Saturday, 29 June 2013

DU KHÁCH TRUNG QUỐC : BÒ SỮA HAY ÁC MỘNG ? (Mai Vân - RFI)




Mai Vân   -  RFI
Thứ bảy 29 Tháng Sáu 2013

Tháng 5/2013 vừa qua, một thiếu niên Trung Quốc đã phá hoại một bức phù điêu tại ngôi đền cổ Luxor tại Ai Cập. Thủ phạm mới 15 tuổi này đã khắc tên mình trên một bức điêu khắc cổ kính, có từ 3000 năm nay. Vụ tai tiếng đã được loan truyền khắp hành tinh, thu hút sự chú ý đến hành vi của du khách Trung Quốc ngày càng đông, mà hầu như nước nào cũng muốn chiêu dụ.
Thái Lan cũng nằm trong danh sách các nước được du khách Trung Quốc "ưa thích" nhất, và dĩ nhiên cũng không tránh khỏi các hành vi vô lối, thiếu văn hóa của các du khách mới này, gây bực tức không chỉ cho người Thái, mà cả người nước ngoài ở Thái Lan. RFI đặt một số câu hỏi cho thông tín viên Arnaud Dubus ở Bangkok. Trước tiên anh mô tả lại những sự kiện thường thấy : 

Nghe (06:19)  :  Thông tín viên Arnaud Dubus   29/06/2013

Arnaud Dubus : Cũng như ở mọi nơi, người Trung Quốc tại Thái Lan đã làm cho người ta chú ý qua những hành vi huyên náo, tùy tiện. Họ thường đi theo từng nhóm, và đặc điểm của họ là hay cản đường cản lối tại những nơi đông người qua lại, nói chuyện rất to, như khi phải tìm đường chẳng hạn, không cần biết là mình đang gây phiền hà, khó chịu cho người chung quanh. 
Phải nói là họ đặc biệt ồn ào và lộ liễu ở những nơi công cộng, như ở khách sạn, sân bay, bến xe ca, thậm chí ngay cả trong các đền chùa. Tại các ngôi đền, họ rõ ràng không hiểu là tại sao họ không thể vào bên trong vì họ mặc quần short, không hiểu được là cách ăn mặc như vậy thiếu tôn kính đối với tôn giáo. Hành vi của các du khách Trung Quốc ngược lại hẳn với cung cách của người Thái Lan, luôn tỏ lòng tôn trọng tự nhiên đối với người khác, ngay cả tại các khu vực đô thị. 
Du khách Trung Quốc cũng bị chỉ trích là không biết giữ vệ sinh chung, như không giựt nước sau khi đi vệ sinh… Ngay cả những người Hoa sinh sống tại Thái Lan cũng rất bực mình, xấu hổ trước cách sinh hoạt của đồng hương họ. 

RFI : Ta có thể giải thích ra sao về hiện tượng này ? 
Arnaud Dubus : Trước tiên hết, số lượng du khách Trung Quốc vào Thái Lan đang tăng vọt, dự kiến là có thể lên đến gần 2 triệu người trong năm 2013 này. Riêng trong quý một năm 2013, lượng du khách Trung Quốc đến Thái Lan đã tăng lên gấp đôi so với cùng thời kỳ năm ngoái. Càng có nhiều du khách Trung Quốc như thế, thì người ta càng chú ý đến hành vi, cách cư xử của họ. 
Nguyên nhân thứ hai là người Trung Quốc đi du lịch ngày càng nhiều có nghĩa là họ đã giàu lên, có nhiều tiền của, và qua hành động của họ, dường như họ nghĩ là ‘có tiền mua tiên cũng được’, nếu họ bỏ tiền ra thì họ có thể làm gì cũng xong. Đây quả đúng là hành vi, suy nghĩ của hạng trọc phú, của những người giàu mới. 
Thật ra thì cách hành xử của du khách Trung Quốc ở Thái Lan - hay ở những nước khác – cũng tương tự như cách làm của họ ngay tại xứ họ. Ở đấy, văn hóa Khổng giáo cũng như Phật giáo đã bị chính trị và bị đảng Cộng sản hủy hoại. Cộng thêm vào đấy là sức ép của đà gia tăng dân số và triết lý chạy theo tiêu thụ, chạy theo vật chất có từ thời Đặng Tiểu Bình. 
Tất cả những cái đó gộp lại đã tạo nên một lối sống ích kỷ, chỉ biết quyền lợi riêng mình mà không chú ý gì đến người khác. Ở Trung Quốc, cách cư xử như thế là gần như là bình thường, nhưng khi bị đặt vào một môi trường khác, thì nó trở nên rất chướng mắt. 
Theo một số chuyên gia ngành du lịch, những người Trung Quốc trên 50 tuổi và thuộc diện ít học thức nhất, thường là những người có hành vi tệ hại nhất. Có thể xem họ là con cháu của Mao. Phần đông không nói tiếng Anh và không biết gì về phong tục tập quán các nước mà họ đến tham quan. Ngay cả nhiều người có ăn, có học, nhưng cách cư xử cũng rất thiếu lịch sự. 

RFI : Chính quyền Trung Quốc phản ứng như thế nào trước những lời chỉ trích nhắm vào du khách của họ ? 
Arnaud Dubus : Sự kiện ở Luxor (Ai Cập) dường như đã khơi dậy một ý thức nho nhỏ về vấn đề này. Thiếu niên là thủ phạm đã vẽ lên bức phù điêu cổ kính đã bị chỉ trích khá dữ dội trên các mạng xã hội Trung Quốc. Trong giới phụ trách ngành du lịch chẳng hạn, người ta đã thấy được là thái độ của du khách Trung Quốc đã có hậu quả không hay trên hình ảnh Trung Quốc nói chung. 
Chẳng hạn như tại viện bảo tàng Louvre ở Paris, người ta thấy những tấm bảng viết bằng tiếng Hoa, và chỉ có bằng tiếng Hoa mà thôi, yêu cầu du khách không tiểu tiện hay đại tiện trong các hành lang của viện bảo tàng. 
Chính quyền Trung Quốc cũng bắt đầu quan tâm đến vấn đề này. Phó thủ tướng Uông Dương vừa qua đã kêu gọi du khách của minh là phải tôn trọng tín ngưỡng và phong tục tập quán các nước mà họ đến tham quan. Một đạo luật cũng đã được thông qua vào tháng Tư 2013, cho phép các công ty du lịch phạt vạ những du khách vi phạm điều mà đạo luật gọi là "đạo đức xã hội".

RFI : Cảm ơn Thông tín viên Arnaud Dubus đã tham gia vào chương trình hôm nay.



No comments:

Post a Comment

View My Stats