Được đăng ngày Thứ tư, 26 Tháng 6 2013 23:06
Dư luận Việt Nam đang đi bên lề thực tế
Một tuần sau Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc ngày
21/06/2013, không thấy một bình luận nào được đưa ra để phân tích nội dung của
bản tuyên bố này.
Về phía chính quyền, chỉ vài người trong cuộc như ông
Trương Tấn Sang, chủ tịch nước, và ông Phạm Bình Minh, bộ trưởng ngoại giao, đã
phải nhờ báo chí nhà nước tổ chức phỏng vấn để biện hộ những gì đã thỏa thuận
và những văn bản đã ký ; không một đại biểu quốc hội hay ủy viên trung ương
đảng nào thắc mắc hay yêu cầu giải thích. Về phía đối lập, không một bình luận
hay phân tích nào được đưa về bản tuyên bố. Một sự im lặng khó hiểu !
Không lẽ người Việt Nam chỉ quan tâm đến những gì xảy ra
trong hiện tai và không cần biết những gì liên quan đến tương lai đất nước ?
Nếu theo dõi kỹ những gì báo chí nhà nước đăng tải, người
ta chỉ thấy toàn những loại tin tức mang tính giới thiệu những quan chức lớn
trong guồng máy đảng và chính quyền, hay những tin tức về kinh tế, tai nạn giao
thông và hình sự mang tính giật gân để câu đọc giả.
Phía đối lập lại càng bết bát hơn, ưu tư chính của những
người đấu tranh, những blogger và tổ chức đối lập là biểu tình chống Trung Quốc
và bênh vực những người bị bắt và tố cáo chính quyền cộng sản Việt Nam vi phạm
nhân quyền, khuynh hướng chung là muốn anh hùng hóa những người bị bắt vì dám
chống đối chế độ. Không một tổ chức nào, hay một người nào có thể đưa ra một
chương trình tranh đấu và xây dựng đất nước mang tính thuyết phục. Chỉ riêng
thái độ anh hùng của Nguyễn Phương Uyên và Đinh Vũ Kha trước tòa án cũng đã có
hàng trăm bài ca ngợi. Cuộc tuyệt thực của ông Cù Huy Hà Vũ trở thành đề tài
chính của giới truyền thông trong nhiều tuần.
Dư luận Việt Nam đang đi bên lề thực tế, và đây cũng
chính là mong muốn của chính quyền cộng sản Việt Nam để có thể rộng đường tự
tung tự tác. Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc ngày 21/06 vừa qua là một bằng
chứng. Không ai chú ý tới một quyết định quan trọng có thể ảnh hưởng lâu dài
tới tương lai Việt Nam và cũng rất khó thay đổi.
Cách đây 55 năm, ngày 14/09/1958, ông Phạm Văn Đồng lúc
đó là thủ tướng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã ký một công hàm "ghi
nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958 của chính phủ nước Cộng
Hòa Nhân Dân Trung Hoa, quyết định về hải phận, của Trung Quốc. Chính phủ nước
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan
nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc,
trong mọi quan hệ với nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa trên mặt bể". Không
ai biết quyết định về hải phận của Trung Quốc gồm những gì, nhưng chỉ vài dòng
chữ thô thiển đó mà ngày nay chính quyền cộng sản Việt Nam bị ngọng trong những
đòi hỏi chủ quyển trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó chỉ là một công
hàm đơn phương từ phía Việt Nam, do một cấp lãnh đạo hành pháp ký, chứ chưa
phải là một bản Tuyên bố chung chính thức ký giữa hai cấp lãnh đạo tối cao của
hai nước. Lần này, những thỏa thuận quan trọng đã được công khai viết lên giấy
trắng mực đen, do đó khó có thể chối cãi nếu có một bên thay đổi ý kiến. Hơn nữa,
đây là một văn kiện mang tầm vóc quốc gia nên hậu quả của nó ảnh hưởng đến 90
triệu người Việt Nam.
Nếu chịu khó đọc kỹ nội dung bản Tuyên bố chung ngày
21/06 vừa qua, chắc chắn mọi người sẽ bàng hoàng trước những ký kết liên quan
đến tương lai của đất nước và để lại những hậu quả lầu dài cho nhiều thế hệ mai
sau.
