Saturday, 29 June 2013

TRUNG QUỐC "DI DỜI 2 TRIỆU NGƯỜI TÂY TẠNG" (BBC)




BBC
Cập nhật: 09:39 GMT - thứ bảy, 29 tháng 6, 2013

Hơn hai triệu người Tây Tạng đã bị chính phủ Trung Quốc ép di dời trong bảy năm qua, báo cáo mới của Human Rights Watch cho biết.
Nhiều người, trong đó có hàng trăm nghìn người du mục, đã bị ép phải vào sống trong những "làng xã hội chủ nghĩa", tổ chức này nói.

Động thái này là bước đi mới nhất của chính phủ Trung Quốc nhằm thắt chặt sự kiểm soát chính trị đối với nguời Tây Tạng, HRW bình luận.

Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc cưỡng chế, trong bối cảnh có tin nói lệnh cấm tôn thờ Đức Dalai Lama ở một số nơi đã được nới lỏng.
Tuy nhiên BBC chưa thể xác nhận tin nói rằng các Phật tử ở vùng người Tây Tạng tại Trung Quốc được phép công khai tôn thờ vị lãnh đạo tinh thần của mình cũng như tin nói rằng họ được phép treo chân dung của ông.

Kiểm soát chặt chẽ

Hình ảnh từ Google Earth được HRW công bố dường như cho thấy sự phá hủy hàng loạt nhà cửa và thay vào đó bởi từng hàng nhà mới.
"Chính phủ đã bắt đầu cử những đoàn quan chức trong Đảng Cộng sản đến từng ngôi làng thuộc Khu Tự trị Tây Tạng," ông Nicholas Bequelin, nhà nghiên cứu về Châu Á của HRW giải thích.
"Những người được cử đến các ngôi làng này đã được chỉ đạo để sống chung với dân làng và theo dõi quan điểm chính trị của họ nhằm xác định ra những người nào bị nghi không trung thành với Đảng hoặc chính phủ."

Chính phủ Trung Quốc đã liên tục nhấn mạnh rằng việc đổ hàng tỷ đôla vào Tây Tạng là để thúc đẩy kinh tế và cải thiện đời sống nơi này.
Tuy nhiên, xung đột vẫn ở mức độ rất cao. Trong vòng bốn năm qua, ít nhất 117 người Tây Tạng đã tự thiêu để phản đối sự cai trị của chính quyền Trung Quốc, trong đó có 90 trường hợp tử vong.
Nhiều người Tây Tạng phẫn nộ trước việc di dân của người Hán vào đất Tây Tạng và sự hạn chế tự do tôn giáo của Đảng Cộng sản.

Đáp lại điều này, chính phủ Trung Quốc đã tăng cường giám sát toàn bộ cao nguyên Tây Tạng. Tại các thành phố, nhà cầm quyền có dấu hiệu đang theo dõi chặt chẽ những người có khả năng gây phiền toái bằng cách chia nhỏ các khu dân cư dọc theo hệ thống mạng lưới.
Hệ thống an ninh mới này được thiết lập để theo dõi chặt chẽ diễn biến trên đường phố nhằm ngăn chặn sự lặp lại những cuộc biểu tình quy mô lớn ở thủ phủ Lhasa hồi tháng Ba năm 2008.

Thêm vào đó, theo báo cáo, khoảng 300 nghìn người du mục đã bị di dời và bắt định cư từ đầu thập niên 2000. Cũng có tin nói nhà cầm quyền công bố ý định muốn bắt thêm 113 nghìn người nữa định cư vào cuối năm 2013.

Các khu làng Tây Tạng trước và sau khi tái xây dựng

Tự do thờ phụng?

Trong một diễn biến khác, một số Phật tử ở Tây Tạng nói giờ đây họ được công khai thờ phụng vị lãnh đạo tinh thần đang sống lưu vong, Đức Dalai Lama, theo đài RFA.
Trong một động thái nhằm thử nghiệm sự thay đổi trong chính sách, một số ngôi đền đã được phép treo chân dung của Đức Dalai Lama và không ai được phép chỉ trích ông.
Phật tử Tây Tạng được phép tôn thờ vị lãnh đạo tinh thần của mình chỉ với ý nghĩa tôn giáo, không phải chính trị, các nguồn tin nói với RFA.
Nếu sự thay đổi trong chính sách này có thật, điều này có thể cho thấy sự nới lỏng đáng kể trong thái độ của Đảng Cộng sản đối với Dalai Lama.

