Radio CTM
Cập
nhật: 29/06/2013
Kính
thưa quí thính giả, ngày 9 tháng 7 sắp tới, Tòa án nhân dân Tp. Hà Nội sẽ mở
phiên toà hình sự sơ thẩm, xét xử LS Lê Quốc Quân về cái gọi là tội trốn thuế.
Sau khi đọc bản cáo trạng của Viện kiểm sát Hà Nội, blogger Nguyễn Hữu Vinh đã
có cuộc trao đổi với phóng viên Vân Quang; mời quí thính giả theo dõi.
Vân
Quang: Xin chào anh Nguyễn Hữu Vinh. Thưa
anh, vào ngày mồng 9 tháng 7 sắp tới toà án Hà Nội sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ
án hình sự về cái gọi là trốn thuế của luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân. Là một
người bạn đã nhiều năm hiểu biết về Lê Quốc Quân, anh nghĩ gì về vụ án này?
J.B
Nguyễn Hữu Vinh: Thứ
nhất là tôi với Lê Quốc Quân cũng biết nhau khá lâu, trước hết vì chúng tôi là
những người tín hữu Công giáo với nhau, thường gặp nhau ở nhà thờ và anh em
hiểu nhau, có một số công việc trong Giáo hội, ...thì tôi nhận xét Lê Quốc Quân
là một người rất sôi nổi, rất nhiệt tình và rất là hy sinh trong những công
việc chung của Giáo hội cũng như là một người dấn thân cho những công việc xã
hội chống lại bất công, suy thoái, những vấn đề của xã hội mà không đúng với
luật pháp.
Nhận
xét của tôi về Lê Quốc Quân là trong quá trình tiếp xúc, nói chuyện, tôi thấy
Lê Quốc Quân là người khá chặt chẽ, chú ý và tuân thủ luật pháp trong cuộc
sống. Vì vậy khi nhận được thông tin anh bị bắt về tội trốn thuế thì tôi cũng
rất là ngạc nhiên, bởi vì chúng tôi cũng đã có một số lần tranh luận với Lê
Quốc Quân về vấn đề trốn thuế, về hậu quả của những việc có thể xẩy ra trong
quá trình làm ăn. Thế nhưng Quân có nói với tôi là trong tất cả những vấn đề đó
thì không có gì đáng ngại, bởi vì Lê Quốc Quân là người làm ăn rất nghiêm túc
và rất tin tưởng vào một nhà nước pháp luật, pháp quyền. Do đó mọi vấn đề, dù
là đồng ý hay không đồng ý, dù là tốt hay không tốt về bản chất, sự việc; nhưng
Quân vẫn tin tưởng rằng việc nào sẽ ra việc đó. Cho nên việc xảy ra hôm nay về
vụ án trốn thuế này thì tôi cũng rất là ngạc nhiên. Tôi cũng không hiểu rõ nội
dung, sự tình của vụ án và quá trình đó như thế nào, nhưng đây chỉ là nhận xét cá
nhân và tôi thấy là việc này cũng khá ly kỳ trong vụ án này. Tôi chưa rõ người
ta đang định trong vụ án này là gì, nhưng tôi thấy trong đó có nhiều vấn đề đặt
khá nhiều nghi vấn cho những người như chúng tôi, là những người tuy ít hiểu
biết về pháp luật nhưng có những quan tâm.
Vân
Quang: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Việt Nam hiện nay có nhiều vụ án gọi là ’trốn thuế’ đã xảy ra, nhưng sau đó lại
chuyển hướng sang vấn đề khác; thí dụ như Điếu Cầy, sau một thời gian thi hành
án gọi là trốn thuế thì lại bị chuyển sang một vụ án gọi là chính trị, trong
khi đó thì ông đang ở trong nhà tù với bản án đến cả 12 năm. Ông Cù Huy Hà Vũ
lúc đầu thì bị bắt vì cái vụ án gọi là ’Hai bao cao su’ rồi sau lại chuyển sang
thành vấn đề chống đối nhà nước, cũng là vụ án tới 7 năm tù. Bây giờ lại đến Lê
Quốc Quân cũng ’trốn thuế’, thì không hiểu diễn tiến sẽ đi đến đâu, thì theo
ông, ông bình luận gì về cái vụ án gọi là ’trốn thuế’ hiện nay?
