Saturday, 29 June 2013

CÁI GIÁ CỦA SỰ ỦNG HỘ VỘI VÃ ! (Vũ Ánh)




Vũ Ánh
Friday, June 28, 2013 1:56:22 PM

Khi viết sổ tay về những chuyện tù đày của những nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam, tôi có một thói quen là thận trọng và đặt ra những câu hỏi cũng như đối chiếu so sánh chế độ lao tù hiện nay với chế độ lao tù cách đây 25 năm.

Lần trước, tôi có trình bày một số chi tiết quan trọng về chế độ lao tù đối với các tù cải tạo cách đây ba thập niên, có một vài độc giả phản ứng thiếu lịch sự đối với tôi và cho rằng tôi gièm pha cuộc tranh đấu của ông Cù Huy Hà Vũ, nhưng thực tâm tôi không có ý định ấy và không giận bởi vì rõ ràng là họ không có căn cứ để trách cứ tôi. Có thể nói thế giới của nhà tù cộng sản là một xã hội ngoài đời thu nhỏ lại trong đó đầy rẫy những bất công, có những tù nhân sống bằng những ưu quyền trong khi nhiều tù nhân khác bị đì xuống tận đất đen!

So sánh các cuộc tranh đấu ủng hộ ông Cù Huy Hà Vũ và các nhà bất đồng chính kiến khác như hai blogger Ðiếu Cày và Tạ Phong Tần, hai sinh viên Ðinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên, tôi thấy “mức độ nhiệt tình ủng hộ” của người Việt hải ngoại đã khác nhau rồi, nói chi đến nhà tù cộng sản ở bên kia bờ Thái Bình Dương xa tít.

Cứ nhìn ông Ðiếu Cày và bà Tạ Phong Tần để đối chiếu với cảnh ông Cù Huy Hà Vũ ra tòa thì đủ thấy ở chế độ nào cũng vậy, “con ông cháu cha” vẫn là con ông cháu cha. Ngày Ðiếu Cày ra trước tòa, nhìn trên màn hình thấy tóc anh cắt ngắn, hai má hóp lại, đôi mắt trũng sâu nhưng lạnh căm như nét mặt của anh, tôi có ý nghĩ khác với ý nghĩ khi nhìn Cù Huy Hà Vũ đứng trước vành móng ngựa. Do linh tính? Do định kiến của tôi hay cảm tình riêng?

Tất cả các nguyên nhân vừa kể đều không đúng. Các nhân vật bất đồng chính kiến tại Việt Nam dù gì đi nữa thì họ vẫn còn một giới hạn trong quan điểm chính trị. Không thể bảo họ phải cầm cờ VNCH để hô khẩu hiệu đòi nhân quyền hay khiếu kiện dân oan, thậm chí chống Trung Quốc. Những nhà vận động ở hải ngoại nối kết các hoạt động tranh đấu nhân quyền hay dân chủ cũng không thần thánh gì mà bảo những nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam phải vất hình ảnh Hồ Chí Minh hay cái cờ đỏ sao vàng vào sọt rác. Nói gì thì nói, giữa các nhà tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ ở hải ngoại, đặc biệt là Hoa Kỳ, và những nhà bất đồng chính kiến trong nước, vẫn còn có một bức tường vô hình tạo ra do cả hai lá cờ. Cho nên, tôi nghĩ người nào của cả hai bên cũng phải có tấm lòng cởi mở lắm, phải yêu dân tộc lắm, thì mới có thể tạm gạt bỏ được vấn đề màu cờ sang một bên để cùng nhau ngồi lại bàn chuyện nước non.

