Sunday 30 June 2013

XIN CON NUÔI : KHÓ HƠN CẢ SINH CON ? (Lao Động Online)




(LĐCT) - Số 26 - Chủ nhật 30/06/2013 07:30

Nhu cầu xin con nuôi của những cặp vợ chồng hiếm muộn đang ngày càng tăng lên, thế nhưng, để xin được một đứa trẻ tại các cơ sở nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em, mái ấm nhà mở rất khó vì  thủ tục giấy tờ. Chính vì thế, phần lớn các gia đình đều chọn cách xin con nuôi theo kênh “mách bảo”, tìm trên mạng, xin các trẻ bị bỏ rơi và thậm chí là ngã giá mua bán từ các ''cò''.

Xin theo kênh…tự do

Lấy nhau được 20 năm, gia đình chị Hà (ở quận 5, TPHCM) đã nhiều lần thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng đều thất bại vì cả hai đã gần 50 tuổi. Đấu tranh tư tưởng suốt một thời gian dài, họ mới quyết định tìm con nuôi. Tuy nhiên, đăng ký đã hơn 2 năm theo con đường chính thống tại các trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em mồ côi, họ vẫn chưa nhận được trả lời.

Nghe nhiều người mách bảo, chị Hà tìm đến các BV có chuyên khoa sản và nhờ “cò” để tìm kiếm giúp. Trước đường Cống Quỳnh của BV Từ Dũ, chị được “cò” Minh giới thiệu nhiều phụ nữ chuẩn bị sinh, nhưng muốn bỏ con. Minh giới thiệu một nữ sinh viên quê ở Bến Tre, học ở ĐH Mở TPHCM, đang mang thai con gái tháng thứ bảy và muốn cho con. ''Cò'' Minh đảm bảo gốc gác bố mẹ đứa trẻ rõ ràng, có trình độ nhất định. Tuy nhiên, chị Hà phải trả một số tiền cho người mẹ để dưỡng thai. Có 2 cách tính: Hỗ trợ hằng tháng cho đến ngày sinh hoặc đưa một gói sau khi giao con. Nếu đưa hằng tháng thì sẽ kiểm soát được bà mẹ ăn uống, tăng cân như thế nào để đảm bảo trẻ ra đời khoẻ mạnh. Còn đưa trọn gói sau sinh thì người xin sẽ rảnh tay nhưng không chăm lo, nắm bắt được diễn tiến phát triển của bé từ lúc còn ở trong bào thai.

Nóng lòng muốn có một đứa con mạnh khỏe, chị Hà chọn cách đưa tiền hằng tháng và bắt phải ký cam kết. Dẫu biết giấy cam kết kia là vô giá trị, thậm chí về pháp luật còn là sai nhưng “có còn hơn không”. Ít nhiều, chị  còn “nắm áo” được người cho. Lo từ A đến Z từng tháng một, khi đưa đi sinh, chị phải chi mọi thứ liên quan hết khoảng 40 triệu đồng và cho người mẹ 10 triệu đồng bồi dưỡng.

Không theo con đường như chị Hà, những người hiếm muộn khác chọn theo kênh tự do là đăng ở các trang mạng tìm con nuôi. Những thông tin như thế này có thể gặp rất nhiều. Chẳng hạn, trên diễn đàn của trang lamcha...com có đăng thông tin: “Vợ chồng mình hiện sống tại TP ở miền Nam. Mình không thể sinh con được dù đã chạy chữa mọi cách mà khoa học có thể hỗ trợ nhưng thất bại, nên vợ chồng mình muốn xin một bé gái làm con. Vợ chồng mình đều là dân có học, kinh tế vững vàng và rất yêu thương nhau. Nếu ai có thai mà không thể nuôi em bé thì cho vợ chồng mình xin hoặc ai biết thì xin chỉ giúp. Mình đảm bảo sẽ yêu thương, chăm lo cho bé như con do chính mình sinh ra. Ai có mong muốn cho con thực sự nghiêm túc thì nhắn tin vào hộp thư cho mình, hoặc gửi thư theo địa chỉ: @...com”.

Theo phản hồi của những người trong cuộc, việc xin con nuôi qua đăng tải thông tin trên mạng thường ít khi thành công, vì có quá nhiều “nguyện vọng” được gửi ''lên trời'' như thế. Hơn nữa, phần lớn các thông tin đều ghi ban đầu là “cho”, nhưng khi người muốn xin con nuôi liên hệ được với người cho, nhiều khi bị ''hét'' với giá “khủng”. Anh Hải bị vô sinh, sau một thời gian dài chữa trị vẫn không có kết quả, vợ chồng anh muốn tìm con nuôi và tìm hiểu thông tin trên mạng. Sau khi đọc một quảng cáo trên mạng: “Nữ sinh viên năm 3, quê ở Quảng Nam và đang học ĐH tại trường dân lập ở TPHCM sẽ cho con sau sinh”.