J.B
Nguyễn Hữu Vinh: Thưa
ông, trong thực tế thì tôi thấy có nhiều vụ án mà dùng lý do nọ để bắt về tội
kia thì đã xảy ra khá nhiều. Vụ án của Điếu Cầy như ông vừa nhắc đến chẳng hạn,
thì ông ta bị bắt, rồi sau đó bị kết án 30 tháng tù giam, mặc dù lúc bấy giờ đã
có rất nhiều người khẳng định là kết trốn thuế đối với Điếu Cầy là việc trái
pháp luật. Về các nguyên tắc, các qui định, các điều luật Việt Nam đã qui định
rõ rang, nhưng Điếu Cầy vẫn bị kết tội trốn thuế 30 tháng tù giam. Điều đáng
ngạc nhiên nữa là sau khi ông bị kết tội 30 tháng tù giam thì ông không được
thả về mà ông lại tiếp tục bị giam giữ trở lại để tiếp tục có một bản án khác
liền kề sau đó. Cho đến gần đây thì có những tờ báo nói huỵch toẹt ra là vì
những tội chống đối nhà nước nên ông bị bắt vào năm 2008.
Đấy
bản chất của vụ án là vậy. Cũng như vụ án ông vừa nhắc đến thứ hai là vụ ông Cù
Huy Hà Vũ, từ hai bao cao su đã qua xử dụng để chuyển thành tội chống đối nhà
nước, thì đó là những vụ án mà nó gần như là điển hình mà ông Cù Huy Hà Vũ cho
rằng đấy là nỗi nhục nhã của nền hình sự nước nhà cũng như trong <... nghe
không rõ...> ... vụ án điển hình trên thế giới. Vậy thì vụ án Lê Quốc Quân
trốn thuế, tôi chưa biết được thực chất của vấn đề trốn thuế đến đâu, như thế
nào; nhưng qua những bản cáo trạng mà cơ quan Viện kiểm sát đưa ra, thì tôi
thấy.... mình không phải là các nhà làm luật, luật gia hay luật sư; nhưng mà
trong đó có nhiều điều tạo cho người ta sự nghi ngờ, tạo cho người ta những
điều mà người ta cảm thấy vấn đề ở đây là vụ án này có tính chất nào đó khác
hơn. Chẳng hạn như căn cứ trong cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân Tp. Hà Nội
đã đưa ra thì không thấy có một quyết định nào, cái cơ sở đề nghị nào là ông
Quân đã phạm tội trốn thuế, hoặc là có những hành động như thế này đề nghị cơ
quan công an điều tra. Hay là cơ quan công an điều tra tất cả mọi trường hợp
trốn thuế trên đất nước này mà không cần một cơ quan thuế nào đó, một cơ quan
chức năng nào đó ra một quyết định nào; mà trong hồ sơ của bản cáo trạng thì
hầu hết chỉ có căn cứ các quyết định khởi tố hình sự, căn cứ quyết định khởi tố
bị can, căn cứ các quyết định bị can số nọ số kia mà thôi, chứ không có một
quyết định nào là điều 36, 166, 167 của luật tố hình sự. Không có một cơ sở
nào, tức là một người nào đề nghị, hoặc là một cá nhân nào, hoặc là một tổ chức
- mà đặc biệt là cơ quan thuế - đề nghị cơ quan công an điều tra về việc trốn
thuế của Lê Quốc Quân; chưa thấy có văn bản đó.