Trong nội dung Tuyên bố chung gồm 8 điểm, hai bên đã nhắc
đi nhắc lại từ "nhất trí" gần 30 lần về nhiều vấn đề nhằm làm sâu sắc
thêm hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn ngày 23/06,
ông Phạm Bình Minh nói rằng chuyến đi Trung Quốc của ông Trương Tấn Sang tái
khẳng định chính sách ngoại giao của Việt Nam độc lập, tự chủ và hợp tác, nếu
đọc kỹ nội dung bản Tuyên bố chung này không ai tin Việt Nam có thể độc lập với
Trung Quốc. Phía Việt Nam đã hoàn toàn nhất trí với nội dung bản tuyên bố do
Bắc Kinh soạn, trong đó chỉ đề cập đến những vấn đề mà Bắc Kinh muốn tuyên bố.
Cho dù ông Trương Tấn Sang và ông Phạm Bình Minh có biện
hộ là đã bảo vệ không nhân nhượng chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông, nhưng
Tuyên bố chung không nhắc gì đến Hoàng Sa và Trường Sa. Thêm vào đó, bản Tuyên
bố chung chỉ đề cập tới "Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển
Đông" (DOC) mà Trung Quốc muốn duy trì và không nhắc nhở gìđến Bộ Quy tắc
ứng xử Biển Đông (COC) và tinh thần tôn trọng Công ước Liên hiệp quốc về Luật
biển (UNCLOS) 1982 mà Việt Nam vẫn thường nhắc tới trong các hội thảo quốc tế
về tranh chấp Biển Đông cũng như trong các lời tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt
Nam mỗi khi phản đối các hành động lấn lướt của Bắc Kinh tại vùng biển giàu tài
nguyên này. Điều này cho thấy hai ông Trương Tấn Sang và Phạm Bình cố tình che
giấu một sự thật : đó là chính quyền cộng sản Việt Nam đang chuyển giao dần
quyền lãnh đạo đất nước cho phía Trung Quốc trên mọi lãnh vực.
Nội dung Tuyên bố chung 21/06/2013
Trước khi đi sâu vào phần nhận xét, tưởng cũng nên biết
qua về nội dung 8 điểm của bản Tuyên bố chung. Sau đây là phần tóm lược.
Điểm 1 nhắc lại bối cảnh của
chuyến viếng thăm, điểm 2 đi thẳng vào nội dung sự hợp tác.
Điểm 2, hai bên nhìn lại quá
trình phát triển quan hệ Việt-Trung và nhất trí duy trì tình hữu nghị
Việt-Trung theo đúng phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt (láng giềng hữu nghị, hợp
tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và "láng giềng
tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt"), nghĩa là vẫn y như trước,
không có gì thay đổi cho dù phía Việt Nam có bị chèn ép trong các thương lượng
về biên giới và lãnh hải.
Điểm 3, hai bên nhất trí làm
sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện trong 13 lãnh vực trọng tâm sau đây.
Các lãnh vực từ 1 đến 4 mang tính chính trị và ngoại giao. Những lãnh vực sau
đó liên quan đến toàn bộ sinh hoạt bình thường của một quốc gia, trong đó phía
Trung Quốc được quyền tham gia trực tiếp, nghĩa là Việt Nam không có gì bí mật
với Trung Quốc.
(1) Duy trì tiếp xúc cấp cao giữa hai nước bằng mọi hình
thức và phương tiện (thăm song phương, điện đàm, gặp gỡ bên lề các diễn đàn đa
phương...).
(2) Hai bên nhất trí tiếp tục sử dụng tốt "Phiên họp
lần 6 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc" và thực hiện
tốt "Chương trình hành động triển khai Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược
toàn diện Việt Nam-Trung Quốc" được ký kết trong chuyến thăm này.
