Saturday, 29 June 2013

NHỮNG CHUYỆN ÉO LE Ở VÙNG ĐẤT MŨI (Lao Động)




Những chuyện éo le ở vùng đất Mũi:
(LĐ) - Số 125 - Thứ ba 04/06/2013 15:10

Đốt than lậu ở Cà Mau. ảnh: Nhật Hồ

Thương quá người dân sống bám trong các cánh rừng ngập mặn Cà Mau. Trò chuyện với chúng tôi, ai cũng biết, cũng ý thức được việc họ đang làm là vi phạm pháp luật, thậm chí còn ví von đó là “tự đốt nhà mình” như một người tên Ngẩng ở ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển nói.

“Nhưng không làm vậy thì lấy gì mà bỏ vào miệng? Chúng tôi cùng đường nên mới làm cái việc cực chẳng đã là chặt rừng, đốt than lậu…” - Ngẩng hỏi rồi tự trả lời.

Bị bắn chết vì chặt gỗ lậu

Như Lao Động đã thông tin, rạng sáng ngày 19.5, đội tuần tra 5 người thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) phát hiện ông Lê Minh Vui (42 tuổi) - một người dân nghèo đang ngụ tại xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi, Cà Mau - đang cặp xuồng máy trong rừng phòng hộ Kiến Vàng, có dấu hiệu khai thác cây rừng (cây đước) trái phép.

Lực lượng làm nhiệm vụ đề nghị ông Vui dừng lại để kiểm tra, nhưng ông Vui không dừng lại, mà còn đâm thẳng xuồng mình vào xuồng của lực lượng đang làm nhiệm vụ, đồng thời dùng chân vịt làm hai cán bộ là Phạm Văn Bờ và Phạm Văn Vệ bị thương nặng. Thấy tình thế nguy cấp, một trong 5 người của đội tuần tra đã nổ súng. Ông Vui tử vong trên đường đi cấp cứu.

Đó là theo báo cáo của UBND huyện Ngọc Hiển. Còn theo người nhà của ông Vui thì hôm xảy ra sự việc, gia đình ông Vui có 3 người. Khi đội tuần tra đến thì hai con trai ông Vui đang đốn củi trong rừng. Nghe tiếng súng nổ, họ chạy ra đến nơi thì lực lượng bảo vệ rừng đã chở ông Vui đi. Các con ông Vui nghĩ ông bị “giải về đồn”, phải đến sáng hôm sau mới hay tin cha họ đã chết.

Khi chúng tôi viết những dòng này, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng Cà Mau sớm làm rõ cái chết của ông Lê Minh Vui. Tuy nhiên, dù có làm rõ như thế nào, ai đúng, ai sai, rồi thậm chí cả xin lỗi, bồi thường nếu ông Vui không sai đi nữa thì ông  cũng không thể nào sống lại được.

Một câu chuyện khác của người đàn ông có tên là Ngẩng. Đầu hắn húi cua, mặt mũi bặm trợn kiểu rất khó ưa, đặc biệt là đôi mắt luôn dò xét, nửa như đe dọa, nửa như đang giấu người đối diện điều gì đó. Khi gặp chúng tôi, hắn khoe mới được trở về làm lại công dân của ấp Mũi, sau mấy năm ngồi đếm lịch trong tù vì tội vào rừng quốc gia Mũi Cà Mau chặt đến 5 khối đước về đốt than lậu, đem bán kiếm tiền nuôi vợ con sống qua ngày.

Hắn nói: “Cha tui đẻ tui ra đặt tên là Ngẩng, nhưng sống, làm người trên đời đến nay đã hơn 30 năm mà tui chưa có phút giây nào được ngẩng cao đầu với người ta. Nhiều lúc quẫn quá, tui nghĩ hay mình tự vẫn chết quách cho xong...”. Ngẩng kể, bây giờ mình đang sống bằng nghề thợ đụng, không còn dám vào rừng nữa sau mấy năm trải nghiệm ở trong tù. Và hắn rùng mình nhớ lại những năm tháng lén lút vào rừng chặt củi, đốt than. Hắn kể những ngày ở tù, lâu lâu hắn lại ho ra máu.