Đó
là điều thứ nhất. Điều thứ hai là ngay trong văn bản cáo trạng đó cho thấy một
điều rõ ràng là bản cáo trạng của Viện kiểm Sát Nhân Dân Tp. Hà Nội đã kết tội
dựa trên lời khai của những người liên quan, chẳng hạn như những nhân viên của
Lê Quốc Quân, những người ký kết hợp đồng, rồi những đơn vị cùng mua bán hàng.
Nhưng điều cơ bản nhất là những chứng cớ rõ ràng còn đó, là chữ ký của họ, hợp
đồng còn đó, các phiếu nhận, phiếu thu, phiếu chi, và tất cả điều đó cho thấy
nhận tiền như thế nào, rồi giao tiền ra làm sao, chữ ký của họ,… thì hầu như
không được đếm xỉa. Vậy thì điều này rất là vô lý ở chỗ là một cơ quan điều tra
phải biết rằng là trong tất cả mọi vụ án có một nguyên tắc là người ta trọng
chứng cứ hơn là lời cung. Và chính trong bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam cũng
đã qui định rõ ràng, tức là theo điều 72, lời khai của bị can, bị cáo chỉ có
thể coi là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác và không được dùng lời
nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội. Trong khi ở đây
thì những lời khai của người này, người kia tại cơ quan điều tra, mà ở cơ quan
điều tra thì người ta khai cái gì chỉ có cơ quan điều tra và họ mới biết được;
còn tất cả những hợp đồng, giấy tờ, chứng cứ, rồi dấu đen, dấu đỏ, rồi những
giờ này khác,…. đúng qui định của nhà nước thì không được xét đến, là những
chứng cứ để chứng minh là vô tội. Một cơ quan điều tra, cơ quan tòa án phải suy
xét theo nguyên tắc vô tội của bị cáo, chứ không thể suy xét theo nguyên tắc
kết tội người ta ngay từ đầu.
Trong
vụ án này, theo tôi biết thì người nhà của Lê Quốc Quân có nói với tôi là chẳng
hạn như có hiện tượng là đưa những người khác có dấu hiệu hoàn toàn không dính
líu vào để lập một hồ sơ kết tội Lê Quốc Quân, là điều mà người ta đặt những
dấu hỏi. Chẳng hạn như là trong bản cáo trạng có ghi là hành vi lập <....
nghe không rõ...> hợp đồng tư vấn môi giới thương mại thì Lê Quốc Quân đã
thuê Phạm Thị Phương làm kế toán ngoài giờ cho công ty trách nhiệm Giải Pháp
Việt Nam từ tháng 8/2008 với công việc làm sổ sách kế toán thế này thế kia.
Nhưng trên thực tế thì tôi được gia đình Quân cho biết là hoàn toàn không có
chuyện công ty trách nhiệm hữu hạn Giải Pháp Việt Nam đã có thuê Phạm Thị Phương
một lần nào. Phạm thị Phương là người làm việc cho một công ty khác thì tại sao
lại được đưa vào để kết tội cho công ty này? Đó là cái điên đầu mà hiện nay
người ta đặt nhiều câu hỏi. Đấy, những vấn đề khuất tất, những vấn đề chưa rõ
ràng như thế, thì những người bình thường như tôi, không phải là luật sư, cũng
chẳng phải là luật gia, nhìn vào đó thì tôi cũng còn thấy có những điều bất hợp
lý. Nhưng tôi tin rằng nếu như bản cáo trạng đó, vụ án đó được đưa ra thì mọi
người sẽ nhận xét được tính chất của vụ án này, nó là một vụ án chính trị hay
là một âm mưu, hay là một vụ án trốn thuế thật sự.
Ở
Việt Nam, việc tôi đưa cho anh 10 triệu đồng, anh cầm rồi anh ký nhận vào đấy
là anh đã nhận 10 triệu đồng có đầy đủ giấy tờ. Nhưng đến khi người ta hỏi một
mình anh, song anh khai là không, tôi chỉ nhận có 1 triệu thôi, còn phần còn
lại tôi không nhận; nhưng trong khi tôi vẫn còn cầm giấy tờ đó mà người ta tin
anh thì đó là một sự chà đạp lên luật pháp chứ không thể nói là luật pháp được.
