Thursday,
June 27, 2013
Báo
Thanh Niên ngày hôm qua có một bản tin làm tôi suy nghĩ: “Người Việt nghèo nhất trong nhóm người châu
Á tại Mĩ” (1). Nhưng tôi e rằng tựa đề bài báo này không đúng với những
gì trình bày trong bản báo cáo mà bài báo đề cập đến. Dữ liệu từ báo cáo cho
thấy người Việt ở Mĩ có thu nhập khá, nhưng trình độ học vấn thì kém nhất so
với cộng đồng Tàu, Ấn, Nhật, Hàn, và Phi.
Bài
báo viết rằng “Với tựa đề Cách ly nhưng bình đẳng: Công dân châu Á tại Mỹ, báo
cáo cho thấy người Ấn và người Nhật là những công dân có điều kiện thuận lợi
nhất về kinh tế tại Mỹ. Trong khi người Việt Nam lại là nhóm người nhập cư có
thu nhập thấp nhất và ít học nhất trong các nhóm nhập cư châu Á.”
Thật
ra, đó là báo cáo “Separate but equal:
Asian Nationalities in the US” do Gs John Logan và đồng nghiệp W. Zhang
soạn thảo và phân tích. Như chúng ta thấy, ngay cả cách dịch “nationalities” =
“công dân” cũng không ổn mấy, nhưng thôi, chúng ta hãy tập trung vào cái thông
điệp chính của bài báo. Trong bài này, Logan và Zhang so sánh những chỉ tiêu
liên quan đến kinh tế, giáo dục và an sinh của 6 cộng đồng người Á châu ở Mĩ
(Tàu, Phi, Ấn, Việt, Hàn, và Nhật).
Báo cáo của Logan và
Zhang có thể xem qua ở đây:
http://www.s4.brown.edu/us2010/Data/Report/report06112013.pdf
Bảng
số 2 trong báo cáo của Logan và Zhang cho thấy thu nhập trung bình (tính trên
hộ gia đình - household) của người Việt là 52,830 USD, cao hơn cộng đồng người
Hàn (50,000), nhưng thấp hơn Tàu (65,000), Ấn (89,600), Phi (77,010), và Nhật
(65,000). Như vậy, dựa vào con số này, không thể nói “Người Việt nghèo nhất
trong nhóm người châu Á tại Mĩ”. Càng không thể kết luận như thế khi mà phân
tích này chưa xem xét đến các cộng đồng Á châu khác như Cambodia, Lào, Miến
Điện, Thái Lan, Pakistan, Bangladesh, v.v. Thật ra, báo cáo của Logan và Zhang
không hề viết rằng người Việt nghèo nhất.
Tuy
nhiên, báo cáo đó cũng chỉ ra vài xu hướng đáng chú ý về giáo dục. So với cộng
đồng Tàu, Nhật, Hàn, Phi, và Ấn, cộng đồng người Việt là ít học nhất. Tính
trung bình, số năm theo học (years of schooling) của người Việt là 11.8 năm, so
với Tàu (13.9), Ấn (15.5), Phi (14.1), Nhật (14.4), và Hàn (14.5). Một báo cáo
khác (Pew Research) cho thấy tỉ lệ người trên 25 tuổi có trình độ đại học và
cao đẳng ở người Việt chỉ 26%, và con số này thấp nhất so với Tàu (51%), Ấn
(70%), Phi (47%), Nhật (46%), và Hàn (53%).
Chúng
ta biết rằng thu nhập bình quân có tương quan cao với trình độ học vấn. Do đó,
những dữ liệu trên có phần … mâu thuẫn. Bởi vì cộng đồng người Việt có trình độ
học vấn thấp nhất, chúng ta “kì vọng” rằng thu nhập bình quân của người Việt
phải thấp nhất so với 5 cộng đồng kia. Nhưng số liệu trên cho thấy thu nhập
bình quân của người Việt cao hơn người Hàn!
Tôi
nghĩ những con số trên cần phải đặt trong bối cảnh thực tế của cộng đồng người
Việt. Thứ nhất, người Việt chỉ mới định cư ở Mĩ từ 30 năm qua (trước đó cũng có
nhưng không đáng kể), còn các cộng đồng khác, như Tàu và Phi chẳng hạn, thì đã
định cư khá lâu ở Mĩ. Thứ hai, đại đa số người Việt đến Mĩ với hai bàn tay
trắng (tị nạn mà!), còn những cộng đồng khác họ đến với tiền của đàng hoàng. Do
đó, trong một thời gian ngắn mà người Việt đạt được mức thu nhập như thế thì
cũng đáng chú ý lắm chứ.