Nguyên nhân không phải do bị đánh đập, mà là hậu quả của những năm tháng “làm việc” không kể ngày đêm, đặc biệt là  vác thân đước quá nặng từ nơi đốn hạ về nơi hầm than. “Đêm xuống mới kinh hoàng” - hắn nói: “Đêm nào cũng một mình tui ngồi thu lu trong lán để canh chừng hầm than, bốn bề là rừng âm u, mờ mịt. Tui vốn sợ ma, nên chỉ cần nghe tiếng gió thổi hơi mạnh là toàn thân đã run lên bần bật. Có lần sợ quá, tui về mang con chó ra ngủ cùng, ai ngờ chó còn sợ ma hơn cả tui. Suốt đêm hắn hết run lại tru, khiến tui đã sợ càng sợ hơn...”.

Không chỉ sợ ma rừng…

Nhưng với Ngẩng và những người như hắn, không phải ma rừng, mà kiểm lâm mới là nỗi sợ lớn nhất. “Từ chặt cây cho đến hầm ra than phải mất hai ngày, hai đêm và trong thời gian đó ruột gan tui luôn như lửa đốt. Bởi kiểm lâm mà biết, ập đến một cái là không những công sức tiêu tan, mà còn tù tội, nhẹ nhất thì cũng xử phạt, đập lò than...”. Ông Hân - cha của Ngẩng - góp chuyện: “Người dân ở đây ai cũng biết vậy là sai, nhưng đâu còn cách nào khác? Nghèo, không có đất đai để nuôi trồng, cùng đường người dân mới phải liều mình vào rừng đốt than kiếm sống.

Mà mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục ngàn chứ nhiều nhặn gì (mỗi kilôgram than đước bán từ 7.000-9.000 đồng). Nhưng cái ăn đôi khi phải đổi bằng sự tù tội, thậm chí là cả mạng sống...”. Nhắc đến chuyện tù tội, chúng tôi hỏi Ngẩng: “Chặt 5 khối gỗ đước mà phải lãnh án đến mấy năm tù giam?” Ngẩng lạnh lùng: “Cộng thêm tội chống người thi hành công vụ”. Ánh mắt Ngẩng lóe lên sắc lạnh khi nói, khiến chúng tôi giật mình nhớ lại cảnh anh em nhà hắn “tiếp đón” chúng tôi cách đây mấy phút.

Số là ngày chúng tôi đến, gặp lúc kiểm lâm và chính quyền địa phương huyện  phối hợp truy quét các lò than lậu ở khu vực này. Chiều hôm trước, đã có mười mấy lò ở ấp Mũi bị đập bỏ. Vì không còn lò than lậu nào để... xem, lại nghe đồn gia đình Ngẩng lúc đó vẫn lén lút  hầm than ngay sau nhà, chúng tôi tự tìm tới sau khi tất cả xe ôm trong ấp đều từ chối, vì sợ Ngẩng trả thù. Vừa vào tới sân, đã thấy cả nhà Ngẩng già trẻ lớn bé, trong đó có đến 5 thanh niên lực lưỡng đứng dàn hàng ngang, ai nấy mặt mũi hằm hằm.

Lát sau, khi nghe chúng tôi trình bày rằng ở “nước Huế” vô du lịch, nhỏ lớn chưa thấy hầm than bao giờ nên đi tìm xem cho biết, không khí “chào đón” mới dịu xuống dần. Nhưng chúng tôi không được nhìn thấy lò than nào ở nhà Ngẩng với lý do: “Nhà chỉ hầm lượng ít để dùng, nhưng mấy hôm nay nghỉ hầm nên chẳng có gì mà coi”.