Trong bối cảnh này, chuyện “vì nhau,” “có nhau,” “đồng cam cộng khổ,” cũng trở nên có giới hạn. Cho nên chuyện tin nhau cũng bị giới hạn. Hẳn như trong câu chuyện ông Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực trong tù để phản đối bản án mà ông đang phải thi hành và chế độ lao tù khắt khe mà ông đang phải trải qua, có nhiều điểm do bà vợ ông Vũ là Luật Sư Nguyễn Thị Dương Hà nêu lên khiến tôi hoài nghi. Tôi có thói quen ủng hộ bất cứ nhà bất đồng chính kiến nào tại Việt Nam, vì quan niệm rằng dưới chế độ hà khắc ấy, phải là những người can đảm lắm mới dám tách sang lề trái trong khi phần đông vẫn cứ tiếp tục đi lề phải. Nhưng nếu tranh đấu chống chế độ lao tù hiện nay tại Việt Nam hoặc giả chỉ trong phạm vi “bị đì” trong nhà giam của những tù nhân bất đồng chính kiến lại là chuyện hoàn toàn khác.

Trong một chế độ lao tù mà tù nhân không được cung cấp đủ thực phẩm, nghĩa là lúc nào cũng bị cái đói hành hạ, lại phải lao động nặng, mỡ và bắp thịt tù nhân biến đi rất mau, chỉ trong vòng từ ba đến sáu tháng. Chẳng hạn như chúng tôi, tù cải tạo chúng tôi ở vào giai đoạn của ba thập niên trước, chế độ ăn uống trong trại giam kham khổ, lại không bao giờ có đường, chất đạm, chất béo trong khi một ngày tiêu chuẩn lao động của một tù nhân là một thước khối đất vừa đào và di chuyển đến một nơi có khi đường dài cả ngàn thước, và lại phải làm từ năm này qua năm kia, cho nên người nào cũng trơ xương. Nếu vào lúc đó mà tình trạng dư luận Việt Nam cũng như thế giới bên ngoài như bây giờ, và nếu chúng tôi đứng ra tranh đấu, tôi nghĩ cán bộ trại giam chắc không bao giờ để cho đài VTV quay lén chúng tôi như họ đã quay lén ông Cù Huy Hà Vũ. Nhưng nếu giả sử như họ có quay lén chúng tôi sinh hoạt trong tù và phổ biến trên đài truyền hình thì không những chúng tôi không kiện họ vì quyền riêng tư mà còn cảm ơn họ đã cho thế giới bên ngoài biết cảnh tù đày của chúng tôi như thế nào.

Bằng chứng là trong cả một giai đoạn thê thảm của những năm lưu đày của các tù cải tạo trước đây có hình ảnh nào lọt ra ngoài đâu? Tôi hoài nghi rằng, thời còn là thanh niên sinh viên sống trong sự thịnh vượng và quyền lực của gia đình ông, chắc ông Cù Huy Hà Vũ không biết một tí gì về thân phận của những cựu sĩ quan, công chức, chính trị gia, những người không ủng hộ chế độ Cộng Sản trong các nhà tù của một chế độ trong đó ông thân sinh của ông là nhà thơ Cù Huy Cận đã góp công xây dựng lên.

Cho nên trong vụ tuyệt thực vừa rồi ông đã để lộ ra những khuyết điểm khiến cho các đối thủ đang cầm quyền khai thác dễ dàng. Không biết Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ có biết rằng trước đây, những tù cải tạo như chúng tôi, mà ăn nói theo kiểu của ông chắc chắn chúng tôi sẽ “bóc” từ 20 đến 25 cuốn lịch và có khi còn chung thân khổ sai. Vậy thì so với thời kỳ trước, cái án 7 năm của ông chỉ là một giấc ngủ trưa. Vả lại, đã là tù chính trị chống chế độ hay tù nhân lương tâm, không ai lại đi tranh đấu đòi gặp vợ thường xuyên hơn với thời gian lâu hơn, cho thăm nuôi nhiều hơn, dù người nào thì cũng có ân tình gia đình sâu nặng.

