Saturday 22 June 2013

CHUYỆN 50 NĂM NHÌN LẠI (Lữ Giang)




Được đăng ngày Thứ tư, 30 Tháng 11 -0001 00:00

Sau vụ Thích Quảng Đức (tự thiêu), Phật Giáo Việt Nam tưởng rằng đối kháng theo kiểu đó là thượng sách, nên đã thực hiện thêm 30 vụ dưới thời Việt Nam Cộng Hòa và 22 vụ dưới thời cộng sản, nhưng tất cả đã trở thành tiếng kêu trong sa mạc.

*

Hôm 11/06/2013 vừa qua, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã cho tổ chức một cuộc hội thảo mang tên là “50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam (1963-2013)” tại Khu Du lịch Phương Nam ở Bình Dương.

Hai cơ quan đứng ra tổ chức là Học viện Phật giáo Việt Nam tại Sài Gòn phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Trưởng ban tổ chức là hòa thượng Thích Trí Quảng, người Củ Chi, một đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam, hiện đang giữ 3 chức vụ là phó chủ tịch Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước, trưởng ban trị sự Thành Hội Phật Giáo thành phố Hồ Chí Minh và tổng biên tập báo Giác Ngộ.

Có gần 50 đề tài do những người được giới thiệu là có học vị cao thuyết trình. Tất cả các bài thuyết trình này đã được in lại thành tập, gồm 4 nội dung chính sau đây :

1. Từ phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX đến phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963.

2. Bối cảnh lịch sử, nhân vật, sự kiện, văn học… trong phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam.

3. Ý nghĩa, vai trò và bài học lịch sử từ phong trào đấu tranh chống chế độ Sài Gòn của Phật giáo miền Nam.

4. Con đường đồng hành cùng dân tộc, đạo pháp và chủ nghĩa xã hội của Phật giáo trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam hiện nay.

Năm nay, người sáng lập nhóm Giao Điểm ở hải ngoại là Bùi Hồng Quang không về dự hội thảo. Chỉ có Cao Huy Thuần về đọc một bài tham luận với đề tài vớ vẩn là “Bản chất văn hóa của cuộc đấu tranh Phật giáo trong pháp nạn 1963”. Nhưng để thực hiện công tác “phục vụ cho việc tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta” như Bộ Công An đã giới thiệu, nhóm Giao Điểm có góp phần bằng cách cho phổ biến “Tuyển Tập Chế Độ Ngô Đình Diệm 50 Năm Nhìn Lại 1963 - 2013” gồm đa số là những “đồ cổ giả” được đem ra nhai lại.

Một vài nhận xét tổng quát

Nhìn qua các đề tài được thuyết trình và cung cách tổ chức hội thảo, chúng tôi có 3 nhận xét tổng quát sau đây :

1. Chơi trò cướp công của CIA
Khi cho tổ chức cuộc hội thảo nói trên, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chơi trò đánh lận con đen, mượn đầu heo nói cháo, chôm chỉa credit… của CIA. Qua các tài liệu lịch sử được tiết lộ, ngày nay ai cũng biết biến cố Phật giáo năm 1963 là do Mỹ thực hiện để lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm và đổ quân vào miền Nam. Phật giáo chỉ được sử dụng như một công cụ, xài xong rồi bỏ.

Chính hòa thượng Thích Quảng Độ, tăng thống của Giáo Hội Ấn Quang cũng đã phủ nhận việc Phật giáo lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Trong Thông Tư số 07/VHĐ/VT ngày 17/01/2010 gởi cho các cơ quan truyền thông, hòa thượng đặt câu hỏi : “Từ đêm 20/8 (1963) chính quyền tấn công chùa chiền, bắt bớ Tăng Ni cho đến ngày 2/11/1963 chư Tăng Ni, Phật tử, hàng giáo phẩm lãnh đạo Ủy ban Liên Phái Bảo vệ Phật giáo (tiền thân của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất) còn nằm trong tù, thì làm sao họ có thể là “chủ lực” lật đổ tổng thống Ngô Đình Diệm đưa tới vụ thảm sát ông và bào đệ ông ?”.

Thế mà nay Đảng Cộng Sản Việt Nam và Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước lại cho rằng Phật giáo và Đảng ta là yếu tố đưa đến sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm. Như vậy là họ đã cướp công của CIA.