(3) Hai bên nhất trí làm sâu sắc thêm hợp tác giữa hai
Đảng, thúc đẩy cơ chế giao lưu hợp tác giữa hai Ban Đối ngoại và Ban Tuyên
giáo, Tuyên truyền của hai Đảng vận hành thuận lợi, tăng cường hợp tác trong
lĩnh vực đào tạo cán bộ Đảng và Nhà nước. Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ,
cùng nhau tổ chức tốt Hội thảo lý luận hai Đảng lần thứ 9, tăng cường hơn nữa
trao đổi kinh nghiệm về xây dựng Đảng và quản lý đất nước, thúc đẩy xây dựng
Đảng và đất nước ở mỗi nước.
(4) Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác giữa Bộ Ngoại
giao hai nước, thực hiện tốt Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao, duy
trì trao đổi thường xuyên giữa lãnh đạo hai Bộ Ngoại giao, tổ chức tham vấn
ngoại giao thường niên và tăng cường giao lưu cấp Cục, Vụ giữa hai Bộ Ngoại
giao.
(5) Hai bên nhất trí duy trì tiếp xúc cấp cao giữa quân
đội hai nước (Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng Bộ Quốc phòng),
trao đổi kinh nghiệm công tác Đảng và chính trị trong quân đội, tăng cường đào
tạo cán bộ và giao lưu sĩ quan trẻ ; thực hiện tốt "Thỏa thuận hợp tác
biên phòng giữa Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam-Trung Quốc" (sửa đổi) ký
kết trong chuyến thăm này, tiếp tục triển khai tuần tra chung biên giới trên
đất liền ; làm sâu sắc thêm hợp tác biên phòng trên đất liền và trên biển,
trong năm nay triển khai hai đợt tuần tra chung giữa hải quân hai nước trong
Vịnh Bắc Bộ ; tăng cường trao đổi và điều phối trong các vấn đề an ninh đa
phương khu vực ; trao đổi nghiên cứu hình thức mới, nội dung mới trong triển
khai hợp tác quốc phòng, làm sâu sắc thêm hợp tác giữa quân đội hai nước.
(6) Hai bên nhất trí làm sâu sắc thêm hợp tác trong lĩnh
vực thực thi pháp luật và an ninh, giữ gìn trật tự trị an xã hội cũng như xây
dựng năng lực thực thi pháp luật, sớm triển khai các hoạt động thực thi pháp
luật chung trên các lĩnh vực, duy trì an ninh và ổn định khu vực biên giới hai
nước. Hai bên nhất trí thúc đẩy triển khai giao lưu hợp tác giữa cơ quan cảnh
sát biển hai nước.
(7) Hai bên nhất trí tăng cường điều phối chiến lược về
phát triển kinh tế, thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực như nông
nghiệp, ngư nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng, khoáng sản, công nghiệp chế
tạo và phụ trợ, dịch vụ cũng như hợp tác khu vực "Hai hành lang, một vành
đai" ; thúc đẩy xây dựng các dự án hợp tác kinh tế - thương mại quan trọng
trong các lĩnh vực năng lượng, khu công nghiệp, kết nối giao thông trên bộ,
tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tài chính, khuyến khích doanh nghiệp nước
mình sang nước kia đầu tư, tạo điều kiện an toàn và thuận lợi cho các doanh
nghiệp đầu tư.
(8) Hai bên nhất trí tiếp tục làm sâu sắc thêm hợp tác
trong các lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường giao lưu khoa học kỹ thuật nông
nghiệp và nâng cao năng lực trong lĩnh vực nông nghiệp.
