Friday 28 June 2013

SỰ CHUYÊN CHẾ CỦA ĐA SỐ (James Traub - Foreign Policy)




James Traub  -  Foreign Policy  

Mai Xương Ngọc chuyển ngữ
Friday June 28th, 2013

Đã gần một tuần lễ xảy ra nạn lạm dụng các nguyên tắc dân chủ bởi các nhà lãnh đạo thường được cho là dân chủ. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã sử dụng cảnh sát chống bạo động để giải tán những người biểu tình ôn hòa tại Quảng Trường Taksim của Istanbul, những người bị ông ta lên án là “một số kẻ cướp phá” và “một vài kẻ ăn bám”. Thượng viện Ai Cập đã thông qua một đạo luật hạn chế sự hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, khiến cho các nhóm xã hội dân sự Ai Cập khẳng định nó “đặt nền tảng cho một nhà nước cảnh sát mới” dưới quyền của Tổng thống Mohamed Morsy, người được bầu lên một cách dân chủ. Hàng trăm ngàn người Brazil đã xuống đường để phản đối gần như mọi thứ – nhưng chính phủ lại tỏ ra bối rối hơn là giận dữ.

Điểm chung của những sự kiện diễn ra tại Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ là cách bóp méo đặc biệt về nền dân chủ: chủ nghĩa độc đoán thông qua bầu cử. Cả Erdogan và Morsy đối xử với những người đi theo đảng của họ – những kẻ trong mọi trường hợp có lẽ không tạo thành đa số tuyệt đối của đất nước – như là “nhân dân” để nhân danh ấy mà nắm quyền cai trị, trong khi đối xử với đối thủ của họ như những kẻ thù, những kẻ tạp nham, những kẻ không có quyền công dân sống dựa vào các ý tưởng nước ngoài hoặc tài trợ từ nước ngoài. Nhưng họ hầu như không bao giờ đơn độc. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thiết lập một chế độ độc tài trên cơ sở chủ nghĩa quốc quyền thông qua bầu cử, giống như Hugo Chávez của Venezuela trước khi chết. Điểm khác biệt là không ai ngộ nhận rằng nước Nga hay Venezuela là các nền dân chủ; còn sự hỗn loạn ở Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đang đe dọa một điều gì đó đáng quý, hoặc ít nhất là đáng hy vọng.

Cả Erdogan và Morsy đều không đi xa như Putin hay Chávez, mặc dù Morsy đã gần vươn tới khi ông ta ban hành một sắc lệnh bãi bỏ việc xét lại các quyết định của ông ta về mặt pháp lý vào cuối tháng 11, và theo đó tạm thời thâu tóm mọi quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp vào trong tay ông ta. (Ông ta bị buộc phải rút lui vào tháng sau đó.) Tuy nhiên, cả hai đều có vẻ thực sự tin chắc rằng bản thân họ, và chỉ có họ, tượng trưng cho ý chí của nhân dân. “[Bọn họ nói rằng] Tayyip Erdogan là một kẻ độc tài”, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ nói về bản thân ông ta ở ngôi thứ ba trong một bài phát biểu trên truyền hình. “Nếu họ gọi người phục vụ nhân dân là kẻ độc tài, thì tôi không còn biết nói bất cứ điều gì nữa.” Đùa giỡn với ngọn lửa của chủ nghĩa dân túy – nhưng rất khéo léo – ông Erdogan đã kích động các cuộc biểu tình ủng hộ chế độ với quy mô thậm chí còn lớn hơn các cuộc biểu tình ở Quảng trường Taksim, nơi các đối thủ chỉ trích ông ta là một kẻ chuyên quyền mới xuất hiện.

Erdogan và Morsy, Chavez và Putin – đều là những kẻ mắc chứng hoang tưởng tự đại, những kẻ không thể hoặc không muốn phân biệt giữa “ý chí của nhân dân” với ý chí của bản thân họ. Nhưng đây cũng là một căn bệnh của các nền dân chủ non yếu, khi các quyền lợi còn quan trọng đến mức cả phe lãnh đạo cũng như phe đối lập thường cho rằng thỏa hiệp là phản bội lại lợi ích quốc gia. Điều này cũng đúng ngay cả trong những thập kỷ đầu tiên của nền cộng hòa Mỹ. Các đối thủ của ông John Adams buộc tội ông ta tìm cách khôi phục lại chế độ quân chủ, rồi đến khi con trai của Adams, ông John Quincy Adams, giữ chức vụ Tổng thống, cả hai đối thủ lớn là Andrew Jackson cùng Phó Tổng thống John C. Calhoun khẳng định rằng ông này đang lập kế hoạch lật đổ Hiến pháp đồng thời áp đặt chế độ độc tài. Ở mức tương đương, ông Adams cùng các đồng minh của ông ta cũng tin chắc rằng nếu Jackson được bầu, ông ta sẽ phá hủy Liên minh. Khái niệm về sự khác biệt chính đáng giữa các quan điểm đã hình thành rất chậm.