Tùng, 28 tuổi, ở xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Tùng cưới vợ cách đây 5 năm, được cha mẹ cho “ra riêng” bằng 3 vuông tôm (mỗi vuông rộng khoảng 1.000m2) nằm sát cửa biển. Những năm trước tôm còn trúng, Tùng còn vào ra hàng ngày giữa nhà và vuông tôm. Hai năm trở lại đây tôm mất mùa, không đủ sống, Tùng cùng vợ con ở hẳn ngoài vuông để làm thêm bằng nghề đốt than lậu. Và tất nhiên, ở vùng này không chỉ mỗi Tùng phải “làm thêm”.  “Ở đây biệt lập gần như hoàn toàn với thế giới bên ngoài, nhưng đổi lại, tôm cộng với than cũng đủ sống qua ngày” - Tùng cười hiền lành.

Than lậu thì chỗ nào cũng bị cấm, nhưng do ở đây không phải là rừng quốc gia như bên Đất Mũi nên lực lượng kiểm lâm cũng nới tay hơn, làm ngơ cho Tùng tỉa rừng trong vuông của mình. Đổi lại, trong vuông của Tùng phải nuôi thêm một đàn gà, chủ yếu là gặp lúc “mấy ổng” đi qua, Tùng lại sai vợ giết gà để mời lai rai chút đỉnh. Hỏi chuyện tương lai, Tùng thở dài: “Sống được ngày nào hay ngày ấy. Em không nghề nghiệp, giờ rời vuông tôm, rời lò than lậu này ra là không biết làm gì để kiếm cơm, các anh ạ...”.

Khó kiểm soát

Theo số liệu của Sở NNPTNT Cà Mau, trong năm 2012 và đầu năm 2013 đã xảy ra hơn 400 vụ tác động đến rừng. Trong đó, lực lượng kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương đã phá hơn 310 lò than tự phát của người dân, chủ yếu tập trung tại các huyện: Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi... Ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau - cho biết: Tình trạng hầm than diễn ra nhiều nơi trong vườn. Thời gian qua, vườn đã phối hợp với chính quyền địa phương mở nhiều cuộc tuyên truyền vận động người dân, nhưng tình trạng phá rừng, hầm than lậu vẫn không có chiều hướng giảm. Điều khó là những lò than nằm ngay rừng phòng hộ (từ đê biển trở ra) nên lực lượng bảo vệ rừng rất khó kiểm soát.

*
*

Những chuyện éo le ở vùng Đất Mũi:
(LĐ) - Số 126 - Thứ tư 05/06/2013 13:04

Những ngôi nhà bỏ hoang - do cả nhà đi Bình Dương làm công nhân - ở Cà Mau.

Chuyện bắt đầu từ chuyến xe đò nối Cà Mau - TPHCM. Trên xe toàn những vợ chồng, con cái, với cơ man hành lý kiểu như cách nay mấy chục năm người miền Trung đi kinh tế mới vào miền đất hứa Cà Mau.
Họ đang đi đâu vậy? Họ đang đưa cả gia đình đến Bình Dương để làm... công nhân. Điều gì đang xảy ra trên vùng đất vốn dễ sống tới mức, chỉ cần cắm cần câu xuống kênh là có cá ăn cả ngày?

Đóng cửa ra đi cả nhà

Chúng tôi đáp chuyến xe đi Bình Dương. Ông Tèo - một người dân ở ấp Mũi - cũng vậy. Chẳng lạ gì nhau, bởi ông là nhân vật phóng sự của chúng tôi năm ngoái. Nhìn tình cảnh, không hỏi cũng biết ông Tèo đang đi đâu và vì sao. Bởi độ này năm trước, khi chúng tôi ngồi lai rai tại nhà ông - căn nhà hai mặt tiền trống huơ trống hoác ở ấp Mũi - đã nghe ông than: “Tương lai mờ mịt, tui đang tính đưa cả nhà đi Bình Dương làm công nhân. Trong ấp có mấy gia đình vừa bỏ đi Bình Dương, thấy tương lai lắm...”.

Ông Tèo sống bằng nghề đánh bắt thủy sản, ngày được ngày mất, nhưng ngày được nhất cũng chỉ 50.000 đồng; vợ ông bán chuối chiên, nhưng sáng chiên tối phải ăn trừ cơm, vì chẳng mấy người mua. Nghèo không lối thoát, người vùng “đất hứa” Cà Mau như ông cũng toan tính chuyện lên đường đi tìm “đất hứa”. Và bây giờ, chúng tôi ngồi bên nhau, nhưng là trên chuyến xe đò Cà Mau - Bình Dương. Ông Tèo rơm rớm nước mắt: “Nào ai muốn rời nơi chôn rau cắt rốn, gắn bó hơn nửa đời người. Nhưng không đi không còn đường sống...”.