Tôi kể lại cho các độc giả nào chưa từng trải qua giai đoạn lao cải ở trong các trại tù dưới chế độ Cộng Sản một câu chuyện. Tại những trại mà tôi đi qua, ban quản trại thường cho thiết lập một dãy nhà để tiếp những thân nhân đến gặp mặt tù cải tạo. Bên cạnh đó còn một dãy nhà khác gọi là “Nhà Hạnh Phúc,” trong đó họ ngăn ra từng phòng để cho những tù cải tạo ngủ đêm với gia đình vợ con với những hạn định như sau: 24 tiếng, 48 tiếng, 72 tiếng. Có những ngoại lệ ở với gia đình trên 72 tiếng. Nhưng đây chỉ là ưu quyền dành cho một số rất nhỏ tù cải tạo. Tù cải tạo bình thường, hiền lành, không có thái độ chống đối để bị ghi sổ đen cũng không được hưởng chế độ ưu đãi ấy.

Mà khi cộng sản đã cho ưu quyền thì không phải là cho không hay tự nhiên mà họ cho. Cái giá của những ưu quyền ấy là những điều tiếng liên quan đến nhân cách của người tù cải tạo. Phần đông anh em chúng tôi gạt bỏ những ưu quyền đó, chỉ có một số rất nhỏ chạy theo cái “hơn” so với những anh em khác mà thôi.

Tôi không rõ chế độ lao tù tại Việt Nam hiện nay có đổi khác nhiều không, nhưng qua những chi tiết về cuộc tuyệt thực của ông Cù Huy Hà Vũ, tôi tin là chế độ lao tù cộng sản vẫn có cách thức đối xử riêng biệt và hà khắc cho từng cá nhân bị ghi vào sổ đen hay những tù nhân bị coi là “không thể cải tạo được.” Nhưng vấn đề đặt ra là liệu tù nhân đặc biệt Cù Huy Hà Vũ hưởng chế độ như các tù nhân khác hay là quả thực ông đã có ưu quyền từ khi ngồi tù, nhưng nay ông đòi hơn thế nữa? Thú thực, rời bỏ quê hương cũ đã 21 năm, chưa một lần nào về lại Việt Nam, tôi không biết thực chất của chế độ lao tù tại đây hiện nay như thế nào, chẳng hạn như người tù ở các trại lao cải được cung cấp bao nhiêu gram cơm một ngày, thức ăn gồm có những gì hay chỉ nước muối mặn quanh năm suốt tháng như trước đây, hoặc thiếu chất đạm đến nỗi ra ngoài lao động bắt được con gì “nhúc nhích” là nướng ăn, rau dại ngoài rừng không kịp mọc, báo chí trong nước thì kín như bưng, các đài quốc tế tiếng Việt cũng chỉ nói sơ sài, thiếu thông tin chính xác để phán đoán.

Nhưng kịp đến khi đài VTV cho phát phóng sự đặc biệt về nếp sống của ông Cù Huy Hà Vũ trong tù hiện nay, tôi vẫn ngả về chiều hướng cho rằng đây là kịch bản được Hà Nội dựng lên để “bôi đen” ông Vũ, dù thể hình mập mạp của ông, cảnh ông ôm bà Dương Hà trong vòng tay khi được gặp mặt, cái dáng vẻ thong dong của ông trong sinh hoạt tại buồng giam cho thấy đây không phải là hậu quả của một người tù bị “đì,” bị đối xử tệ. Nó làm tôi nhớ lại lần tôi được gặp mặt mẹ tôi đúng 15 phút tại trại cải tạo Z-30A Xuân Lộc cuối năm 1987, trại cuối cùng trước khi tôi được thả, sau 12 năm không được phép thăm gặp hay nhận quà. Ðứa con trai lúc tôi vào trại cải tạo mới 6 tuổi lúc ấy đã thành một thanh niên 18 tuổi. Nó ngồi cạnh bà nội. Hai bà cháu nhìn cái thân thể chỉ còn là bộ xương biết đi của tôi, rồi khóc không nói được một lời nào. Khi chia tay, mẹ tôi chỉ kịp hỏi: “Con có bệnh tật gì không, mẹ đoán thế nào con cũng bị phù nên có làm một bịch cám rang trộn đường, gừng. Chịu khó ăn ngày vài muỗng lớn, uống nước nhiều vào, tiểu ra là hết phù.” Tôi mô tả sơ sơ cảnh gặp mặt mẹ và con trai của một người tù bị “đì” như tôi với hy vọng bà Dương Hà sẽ vơi bớt đi nỗi khổ vì tôi cho rằng so với mẹ tôi, bà còn may mắn hơn nhiều.