Luật pháp phải yêu cầu là trọng chứng cứ hơn trọng cung, và những chứng cứ là
gì? Là chữ ký của anh còn đó, và anh chịu trách nhiệm về chữ ký đó. Công ty nào
bán hàng cho tôi mà lại không cấp hàng mà lại cấp hoá đơn, giấy tờ đầy đủ, hợp
đồng và hóa đơn cho tôi, thì công ty đó phải chịu trách nhiệm chứ không phải là
tôi, vì cái quyết định cuối cùng là gì? Có giấy tờ xác nhận tôi đã trả tiền,
tôi đã nhận hàng và tôi đã trả tiền đầy đủ. Anh xác nhận vào đó thì anh phải
chịu trách nhiệm trước pháp luật, chứ không thể là muốn kết tội một người thì
ông đi bán ông cũng mang tội, ông đi mua ông cũng mang tội. Cái chuyện vô cùng
lạ lùng trong cái vụ án này nó là như vậy. Cho nên tôi thấy rằng đây là một vụ
án cần phải xem xét một cách nghiêm túc. Đa số các vụ án mà không được xem xét
một cách nghiêm túc thì nó càng chứng tỏ rằng không thể xây dựng một nhà nước
pháp quyền trên những cơ sở, những bản án như vậy.
Vân
Quang: Thưa ông, không chỉ là dư luận trong
nước mà cả dư luận quốc tế cũng rất quan ngại về những vụ án gọi là trốn thuế
mà nhà nước Việt Nam đang tiến hành với một số người hoạt động dân chủ nhân
quyền ở trong nước, nhất là giới báo chí, giới luật gia, các nhà trí thức,… Ông
bình luận sao về vấn đề này?
J.B
Nguyễn Hữu Vinh: Thưa
ông, tôi thấy vấn đề như thế này, những người có tiếng nói không đồng nhất với
nhà nước thì thường bị những tội này tội kia; người thì mắc cái này, người thì
cái khác. Trong cuộc sống thì tôi nghĩ rằng không một người nào có thể đầy đủ
tất cả mọi vấn đề được, không có những sai lầm mà không có những vấn đề này cả.
Vấn đề là ở chỗ, nếu là một nhà nước pháp quyền thì tội nào ra tội đó, việc nào
ra việc đó, vấn đề nào ra vấn đề đó, chứ không thể cái nọ xỏ cái kia. Vấn đề
rất khó khăn ở đây là những người làm việc, những người có những tiếng nói
riêng, những người có thái độ không đồng nhất, gọi là bất đồng, thì thường bị
vào những tội như ’hai bao cao su’, những tội như là trốn thuế, những chuyện
như là Cù Huy Hà Vũ cãi nhau với hàng xóm, hoặc những chuyện cá nhân bị bêu rếu
hoặc là những chuyện để làm mất uy tín của người ta. Tôi cho rằng đó là sự
không minh bạch. Nói rõ ràng hơn, đó là sự hèn hạ, sự không đàng hoàng của nền
pháp lý. Nếu như anh đủ chính nghĩa thì không việc gì anh phải làm những cái
trò như vậy. Còn những người đã chấp nhận đấu tranh, chấp nhận nói lên sự thật
và chấp nhận những khốn khó, thiệt thòi đó thì họ cũng đã xác định cho mình
rằng đó là những vấn đề mà họ phải chịu thôi; nhưng để những điều đó xảy ra thì
tôi nghĩ đó là điều rất đáng tiếc trong một nhà nước pháp quyền.
Vân
Quang: Xin cảm ơn ông Hữu Vinh đã có sự trả
lời thẳng thắn về vụ án nầy.
J.B
Nguyễn Hữu Vinh: Xin
cảm ơn ông, xin cảm ơn tất cả thính giả của quí vị và chúc mọi người được bình
an.
Nguồn: Radio
CTM
Cùng tác giả:
No comments:
Post a Comment