Khác với miền Trung, người dân ở những vùng tận cùng tổ quốc như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc
Trăng... thường khoá nhà đi làm công nhân, cả nhà từ già trẻ lớn đều ra đi. Ông Tèo lý giải: “Lên đó sẽ thuê một nhà trọ, ai có sức thì đi làm việc, ai không có sức thì ở nhà chợ búa, cơm nước. Phải đi cả gia đình như vậy mới dành dụm được tiền, còn đi một mình, làm bao nhiêu xài bấy nhiêu, có khi không có tiền xe để về quê lễ tết”.

“Phong trào” đi làm công nhân ở Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh... của người dân các tỉnh này bắt đầu cách nay 5 năm, khi “phong trào” phá lúa nuôi tôm của người dân trong khu vực bắt đầu thoái trào. “Cứ sau mỗi vụ tôm thất bát, nợ nần chồng chất, nơi này nơi kia lại có gia đình đóng cửa gồng gánh bỏ xứ đến nơi khác làm ăn” - ông Phan Văn Tuấn - ở xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, một trong những vựa tôm của Cà Mau ngày trước - kể.

Ngoài những người nuôi trồng thua lỗ, nguồn công nhân ở đây còn có những gia đình không đất sản xuất, không vốn làm ăn, vào rừng chặt củi đốt than thì bị đuổi, ra biển bắt cá thì bị rượt do đất rừng, mặt nước ở đâu cũng có chủ. Cùng đường không lối thoát, họ đành ngậm ngùi ly hương.

 “Những ngày đầu, việc người dân bỏ xứ đi làm công nhân ngoại tỉnh là chuyện động trời, xôn xao cả ấp, cả xã, nhưng giờ thì quá nhiều thành ra bình thường. Có khi còn được nhắc đến như tấm gương lên Bình Dương làm công nhân để có tương lai; ông C, bà Đ sau mấy năm đi làm công nhân về cất được nhà, trả được nợ. Chừng đó thôi cũng để người ta coi việc làm công nhân ở Bình Dương là lối thoát gần như duy nhất, và số người ở đây lên đó luôn năm sau cao hơn năm trước”.

Bây giờ lang thang ở các vùng quê từ Cà Mau lên Bạc Liêu, qua Sóc Trăng..., ở đâu chúng tôi cũng nghe, cũng thấy những ngôi nhà cửa đóng then cài lạnh lẽo, vườn tược bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, mà những chủ nhân của nó đang chen chúc trong phòng trọ chật hẹp trên các thành phố để làm thuê. Theo thống kê của Sở LĐTBXH tỉnh Cà Mau, đến thời điểm này, số người bỏ xứ đi lao động ở Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận là hơn 36.000 người.

Ở Bạc Liêu có ít hơn, nhưng cũng trên 20.000 người... Nhưng nghịch lý là trong lúc toàn tỉnh Cà Mau có đến hơn 36.000 lao động đang làm công nhân ở Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh. thì ngay tại Cà Mau, các khu công nghiệp lại không tuyển đủ công nhân cho mình. Theo lý giải của ông Phan Văn Tuấn, nguyên nhân do tâm lý xấu hổ với hàng xóm, bạn bè... của đa số người dân ở đây. “Họ cho rằng làm công nhân là thấp kém, là việc cực chẳng đã, nên có làm thì phải đi thật xa để không ai biết”.

“Sự nhàn rỗi đến chây lười”

Khởi đầu là tò mò về một hiện tượng lạ, để rồi theo năm tháng đã thành nỗi ám ảnh của chúng tôi với câu hỏi không lời đáp: vì sao một vùng đất đai rộng lớn, phì nhiêu, vốn “ngày xưa sống dễ tới mức, chỉ cắm đại cần câu xuống kênh là có đủ cá ăn cả ngày”, nay lại có nhiều người khốn cùng đến mức phải bỏ xứ mà đi?

