, đánh đổi với cả loạt những vấn đề khác để đem về”.
Hôm Thứ Hai sau khi Snowden từ Hong Kong trốn đến Moscow, nhiều giới chức Hoa Kỳ mạnh mẽ phê phán Hong Kong và Trung Quốc. Ngoại Trưởng John Kerry lên tiếng cảnh giác Nga “sẽ phải chịu những hậu quả” nếu không giải giao nghi can. Đáp lại Tổng Thống Vladimir Putin khẳng định là căn cứ trên nguyên lý nhân quyền, Snowden không phải tội phạm ở Nga và giữa Nga với Hoa Kỳ không có hiệp ước dẫn độ.
Tiếp đó, dù nói rằng “theo đường lối ứng xử bình thường giữa hai quốc gia, Nga nên cho dẫn độ Snowden” nhưng Ngoại Trưởng Kerry nhấn mạnh là “Hoa Kỳ không muốn đối đầu với Nga hay bất cứ nước nào khác”. Tổng Thống Putin cũng khẳng định là “không xem vụ Snowden như là một việc tác động đến mối quan hệ có tính cách ‘đâu ra đấy’ với Hoa Kỳ”.
Ngày Thứ Ba, Ngoại Trưởng Sergei Lavrov và Tổng Thống Putin đều minh định là “Snowden không nhập cảnh vào lãnh thổ Nga và tạm lưu lại trong khu vực quá cảnh của phi cảng Sheremetyevo chờ đợi đổi chuyến bay đi nơi khác”. Theo lời ông Putin, đối với Nga “Snowden là một người tự do muốn đi đâu là do ý của đương sự”, nhưng ông cũng nói thêm rằng “Snowden nên sớm chọn lựa và quyết định vì lưu lại lâu ở Moscow không tốt cho ông ta cũng như cho nước Nga”.
Vấn đề phức tạp là Hoa Kỳ đã thâu hồi hộ chiếu, có nghĩa Snowden không đủ giấy tờ hợp pháp để nhập cảnh một nước khác và các hãng hàng không có thể từ chối cho lên máy bay. Khi đi khỏi Hong Kong, WikiLeaks cử một thành viên đi theo trợ giúp và nói rằng Snowden có giấy của Ecuador cho phép tị nạn. Nhưng Ecuador sau đó cải chính điều này, khẳng định là chưa cấp một giấy tờ gì và đã nhận được đơn xin tị nạn của Snowden nhưng việc cứu xét sẽ còn phải kéo dài hàng tháng mới có quyết định.
Do đó người ta cho là Snowden sẽ còn kẹt lại lâu tại phi cảng Moscow và có một số những tổ chức bênh vực nói anh ta nên xin tị nạn ở Nga. Hôm Thứ Sáu, ủy viên nhân quyền Nga, ông Vladimir Lukin khi được hỏi về khả năng này, trả lời là ông không nghĩ Nga nên dành cho Snowden quyền tị nạn chính trị.
Ông Lukin giải thích với thông tấn xã Nga Interfax: “Tôi không thể trả lời dứt khoát câu hỏi này bằng một tiếng ‘Có’ hay ‘Không’, vì tôi có những hoài nghi. Theo tôi Snowden không phải là cá nhân thích đáng để ủng hộ hay thương hại chỉ với một lý lẽ là Hoa Kỳ không thích anh ta.” Ông nói: “Có lợi ích quốc gia hay nhân đạo để giữ anh ta lại trong đất nước chúng ta không? Tôi không chắc. Anh ta không có tội gì với nước Nga. Nhưng quyền tị nạn không phải là dành cho tất cả mọi ai không phạm tội với Nga. Anh ta đã ở Hong Kong. Tại sao lại bay sang Nga? Một chuyện lẽ ra của Trung Quốc trở thành của chúng ta. Người ta đã tạo ra một tình huống buộc chúng ta phải giải quyết. Chúng ta phải đối phó với một hoàn cảnh bó buộc. Tôi thấy đây là việc có sự kích thích và nghiêm trọng”.