2. Chỉ viết và nói theo đơn đặt hàng
Những người viết và thuyết trình được giới thiệu là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ, nhưng đọc các bài họ viết chúng ta thấy đều một chiều, nông cạn, phản khoa học và dùng nhiều vọng ngữ để lấp liếm. Điều này cũng dễ hiểu thôi : Khi mục tiêu đã định trước là “Con đường đồng hành cùng dân tộc, đạo pháp và chủ nghĩa xã hội của Phật giáo trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam hiện nay” thì không thể viết khác được. Ngoài ra, sự hiểu biết của các thuyết trình viên rất giới hạn về các hoạt động của “đế quốc Mỹ”, nhất là các thủ đoạn tinh vi của CIA, tại miền Nam Việt Nam nên không thể thấy được mặt trái đàng sau.

Phương pháp viết lại hoàn toàn phản khoa học : Chỉ chọn những tài liệu nào hợp với chủ đích của mình để trích dẫn, mặc dù sai, còn những tài liệu không hợp với chủ đích đều bị bỏ ra ngoài, mặc dù đó là sự thật. Đây cũng là lối viết của nhóm Giao Điểm ở hải ngoại. Một thí dụ cụ thể là bản phúc trình điều tra về vụ Phật giáo năm 1963 của phái đoàn Liên Hiệp Quốc, mặc dầu là một tài liệu lịch sử quan trọng, lại không hề được nhắc đến vì nó hoàn toàn trái với những điều Đảng muốn loan truyền.

Bài thuyết trình được chúng tôi chú ý là bài “Phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam Việt Nam 1963 - Nhìn từ hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Mỹ” (1961-1963) của phó giáo sư tiến sĩ Trương Văn Chung,giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo, nhưng khi đọc chúng tôi lại rất thất vọng. Đây là tài liệu đã được in thành 4 tập rất dày : Tập I (1961), Tập II (1962), Tập III (từ tháng 3 đến tháng 8) và Tập IV (từ tháng 8 đến tháng 12).

Thế mà ông ta đã viết theo kiểu mù sờ voi với kết luận : “Từ những hồ sơ lưu trữ trên có thể nhận thấy cuộc đấu tranh của Phật giáo miền Nam năm 1963. Trước hết là cuộc đấu tranh vì tự do, bình đẳng tôn giáo, chống lại chế độ kỳ thị, bài xích tôn giáo. Sự phát triển của phong trào đấu tranh này tự nhiên, tất yếu trở thành một bộ phận của phong trào yêu nước đấu tranh vì độc lập dân tộc và thống nhất tổ quốc”.

Ý tưởng này rút từ đâu ra vậy ?

3. Biến Phật giáo thành công cụ
Chủ đề phần 4 của cuộc hội thảo được ghi rất rõ : “Con đường đồng hành cùng dân tộc, đạo pháp và chủ nghĩa xã hội của Phật giáo trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam hiện nay”. Trong thực tế, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chính thức biến Phật giáo thành công cụ từ năm 1980 khi hình thành Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước.

Trong bài diễn văn bế mạc cuộc hội thảo, hòa thượng Trí Quảng cho biết : “Như hiện tại, Giáo hội chúng ta có khoảng 4 vạn Tăng Ni, 4 học viện Phật giáo và trên 30 trường trung cấp, Tăng Ni đã được mở mang kiến thức và đang có những đóng góp thiết thực cho xã hội, đất nước. Tôi tin tưởng Phật giáo sẽ còn đóng góp nhiều cho đất nước, dân tộc và sẽ có vị trí xứng đáng trong lòng dân tộc".

Ở trong nước hiện nay có trên 90% tổ chức Phật giáo đã vào quốc doanh, chỉ còn chưa đến 10% đang ở ngoài hay chống lại nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Họ đã phải quay trở lại với Hoa Kỳ và đã bị biến thành con bài thí, mất gần hết các cơ sở hạ tầng và đang bị chia rẽ trầm trọng trong nội bộ. Điều này cho thấy làm công cụ cho Mỹ hay cho cộng sản đều bi thảm.