Các quốc gia may mắn có được một Nelson Mandela hay George Washington nhận được một bài học lâu dài trong cách sử dụng quyền lực dân chủ. Còn khi nào các nền dân chủ nổi lên từ một loạt các cuộc thương lượng giữa phe cải cách và phe thống trị, như ở Đông Âu sau sự sụp đổ của bức tường Berlin, tất cả mọi người đều có cơ hội để học hỏi nghệ thuật của sự thỏa hiệp. Nhưng khi quyền lực bị thâu tóm bằng cách mạng, như ở Ai Cập và những nơi khác trong thế giới Ả Rập, có một quy tắc mà ai cũng biết, đó là kẻ chiến thắng sẽ vơ cả. Bởi vậy, làm thế nào để các nhà lãnh đạo học cách đại diện cho cả một dân tộc thay vì chỉ cho bè phái của những người đã bỏ phiếu cho họ?

Họ sẽ không biết, đương nhiên – nhưng cử tri có thể dạy cho họ một bài học. Người Serbia đoàn kết lại vào năm 2000 để đánh bại nhà độc tài theo đuổi chủ nghĩa dân túy Slobodan Milosevic, kẻ đã bịa đặt đa số phiếu chính trị trên cơ sở của chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm. Nhưng điều này đòi hỏi phải có một phe đối lập đoàn kết và có kế hoạch, điều không thể tìm thấy trong Đảng Cộng hòa Nhân dân theo đường lối Ataturk cũ của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc phe đối lập bị chia rẽ sâu sắc trước nhóm Anh em Hồi Giáo cầm quyền tại Ai Cập. Nhưng không chỉ có đảng cầm quyền, mà còn là toàn bộ nền văn hóa chính trị của các nền dân chủ mới thường giao quyền cho chủ nghĩa độc đoán thông qua bầu cử.

Văn hóa có ý nghĩa quan trọng, và các quy tắc cũng vậy. Trong cuốn Các Mô hình Dân chủ, nhà khoa học chính trị Arend Lijphart lập luận rằng các thể chế dân chủ hình thành hai mô hình cơ bản: mô hình chủ trương đa số quyết định, như người Anh với nội các chính phủ độc đảng chiếm quyền quyết định, hoặc “mô hình đồng thuận” để quyền lực được thực hiện thông qua các liên minh. Lijphart quan sát thấy rằng trong các xã hội đồng nhất, mọi công dân đều có thể cảm thấy được đại diện một cách hợp lý trong một hệ thống theo mô hình đa số quyết định, trong khi cũng mô hình này ở các quốc gia bị chia rẽ sâu sắc bởi giai cấp hay bản sắc báo hiệu sự xuất hiện của “chủ nghĩa độc tài bởi đa số quyết định và xung đột dân sự.” Ông ta ủng hộ cho các quy tắc bầu cử đảm bảo cách đo tỷ lệ đại diện, các liên minh chính phủ, cơ chế lập pháp lưỡng viện có thẩm quyền, sự phân quyền chính trị. Lijphart tuyên bố rằng mô hình đồng thuận tối đa hóa tính hợp pháp dân chủ mà vẫn giữ hiệu quả.

Các quy tắc bầu cử giúp giải thích sự khác biệt giữa cách phản ứng của hai nền dân chủ trẻ năng động là Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil trước hàng loạt các cuộc biểu tình đường phố. Trong khi Erdogan đã biến kẻ thù của mình thành quỷ, thì nữ Tổng thống Dilma Rousseff của Brazil ca ngợi những người biểu tình vì đã đánh thức quốc gia chú ý đến những thiếu sót. Brazil cũng đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng, nhưng không phải là một cuộc khủng hoảng về quyền đại diện như ở Thổ Nhĩ Kỳ. Larry Diamond, một học giả hàng đầu về dân chủ tại Đại học Standford, chỉ ra rằng cả Rousseff và người tiền nhiệm giống Erdogan của bà ta, ông Luiz Inacio “Lula” da Silva, đã phải thương lượng về chính trị nhiều hơn so với ông Erdogan bởi họ lãnh đạo dựa trên các liên minh trong khi ông Erdogan kiểm soát đa số trong nghị viện. Đến lượt lý do cho điều này là vì luật pháp Thổ Nhĩ Kỳ loại bỏ các đảng phái không giành được nhiều hơn 10% số phiếu phổ thông ra khỏi nghị viện. Hệ thống của Thổ Nhĩ Kỳ tạo điều kiện cho sự bốc đồng tồi tệ nhất của Erdogan. Cộng tác với các đối thủ có thể buộc ông ta phải nhận ra một vài bài học đắt giá.