(9) Hai bên nhất trí tăng cường giao lưu và hợp tác trong
lĩnh vực văn hóa, tổ chức tốt các hoạt động gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việ -Trung,
diễn đàn nhân dân Việt-Trung…, tăng cường tuyên truyền về tình hữu nghị
Việt-Trung để gia tăng tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
(10) Hai bên nhất trí làm sâu sắc thêm giao lưu hợp tác
trong lĩnh vực khoa học công nghệ, khuyến khích và ủng hộ giới nghiên cứu và
ứng dụng khoa học công nghệ hai nước triển khai hợp tác với nhiều hình thức như
cùng nghiên cứu và phát triển, cùng xây dựng phòng thí nghiệm chung, chuyển
giao công nghệ… trong các lĩnh vực hai bên quan tâm như nông nghiệp, công nghệ
thông tin, năng lượng mới, bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng và bảo vệ tài
nguyên nước…
(11) Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các
tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước, nhất là giữa 7 tỉnh của Việt Nam gồm Điện
Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh với 4 tỉnh
(khu tự trị) của Trung Quốc gồm Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Vân Nam ; phát
huy vai trò của cơ chế hợp tác liên quan giữa địa phương hai nước; tập trung
thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế-thương mại, cơ sở hạ tầng giao
thông, khoa học, giáo dục, văn hóa, y tế…; thúc đẩy các tỉnh, khu tự trị biên
giới hai nước cùng phát triển.
(12) Hai bên nhất trí thực hiện nghiêm túc Kế hoạch công
tác của Ủy ban Liên hợp biên giới trên đất liền hai nước ; thành lập Ủy ban hợp
tác quản lý cửa khẩu biên giới ; thúc đẩy việc mở và nâng cấp các cửa khẩu biên
giới giữa hai nước ; tăng cường xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng của các cửa
khẩu biên giới, cải thiện điều kiện và nâng cao hiệu quả thông hành cho người,
hàng hóa, phương tiện qua cửa khẩu nhằm phục vụ việc qua lại và phát triển kinh
tế - thương mại giữa hai nước. Hai bên nhất trí tổ chức vòng đàm phán mới
"Hiệp định về quy chế tàu thuyền đi lại tự do tại khu vực cửa sông Bắc
Luân" và "Hiệp định về hợp tác và khai thác phát triển du lịch khu
vực thác Bản Giốc". Hai bên sẽ tăng cường trao đổi và hợp tác kỹ thuật
trong các lĩnh vực quản lý sông suối biên giới, phòng chống thiên tai lũ lụt,
sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước trên sông suối xuyên biên giới.
(13) Hai bên tiếp tục thực hiện tốt "Hiệp định hợp
tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ" ; tích cực nghiên cứu phương thức kiểm tra
liên hợp mới tại khu vực đánh cá chung ở Vịnh Bắc Bộ.
Điểm 4. Hai bên trao đổi ý
kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí việc Lãnh đạo hai
Đảng, hai nước duy trì trao đổi và đối thoại thường xuyên về vấn đề trên biển
Việt Nam-Trung Quốc, chỉ đạo và thúc đẩy giải quyết ổn thỏa vấn đề trên biển
xuất phát từ tầm cao chiến lược và đại cục quan hệ hai nước.
Hai bên nhất trí dựa trên nguyên tắc dễ trước khó sau,
tuần tự tiệm tiến, gia tăng cường độ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển
ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Hai bên hoan nghênh Thỏa thuận sửa đổi liên quan tới
Thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ.
Hai bên nhất trí giữ bình tĩnh và kiềm chế, không có hành động làm phức tạp, mở
rộng tranh chấp, đồng thời sử dụng tốt đường dây nóng quản lý. Hai bên nhất trí
thực hiện toàn diện, có hiệu quả “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển
Đông” (DOC), cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Điểm 5. Phía Việt Nam khẳng
định kiên trì thực hiện chính sách một nước Trung Quốc, kiên quyết phản đối
hành động chia rẽ "Đài Loan độc lập" dưới mọi hình thức. Việt Nam
không phát triển bất cứ quan hệ chính thức nào với Đài Loan.
Điểm 6. Hai bên nhất trí
tăng cường điều phối và phối hợp tại các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc,
Tổ chức Thương mại Thế giới, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương,
Diễn đàn hợp tác Á - Âu, Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị cấp cao ASEAN và
Trung Quốc, Hội nghị cấp cao ASEAN và Trung - Nhật - Hàn, Hội nghị cấp cao Đông
Á..., cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của thế giới.
