Saturday 29 June 2013

CAMPUCHIA CẤM PHÁT SÓNG ĐÀI RFA & VOA TRONG DỊP BẦU CỬ (Quốc Việt - RFA)




Quốc Việt, thông tín viên RFA
2013-06-29

Chính phủ Hoàng Gia Campuchia vừa lên tiếng cấm các Đài phát thanh FM trong nước chuyển tiếp từ các Đài phát thanh quốc tế phát thanh bằng tiếng Khmer. Lệnh cấm này bắt đầu từ ngày vận động tranh cử đến ngày bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ V năm 2013. Những đối tượng bị cấm và dư luận có phản ứng ra sao trước quyết định đó?

Vi phạm luật báo chí

Bộ Thông tin Campuchia hôm 28/6, đã phát đi một thông báo với nội dung cho rằng các Đài phát thanh, truyền hình, báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chiến dịch vận động tranh cử và ngày bầu cử. Truyền thông trong nước còn đóng vai giúp người dân hiểu rõ chính sách chính trị của các đảng phái chính trị, để đảm bảo tiến trình bầu cử tự do và công bằng.

Thông qua thông báo đó, Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin Campuchia là ông Ouk Prathana cho rằng nhằm đảm bảo tính minh bạch trong chương trình phát thành, các Đài phát thanh của Nhà nước, tư nhân phải đảm bảo không để người nước ngoài đang sống tại Campuchia lợi dụng các hoạt động vận động tranh cử hoặc chống lại các đảng phái chính trị.

Thông báo nhấn mạnh: “Tất cả các Đài phát thanh FM phải dừng lại các chương trình chuyển tiếp từ các Đài phát thành quốc tế phát thanh bằng tiếng Khmer trong thời gian 31 ngày, tính từ trước ngày bầu cử và ngày bầu cử.”

Thông báo cấm phát chuyển tiếp từ Đài phát thanh quốc tế bằng tiếng Khmer tại Campuchia. RFA PHOTO/Quốc Việt.

Lệnh cấm này sẽ bao gồm các chương trình phát sóng của chương trình từ Đài Á Châu Tự Do, Tiếng nói Hoa Kỳ, Đài phát thanh quốc tế Pháp và Đài phát thanh quốc gia Úc.

Trước quyết định đó từ phía cơ quan chức năng Campuchia, Đài Á Châu Tư Do (RFA) vừa phát đi một thông cáo cho rằng đó là sự tấn công trực diện sâu rộng nhất trên phương tiện truyền thông tự do tại xứ chùa Tháp.

Theo Đài Á Châu Tự Do chỉ thị của Bộ Thông tin không phải xuất phát từ khiếu nại về những bất thường nào, nhưng đây là một chiến lược bịt miệng các tiếng nói khác nhau một cách trắng trợn.

RFA giúp người nghe truy cập tự do, đa dạng, nhận được thông tin bầu cử chính xác, và là nền tảng cho các cuộc bầu cử công bằng và tự do. Quyết định của Thủ tướng Hun Sen như thế cho thấy một bước lùi lớn trong công cuộc hướng tới dân chủ và tự do tại Campuchia.

Vẫn theo thông cáo, Đài Á Châu Tự Do tiếp tục cam kết qua những cơ sở hiện có của Đài đưa thông tin về bầu cử khách quan, chính xác, cân bằng đến cho người dân Campuchia vào thời điểm quan trọng này.

Sáu trong tám đảng chính trị tham gia tranh cử Quốc hội nhiệm kỳ V năm 2013, sẽ diễn ra vào ngày 28/7, cũng cho rằng lệnh cấm của Bộ Thông tin đã vi phạm Hiến pháp, quyền tự do báo chí.

Dân biểu Son Chhay, từ đảng đối lập Cứu Quốc phát biểu:
“Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) có thể làm bất cứ gì cho dù vi phạm luật bầu cử; quyền tự do tiếp nhận thông tin và phát biểu. Việc, họ cấm chương trình phát thanh của RFA và VOA vì họ không muốn dân nhận được thông tin độc lập.
Chính phủ của Thủ tướng Hun Sen đã vi phạm luật báo chí. Họ đang bóp béo sự thật và đang tăng cường quản lý thông tin trước ngày bầu cử và ngày bầu cử. Họ có thể làm bất cứ những gì, kể cả gian luận trong cuộc tranh cử.”

Sáu đảng phái lên tiếng với RFA rằng hầu hết người dân đã nghe RFA và VOA vì những bản tin độc lập, chính xác và cân bằng. Theo họ, lệnh cấm này sẽ làm người dân thiếu thông tin về cương lĩnh tranh cử và các hoạt động của đảng phái chính trị.

Dân biểu Son Chhay, thuộc đảng đối lập Cứu Quốc Campuchia. RFA PHOTO/Quốc Việt.

Còn Giám đốc điều hành của Ủy ban Bầu cử Tự do và Công bằng Campuchia (Comfrel) là ông Hang Puthea cho biết lệnh cấm của chính phủ sẽ làm cử tri chọn sai người đứng đầu chính phủ trong nhiệm kỳ tới.