Buổi trưa tại một khu du lịch sinh thái ở ấp 12, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Thức ăn vừa dọn ra trên bàn với đầy đủ cá, rau - đặc sản của rừng U Minh - thì anh Thịnh - người mời cơm chúng tôi - lôi trong túi xách ra một nhúm ớt hiếm nguyên trái. Anh khoe “phải hái từ... Sóc Trăng, chứ ở đây không có”. Chúng tôi giật mình nhìn quanh, cả một khu du lịch sinh thái rộng mênh mông, nhưng ngoài những chòi lá và hồ nước, còn lại là đất trống, và chỉ toàn cỏ, tuyệt không có một loại hoa màu gì.

Đó là thực trạng phổ biến của không riêng người dân ở vùng U Minh. Nhìn những khu đất trống chúng tôi cứ tiếc ngẩn ngơ với những hình dung: Chỗ này sẽ là những luống khoai, chỗ kia là giàn mướp đắng, bên cạnh là giàn bầu, xa xa là vườn cải, đằng kia là những bụi ớt... “Đất trống nhiều, sao không trồng rau, cải, riềng, ớt, bầu bí... bán kiếm tiền?” Câu hỏi này, chúng tôi hỏi từ mũi Năm Căn qua rừng U Minh, hỏi từ Bạc Liêu đến Sóc Trăng, hỏi lên cả An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre... và ở đâu cũng nhận câu trả lời từ người dân, đại ý: “Ngoài chợ người ta bán đầy, chừ mình trồng, bán ai mua”. Hỏi tiếp: “Sao không trồng mà ăn hằng ngày, khỏi mất công ra chợ mua tốn tiền?”. Trả lời: “Ôi, cần thì... ra chợ mà mua, ở ngoải thứ gì chẳng có (!)”.

Phụ huynh cũng... “đi học” theo con. Ảnh: Nhật Hồ
=
Xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) một ngày đầu tháng 5. Mới 6 giờ sáng, chưa kịp đánh răng, đã thấy quán cắt tóc gội đầu nữ ở đối diện các em cho đến các chị, các bà đứng ngồi. Họ đang chờ đến lượt mình sơn sửa móng tay, móng chân(!). Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông Hùng chủ nhà, gốc miền Trung, cười: “Phần lớn phụ nữ ở đây là vậy đó, họ sướng lắm, hầu như không đụng tới việc nặng nhọc, chỉ lo làm đẹp”. Rồi ông thở dài, mắt xa xăm: “Đôi khi nhìn họ thấy thương mạ mình, chị mình ở quê, quần quật từ sáng đến khuya không hết việc...”.

La cà vào quán càphê cạnh trường tiểu học, chúng tôi sốc hơn với những gì mình chứng kiến. Bắt đầu là những chiếc tắc ráng của các phụ huynh chở con đi học, ầm ào cập bến ngay dưới chân quán càphê.

Ngạc nhiên là, sau khi những cô cậu vào lớp, những ông bố, bà mẹ không quay về mà neo lại rồi lên bờ. Họ tụ lại càphê tán gẫu, bàn chuyện học của con, chuyện tôm xuống giá, chuyện tối qua đổ vuông được - mất... Xong càphê, họ chuyển qua... đánh bài ăn tiền. Cứ 4 người một bàn, họ sát phạt nhau từ sáng sớm đến trưa, khi tan trường mới chịu dừng lại đưa con về.

Ông Hùng mỉa mai: “Trong này toàn cha mẹ đi học cùng con cái. Nhưng trong lúc con cái học chữ, thì cha mẹ học bài 52 con”. Cũng theo ông Hùng, những phụ huynh “đi học” với con là những người sống bằng nghề nuôi tôm. “Dân nuôi tôm rảnh rỗi lắm, chỉ ban đêm người ta mới ra vuông tôm canh giữ, đổ tôm để sáng mai đi bán, bán xong là cả ngày hôm đó đi chơi, đánh bài, uống rượu... để chờ đêm đến. Ngày xưa thời cao điểm trúng tôm cũng vậy, giờ tôm mất mùa, làm không đủ ăn, người ta vẫn sống như vậy” - ông nói.