Điểm 7. Trong thời gian
chuyến thăm, hai bên đã ký 10 văn kiện chiến lược hợp btác toàn diện :
(1) "Chương trình hành động giữa Chính phủ Việt Nam
và Chính phủ Trung Quốc về việc triển khai quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược
toàn diện Việt Nam - Trung Quốc",
(2) "Thỏa thuận hợp tác biên phòng giữa Bộ Quốc
phòng hai nước Việt Nam - Trung Quốc" (sửa đổi),
(3) "Thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thông Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc về việc thiết lập đường dây
nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển",
(4) "Thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn Việt Nam và Tổng cục giám sát chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch
Trung Quốc về hợp tác trong lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm dịch động thực vật xuất
nhập khẩu",
(5) "Điều lệ công tác của Ủy ban hợp tác quản lý cửa
khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc",
(6) "Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính
phủ Trung Quốc về việc thành lập Trung tâm văn hóa tại hai nước",
(6) "Bản ghi nhớ về kế hoạch hợp tác giai đoạn
2013-2017 giữa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội hữu nghị đối
ngoại nhân dân Trung Quốc",
(7) "Thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 giữa Tập đoàn dầu
khí Việt Nam và Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc liên quan
tới Thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi trong Vịnh Bắc
Bộ",
- và nhiều văn kiện hợp tác kinh tế khác (từ 8 đến 10).
Điểm 8. Hai bên nhất trí cho
rằng chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước
phát triển.
(Làm tại Bắc Kinh, ngày 21 tháng 6 năm 2013)
Thấy gì qua bản Tuyên bố chung ngày 21/06/2013 ?
Theo bản Tuyên bố chung, "các cuộc thảo luận đã diễn
ra trong không khí thẳng thắn, hữu nghị, lãnh đạo hai nước đã đi sâu trao đổi ý
kiến và đạt nhận thức chung rộng rãi về việc, làm sâu sắc thêm hợp tác chiến
lược toàn diện Việt-Trung trong tình hình mới, cũng như về các vấn đề quốc tế
và khu vực cùng quan tâm". Xác nhận này không thuyết phục vì thời gian
thảo luận những vấn đề hệ trọng liên quan đến tương lai đất nước trong vài ngày
chắc chắn là không đủ. Chắc chắn nội dung của những thỏa thuận đã được hai bên
trao đổi và thảo luận từ lâu, chuyến viếng thăm này chỉ là để ký kết những gì
đã đồng ý từ trước.
Nhiều câu hỏi đặt ra là :
-
Ông Trương Tấn Sang được ai, hay định chế nào cho phép,
hay ủy quyền ký những văn bản hệ trông liên quan đến tương lai Việt Nam ?
-
Bộ Chính trị (tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng), Quốc hội
(chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng) và Chính phủ (thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) đã có
những nhận xét nào về nội dung bản Tuyên bố chung ?
-
Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp và thảo luận về
nội dung bản Tuyên bố chung này bao nhiêu lần ? Nếu có, tại sao không công
bố trước quốc dân ?
-
Tại sao không công bố nội dunh những văn kiện vừa ký với
Trung Quốc ?
-
Có bao nhiêu người trong đảng và chính quyền cộng sản,
đúng ra là có bao nhiêu trung ương ủy viên (175 chính thức và 25 dự khuyết)
được tham khảo nội dung những văn kiện thỏa thuận vừa ký này ?
-
Về phía "đại diện dân", tức những đại biểu quốc
hội, có bao nhiêu người được hỏi ý kiến về những văn kiện vửa được ký kết ?
Trong 8 điểm của bản Tuyên bố chung, trừ điểm 1, nội dung
7 điểm còn lại đề cập đến sự hợp tác trong mọi lãnh vực từ sự hợp tác giữa hai
Đảng, giữa Bộ Ngoại giao hai nước, giữa quân đội hai nước đến chiến lược hợp
tác trong các lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp, văn hóa, khoa học công nghệ.
Riêng trong điểm 3, nội dung hai lãnh vực 5, 6 và 7, và
từ 11 đến 13 rất đáng lo ngại.
