Tuesday 4 June 2013

LÒNG TIN CHIẾN LƯỢC (Mai Xuân Dũng)




Mai Xuân Dũng
Posted by adminbasam on June 4th, 2013

Trong lịch sử thế giới, nhiều quốc gia đã bị thiệt hại không thể khắc phục khi họ trở thành nạn nhân chính trị quyền lực, xung đột và chiến tranh. Trong thế giới văn minh ngày nay, Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và các nguyên tắc và chuẩn mực phổ quát phục vụ như giá trị toàn bộ của nhân loại phổ biến mà phải được tôn trọng. Điều này cũng thể hiện điều kiện tiên quyết để xây dựng lòng tin chiến lược.

(Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm thứ Sáu đưa ra một bài phát biểu tại hội nghị Shangri-La, trong đó ông nhấn mạnh vào việc xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương- Cổng thông tin Điện tử Chính phủ).

“Lòng tin chiến lược” là gì?

Từ điển tiếng Việt không có từ này. Nhưng hiểu đại ý có thể: đây là thứ “lòng tin” có kế hoạch, được thiết kế nhằm mục tiêu lâu dài, bao trùm mọi hoạt động có tầm nhà nước. Trong trường hợp cụ thể, người nghe (đọc) bài phát biểu này, cụm từ: xây dựng “lòng tin chiến lược” mang tính đối ngoại.

Khó có thể khẳng định đây là ý tưởng cá nhân ông thủ tướng hay là ý tưởng của nhóm thư ký giúp việc soạn thảo diễn văn cho thủ tướng.

Nếu:
- Ý tưởng là của thủ tướng: ông ấy có thể dùng từ sai bởi “tầm” của thủ tướng rất lớn, rất quan trọng nên mấy chữ “chiến lược” ăn sâu vào não bộ và bị lạm dụng chăng?
- Ý tưởng là của nhóm thư ký giúp việc soạn thảo diễn văn cho thủ tướng: hoặc, họ diễn đạt sai ý thủ tướng (điều này có vẻ khó thuyết phục) hoặc nhóm này muốn tạo ra “đột phá ngôn từ” gây hiệu quả tâm lý do thính giả và dư luận (điều này có vẻ chấp nhận được).

Trên thực tế hiệu ứng do ý nghĩa của cụm từ này gây ra là phản cảm trong dư luận.Từ dùng trong một văn bản nhà nước, nhất là được dùng cho nguyên thủ Quốc gia hoặc cấp tương tự đọc (phát biểu) trong một diễn đàn Quốc tế lớn phải thật chính xác, giản dị, trong sáng không gây ra hiểu lầm (cho người nghe-đọc). Ở đây, cụm từ “lòng tin chiến lược” (strategic trust) rất khiên cưỡng chưa kể là văn hoa một cách vô nguyên tắc.

Về bản chất, Niềm tin có tính hai mặt: Bên trong và Bên ngoài. Niềm tin là một khái niệm trừu tượng được tạo thành bởi các tác động từ bên ngoài thông qua các tri giác và cuối cùng là kết quả của sự phân tích dữ kiện mang tính khách quan khoa học (Bên trong).

Trong việc “trị nước” (bao gồm cả việc Đối Nội và Đối Ngoại), Niềm tin là thứ có giá trị cực kỳ quan trọng (nếu không nói là hàng đầu). Thiếu niềm tin, kế hoạch vạch ra đã thất bại một nửa.

Về đối nội: Niềm tin của đại bộ phận nhân dân đối với đảng còn hay đã mất khỏi nói ai cũng biết.

Về đối ngoại: Đảng cộng sản Việt nam buộc phải “đi dây” với hai nước lớn Mỹ-Trung bởi nhà cầm quyền đang quá yếu không có sức mạnh tổng hòa như trong mấy cuộc kháng chiến vừa qua. Không thể ngả hẳn về phía nào, đảng CS phải đi dây cũng là việc cực chẳng đã. Và vì đi dây, chả nước nào tin Việt nam.

Trong chiến lược xây dựng Niềm tin, bất kỳ đảng phái nào, thể chế nào cũng chỉ có một phương châm duy nhất đúng là xây dựng Niềm tin trong chính nhân dân mình trước mới mong tạo dựng được niềm tin đối với các nước khác.

Hãy xây dựng niềm tin trong nhân dân đi đã, đừng vội xây dựng “niềm tin chiến lược” với các nước láng giềng bởi người ta chẳng khù khờ mà tin lời nói “hoa lá cành đâu”.




No comments:

Post a Comment

View My Stats