Tuy nhiên, vào ngày Chủ Nhật, 23 Tháng Sáu, bà Dương Hà lại tuyên bố với đài BBC rằng bà hoàn toàn nhất trí với ý kiến của các luật sư đồng nghiệp, trong đó có Luật Sư Nguyễn Văn Ðài, cho rằng ông Vũ có cơ sở để khởi kiện cuốn video clip của VTV loan tải hôm 15 Tháng Sáu với lý do clip này đã bôi nhọ ông và xâm phạm quyền được bảo vệ hình ảnh cá nhân của ông trước công chúng. Bà Dương Hà nói: “Cái việc họ đưa ti-vi vào quay trộm ông Vũ thì rõ ràng đấy là vi phạm pháp luật rồi, không còn phải bàn cãi gì nữa...” và bà khẳng định: “Những thước phim quay trộm không bao giờ là chính danh cả.” Chuyện chính danh hay không chính danh trong xã hội cộng sản đúng là không còn cần phải bàn cãi gì nữa cả. Nhưng tôi không nghĩ là họ quay trộm khi đài VTV và trưởng trại giam Yên Ðịnh đã đồng lõa với nhau để làm chuyện này. Cái khó khăn của bà Dương Hà là lúc đầu chính bà và những nhà tranh đấu ủng hộ chồng bà cũng đã nhất quyết cho rằng các video clip mà đài VTV phổ biến là “dựng đứng,” là “dàn cảnh” để nói xấu ông Cù Huy Hà Vũ. Nhưng nay bà lại xác nhận là những thước băng hình đó là “quay trộm,” hay “quay lén.” Cho nên một vấn đề được đặt ra: cảnh quay trộm là cảnh thật hay cảnh dàn dựng?

Nếu cảnh do dàn dựng thì đâu cần quay lén? Người ta chỉ quay lén một cảnh thật chứ không ai lại đi quay lén cảnh dàn dựng. Cứ giả dụ rằng cảnh quay còn bị cắt xẻo, rồi ráp nối với các không gian khác nhau, nhưng sức khỏe và hình ảnh mập mạp của ông Vũ không phù hợp với một người bị xử tệ đến nỗi phải tuyệt thực vô hạn định. Và cảnh sống được cho ưu đãi trong tù của ông Cù Huy Hà Vũ liệu có phải là sự thật không?

Tôi nói thẳng ra rằng nếu chuyện tuyệt thực trong tù chỉ liên quan tới ông Vũ và gia đình ông với cường quyền Hà Nội, tôi không có ý kiến. Nhưng đàng này câu chuyện trở lên vang dội vì có các cuộc tuyệt thực của người Việt hải ngoại và các tổ chức nhân quyền nhảy vào ủng hộ ông Cù Huy Hà Vũ. Giữa lúc đó, lời tuyên bố của bà Dương Hà giống như một gáo nước tạt vào một phong trào mới chỉ đang nhen nhúm. Hậu quả của nó là sự tin cậy bị thử thách.

Nó sẽ gây khó khăn cho những nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam trong việc vận động dư luận hải ngoại và người tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam tại hải ngoại cũng khó thúc đẩy đồng hương của họ tham gia vào việc ủng hộ các nhà bất đồng chính kiến trong nước nếu thông tin cứ mờ mờ ảo ảo như vụ ông Cù Huy Hà Vũ.




No comments:

Post a Comment

View My Stats