-
Trong lãnh vực 5 : "Hai bên nhất trí duy trì
tiếp xúc cấp cao giữa quân đội hai nước (Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp
thứ trưởng Bộ Quốc phòng), trao đổi kinh nghiệm công tác Đảng và chính trị
trong quân đội, tăng cường đào tạo cán bộ và giao lưu sĩ quan trẻ ; thực hiện
tốt "Thỏa thuận hợp tác biên phòng giữa Bộ Quốc phòng hai nước Việt
Nam-Trung Quốc" (sửa đổi) ký kết trong chuyến thăm này, tiếp tục triển khai
tuần tra chung biên giới trên đất liền ; làm sâu sắc thêm hợp tác biên phòng
trên đất liền và trên biển, trong năm nay triển khai hai đợt tuần tra chung
giữa hải quân hai nước trong Vịnh Bắc Bộ ; tăng cường trao đổi và điều phối
trong các vấn đề an ninh đa phương khu vực ; trao đổi nghiên cứu hình thức mới,
nội dung mới trong triển khai hợp tác quốc phòng, làm sâu sắc thêm hợp tác giữa
quân đội hai nước". Làm sao bảo vệ bí mật và khả năng chiến đấu khi quân
nhân Trung Quốc biết rõ và nắm vững cách đối phó của quân đội Việt Nam khi hữu
sự ? Đó là chưa kể khả năng Trung Quốc uỷ thác Việt Nam mua những loại vũ
khí hiện đại của các quốc gia phương Tây, vì Trung Quốc vẫn còn bị cấm vận, để
sau đó chuyển giao lại cho Trung Quốc.
-
Trong lãnh vực 6 : "Hai bên nhất trí làm sâu sắc
thêm hợp tác trong lĩnh vực thực thi pháp luật và an ninh, giữ gìn trật tự trị
an xã hội cũng như xây dựng năng lực thực thi pháp luật, sớm triển khai các
hoạt động thực thi pháp luật chung trên các lĩnh vực, duy trì an ninh và ổn
định khu vực biên giới hai nước. Hai bên nhất trí thúc đẩy triển khai giao lưu
hợp tác giữa cơ quan cảnh sát biển hai nước". Trên nguyên tắc, quyền tự
quyết của một quốc gia thể hiện qua hệ thống pháp luật và pháp lý riêng, không
thể có hợp tác để thực thi pháp luật và an ninh chung của quốc gia này trên
quốc gia kia. Rõ ràng đây là một can thiệp trắng trợn vào nội tình của quốc gia
khác, hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam. Điều này thể hiện qua những vụ bắt bớ và
truy tố những người xuống đường biểu tình chống Trung Quốc với những bản án
năng nề về tội danh "chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt
Nam". Tại Việt Nam hiện nay, chống Trung Quốc là chống nhà nước Việt Nam.
-
Trong lãnh vực 7 : "Hai bên thúc đẩy thúc đẩy xây
dựng các dự án hợp tác kinh tế - thương mại quan trọng trong các lĩnh vực năng
lượng, khu công nghiệp, kết nối giao thông trên bộ, tăng cường hợp tác trong
lĩnh vực tài chính, khuyến khích doanh nghiệp nước mình sang nước kia đầu tư,
tạo điều kiện an toàn và thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư". Những
thỏa thuận này chỉ có lợi cho Trung Quốc chứ không mang lại lợi ích nào cho
kinh tế Việt Nam, vì doanh nhân Việt Nam không có vốn đểsang Trung Quốc đầu tư.
Hơn nữa trong lãnh vực này, Trung Quốc có quyền đến khai thác năng lượng ngoài
khơi Việt Nam vì đó là hợp tác năng lượng, và khi đã vào rồi thì sẽ không chịu
ra và còn cố ý ở lại để chiếm giữ luôn, như họ đã làm trên đất liền tại những
nơi đã được cấp nhượng khai thác, như trồng cây ở những vùng đầu nguồn Việt Bắc
và bauxite Tây Nguyên.