Làm sáng tỏ lịch sử

Một bài thuyết trình được chúng tôi chú ý nữa là bài Lịch sử Phật giáo Việt Nam trong ngày 11/6/1963 đã bị mạo hóa của cư sĩ Tâm Diệu ở cuối phần thứ hai của tập tài liệu. Tâm Diệu là một biên tập viên của thuvienhoasen.org, có địa chỉ ở đường Moran, Westminster, California. Đây là một cơ quan thông tin Phật giáo đang đi chàng hảng, nữa trong nước nữa ngoài.

Chữ “mạo hóa” mà ông dùng ở đây đồng nghĩa với thuật ngữ “vọng ngữ” trong Phật giáo mà chúng tôi thường nhắc đến. Chữ này phải được trả lại cho phe Phật giáo đấu tranh vì trong suốt 50 năm qua họ không ngừng nghỉ dùng vọng ngữ với hy vọng “hóa giả” những thảm họa mà họ đã đã gây ra cho đất nước và Phật Giáo. Vụ mà ông Tâm Diệu cho là đã bị “mạo hóa” là vụ tự thiêu của hòa thượng Quảng Đức ngày 19/6/1963. Nhưng như chúng tôi đã viết nhiều lần, các tài liệu được công bố cho thấy vụ này do CIA thực hiện và Phật giáo đã bị dùng làm công cụ. Xin tóm lược như sau :

1. Ngọn đuốc của ai ?
Một tài liệu được công bố năm 2000 cho biết William Kohlmann, một nhân viên tình báo Mỹ đang làm việc ở Anh có quen biết với Trần Quang Thuận khi Thuận đang học ở Anh, đã được điều động qua Sài Gòn để làm một biến cố Phật Giáo. Tuy là nhân viên CIA nhưng ông được gởi đến ở cơ quan USAID. Tài liệu nói rõ “Một Phật tử trẻ đã được Kohlmann nuôi dưỡng là một tăng sĩ đã hoàn tục có tên là Trần Quang Thuận” (One young Buddhist Kohlmann had cultivated was a lapsed bronze named Tran Quang Thuận).

Hai người đóng vai trò chính trong việc tổ chức tự thiêu cho hòa thượng Quảng Đức là Trần Quang Thuận và Thích Đức Nghiệp.

Bill Kohlmann kể lại khi mua xăng về đã được khuyến cáo là “phải đổ thêm Diesel vào cho cháy chậm lại” (Mixing equal parts of gasoline and diesel fuel produced a more intense and longer-lasting flame). Ký giả Malcolm Browne của hãng thông tấn AP có nhiệm vụ báo tin cho các ký giả đến đúng lúc để quay phim, chụp hình và gởi đi khắp thế giới. “Ngọn đuốc của CIA” này đã làm chấn động thế giới.

Malcolm Browne là ai ? Frank W. Snepp, trưởng nhóm phân tích chiến lược của CIA tại Sài Gòn, cho biết nhiều ký giả đã được chính phủ Hoa Kỳ sử dụng như Keyes Beech của tờ Chicago Daily News, George McArthur của Los Angeles Times, Robert Shaplen của New Yorker, Bud Merick của U.S. News & World Report và Malcolm Browne của The New York Times (xem How the CIA Manages the Media, trang 27). Theo Frank W. Snepp, Browne đã thi hành công tác giao phó một cách vô tư, không nghi ngờ gì cả. Ông nói thêm : “Chúng tôi thường dùng Browne để chuyển thông điệp cho cộng sản” (xem El Paso Herald Post, ngày 21/11/1977).

Trong vụ hòa thượng Quảng Đức, Malcolm Browne cũng đã hoàn thành công tác một cách hoàn hảo. Ông đã qua đời ngày 27/8/2012 vì bệnh Parkinson.

2. Tự thiêu hay bị thiêu ?
Chuyện Nguyễn Công Hoan rưới xăng và đốt hòa thượng Quảng Đức được tường thuật trong cuốn “Hồi ký trong lòng địch” của Trần Trung Quân. Đó chỉ là một cuốn tiểu thuyết giả tưởng. Các hình ảnh được công bố gần đây cho thấy người rưới xăng lên Hòa Thượng Quảng Đức là một tăng sĩ chứ không phải một cư sĩ. Vậy ai là người đã rưới xăng và châm lửa đốt ? Chúng ta hãy nghe các nhân chứng kể lại.