Và tất nhiên, những điều chúng tôi kể cũng không phải chuyện riêng gì của người dân xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, mà là chuyện chung của cả tỉnh Cà Mau, của cả vùng đồng bằng. Lười lao động và ỷ lại đến vậy, không nghèo và bỏ xứ mới là chuyện lạ (!)

Cũng cuối tháng 5, tại Bạc Liêu diễn ra cuộc tọa đàm do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VHTTDL, Báo Bạc Liêu, Đài PTTH Bạc Liêu tổ chức với chủ đề: “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa”. Tại buổi tọa đàm, ông Trần Công Chánh - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu - trình bày tham luận: “Văn hóa với sự phát triển của tỉnh Bạc Liêu”, đã thẳng thắn thừa nhận những “thói quen thái quá” trở thành “điểm yếu” của người Bạc Liêu (cũng có thể là chung cho cả vùng đồng bằng), khiến chúng tôi giật mình, bởi phần nào giải đáp cho những thắc mắc mà chúng tôi chưa có lời giải. Những “thói quen thái quá” mà ông Chánh nói là: “Sự nhàn rỗi đến chây lười, sự phóng túng đến tùy tiện, sự hào phóng đến xa hoa, sự hào hiệp đến ngang tàng, sự vô tư đến vô cảm, và sự nhạy cảm đến nông nổi”.

Tất nhiên, những gì vừa kể cũng chỉ mới là phác thảo về thực trạng mạt lộ đau lòng nơi cuối trời Nam... 
*
*
(LĐ) - Số 127 - Thứ bảy 08/06/2013 07:02

Dễ dãi trong cuộc sống, chấp nhận thực tại đến mức cam chịu... là một trong những nguyên nhân khiến người dân ĐBSCL bị tổn thương khi có biến đổi. Ảnh: Nhật Hồ

Vì sao những nơi từng là “đất hứa” như Cà Mau, Bạc Liêu, bây giờ lại có những thân phận cùng đường phải “tự đốt nhà mình”, bất chấp luật pháp để kiếm cơm qua ngày? Tại sao lại có những đoàn gia đình phải đóng cửa nhà đi Bình Dương làm công nhân, trong khi đất đai của mình lại bỏ hoang?

Chúng tôi đã đặt rất nhiều câu hỏi đến các cơ quan chức năng, và câu trả lời là mờ mịt lối thoát…

Bất lực với bài toán thoát nghèo

Ông Tô Quốc Nam - Phó GĐ Sở NNPTNT Cà Mau - “thanh minh” về hiện tượng phá rừng đốt than lậu: “Chúng tôi không thể canh người dân vi phạm rồi bắt bớ, phạt vạ người ta. Cái cốt lõi là tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân sống dưới tán rừng. Điều này đòi hỏi nhiều tổ chức, các cấp, các ngành cùng chung tay chăm lo”. Thực tế, thời gian qua Cà Mau ban hành rất nhiều chính sách nhằm nâng cao năng lực bảo vệ rừng vào đời sống người dân như: Giao đất giao rừng, hợp tác liên doanh, liên kết... Tuy nhiên, hiệu quả của những chính sách này chưa cao bởi hàng trăm lý do.

Không đến nỗi phải  “đổ máu vì cây đước” như Cà Mau, nhưng Bạc Liêu đang đối mặt những thách thức do lượng người di cư tự do sống trong rừng phòng hộ ngày càng tăng. Toàn tỉnh có chưa đến 5.000ha rừng phòng hộ ven biển, nhưng có đến trên 860 hộ dân với trên 2.000 người đang sinh sống trong đó và hầu hết là cùng đường mưu sinh.