Nhiều năm nay, nhiều quan chức cao cấp Trung Quốc đã làm các Phật tử Tây Tạng phẫn nộ vì lăng mạ Đức Dalai Lama.
Người từng là Bí thư Tây Tạng cho đến năm 2011, Trương Khánh Lê, từng gọi vị tu sĩ là "con chó sói trong áo nhà sư".
Tuy nhiên, không rõ có thực sự đang diễn ra thay đổi chính sách hay không.

Một số nhà phân tích cho rằng nếu đây là sự thật thì cũng chỉ vì nhà cầm quyền đã thất bại trong việc cấm thờ phụng Đức Dalai Lama cũng như việc sử dụng hình ảnh của ngài tại các đền thờ.
BBC đã liên lạc với Cục Tôn giáo Nhà nước Trung Quốc để lấy lời bình luận về sự thay đổi chính sách tuy nhiên bị từ chối.

Người phát ngôn của Chính quyền Trung ương Tây tạng, tức chính phủ Tây Tạng đang lưu vong ở Dharamshala, Ấn Độ, nói ông có nghe về việc thử nghiệm chính sách mới, nhưng không thể kiểm chứng.
"Những nguồn tin như vậy, dù có thật, cũng là tin với quy mô địa phương," ông Tashi Phuntsok, thư ký ủy ban thông tin và đối ngoại của chính phủ lưu vong Tây Tạng nói.
"Có thể một số khu vực đã tiến hành chính sách mềm mỏng hơn để ngăn những cuộc tự thiêu."
"Tôi đã đọc thấy những tin tương tự trên mạng," một nhà sư tại khu tự trị Ganzi thuộc tỉnh Tứ Xuyên nói với BBC qua điện thoại.
"Tôi không biết tin này có thật hay không. Nhưng chắc chắn điều này không xảy ra ở đây."

Một nhà sư khác ở khu Tự trị Aba, Tứ Xuyên, nơi đã diễn ra nhiều vụ tự thiêu, cho biết: "Tôi không được biết tin này. Tuy nhiên chúng tôi không thể treo hình Đức Dalai Lama trong đền thờ cũng như tôn thờ ông một cách công khai."
"Chúng tôi chỉ có thể làm điều này trong bí mật," người này nói.

-----------------------------------------------


29.06.2013

Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc, ông Gary Locke, đã kết thúc chuyến viếng thăm 3 ngày ở Tây Tạng, nơi ông gặp gỡ các giới chức địa phương và một số tăng sĩ lãnh đạo các tu viện Phật giáo ở thủ phủ Lhasa.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Hoa Kỳ Patrick Ventrell hôm thứ sáu cho báo chí ở Washington biết rằng Đại sứ Locke đã thúc giục các nhà lãnh đạo chính trị ở Tây Tạng bảo vệ ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo của Tây Tạng và đã bày tỏ sự quan tâm của Hoa Kỳ về những vụ tự thiêu. Hơn 100 người Tây Tạng đã tự thiêu trong vài năm nay để phản đối điều mà họ cho là sự đàn áp của Trung Quốc.

Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh cho biết đây là lần đầu tiên một vị đại sứ Mỹ đi thăm Tây Tạng kể từ năm 2010. Ông Ventrell cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục những nỗ lực để thiết lập tòa lãnh sự ở Lhasa.

Trong khi đó, tổ chức Tây Tạng Tự do ở Anh xác nhận rằng chính phủ Trung Quốc vừa cho phép một số tu viện Tây Tạng được treo hình Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng đang sống lưu vong. Chính phủ ở Bắc Kinh tố cáo Đức Đạt Lai Lạt Ma khích động những cuộc nổi dậy ở khu tự trị của Trung Quốc. Ông Alistaire Currie của tổ chức Tây Tạng Tự do xác nhận với đài VOA rằng ít nhất một tu viện đang treo hình Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nhưng ông nói rằng không có dấu hiệu nào khác cho thấy là chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng các chính sách chống lại Đức Đạt Lai Lạt Ma.




No comments:

Post a Comment

View My Stats