Thích Đức Nghiệp : “Thầy Chơn Ngữ có trách nhiệm đổ hết xăng từ đầu tới chân Hòa thượng Quảng Đức khi cùng ngồi trên xe Austin để đi tới ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt trước tòa Đại sứ Cao MênTôi đi bên cạnh xe của Hòa thượng. Khi xe ngừng lại Hòa thượng bước xuống, tôi trao tay Hòa thượng bao quẹt và bao diêm để Hòa thượng tự bật lửa thiêu”.

Thích Chơn Ngữ : “Tay trái tôi xách thùng xăng, tay mặt tôi dìu Ngài bước ra xe và mời Ngài ngồi xuống. Ngài ngồi “Kiết Già” tay mặt đặt lên tay trái. Tôi cầm thùng xăng đáng lẽ tưới lên vai Ngài, nhưng vì hốt hoảng lo sợ mật vụ tới nên đã đổ xăng từ đầu Ngài trở xuống. Ngài mở hộp diêm rút 5, 6 que rồi quẹt mạnh. Lửa tức tốc bừng cháy đốt ngay thân xác Ngài như một pho tượng trong khi các tăng ni quỳ xuống vừa khóc vừa niệm : A Di Đà Phật."

Trong cuộc phỏng vấn của thượng toạ Thích Quảng Liên ngày 27/6/1963, Malcolm Browne nói : “Ngay lúc đó, vị hòa thượng rút ra một hộp diêm, quẹt một que và thả nó rơi vào lòng.”

Một tài liệu khác có nói đến vụ thiêu hòa thượng Quảng Đức là bài phỏng vấn nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Thông. Ông Duy Anh phụ trách Cate Nhiếp ảnh (GoNews) ở Sài Gòn cho biết hôm 30/5/2010 ông đã đến thăm đồng nghiệp lão thành Nguyễn Văn Thông tại nhà riêng của ông ở Cư xá Đô thành, Quận 10, thành phố Sài Gòn.

Ông Thông đã nói với ông như sau : “Chiếc xe hơi dừng giữa đường, giả như hư máy, các tăng ni chặn kín các ngả đường…. Sau khi người đẫm ướt xăng, Hòa thượng bật quẹt (đá lửa) do ướt xăng nên không cháy, nên ông nhận cái hộp quẹt khác rồi bật tiếp. Lửa cháy… Tôi chụp và khóc, tay run lên vì thấy nhà sư cao cả quá ! Sau đó, tôi phóng một tấm lớn 50x60cm tặng cho nhà chùa. Năm sau (1964), tôi mới gởi ảnh ấy đi dự thi...".

Ông Nguyễn Văn Thông được nói là một mật vụ của chế độ cũ có nhiệm vụ đi chụp hình các biến cố xẩy ra, tình cờ ông đã có mặt tại đó và chụp được tấm hình hòa thượng Quảng Đức tự thiêu. Năm 1964 ông đã gởi tấm hình này đi dự thi và đoạt Giải Ngân Hài bạc Anh quốc và Huy chương đồng Phần Lan.

Câu chuyện này chưa kiểm chứng được. Nhưng một thắc mắc khác lại được đặt ra. Thích Chơn Ngữ nói : “Ngài mở hộp diêm rút 5, 6 que rồi quẹt mạnh. Lửa tức tốc bừng cháy…”, còn Malcolm Browne bảo “vị hòa thượng rút ra một hộp diêm, quẹt một que và thả nó rơi vào lòng”. Ông Nguyễn Văn Thông lại nói “Hòa thượng bật quẹt (đá lửa) do ướt xăng nên không cháy, nên ông nhận cái hộp quẹt khác rồi bật tiếp. Lửa cháy…”.

Ai đúng ai sai ? Lời Malcolm Browne kể khó tin được vì lúc đó người Hòa thượng ướt đẩm xăng, bao quẹt chắc chắn phải ướt, làm sao ông quẹt được ? Nếu ông Thông nói đúng thì lúc đó ai đã trao hộp quẹt khác cho hòa thượng Quảng Đức ?

Điều đáng ngạc nhiên là lúc đó nhiều máy ảnh đã quay về hòa thượng Quảng Đức, không lẽ không ai chụp được tấm hình ai đang quẹt diêm hay bật lửa ?