Ông nói:
“Thật đáng tiếc, mặc dù là Đài phát thanh nước ngoài nhưng bản tin của họ độc lập, cân bằng. Thông tin của họ có thể cung cấp cho cử tri có thông tin đầy đủ, và chọn đúng ứng cử viên. Cuộc tranh cử Quốc hội không phải của cá nhân. Trong trường hợp các cử tri thiếu thông tin hoặc chỉ nhận được thông tin từ phía chính phủ thì dẫn đến quyết định sai lầm.”

Tôn trọng luật bầu cử?

Tuy nhiên, ông Buth Bovuth, Tổng Giám đốc của Bộ Thông tin cho rằng việc cấm này sẽ giúp các cơ quan truyền thông tôn trọng tốt các quy định bầu cử và đặc biệt là Hiến pháp của Campuchia.

Ông Buth Bovuth giải thích:
“Chúng ta có thể thấy rõ có ảnh hưởng đến quyền bày tỏ ý kiến hay không, chúng tôi chỉ tạm cấm phát chuyển tiếp đối với Đài phát thanh FM trong nước. Trang RFA vẫn còn, nhưng các Đài phát thanh trong nước không thể chuyển tiếp từ các Đài nước ngoài nếu họ muốn giữ được tính trung lập. Không thể nào lấy bản tin của RFA, VOA phát trên Đài của họ vì các Đài địa phương có chính sách riêng. Chúng tôi làm thế này vì muốn Đài phát thanh FM và cơ quan truyền thông trong nước viết tin cân bằng, tôn trọng và phù hợp với luật bầu cử.”

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nhận xét rằng đây là cớ của chính phủ để bịt miệng các đảng phái chính trị tham gia tranh cử.

Ông nói tiếp:
 “Các kênh truyền thông của chính phủ sẽ tăng cường phát đi các hoạt động của chính phủ. Và đó là những thông tin lề phải mà họ muốn người nghe có được. Do đó, cuộc vận động tranh cử và bầu cử không được tự do và công bằng. Thủ tướng Hun Sen có thể làm mọi thứ để được chiến thắng. Họ có thể đóng cửa các báo chí để thắng cử…”

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ phát đi một tuyên bố kêu gọi Phnom Penh xem xét lại quyết định này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Patrick Ventrell nói chỉ thị này là một sự vi phạm nghiêm trọng về tự do báo chí và tự do ngôn luận, và hẳn mâu thuẫn với tinh thần của một quá trình dân chủ lành mạnh.

Nhưng ông Chhum Socheat, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Campuchia nói Phnom Penh không cấm Đài phát thanh nước ngoài nước phát sóng. Đài phát thanh nước ngoài vẫn có thể phát chương trình của họ trên làn sóng ngắn.

Còn ông Buth Bovuth nói những phát biểu trên là quyền tự do bày tỏ ý kiến. Lệnh cấm này không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử và cũng không sai vì các Đài phát thanh quốc tế này không nằm dưới sự kiểm soát của pháp luật Campuchia. Ông nói thêm, qua chỉ thị này các cử tri càng hiểu rõ quy định bầu cử.

Được biết, ở Campuchia hiện nay có 10 Đài phát thanh địa phương chuyển tiếp từ Đài Á Châu Tự Do phát sóng bằng tiếng Khmer; có 7 Đài chuyển tiếp từ Đài tiếng nói Hoa Kỳ phát bằng Khmer ngữ.

Còn cơ quan truyền thông ủng hộ chính phủ có khoảng 500 đơn vị báo chí, hơn 40 Đài phát thanh và hơn 10 Đài truyền hình.

------------------------------------------

29.06.2013
Hoa Kỳ lên án việc chính phủ Campuchia cấm các đài phát thanh địa phương không được phát các chương trình của truyền thông nước ngoài trong thời gian trước cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 7.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Patrick Ventrell hôm thứ sáu cho biết Bộ Thông tin Campuchia đã ban hành một chỉ thị cấm phát thanh các chương trình do nước ngoài sản xuất trong vòng 31 ngày trước cuộc bầu cử ngày 28 tháng 7. Thủ tướng Hun Sen muốn tiếp tục nắm quyền qua cuộc bầu cử này. Chỉ thị của Bộ Thông tin cũng ra lệnh cho các đài phát thanh ngưng tường thuật về những người nước ngoài có đóng bất kỳ một vai trò nào trong cuộc vận động bầu cử.

Những hạn chế này ảnh hưởng tới những tổ chức như Đài Á châu Tự do và Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA).

Ông Ventrell nói rằng chỉ thị này xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do báo chí và khiến người ta nêu nghi vấn về sự tự do và công bằng của cuộc bầu cử.

Bộ Thông tin Campuchia nói rằng không hề có lệnh cấm nào đối với các chương trình phát thanh của nước ngoài vì những chương trình phát thanh quốc tế bên ngoài Campuchia qua làn sóng ngắn hoặc sóng trung bình đều không bị hạn chế.

Đài VOA đang xem xét tới việc tăng thêm các tần số của các chương trình phát thanh sóng ngắn tới Campuchia trong những ngày tới đây.

Biên tập viên cấp cao của Tiếng Nói Hoa Kỳ, ông Steve Redisch, hôm thứ sáu đưa ra một thông cáo lên án mọi mưu toan làm cho giới truyền thông im tiếng. Ông nói rằng những tin tức và thông tin đáng tin cậy, chính xác và cân bằng là vô cùng cần thiết trước các cuộc bầu cử.




No comments:

Post a Comment

View My Stats