Thứ bảy 29 Tháng Sáu 2013
Phải chăng sự lớn mạnh về kinh tế và quân sự của Trung
Quốc đi cùng với thái độ hung hăng, hăm dọa các nước trong các tranh chấp chủ
quyền biển đảo đã tạo thuận lợi cho Hoa Kỳ thực hiện chiến lược “xoay trục”
sang châu Á, thúc đẩy Nhật Bản và Philippines tăng cường hợp tác với nhau ?
Tạp chí trên mạng The diplomat.com số ra ngày hôm nay,
29/06/2013, cho rằng đúng như vậy, qua bài viết « Trục Mỹ - Nhật – Philippines,
một sản phẩm của Trung Quốc? ». Theo tạp chí, từ lâu nay, giới nghiên cứu quan
hệ quốc tế thường lập luận rằng đứng trước một mối đe dọa an ninh quốc gia, các
nước chỉ có hai cách để đối phó.
Thứ nhất là tăng cường nội lực, nâng cao khả năng quốc
phòng. Tuy nhiên, nếu phải đối mặt với một cường quốc quá mạnh, thì các nước
này buộc phải tìm cách liên minh với bên thứ ba. Các động thái tại Đông Nam Á
và Đông Bắc Á trong thời gian qua đã chứng minh cho lập luận nói trên.
Sau vụ tàu Trung Quốc và Philippines đối mặt với nhau
trong nhiều tuần lễ ở bãi đá Scarborough, hồi năm ngoái, chính quyền Manila đã
đưa ra kế hoạch 1,8 tỷ đô la để hiện đại hóa quân đội, tập trung vào việc mua
vũ khí, phương tiện quân sự. Tình hình tương tự tại Nhật Bản.
Sau các căng thẳng do tranh chấp chủ quyền quần đảo
Senkaku/Điếu Ngư, đặc biệt từ tháng 09/2012, chính quyền Shinzo Abe trong tháng
Giêng năm nay, đã hai lần đề nghị tăng chi phí quân sự. Trước đó, từ năm 2002,
Nhật Bản không hề tăng ngân sách quốc phòng. Đồng thời, Tokyo còn cho phép mở
rộng phạm vi tác chiến của quân đội Nhật Bản.
Thế nhưng, các nỗ lực bên trong của Philippines và Nhật
Bản cũng không thể giúp hai nước này cạnh tranh với Trung Quốc về lâu dài. Tổng
sản phẩm quốc nội của Trung Quốc lớn gấp 30 lần so với Philippines. Do vậy,
cùng với việc tăng cường sức mạnh quân sự, Manila tìm kiếm sự hỗ trợ của ASEAN,
của Mỹ, đưa vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc ra tòa án quốc tế,
tăng cường hợp tác với Nga và gần đây nhất là với Nhật Bản.
Cho dù hiện nay, Nhật Bản có thể bảo vệ được quần đảo
Senkaku/Điếu Ngư nếu Trung Quốc tấn công quân sự, nhưng về lâu dài, sẽ không có
lợi cho Tokyo. Chấp nhận thực tế này, Nhật Bản đẩy mạnh quan hệ với ASEAN, Hoa
Kỳ, Nga, Đài Loan, Ấn Độ, Philippines, thậm chí cả các nước ở Trung Cận Đông và
kêu gọi các nước châu Âu vốn có quan hệ lịch sử với châu Á, tăng cường vai trò
trong khu vực.
Trong tuần, bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori
Onodera đã công du Philippines và bầy tỏ cảm thông với Manila trong hồ sơ tranh
chấp chủ quyền biển đảo với Bắc Kinh. Ông nói: « Phía Nhật Bản rất lo ngại là
tình hình ở Biển Đông có thể tác động đến tình hình tại biển Hoa Đông ».
Chuyến công du của bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản trùng
với thời điểm Mỹ và Philippines cùng tập trận gần bãi đá Scarborough, còn
Manila thông báo có kế hoạch hiện đại hóa các cơ sở hạ tầng phục vụ hải quân và
không quân trong căn cứ quân sự cũ của Mỹ tại vịnh Subic, đồng thời bộ trưởng
Quốc phòng Philippines khẳng định sẽ tạo thuận lợi cho quân đội Mỹ tiếp cận các
căn cứ này.
Bên cạnh các hiệp định liên minh quân sự, an ninh
Mỹ-Nhật, Mỹ - Philippines, tạp chí The Diplomat khẳng định, như vậy, chính Trung
Quốc đã tạo dựng ra trục liên minh Mỹ-Nhật-Philippines. Thế nhưng, các lãnh đạo
cấp cao Trung Quốc lại không nhìn thấy hậu quả các hành động của họ và cho đến
lúc này, Bắc Kinh vẫn khẳng định chủ yếu là do âm mưu, thao túng của
Washington.
The Diplomat nhắc lại nhận định của giáo sư Joe Nye,
trong hơn 15 năm qua, kể từ thời tổng thống Bill Clinton, các chính quyền Mỹ
đều bác bỏ chiến lược chống Trung Quốc vì cho rằng rất khó thuyết phục các nước
tham gia liên minh chống Trung Quốc trừ phi Trung Quốc sử dụng chiến thuật đe
nẹt, giống như Liên Xô đã từng làm sau đại chiến thế giới thứ hai. Chỉ có Trung
Quốc, qua cách hành xử của họ, mới có thể giúp các nước tổ chức chống Trung
Quốc. Nói một cách khác, chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đã tạo thuận lợi cho
công việc của Washington.
No comments:
Post a Comment