Sunday, 30 June 2013

VỀ VỤ BẠO ĐỘNG CỦA TÙ NHÂN TRẠI GIAM XUÂN LỘC (X-Cafe)




X-Cafe
Sun, 06/30/2013 - 17:27

Tù nhân ở Xuân Lộc nổi dậy bắt giam giám thị

Nóng! Tiếng nói của các tù nhân nổi dậy từ nhà giam Xuân Lộc mới thu được:

VRNs (30.06.2013) – Sài Gòn – Tù nhân thuộc Phân trại 1, trại giam K 3, Xuân Lộc, nơi đang giam giữ anh Trần Huỳnh Duy Thức vừa bạo loạn toàn phân trại sáng nay, lúc 7-9 sáng.

Nguyên nhân do chính những người tù chuyển thông tin ra ngoài cho biết: anh em tù nhân bị đánh đập, chế độ ăn uống bị cắt xén, v.v… nói chung là nhà tù hà khắc, đến mức không thể chịu được.

Nhà báo Trần Quang Thành cho VRNs biết: “Hiện anh em tù nhân đang giữ làm con tin ông Hồ Phi Thắng là giám thị trại giam K 3, Xuân Lộc ngay phía bên trong phòng giam. Các anh em tù vừa dùng số điện thoại: 0962467908 (tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Cường) để liên lạc ra ngoài. Hiện anh em tù nhân đang làm chủ tình hình bên trong, công an không xâm nhập vào được. Cần sự lên tiếng gấp từ truyền thông hải ngoại để hỗ trợ và tránh bị đàn áp”.

Được biết ngoài tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức, nhạc sĩ Việt Khang cũng đang bị giam tại phân trại này. Trại giam Xuân Lộc (Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp – Bộ Công an) ở xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai).


*
*

Báo "Người Việt "phỏng vấn ông Lê Thăng Long

ĐỒNG NAI (NV) .- Tù nhân trại tù Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, nổi loạn sáng Chủ Nhật 30 tháng 6, 2013. Tin tức sơ khởi được tù nhân gọi ra ngoài cho cựu tù nhân trại này, ông Lê Thăng Long, và ông kể lại với báo Người Việt. 

Ông Lê Thăng Long, 46 tuổi, bị kết án hơn ba năm tù vì bị vu cho tội “âm mưu lật đổ chính quyền” cùng với các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung và Lê Công Định. Ông ra tù ngày 4 tháng 6, 2012 và hiện đang bị quản chế ở Sài Gòn. Dưới đây là các chi tiết tin tức về cuộc nổi loạn được ông thuật lại với báo Người Việt.

Người Việt: Thưa ông, ông có nghe nói gì về vụ tù nhân nổi loạn ở nhà tù Xuân Lộc không?
Lê Thăng Long: Khoảng 11 giờ rưỡi hơn, tôi được thông tin từ trại giam Xuân Lộc, Phân Trại 1 Đồng Nai của anh em tù nhân gọi điện ra thông báo về tình hình là anh em tù nhân Phân Trại 1  đã nổi giận. Họ bắt giam ông giám thị tên là Hồ Phi Thắng và đang làm chủ tình hình trại giam. Tới thời điểm đó thì Công An chưa vào được để giải thoát ông giám thị.
Nguyên nhân là đối xử với anh em tù nhân không tốt, trong đó liên quan tới đánh đập tù nhân, cắt xén các khẩu phần ăn của tù nhân, cũng như là không đáp ứng các nhu cầu chính đáng của tù nhân. Đặc biệt, trong trại giam này có một khu giam giữ tù nhân lương tâm trong đó có các anh Trần Huỳnh Duy Thức, nhạc sĩ Việt Khang, anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và một số tù nhân lương tâm khác.

NV: Ngoài những người ông vừa kể, dường như còn có một số tù nhân lương tâm là các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cũng bị giam ở đây?
LTL: Có một số tù nhân Phật Giáo Hòa Hảo bị giam giữ ở đây. Một số hết hạn tù đã được thả về.

NV: Vụ việc nổi loạn của tù nhân ở Xuân Lộc diễn ra bao giờ, thưa ông?
LTL: Bắt đầu từ 7-8 giờ sáng nay. Đến 11 giờ rưỡi thì anh em trong đó gọi điện ra báo tôi mới được biết.

NV: Theo ông, Phân trại 1 đó có khoảng bao nhiêu người?
LTL:  Tôi đã ở trong Phân Trại 1 đó trước khi ra, có khoảng một ngàn tù nhân. Toàn bộ trại giam Xuân Lộc có 5 phân trại. Một phân trại dành cho nữ, còn 4 phân trại dành cho nam. Mỗi phân trại có khoảng một ngàn tù nhân.

NV: Theo nhận xét của ông từ khi còn ở đó, cách đối xử của ban giám thị nhà tù có tệ hại không?
LTL: Như những gì anh em tù vừa phản ứng, thứ nhất là liên quan tới việc đánh đập tù nhân. Việc này vẫn xảy ra. Khi tôi ở trong đó, có những trường hợp tôi biết và cũng có lên tiếng. Hồi đó có giảm bớt nhưng vẫn còn. Riêng sự đối xử với tù nhân lương tâm vẫn còn rất là khắt khe. 
Chẳng hạn như vừa rồi anh Cù Huy Hà Vũ phản ứng vì không được gặp vợ 24 giờ. Những tù nhân khác thì được gặp và đối với tù nhân lương tâm thì không được gặp chỉ vì không nhận tội. Vấn đề quy định như vậy rất là vô lý. Việc bảo vệ chính kiến của người ta thì không thể đem vào xem xét việc đánh giá người tù ở trong tù có chấp hành nội quy hay không mà không cho người ta gặp gỡ gia đình. Tức là có sự khắc nghiệt đối với tù nhân lương tâm.
Còn đối với các tù nhân hình sự nói chung thì những sự đối xử như đánh đập hay kỷ luật một cách nặng nề, thiếu sự tôn trọng các luật lệ mà nhà nước ban hành, hiện tượng đó vẫn còn phổ biến.

NV:  Ý ông muốn nói luật thì có mà họ áp dụng tùy tiện?
LTL: Tình hình cách đây so với 20 năm thì có đỡ hơn nhưng nó vẫn diễn ra và có phần tinh vi hơn, kể cả chuyện phân biệt các tù nhân có tiền hay không có tiền trong việc xem xét giảm án, đặc xá, nghĩa là vẫn diễn ra rất nhiều.

NV: Xin cảm ơn ông đã dành cho Người Việt cuộc phỏng vấn này!




1 comment:

View My Stats