Lý do sinh viên này đưa ra là đã “lỡ” với một đồng hương cùng trường và muốn giấu gia đình. Sinh viên này khẳng định đảm bảo về sức khoẻ và có thể đưa bảng điểm học ở trường cho người thực sự muốn xin con. Tuy nhiên, khi liên hệ với địa chỉ mail ở trên thì vợ chồng anh Hải mới “té ngửa” vì cái giá mà sinh viên này đưa ra là đòi hỗ trợ nhiều lần, một lần là 50 triệu đồng.

“Tuỳ duyên”

Đây là 2 từ được nhiều người có con nuôi nhắc đến nhiều nhất khi chia sẻ kinh nghiệm cho các cặp vợ chồng đang trên hành trình tìm con. Chị Hồng Hoa- người có nhiều năm xin coi nuôi- nói: Chữ nhẫn phải đặt lên hàng đầu! Suốt thời gian dài chị đăng tin trên mạng nhưng không tìm được. Thậm chí, nhiều người còn đưa ra mức giá cao, chị vẫn chấp nhận, nhưng khi gặp đứa bé thì chị lại lẳng lặng ra về. Sau khi nghe nhiều người chỉ cách mới tìm con, chị âm thầm vừa đi làm từ thiện tại các địa chỉ nuôi dưỡng trẻ mồ côi của tôn giáo và vừa trông ngóng tìm một đứa con có duyên với mình. Suốt gần 3 năm ngược xuôi ở các tỉnh và cuối cùng chị tìm được một bé gái - con của công nhân tại một khu công nghiệp ở Đồng Nai.

 “Cũng lạ lắm, suốt quá trình làm từ thiện, chăm sóc trẻ mồ côi tôi gặp hàng trăm đứa trẻ, nhưng lại không có duyên với chúng. Đến khi gặp một bé gái mới 8 tháng tuổi bỏ trước cổng chùa ở Đồng Nai với tờ giấy của người mẹ ghi lại, tôi xúc động vô cùng. Tôi nghĩ, đây đúng là đứa con mà mình mong chờ. Đứa bé không đẹp như nhiều đứa trẻ khác mà tôi đã gặp trước đây, nhưng tôi lại yêu nó từ cái nhìn đầu tiên…” - chị H.H vui sướng kể lại.

Theo lãnh đạo của Trung tâm Nuôi dưỡng - Bảo trợ trẻ em Tam Bình, TPHCM: “Hiện nay, nhu cầu đăng ký xin con nuôi tại trung tâm khá lớn. Vì thế, những đứa trẻ lành lặn khi được các gia đình có nhu cầu muốn nhận về làm con nuôi thường phải đáp ứng một số điều kiện như chứng minh được thu nhập ổn định, cam kết thông báo tình trạng sức khỏe, điều kiện sống cho trung tâm sau khi nhận con... Trên thực tế, người nhận con nuôi ngại nhất là tình trạng những người mẹ đã bỏ con rồi, sau đó quay lại... đòi. Nhiều người mẹ là gái mại dâm, thậm chí nhiễm những căn bệnh nan y quay lại gây phiền hà cho người đã nhận nuôi con của mình, bất kể điều kiện sống của đứa trẻ như thế nào”.

Chính vì điều này, nhiều người trước khi nhận con nuôi cam kết rất đầy đủ với các trung tâm, nhưng vì sợ con nuôi biết gốc gác, nên họ nhanh chóng chuyển nhà và xoá toàn bộ thông tin gốc. Thậm chí, có người khi nhận được con nuôi từ các trung tâm đã phải di chuyển lòng vòng nhiều nơi, nhiều phương tiện giao thông khác nhau như xe buýt, taxi để phòng hờ người nhà theo sau, hoặc phải mang thai giả nhiều tháng để che mắt người xung quanh.

Việc cho và nhận nuôi con nuôi thể hiện tính nhân đạo, đảm bảo cho người con nuôi được chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình. Tuy nhiên, chính vì sợ thủ tục hành chính, nhiều người chọn giải pháp nuôi con nuôi thực tế (chưa đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền). Đây là trường hợp diễn ra khá phổ biến hiện nay và đến khi đứa trẻ lớn lên lại gặp nhiều rắc rối…

“Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới nói chung và VN nói riêng, 30% trường hợp vô sinh do nam, 30% do nữ, 30% do cả hai và 10% vô sinh chưa rõ nguyên nhân. Mặt trái của vô sinh không chỉ là nỗi đau của hai vợ chồng, mà còn là vấn đề của xã hội vì góp phần tăng bạo hành gia đình, tăng tỉ lệ ly hôn... Tình trạng vô sinh ngày càng có xu hướng gia tăng, vì thế nhu cầu nhận con nuôi cũng ngày càng nhiều hơn”. TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - PGĐ kiêm Trưởng khoa Hiếm muộn, BV Từ Dũ


No comments:

Post a Comment

View My Stats