Vụ Snowden còn thêm bí ẩn vì trong suốt mấy ngày hàng chục phóng viên đã săn lùng ở phi cảng Sheremetyevo nhưng không một ai thấy Snowden. Phải chăng cơ quan mật vụ Nga đem anh ta đi đâu. Tổng Thống Putin cực lực bác bỏ dư luận đồn đại. Ông khẳng định: “Các cơ quan an ninh Nga đã và sẽ không làm việc với Snowden. Anh ta đến Moscow là chuyện hoàn toàn bất ngờ”. Ngoại trưởng Lavrov cũng xác nhận là Nga “không đóng bất kỳ vai trò nào trong vụ ông Snowden”, đồng thời phản bác yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ.
Trong khi đó thông tấn xã RIA Novosti cho biết một số thành viên Quốc Hội Nga cho biết sẽ mở cuộc điều tra về việc Hoa Kỳ do thám và có thể mời Snowden hợp tác vào cuộc điều tra này sau khi Snowden đã giải quyết tình trạng pháp lý của anh ta.
Còn Ecuador thì công khai tỏ bày sự thách thức Hoa Kỳ bằng cách nói không từ chối việc tị nạn của Snowden dù rằng cụ thể cho đến bây giờ chưa chấp thuận mà còn cứu xét. Đáp lại lời cảnh cáo của Thượng Nghị Sĩ Robert Menendez, chủ tịch ủy ban đối ngoại Thượng Viện Hoa Kỳ, rằng các biện pháp ưu đãi thương mại Hoa Kỳ dành cho Ecuador có thể chấm dứt ngay nếu để cho Snowden tị nạn chính trị, Tổng Thống Rafael Correa tuyên bố: “Chừng nào tôi còn là tổng thống thì Ecuador không thể bị đe dọa. Những quyết định của chúng tôi không phải để bán lấy tiền”. (HC)
--------------------------------------
Friday,
June 28, 2013 10:06:55 AM
WASHINGTON
(AP) – Cha của ông Edward Snowden, người tiết lộ chương trình do thám điện tử
của Cơ Quan An Ninh Quốc Gia (NSA), thừa nhận hôm Thứ Sáu là con trai
ông phạm pháp, nhưng "không phản quốc."
Xuất
hiện trong chương trình “Today” show của đài NBC, ông Lonnie Snowden nói: “Nếu
có người muốn gọi Edward là kẻ phản nghịch, thì thực ra con tôi đã
phản bội chính phủ, nhưng tôi không tin rằng nó đã phản bội nhân dân Hoa
Kỳ.”
Ông
Snowden cho biết luật sư của ông đã thông báo với Bộ Trưởng Tư
Pháp Eric Holder rằng ông tin con trai ông sẽ tự nguyện quay trở lại
Hoa Kỳ, nếu Bộ Tư Pháp hứa hẹn không giam cầm ông trước khi có phiên xử, và
không bắt ông phải chịu một “lệnh cấm khẩu," theo NBC.
Lệnh
cấm khẩu không cho phép thông tin liên quan đến sự việc được công bố trước
khi vụ án được đưa ra tòa, để bảo vệ cho cuộc điều tra không bị dư luận
ảnh hưởng.
Ông Snowden chưa nói chuyện với con trai từ Tháng Tư, nhưng tin rằng con ông bị những người ở WikiLeaks lôi kéo. Nhóm chống bí mật này hiện đang cố gắng giúp Edward Snowden được hưởng quy chế tị nạn.
"Tôi không muốn
đưa Edward vào tình trạng nguy hiểm, nhưng tôi rất quan tâm đến những
người đang ở xung quanh Eward,” ông Lonnie Snowden nói với NBC. "Tôi nghĩ rằng nhóm WikiLeaks, nếu nhìn vào những gì vừa xẩy ra,
thì thấy trọng tâm của họ không nhất thiết phải là Hiến Pháp Hoa Kỳ, mà chỉ đơn
giản là phát tán càng nhiều thông tin mật càng tốt."
Edward Snowden đã chạy trốn sang Nga, sau khi bị buộc tội vi phạm luật hoạt động gián điệp của Mỹ vì rò rỉ thông tin về chương trình giám sát của NSA. (H.G.)
Edward Snowden đã chạy trốn sang Nga, sau khi bị buộc tội vi phạm luật hoạt động gián điệp của Mỹ vì rò rỉ thông tin về chương trình giám sát của NSA. (H.G.)
No comments:
Post a Comment