Ông Phan Minh Quang - Phó GĐ Sở NNPTNT Bạc Liêu - cho biết: Gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo Bạc Liêu điều tra, đề xuất phương án giải quyết. UBND tỉnh đã có kế hoạch thành lập khu dân cư để bố trí cho người dân ở, tạo điều kiện để người  nghèo có đất, có việc làm. Theo phương án đã được duyệt, Bạc Liêu cần đến gần 300 tỉ đồng để giải quyết việc này, nhưng ngân sách địa phương có hạn...”.

Về vấn đề người lao động ở Cà Mau, Bạc Liêu bỏ xứ đi Bình Dương làm công nhân, ông Lê Thanh Tòng - Phó GĐ  Sở LĐTBXH Cà Mau - phân tích: “Thanh niên trong độ tuổi lao động tại nông thôn ngày càng tăng nên địa phương rất khó giải quyết công ăn việc làm cho họ, do hiện nay trồng lúa thì có máy móc thu hoạch, thu gom hết nên không cần nhiều lao động như trước nữa; trồng rừng, khai thác rừng thì mỗi năm làm được vài tháng...”.

Ông Trương Văn Nhớ - Phó GĐ Sở LĐTBXH tỉnh Bạc Liêu - nói: “Tạo công ăn việc làm cho  lao động hiện nay là một bài toán vô cùng khó khăn. Ngoài việc “xuất khẩu”, liên kết với các tỉnh miền Đông Nam Bộ để cung ứng lao động, chúng tôi đang nỗ lực đào tạo lao động tại chỗ, được làm việc tại địa phương theo kiểu “ly nông bất ly hương”, nhưng điều này cũng chỉ giải quyết một lượng nhỏ, bởi Bạc Liêu không nhiều nhà máy, xí nghiệp...”.

Thiếu ý chí làm giàu

ĐBSCL vốn được mệnh danh là vựa lúa lớn nhất cả nước, vựa tôm lớn nhất, vựa trái cây lớn nhất... và về mặt xã hội cũng đứng trong top nhất: Hạ tầng giao thông yếu nhất, là vùng trũng về giáo dục, tỉ lệ hộ nghèo cũng loại nhất. Lý giải điều này, ThS Trần Công Chánh - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật, Chủ tịch Hội Tâm lý tỉnh Bạc Liêu -  nhận định: “Một phần do cư dân Bạc Liêu, Cà Mau hầu hết là những người nơi khác đến nên họ thiếu gắn bó với quê hương; một phần do sản vật ở đây quá nhiều nên họ có thói quen sống dựa vào thiên nhiên đến một cách tự nhiên.

Phần lớn người dân ở đây thiếu ý chí vươn lên làm giàu,  cộng với thói quen có gì ăn nấy, không tích luỹ nên họ dễ bị tổn thương một khi thiên nhiên có sự biến đổi”. ThS Lâm Thành Đắc - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội KHKT tỉnh Bạc Liêu - nhận xét: “Chính sự dễ dãi trong cuộc sống, chấp nhận thực tại đến mức cam chịu; thiếu kiến thức, chậm tiếp cận với đời sống hiện đại bên ngoài khiến cho người  nghèo vùng thôn quê tại Bạc Liêu - Cà Mau mất đi ý chí vươn lên”.

Mấy năm gần đây Bạc Liêu, Cà Mau đã thay đổi trong cách giảm nghèo. Theo đó thực hiện phương thức “cấp cho người nghèo cần câu thay vì cho cá”. Tuy nhiên, những người nghèo nhận “cần câu” rồi không thèm “đi câu” nên chuyện giảm nghèo vẫn trầy trật. Thậm chí, năm 2013, Bạc Liêu giao hẳn chỉ tiêu cho các sở, ngành, địa phương đỡ đầu cho 2.360 hộ nghèo theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Anh Hoàng - giám đốc một ngành cấp sở ở Bạc Liêu - phân trần: “Thì mình cũng đã chỉ việc, cho tiền, nhưng khi đoàn công tác về rồi, họ lại không chịu làm theo mà bỏ đi ăn nhậu đâu đó. Gặp phải những hộ nghèo như vậy, dù có rót bao nhiêu tiền, bao nhiêu công sức cũng đành bó tay”.


1 comment:

View My Stats