Malcolm Browne nói : “Tôi xài khoảng 10 cuộn phim vì chụp luôn tay”. Như vậy không lẽ ông không chụp được tấm hình hòa thượng Quảng Đức đang quẹt lửa sao ? Đa số vẫn tin rằng một người nào đó đã quẹt diêm hay bật lửa để thiêu hòa thượng Quảng Đức chớ không phải chính ông, nên Malcolm Browne đã giấu tấm hình đó đi. Họ tin rằng đây là một vụ bị thiêu chứ không phải tự thiêu.
Nhưng dù tự thiêu hay bị thiêu, hòa thượng Quảng Đức cũng chỉ làm con bài của Mỹ.

3. No One Cares…
Trong bài “The Tragedy of Self Immolation - No One Cares” (Thảm kích tự thiêu - Chẳng ai quan tâm) phổ biến ngày 21/5/2013, ký giả Andrew Lam của New America Media đã tường thuật lại vụ Thích Quảng Đức tự thiêu được ký giả Malcolm Browne truyền đi, gây một biến cố lớn trong chiến tranh Việt Nam và từ ngữ “tự thiêu” (self-immolation) đã trở thành một từ ngữ thông dụng trong tiếng Anh. Nhưng sau đó tự thiêu chỉ còn là một đốm lóe sáng ít được các cơ quan truyền thông đại chúng chú ý. Từ năm 2009 đến nay đã có 117 người Tây Tạng tự thiêu, nhưng những cái chết của họ chẳng gây ảnh bao nhiêu.

Sau vụ Thích Quảng Đức, Phật Giáo Việt Nam tưởng rằng đối kháng theo kiểu đó là thượng sách, nên đã thực hiện thêm 30 vụ dưới thời Việt Nam Cộng Hòa và 22 vụ dưới thời cộng sản, nhưng tất cả đã trở thành tiếng kêu trong sa mạc. Tại sao ?

Câu trả lời rất giản dị : Tại vì ngọn đuốc Thích Quảng Đức là ngọn đuốc CIA, còn các ngọn đuốc khác không có CIA nhúng tay vào nên “No One Cares” !

Rồi sẽ đi về đâu ?

Từ năm 2005 trở lại đây, gần như năm nào nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cũng phát động chiến dịch kỷ niệm “Bố tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân” rất rầm rộ để lôi kéo Phật tử và các tổ chức Phật giáo đứng về phía họ.

Trong cuộc hội thảo ngày 29/5/2005 tại Thiền Viện Vạn Hạnh ở Phú Nhuận, đại tướng Mai Chí Thọ đã tuyên bố : "Sự hy sinh anh dũng của hòa thượng Quảng Đức không phải chỉ là ‘vị pháp thiêu thân’ mà là ‘vị quốc thiêu thân’. Hành động ấy đã biến thành động lực cách mạng, góp phần giải phóng đất nước 12 năm sau đó”.

Chiến dịch này xem ra đã thành công. Không phải chỉ Phật tử và các tổ chức Phật giáo ở trong nước đi theo chính quyền mà một số tổ chức Phật giáo hải ngoại cũng đã “hiệp thông”.

Trong bài “Bản chất văn hóa của cuộc đấu tranh Phật giáo trong Pháp nạn 1963” đọc sau cùng của buổi hội thảo, Cao Huy Thuần đã lặp lại lời bổn sư của ông ta là Thích Trí Quang :  “Phật giáo làm hết sức mình để phụng sự tổ quốc và dân tộc, chống lại những ai lợi dụng tôn giáo để tìm cách thống trị chính quyền và dân chúng, và kêu gọi Phật tử ủng hộ hết lòng các chính sách tốt và chống lại các chính sách xấu : đó là "sức mạnh" mà người ta có thể tìm thấy trong Phật giáo”.

Nhưng khi đọc bài tham luận này, Cao Huy Thuần đang làm công cụ cho những kẻ “lợi dụng tôn giáo để tìm cách thống trị chính quyền và dân chúng”. Nhiều Phật tử và tổ chức Phật giáo khác cũng đang làm công cụ như ông. Liệu rồi đạo pháp và dân tộc sẽ đi về đâu ?

Lữ Giang (20/6/2013)


--------------------------------------------

Jun 3, 2010 - Uploaded by Ian Jones

Mar 27, 2011 - Uploaded by Nicest



No comments:

Post a Comment

View My Stats