-
Trong lãnh vực 11 : "Hai bên nhất trí tăng cường hơn
nữa hợp tác giữa các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước, nhất là giữa 7 tỉnh
của Việt Nam (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng
Ninh) với 4 tỉnh (khu tự trị) của Trung Quốc gồm Quảng Đông, Quảng Tây, Hải
Nam, Vân Nam ; phát huy vai trò của cơ chế hợp tác liên quan giữa địa phương
hai nước ; tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế-thương
mại, cơ sở hạ tầng giao thông, khoa học, giáo dục, văn hóa, y tế…; thúc đẩy các
tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước cùng phát triển". Ai hay cơ chế nào
trong chính quyền cộng sản Việt Nam hiện nay đã thảo luận về sự thành lập khu
biên giới tự trị này ? Hậu ý lâu dài của sự hình thành khu vực này có nhằm
khuyến khích 7 tỉnh biên giới của Việt Nam thành một khu tự trị thoát khỏi sự
chỉ đạo của Hà Nội ? Kinh nghiệm đau thương của những khu tự trị Thái Mèo
(1956-1959), Việt Bắc (1956-1959) hay Cao Bắc Lạng cũ và Lào Hạ Yên (1957-1959)
vẫn còn đó, ngay sau khi được hưởng qui chế tự trị những cấp lãnh đạo địa
phương đã mang toàn bộ lãnh thổ dưới quyền cai trị của mình xin gia nhập vào
lãnh thổ Trung Quốc. Nếu lãnh đạo 7 tỉnh biên giới Việt Nam xin hội nhập vào
lãnh thổ Trung Quốc, Hà Nội dám đưa quân lên chiếm lại hay không ?
-
Trong những lãnh vực 12 và 13, gồm các mục hợp tác dọc
vùng biên giới đất liền, hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ. Rõ ràng đây là cuộc
xâm lược không gây ra chiến tranh. Trong hai lãnh vực này, phía Việt Nam vừa
thiếu vốn vừa thiếu phưong tiện thì làm sao có thể cạnh tranh với những công
ty, xí nghiệp Trung Quốc dọc vùng biên giới và khai thác nghề cá trong Vịnh Bắc
Bộ ?
Riêng Điểm 5 thì khó có thể khẳng định chính sách ngoại
giao độc lập của Việt Nam như ông Phạm Bình Minh xác nhận. Nếu là một nền
ngoại giao đỗc lập thì không thể có những khẳng định chắc nịch về một chính
sách nội bộ của Trung Quốc, như "khẳng định kiên trì thực hiện chính sách
một nước Trung Quốc, ủng hộ quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan phát triển hòa bình
và sự nghiệp lớn thống nhất Trung Quốc", và cũng không thể "kiên
quyết phản đối hành động chia rẽ “Đài Loan độc lập” dưới mọi hình thức".
Nếu là một quốc gia độc lập, chính quyền Việt Nam không thể tuyên bố
"không phát triển bất cứ quan hệ chính thức nào với Đài Loan", vì
không đúng với sự thực : hiện nay doanh nhân Đài Loan tự do đến Việt Nam
đầu tư, cô dâu Việt Nam được tự do lấy chống Đài Loan và hiện nay có hàng trăm
ngàn người Việt Nam được đưa sang Đài Loan lao động. Honn nữa nếu là một quốc
gia độc lập, bản Tuyên chung chung không thể có câu "Phía Trung Quốc hoan
nghênh lập trường trên của Việt Nam", vì đây rõ ràng là lời khen của một
kẻ cả.
Nói tóm lại, qua Tuyên bố chung này, khó có thể biện bạch
Việt Nam là một quốc gia độc lập với Trung Quốc, nếu không muốn nói chính quyền
cộng sản Việt Nam đang chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước sang tay người Trung
Quốc. Theo nội dung của bản Truyên bố chung, Trung Quốc có quyền tham gia vào
tất cả mọi lãnh vực sinh hoạt chính trị và kinh tế của Việt Nam, trong khi đó
phía Việt Nam không thể và cũng không đủ điều kiện để tham gia ngược lại.
Những người tranh đấu vì tự do và dân chủ cho Việt Nam,
hãy vượt lên trên những ưu tư hạn hẹp về nhân thân của mình để lên tiếng tố cáo
ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam đang chuyển giao chủ quyền đất nước cho
ngoại bang. Phải lên tiếng và mạnh dạn lên tiếng !
Nguyễn Văn Huy
No comments:
Post a Comment