Saturday 29 June 2013

CAY ĐẮNG, TÀI XẾ RỦ NHAU NGHIỆN (Quỳnh Anh - Giao Thông Vận Tải)




Quỳnh Anh  (Giao Thông Vận Tải)   
Cập nhật, 05:58, Thứ Sáu, 28/06/2013 (GMT+7)

Tại Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội Hòa Bình, khá nhiều học viên đang cai nghiện nơi đây vốn là những tài xế. Những câu chuyện ghi được từ các tài xế ở đây cho thấy, nghề ôm vô lăng với những đặc thù riêng quả là nhiều cạm bẫy, dễ đẩy các tài xế thiếu bản lĩnh tìm đến với “nàng tiên nâu”.

Tò mò là... nghiện

Anh T.Q.H (SN 1970, quê ở TP Hòa Bình) sinh ra trong một gia đình khá giả, nên được cha mẹ rất cưng chiều. Rong chơi mãi cũng chán, đến năm hai mươi tuổi, T.Q.H quyết định đi học lái xe để xin làm tài xế xe khách. Thấy con đang mải chơi quyết chí học nghề, cha mẹ T.Q.H mừng lắm, bỏ ra gần 2 cây vàng thời điểm ấy cho con tiền học lấy bằng lái. Có bằng lái, T.Q.H xin làm tài xế xe khách “dù” chạy tuyến Hòa Bình - Sơn La. Những chuyến xe “dù” thường chạy đêm, nên một người vốn quen ăn chơi như T.Q.H thường thấy rất mệt mỏi. Một đêm, kết thúc chuyến đi, phải ngủ lại Sơn La, thấy đồng nghiệp hút ma túy, T.Q.H tò mò xin hút thử. Hút xong, cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ sau chuyến đi dài tan biến, T.Q.H thích lắm. Lại được đám bạn nghiện cổ vũ, rủ rê, sau vài lần được mời chào “hút thử”, T.Q.H có cảm giác thèm thuốc và ngày càng bập sâu vào ma túy.

Gia đình biết được, liền xin cho T.Q.H nghỉ việc rồi đưa đi cai nghiện. Rời trại cai nghiện, bố mẹ giục giã T.Q.H cưới vợ, rồi lại mua cho anh chiếc xe tải chở thuê gần nhà nhằm tránh cảnh đi xa dễ tái nghiện. Nhưng T.Q.H vẫn tái nghiện và đã nhận được “án tử HIV” cách đây 5 năm. T.Q.H tâm sự: “Nghề tài xế luôn sẵn tiền mặt trong tay, lại cơm hàng cháo chợ, thức khuya dậy sớm nên luôn thấy cô đơn, dễ sa ngã. Nếu sau chuyến xe lần ấy, tôi không tò mò xin hút thử, thì đời tôi đã không mất hết vì ma túy như thế này. Vợ tôi cũng đã bỏ đi. Tôi chỉ còn đứa con nhỏ ở cùng với bà nội. Chẳng biết rồi tương lai con tôi sẽ thế nào...”.

Thiếu cảnh giác cũng nghiện

Tiếc nuối, ân hận là cảm giác đeo bám anh Đ.C.H (SN 1969, trú tại TP Hòa Bình) từ nhiều năm nay, khi cuộc sống của anh bị “nàng tiên nâu” kiểm soát. Đ.C.H kể, anh bắt đầu nghề lái xe với chiếc xe tải nhỏ, sau nâng hạng bằng và xin làm lái xe khách. Những năm 1990, nghề tài xế thu nhập cao, Đ.C.H thấy đời thật viên mãn. Vậy mà trong một lần nghỉ sau khi vừa đưa khách đến bến, anh được cậu phụ xe đưa cho điếu thuốc, bảo hút cho tỉnh ngủ. “Hút xong điếu thuốc, tôi thấy tỉnh ngủ thật. Sau đó, cứ khi xe dừng bến là phụ xe lại đưa thuốc cho tôi hút, tôi nghĩ phụ xe nịnh lái xe cũng là thường tình nên không thắc mắc gì. Cho đến lúc, tôi nhận thấy cơn buồn ngủ cứ kéo đến nhiều hơn, phải chủ động xin thuốc phụ xe và nó mới cho tôi hay đó là thuốc có ma túy”.

Biết mình chớm nghiện, Đ.C.H đã quyết tâm xin cơ quan cho nghỉ đi cai nghiện. Lần cai nghiện thứ nhất thành công, Đ.C.H lại được xí nghiệp thông cảm cho quay về lái xe, nhưng chỉ được vài tháng, H. tái nghiện trở lại.

“Tôi đã từng là một lái xe giỏi, được cơ quan tặng bằng khen. Ngày ấy, thông tin về tác hại của ma túy không phổ biến như bây giờ, nên tôi cũng chủ quan... Mà cơ quan tôi cũng không tuyên truyền về vấn đề này bao giờ ” - Đ.C.H cay đắng nói.

Ngoài T.Q.H, Đ.C.H, chúng tôi còn gặp vài học viên ở Trung tâm cũng là tài xế. Họ bị cuốn vào ma túy trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có tiếng nói chung là nghề tài xế có quá nhiều cám dỗ để dính nghiện. Là nghề bay nhảy, thu nhập cao, ít bị cơ quan chủ quản quản lý lại bị môi trường quá nhiều đồng nghiệp nghiện ngập rủ rê. Học viên T.N.L đã ngoài 50 tuổi, và đã có “thâm niên” ra vào các điểm cai nghiện gần chục lần cho biết, hơn 20 năm trước, ông là lái xe của Thuỷ điện sông Đà. Khi cơn lốc ma túy chạm tới thị trấn núi heo hút thì ông vốn là người có thu nhập thuộc hàng khá thời điểm ấy nhanh chóng bị cuốn vào vòng xoáy. “Tôi cai mãi cũng chẳng thành công, bởi tôi chỉ có nghề duy nhất là tài xế, nên cứ ra trại kiếm việc làm được vài ngày lại nhìn thấy có người hút chích, cảm giác thèm thuốc lại xuất hiện và lại tái nghiện. Biết ma túy là “thần chết”, mà bập vào rồi dứt ra không nổi... Giá cơ quan chủ quản quản lý chúng tôi chặt chẽ hơn, thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, đuổi việc các tài xế, phụ xe nghiện… thì chúng tôi cũng tránh được phần nào hiểm họa này…”.

Có khoảng 1/3 học viên tại trung tâm vốn là lái xe, như ở Trung tâm có khoảng 200 học viên thì có gần 60 người vốn là lái xe. Nghề lái xe với những chuyến đi dài, đêm hôm khuya sớm, thường xuyên xa nhà... nên dễ sa ngã vào nghiện ngập, trong khi đó đội ngũ tài xế, phụ xe nhiều người nghiện nên người nọ lôi kéo người kia...”.
Ông Bùi Xuân Thái - Trưởng phòng Dạy nghề tổ chức lao động sản xuất, Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội Hòa Bình
Quỳnh Anh



No comments:

Post a Comment

View My Stats