Báo
cáo nói rằng các cộng đồng Á châu thường tập trung nhau (giống như cộng đồng
người Châu Mĩ Latin), nhưng đó KHÔNG phải là một điểm tiêu cực. Không giống như
cộng đồng người Châu Mĩ Latin thường nghèo, còn các cộng đồng người Á châu thì
giàu - giàu hơn so với người da trắng bản xứ (tính theo thu nhập). Tôi nghĩ xu
hướng tập trung như thế cũng dễ hiểu. Thoạt đầu mới chân ướt chân ráo sang xứ
người, phải tìm nơi gần đồng hương để sống chứ. Gần đồng hương có nhiều cái lợi
như học hỏi kinh nghiệm người đi trước, nếu bí tiếng Anh thì nói tiếng nước
mình, và quan trọng hơn hết là thực phẩm. Thử tưởng tượng sống giữa nước Mĩ mà
sáng ăn phở, cơm tấm; trưa ăn cơm gà, bánh mì; chiều cơm xào (mà món nào cũng
ngon hơn ở Việt Nam) thì còn gì hay hơn? Nhưng thế hệ thứ hai thì chúng sẽ dần
dần xa cộng đồng và tìm nơi nào ít người Việt để sống vì đối với họ sống gần
người Việt có nhiều vấn đề quá!
Nhưng tôi thấy những nghiên cứu xã hội ở
người Việt thường có độ tin cậy thấp. Không phải tại nhà nghiên cứu kém, mà tại
… người Việt. Người Việt thường nói không thật. Nhất là đụng đến chuyện hỏi họ
về những thông tin liên quan đến cá nhân thì họ thường né tránh hay nói dối. Có
lẽ do tâm lí sợ hãi và không tin vào người khác. Họ có thể có thu nhập 70 ngàn
USD một năm, nhưng họ nói 40 ngàn USD (để làm cho người ta thương hại). Họ làm
quần quật trong các tiệm buôn bán của người Việt, nhưng trên giấy tờ thì họ …
thất nghiệp. Người da trắng thất nghiệp là thất nghiệp thật (phải sống chật
vật), còn người Việt, theo kinh nghiệm của tôi, thì không thất nghiệp thật. Họ
"thất nghiệp" nhưng vẫn có thu nhập đều đều, vẫn đi nghỉ holiday, vẫn
gửi tiền về bên nhà giúp thân nhân, thậm chí còn xây nhà nữa! Do đó, tôi nghĩ
những cuộc điều tra xã hội ở người Việt rất khó có độ chính xác tốt. Người Mĩ và
người phương Tây rất khó hiểu được người Việt, và những con số họ báo cáo khó
có độ chính xác cao. Trong thực tế, tôi nghĩ thu nhập của người Việt (và người
Tàu nữa) ở Mĩ cao hơn con số mà các nhà nghiên cứu trình bày.
1
comment:
Vu
Khoa said...
Tôi
rất đồng ý với tác giả với cái kết luận của ông. Người Việt thường không trả
lời đúng những gì thực sự về mình và gia đình mình mà nhà nghiên cứu phỏng vấn.
Nhất là về tiền bạc. Ngoài những lý do mà tác giả đưa ra, còn lý do mà it ai
muốn nói tới, vì ngại đụng chạm hay gây tranh cải. Đó là, thu nhập mà họ trả
lời nhà PV là thu nhập được trả bằng checks, và có khai thuế. Còn thu nhập bang
tiền mặt thì thực sự chẵng ai khai ra( ngu sao khai, hehe). Do đó, thực sự lợi
tức của người Việt thực sự khá cao. Có lẽ là cao nhất không chừng. Hảy nhìn số
tiền người ta gởi về VN hang năm là trên 10 tỷ Mỹ kim. Nếu số tiền đó là khoảng
5% thu nhập thì lợi tức của khoảng 2 triệu người Việt ở nước ngoài là 200 tỷ
MK. Nếu là 2% thì số tiền đó là 500 tỷ. Con sô quá lớn khó tưởng tượng cho
khoảng hơn 2 triệu người.
No comments:
Post a Comment