Nền dân chủ được củng cố qua sự kết hợp giữa những quy tắc tốt đẹp và những thói quen tốt lành – giữa hiến pháp và văn hóa. Nhưng chúng thường thất bại trước khi đạt được điều đó, và cả một tập hợp con gồm các tài liệu học thuật phân tích những trường hợp bị thụt lùi. (Mali là ví dụ gần đây nhất.) Gần như không thể hình dung được một kịch bản xảy ra ở Ai Cập, theo đó việc quân đội giành lại quyền chỉ huy sau những cuộc xung đột không ngừng giữa ông Morsy, phe đối lập thế tục, và giới tư pháp lại kích động nhiều hỗn loạn, bạo lực, cũng như làm tê liệt nền kinh tế hơn nữa so với những gì đã diễn ra. Trên thực tế, hành vi độc đoán của kẻ này tạo ra hành vi độc đoán của kẻ khác, nền dân chủ thất bại và Ai Cập quay trở lại một dạng mới của hiện trạng trước đó – như Pakistan là một ví dụ đã trải qua nhiều lần.

Nhưng đó không phải là kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất đối với Ai Cập, và chắc chắn cũng không phải cho Thổ Nhĩ Kỳ. Thời đại mà người dân chấp nhận, càng không nói đến chuyện đòi hỏi, quay trở lại chế độ chuyên chế đang sắp kết thúc. Những gì chúng ta thực sự nhìn thấy trong các cuộc biểu tình quần chúng ở Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, cũng như ở các nơi khác là một thái độ không chấp nhận một thỏa thuận ngầm rằng quyền công dân trong nền dân chủ bị giới hạn trong quyền bỏ phiếu – bên cạnh một tầng lớp chính trị bị tê liệt vì không biết làm thế nào để đáp ứng lại những yêu cầu này. “Cứ bốn năm một lần, chúng tôi lại tổ chức bầu cử và quốc gia này tự đưa ra lựa chọn cho nó,” ông Erdogan giảng giải cho người dân của mình như vậy. Đó là sai lầm. Chủ nghĩa độc đoán thông qua bầu cử sẽ không hoạt động theo cách đã từng được tiến hành trước kia bởi vì có quá nhiều người sẽ không chấp nhận nó. Chế độ độc tài của đa số, hoặc của đa số giả định, sẽ tiếp tục tồn tại ở một vài nơi, như ở nước Nga. Nhưng những ngày tháng của nó đang được đếm ở Venezuela, trong khi tôi không thấy nó diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Vấn đề thực sự ở chỗ là các nền dân chủ không sẵn sàng đáp ứng sẽ gây ra nhiều cuộc biểu tình phản đối hơn, dẫn đến việc kích động nhiều hành động phản ứng lại, khiến cho niềm hy vọng và mục tiêu chung ở các quốc gia như Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhường chỗ cho hận thù và chia rẽ, gây sụt giảm đầu tư và năng suất lao động, bởi vậy lại càng gây ra nhiều hận thù và chia rẽ. Trong thế giới Ả Rập, dường như chỉ có Tunisia đang thu hẹp sự chia rẽ giữa các nhóm để tạo nên một trật tự khả thi mới; Ai Cập và Libya đang tiến đến những hình thái dân chủ rối loạn chức năng khác nhau. Các quốc gia này cần thời gian để rèn luyện những thói quen mới, đồng thời tạo ra những quy tắc tốt hơn. Nhà tư tưởng chính trị Samuel Huntington đã quan sát thấy rằng nền dân chủ tại Hoa Kỳ đã không hoàn toàn được củng cố cho đến khi phe Cộng hòa của ông Adams bị thua trước phe Dân chủ của Jackson, để sau đó những người theo chủ trương của Jackson lần lượt nhường chỗ cho phe Whigs. Thay đổi chế độ là thuốc bổ cho một nền dân chủ. Bởi vậy, chúng tôi hy vọng ông Erdogan cũng như ông Morsy sẽ chứng tỏ rằng họ không phải là Putin hay Chávez.

[*] James Traub là một thành viên của Trung tâm Hợp tác Quốc tế. Mục “Điều khoản Cam kết” của ông trong tờ báo ForeignPolicy.com được cập nhật hàng tuần. Theo dõi ông trên Twitter: @JamesTraub1.

Nguồn: James Traub, The Tyranny of the Majority, Foreign Policy, ngày 21 Tháng Sáu 2013.

Bản Tiếng Việt © 2013 The Pacific Chronicle


No comments:

Post a Comment

View My Stats